31.1.08

    Lettre à Ma Mère

    Dear Mom,

    Hy vọng cuối cùng của con rồi cũng bay trên bầu trời thành phố vào một chiều mùa hạ không có nắng và mây khi chợt thấy mùa xuân cười nhạo chảy tràn qua tuổi trẻ đầy ưu tư vô cớ quanh khu vườn cuộc sống trong mẹ phải chăng là sự nối dài những ước mơ đã cũ như ngày hôm qua mà con muốn một lần níu lại hôn lên đôi mắt dịu dàng xa thẳm nơi khoảnh khắc xanh rêu cất tiếng hát thì thầm giữa bộn bề cũ mới con sẽ nói ngày mai mùa thu bắt đầu nhặt lá đếm lại từng hoài vọng vàng đem cất cho mùa đông nào con con nhóm thành đốm lửa thổi ấm những mong đợi đầu tiên vừa nẩy nụ. Apprendre à tenir mes promesses.

    Yours,

    @#^%K.........................!
    03.2001

    30.1.08

    Lầm

    Sau nghỉnh dậy, trước giật le
    Ngật ngừ nhìn lại ngồi thừ. Í cha.

    Cu Nguyễn Tiêu Điều


    Nhạc sĩ Lam Phương có bài Lầm. Ông lầm (hàng) gì ông nói thẳng:

    Anh đã lầm đưa em sang đây.

    Lý do rõ ràng chính đáng. Ông chỉ không giải thích “đây” là đâu. Đây có phải là những phương trời viễn mộng mà Tô Đông Pha từng với nàng hầu nhí (nhố) dung dăng dung dẻ không? Hay đây là nhà có cửa khoá trái, cầm dơ lên trước mặt lật qua lật lại coi kỹ (cái mác) âm thầm đứt ruột.

    Tô Thùy Yên cũng nhắc chuyện lầm. Nhưng nếu thầy Hai miệt vườn Lam Phương thành khẩn khai báo thì Tô thi sĩ không buồn (hạ hồi) phân giải. Hỏng lẽ ông biết trước bị bất lực? Cái bất lực của thưa thốt hay sao? Đúng ha, giải mấy chi mà phân (minh) được bậu.

    Ngứa cổ hỏi chơi chớ hỏng thấy có gì khó hiểu. Thầy Hai thiệt thà chất phác, ngồi lõng thõng giữa chạc ba, lúc la lúc lắc ăn chôm chôm, xoài, măng cụt…xả láng. Nhứt là món mít Tố Nữ đem mút nhởn nhơ bên bờ con kênh xanh xanh những chiều êm ái, hứng gió sông mát rượi tâm hồn (nhão nhẹt), thời còn lòng dạ nào mà không có sao nói dậy người ơi.

    Họ Tô khác. Bắt chước thiếu nữ Hà thành kín kẽ đẩy (tới) đưa (lui), thiếu tá Gia thành kín gió thâm trầm buông lửng, mặc bầu rượu túi thơ vắt vẻo trên cành suy nghĩ (quài).

    Cũng dễ hiểu luôn. Ông thường qua lại với mấy chú Bắc kỳ nho nhỏ, chủ trương la ó thù ghét đám đông, (ngang) tàng (khí) phách cưỡi tàu há mồm đạp sóng Nam hạ. Nên không những ông lai căn ngôn ngữ, mà nhìn (bản mặt) ông cũng thấp thoáng dáng dấp thư sinh hào hoa, ốm (nhom) đói (lả). Không dám ra gió là phải. Không ra gió được chớ cắc cớ lắm. Nửa đêm ngoài trời tối đen như mực, hứng lên xách động một chùm kiêu hùng (hục):

    Biểu dương – hãy biểu dương cùng tận
    Vinh dự lầm than của kiếp người
    Hy hữu một lần trên trái đất
    Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai

    Không biết trong cái kiếp người (dài đứt hơi) của ông, ông bị lầm bao nhiêu lần và về cái chi (chi) mà phải than. Than xong rồi cảm thấy (hết sức) vinh dự. Ngộ hen.

    Bạc: Lầm nhiều, than quá xá chịu đựng yêu người độ lượng thiên hạ dây dưa. Sao chưa được một lần (sờ mó) vinh dự vậy cà? Dù một lần nhỏ nhoi (nhoi) trong…! Coi bộ khả năng giảo nghiệm đời sống chưa đủ sâu (sắc) để đụng (chạm) tới vinh dự lầm than của kiếp người bí hiểm bá cháy này. Thôi thời thắp tạ:

    Được lời như cỡi cái lồng.


    27.1.08

    Những Sự Kiện Trọng Đại Trong Đời E²

    [i] là một nhân vật hạnh phúc chừng mực. Cao hơn mét bảy ba. Dài mười hai inch chẵn. Ít khi dùng đến gel. Thường để tự nhiên như sau khi tắm. Nói sõi tiếng mẹ đẻ và ưa thích âm nhạc. E² chơi thể thao vào những lúc rảnh rỗi rất tồi. Lau chùi bàn ghế hoặc sắp xếp lại nhà cửa thông thường.

    Từ chỗ E² suy nghĩ cho đến nơi làm việc khá xa. Các đoạn giao thông huyết mạch luôn nghẽn vì xe,
    khói, bụi và rác. Hơn nữa, tiếng ồn cũng gây nhiễu khả năng điều khiển phương tiện trong quá trình di chuyển một mình khi cần. Không phải lúc nào E² cũng đủ thời gian.

    Chưa thấy E² phàn nàn điều gì đáng kể, ngoại trừ những việc rất đáng phải phàn nàn. Thỉnh thoảng E² về nhà lúc 1 giờ sáng và không coi TV. Đời sống có vẻ ổn định. E² ít nói, thân thiện, dễ mến. Người quen không nhiều nhưng mạnh khoẻ. E² đi vài nơi, học đây đó và làm trong các công ty. Quan điểm của E² không rõ rệt. Trang phục thiếu ấn tượng thời trang đang chạy tuy lịch sự.

    E² không thấy được sự khác biệt giữa nơi, chốn, và chỗ đã từng. E² quay lại rất nhiều lần để xác định tình cảm với một. Nhưng E² luôn cảm thấy khó khăn trong vấn đề chọn lựa. Những mức độ luôn luôn bằng nhau trên cùng một băng ghế. E² vẫn vui vẻ hồn nhiên trước, sau và trong suốt quá trình.

    Cách đây 717,32 thứ sáu, E² chợt muốn tách lẻ điều gì đó và biệt hoá để nâng cao nhận thức. Thứ sáu có lẽ là ngày như vậy. Thứ sáu là ngày thích hợp nhất. E² biết chắc chắn. E² quyết định sau ba giây, mười tám sao cân nhắc. E² mua 24 cuốn nhật ký kẻ ngang ở chợ. Thứ sáu đầu tiên E² trang trọng viết vào: “Hôm nay,” và cảm thấy thú vị.

    E² chết không nhằm vào ngày thứ sáu nào cả. Tổng cộng có 717 “Hôm nay,” và vô số đường kẻ. Phần lẻ 32 sau dấu phẩy được cộng thêm bởi chuyên viên giám định pháp y. E² là một người tốt. E² đã đóng góp trung thành cho thời đại E² sống. E² ra đi để lại vô vàn tiếc nuối nhớ thương của người thân, đồng nghiệp, bè bạn...

    E², bao giờ trở lại?

    01.2008



    [i] E² không có nhu cầu được tôn trọng hay nói về. E² chỉ mong quý vị phát âm chuẩn xác. Cảm ơn.

    26.1.08

    Gươm Lạc

    Một cái ao cổ
    Con ếch nhảy vào
    Âm thanh của nước.
    Matsuo Basho


    Giữa lòng Thái Bình Dương xanh biếc, có một đảo quốc gọi là xứ Phù Tang. Nơi tinh thần võ sĩ đạo được truyền tụng đời đời như một báu vật của nghìn năm văn hiến. Và trong muôn vàn truyền tụng đó có câu chuyện về chàng hiệp sĩ thành Edo.

    o0o

    Như mọi hôm, thiền sư Motoki dậy sớm và ra vườn thiền hành. Ông đi nghiêm trang, bình thản qua những lùm cây. Sương mù phủ khắp lối, bồng bềnh ôm quanh cỏ mềm làm đẫm ướt đôi giầy dưới chân. Hương rượu saké đang hâm nóng len nhè nhẹ từ khe giấy rách trên cửa sổ ngôi đền, tỏa ra các phía, thoang thoảng mà dịu ngọt dai dẳng. Trong khoảng không tĩnh mịch lạ thường của buổi sớm, vị thiền sư nghe có tiếng khua động. Tâm hồn ông bình lặng mà lại nao nao khó tả. Sự xốn xáng càng lúc càng tăng trên mỗi bước đi. Ông dừng lại, trầm tư nhìn quanh. Vẫn không thấy gì ngoài sương mỏng bay là là trên đất.
    Thiền sư Motoki ngồi xuống, tĩnh tọa. Mặt trời đã bắt đầu rót những tia nắng ấm đầu tiên lên ngọn sakura[1]. Ông thở nhẹ cho gió theo vào lồng ngực. Thiền sư Motoki chậm rãi đưa mắt khắp vườn, đặt những tia nhìn yêu mến lên từng ngọn cỏ, chồi non. Và rồi ông thấy cạnh giếng nước hình lục bát đôi bàn tay bé nhỏ, đang giơ lên, huơ huơ vẫy gọi. Thiền sư dụi dụi mắt. Ông ngỡ là ảo ảnh của sương sớm. Không phải, rõ ràng là đôi tay mũm mĩm, trắng hồng kia đang mở ra nắm lại liên tục như cố gắng vốc từng vốc hơi nước mờ ảo. Thiền sư Motoki đứng dậy. Lại gần. Ngay trên thềm giếng, trong chiếc kimono phụ nữ quấn xếp vụng về là một cậu bé trai đang quẫy đạp. Ông chìa đôi tay sần sùi vì cuốc đất ra, nắm lấy tay đứa trẻ. Đứa bé nhìn ông mỉm cười. Nụ cười quét sạch mọi âm u, băng giá còn đọng lại quanh vườn. Ông bồng bé lên. Có con suzume[2] vừa bay qua.

    Từ đó, cậu bé ở với thiền sư Motoki. Ông đặt tên cho nó là Shuwa, nghĩa là “nói với bàn tay”. Shuwa lớn lên trong tình thương yêu thầm lặng của người thầy- người cha Motoki.
    Thấm thoát, chàng đã trở thành một thiếu niên cường tráng, khôi ngô. Thiền sư Motoki cũng đã già. Ông không còn ra vườn mỗi sớm nữa. Shuwa thường đốt lửa mỗi khi đông về để sưởi ấm cho thầy. Mọi việc lớn nhỏ, nặng nhọc trong đền chàng đều chu tất.
    Một hôm thầy Motoki gọi Shuwa vào bảo:
    _ Này con, đã đến lúc ta phải chia tay. Con hãy bảo trọng và ngẫm lời ta:

    Vạn vật khởi
    từ tâm
    Tâm biến
    ảo khôn lường
    Dẫu là bụi trầm vương
    Nhớ
    Chỉ là hạt bụi.

    Nói xong, sư nhập thiền viên tịch.
    Nhớ lời thầy lúc còn sống, thường nói: “ Ta muốn tắm mát thân này: Shuwa đem hỏa táng thi thể thầy, lấy tro rải xuống giếng sau vườn.”
    Trong đền giờ vắng ngắt. Đêm, Shuwa không còn nghe tiếng thầy trở mình dậy thắp hương; không còn nghe chuông trầm ngân vang quanh giọng thầy rất ấm trong mỗi buổi lễ chiều. Vậy mà đâu đâu chàng cũng thấy bóng dáng thầy.
    Shuwa buồn. Chàng đóng cửa đền. Một mình một gậy, hướng về phía Edo mà đi. Kinh đô trong trí chàng là một thành phố hoa lệ, lộng lẫy khác thường. Không giống những gì chàng đã trải qua với thầy Motoki. Càng tiến về gần Edo, Shuwa càng thấy nhiều người qua lại. Họ đi lại tất bật, vội vã hồ như không để ý gì đến chung quanh.
    Ở cửa ngõ kinh thành, Shuwa gặp một người kỵ sĩ, đội nón mây rộng vành, đi ngược chiều với chàng, sau lưng đeo một bọc vải to, dài dài trồi chéo qua khỏi vai. Người khách lạ vừa thủng thẳng thúc vào hông ngựa, vừa nghêu ngao:

    Hát lên người cô lữ
    Cho đường bớt quạnh hiu
    Cứ mặc kệ gió chiều
    Thổi tiêu sầu vọng lại
    Dặm đường còn xa mãi
    Hãy thêm một dấu hài
    Cứ mặc kệ ngày mai
    Xóa trôi tàn vết tích.

    Bóng người lữ khách đã khuất mà tiếng hát và dáng dấp khoan thai vẫn để lại trong lòng Shuwa một ấn tượng mạnh mẽ. Cái vẻ tiêu dao quen thuộc này, dường như, chàng đã gặp đâu đó. Chàng lầm lũi bước tiếp. Edo tầm thường hơn Shuwa tưởng. Có điều khác là ở đây thật vui nhộn. Chàng dạo khắp châu thành xem người ta làm đủ các trò lạ lẫm mà chàng chưa từng thấy bao giờ. Người đi đường chốc chốc lại cúi gập xuống. Thỉnh thoảng đám kỵ binh dạt đám đông ra hai bên, lao vút về đâu gấp gáp. Chàng chen vào giữa vòng người đang vây kín một nhóm kỳ khôi. Họ nhảy múa quay cuồng và đám đông kia tán thưởng. Một người trong bọn nhìn chàng từ đầu đến chân rồi gọi ra giữa vòng tròn. Hắn cầm lấy một cây gì như cây sắt bè bè, sáng loáng, múa
    quanh người chàng. Đám đông cười rộ lên. Bất giác, chàng cũng múa theo, nhịp nhàng và uyển chuyển không kém. Đám đông nhìn sững. Người ban nãy bất ngờ chuyển thế tấn công chàng, Shuwa lẹ làng rút cây gậy bên mình đánh trả. Chớp nhoáng, chàng đã đánh ngã người kia. Mọi người vỗ tay rào ràọ Shuwa bước tới đỡ dậy. Anh tự giới thiệu mình là Hiroshi, một trong những danh kiếm thành Edo, nhưng không muốn trở thành samurai cho các lãnh chúa. Suốt ngày chỉ thích dạo quanh thành chọc cười thiên hạ. Anh ta cũng xin lỗi về hành vi mạo phạm khi nãy:

    _ Bạn tên gì?
    _ Shuwa.
    _ Tên nghe hay quá!
    _ Bạn học kiếm thuật với vị thầy nào?
    _ Cái gì ?
    _ Kiếm thuật.
    _ Tôi không biết kiếm thuật là gì.
    _ Là cái bạn múa nãy giờ.
    _ Ồ...vậy hả? Nhưng đây là cây gậy mà.
    _ A ha, điều đó không thành vấn đề.

    o0o

    Shuwa theo Hiroshi khắp hang cùng ngõ hẻm của thành Edo. Chỗ nào có danh kiếm, chỗ đó có Shuwa. Dần dà, chàng đều đánh bại hết các danh thủ thành Edo. Không có ai là không biết đến tên chàng. Không có ai là không biết đến tài nghệ của chàng. Nhưng Shuwa thì chán, giống như một người chơi cờ không đối thủ. Ngán ngẫm sự tung hô, chàng giã từ Hiroshi, lên đường tìm thầy học. Chành hiểu những gì chàng đang làm không phải là thứ “kiếm thuật” đích thực như Hiroshi nói.
    Với cây shinai[3], chànglang thang khắp đất nước. Chàng chỉ dừng lại nơi nào có người đánh bại mình. Và chàng sẽ rời nơi đó khi chinh phục được tay kiếm của họ. Càng về sau, càng khó tìm người chiến thắng mình nên Shuwa làm đủ mọi cách để được đấu kiếm. Có những vị thiền sư - kiếm sĩ kiêu hãnh thường bắt chàng phải tranh luận Phật pháp với họ. Nếu thắng họ, họ sẽ đấu với chàng. Và chàng lúc nào cũng thắng. luôn trong mười năm, Shuwa thất vọng đến cùng cực khi không tìm được một ai hơn mình.
    Một ngày nọ, trên con đường bụi mù của cuộc hành trình tìm đối thủ, Shuwa bỗng gặp lại người hiệp khách hôm nào. Cũng vừa đi vừa hát thảnh thơi:

    Ngại ngùng chi nữa hoa ơi
    Mà không thơm cả đất trời ta đi
    Khẽ van hương đẫm tình si
    Ôm hoa gối ngủ muôn vì sao đêm.

    Shuwa chợt nhớ thầy. Đã mười lăm mùa hoa anh đào trôi qua kể từ khi chàng rời đền Hanadera. Shuwa vượt nghìn dặm về lại thăm đền. Bốn bề vắng lặng. Chàng đến bên miệng giếng, cúi xuống, gọi khẽ: “Thầy ơi...” Vườn cây xào xạc. Trong lòng giếng vọng vang tiếng chàng: “Thầy ơi...thầy ơi...” Mặt nước lung linh chao nhẹ. Shuwa ngồi bệt xuống, ôm thành giếng mát lạnh. Lòng buồn rười rượi. Chàng thẫn thờ ngắt phiến lá gần bên, kề lên miệng thổi. Âm thanh réo rắt, rơi vào miệng giếng, chạm đáy nước rồi vút lên ngọn cây, lan xa khắp núi rừng.
    Thầy Motoki không hề dạy chàng kiếm thuật. Ông chỉ dạy chàng lặng ngắm cánh hạc bay ngang trong ráng chiều đỏ ối. Ông dạy chàng nghe tiếng rì rào lau sậy. Từ ông, Shuwa biết thế nào là những con rắn thẳng đứng mình lên, uống sương đêm; những con trăn cuộn mình ngủ gục trên cành sau một bữa no nê; biết thế nào là cảnh hùng vĩ của những ngày băng giá, tuyết lở trắng cả một sườn núi tím thẫm.
    Thầy Motoki còn dạy Shuwa chuyện trò hay lắng nghe vạn vật. Ông thì thầm với gió, ông rủ rỉ với hoa.
    Shuwa con, người ta có thể làm một bài thơ đẹp từ những con chữ nhỏ bé mà cũng có thể khảm nó thành những lời nguyền.”
    Vào những đêm trăng, ông cùng Shuwa múa điệu múa của muôn thú, lúc nhanh như sóc, lúc êm như báo, lúc lả lướt rập rờn như đàn chim về tổ, lúc hùng dũng đĩnh đạc như chúa sơn lâm. Những điệu múa biến ảo như tâm hồn.

    o0o

    Shuwa lững thững thả những bước vô định. Tiếng khèn lá đã tắt tự bao giờ sao vẫn còn âm vang phía trước, giữa những núi đồi trùng điệp đang vẫy gọi chàng.
    Mùa xuân đến từ những ụn tuyết lan, đang chảy ra thành dòng men theo sườn đồi thoai thoải leo xuống. Shuwa thấy mình lạc vào giữa rừng hoa anh đào. Hàng vạn nụ hoa anh đào đang chúm chím mỉm cười. Gió thổi làm những cành anh đào khẳng khiu rung rinh, lay động. Shuwa hướng tầm mắt qua phía bên kia núi. Đỉnh núi bạc đầu, sừng sững, ngạo nghễ. Bất giác, chàng rùn người xuống tay nắm chặt đốc kiếm, hét thật to:

    _ Ki...ai...ai......

    Tiếng thét tung ra từ lồng ngực vạm vỡ của Shuwa, cuộn bay trong gió, quất vào vách núi. Dội vang thũng lũng. Tiếng đáp trả là những âm thanh rền rĩ, đồng tâm, loang rộng, loang rộng.
    Shuwa hét lần nữa:

    _ Ki..ai...ai…ai...ai...ai................

    Bỗng chàng thấy đất rùng mình dưới chân. Những nụ hoa anh đào bừng tỉnh, thức giấc. Phút chốc, nở bung ra, xoè những cánh hoa tươi thắm. Cả rừng chiều hừng lên, rồi đỏ rực trong nắng vàng sắp tắt.
    Lần thứ ba, Shuwa hét:

    _ Ki...ai…ai...ai...ai...ai...ai...ai...ai...ai...ai...ai.................

    Hoa rụng lả tả. Gió nâng nhẹ từng cánh anh đào lên, cuốn đi. Không gian bạt ngàn hoa bay. Shuwa rút kiếm, chém dạt những bông hoa
    bay về phía chàng. Ánh kiếm phủ kín người chàng loang loáng. Nhưng những cánh anh đào vẫn lừng lững vờn quanh. Hoa chạm vào tay chàng, hôn lên má chàng. Hoa rớt vào tay áo; hoa len vô lồng ngực; hoa cài trên búi tóc chàng. Hoa bay.
    Shuwa cứ đuối dần, đuối dần theo ánh tà đang xuống. Tay chàng vẫn múa liên hồi giữa ngàn hoa chao lượn. Chợt Shuwa khuỵu xuống. Chàng chống kiếm để tựa, gượng đứng lên, rồi lại khuỵu xuống. Thở dốc, Shuwa quỳ khép hai đầu gối sát vào nhau, từ từ ngồi lên bọng chân. Bóng chàng đổ nghiêng theo vệt nắng nhạt nhòa, gẫy khúc.
    Bất động và uy nghiêm, Shuwa thản nhìn vầng mây tím bay ngang qua sau núi, dần khuất lấp mảnh lửa tròn hừng hực nơi cuối chân trời. Chàng rút cây chủy thủ bên hông. Ánh thép sáng ngời. Hai tay chàng duỗi thẳng, nắm chặt chuôi dao. Đâm phập vào bụng. Shuwa kéo lên. Shuwa kéo xuống. Máu trào lênh láng. Dòng máu nóng hổi thấm vào tuyết lạnh, làm chúng tan ra, hòa lẫn vào nhau, uốn quanh co qua những gốc cây. Có một cánh anh đào rơi xuống, đáp nhẹ trên suối máu, ngập ngừng, rồi lững lờ trôi theo dòng chảy.
    Đôi mắt chàng mở to, lung linh, tựa ngắm những vì sao đang mọc phía trời xa. Hehe…

    06.2000.



    [1] cây anh đào

    [2] một loài chim nhỏ phổ biến ở Nhật Bản

    [3] kiếm trúc

    25.1.08

    Mãn Giác Chống Tàu

    Lúc trưa trưa ngồi uống cà phê máy lạnh với sư bác, bỗng đâu sư bác đực người (ra). Bèn hỏi nhỏ:
    _Bạch cụ, giường như ai đi ngang cửa?

    Sư bác gãi gãi (cái đầu của sư bác):
    _ Sai sự tất cả rồi cậu ạ.
    _ Thế nào cơ?
    _ Thì cái bài ấy đấy, cái bài tôi vẫn thú lâu nay nó hỏng.
    _ Video clip Dĩ Vãng của Phương Thanh á?
    _ Không, Cáo Tật Thị Chúng[1].
    _ Sai làm sao à cụ?
    _ Sái ngữ pháp cậu ạ. Ai đời lại nhất chi mai. Nhất mai chi mới đúng phép. Mình đang làm thơ chữ Hán mà lị…
    _ Vậy á cụ. Chả hịu cụ nói gì. Nhưng đọc âm nghe nhóp nhép sướng cụ nhỉ?

    Sư bác xa xăm ừ hử lấy lệ, móc tay nải trả tiền (đô) rồi bảo:
    _ Thôi, tôi về công phu chiều kẻo muộn.

    Đang mặc được nửa cái quần cộc lại bần thần nhớ lời sư bác dạy. Chịu. Sư bác vốn hạng thâm Nho, không nhẽ nói oan, nói sai cho bậc tiền bối khả ái. Chả biết tin ai bây giờ. Mà cứ cho kỳ thực là vậy. Thì vì lẽ gì? Vì niêm luật chăng? Nếu có đổi chéo chéo lại cũng bằng bằng. Chắc có ẩn ý gì đây.

    Đến đêm chợt nghĩ được kế hay, tung chăn gọi ngay dây nói cho sư bác:
    _ Thằng nào đấy?
    _ Bạch cụ, con ạ. Con nghĩ thế này cụ: Đây ắt hẳn di chứng một nghìn năm Bắc thuộc. Nó đè (dân) mình, lột (dân) mình, hiếp (dân) mình. Ví thử bắt buộc mình chơi (kiểu) nó, xài (hàng) nó, mình cũng phải phá (cách) nó cho bõ cụ ạ. Cái này là do nội kết âm thầm sai sử. Giống như hôm nọ cụ đăng tòa thuyết giảng ở Khánh sạn Rù-oan-gia đấy. Xỏ ngọt tí mà cụ.
    _ Thỗi, cậu đừng khéo vẽ vời nhắm chuyện. Sái ngữ pháp thì cứ nhận ngay vào. Đã là thiền sư, lại còn muốn xỏ này xỏ nọ. Phạm giới trọng đấy cậu ạ.

    Nói xong sư bác gác máy cắc cụp.



    [1] Mãn Giác (1052-1096)

    23.1.08

    Anh Có Một Cái Thùng

    Em biết rồi đó: Anh có một cái thùng. Cái thùng của anh, trước hết, là một cái thùng. Mà là thùng đẹp (theo chỗ anh biết). Những lúc ngồi bên em với quá nhiều lẫn lộn, anh vẫn đang nhớ mình có cái thùng. Đi đâu anh cũng mang cái thùng kè kè bên cạnh. Nếu không xách được thùng trên tay thì anh kẹp giữa háng, đội lên đầu, hoặc cõng sau lưng…Cực chẳng đã anh mới bỏ thùng xuống. Có thể là trước mặt, có thể là sau lưng, có thể là bên cạnh. Nhưng kỳ thực anh luôn để mắt canh chừng. Em biết anh nói (những) lúc nào.

    Anh ăn trong thùng, đái trong thùng, khạc nhổ trong thùng. Anh hét vô thùng, gõ nhịp vô thùng, ngáp vô thùng. Rồi những khi không có gì làm, anh lại chơi với cái thùng. Anh lom khom lăn thùng. Anh đứng gác một chân lên thùng. Anh miết môi tự lự sát chỗ mép thùng. Anh trồng chuối trên đáy thùng lật úp. Anh tựa cằm nơi thùng và nheo một mắt lại. Em đã thấy (nhiều) rồi.

    Nói thiệt là cái thùng của anh có móp tí đỉnh. Nhưng hình dáng đại khái vẫn còn nguyên vẹn như thuở ban đầu đẫm máu. Dầu anh để nó nằm sấp, nằm ngửa, nằm nghiêng, nằm chơi vơi rã rời… anh vẫn biết đó là cái thùng (của anh). Đã bao lần anh muốn sắp đặt lại. À, trong anh có rất nhiều dự định. Những hình hài chồng chéo hứa hẹn mới lạ khôn cùng. Nhưng ngoài anh với cái thùng thì không còn gì khác nữa. Chính anh ngắm một lúc ừ hử mơ màng nhận ra. Huống hồ. Lần trước, anh thử đứng im như tượng, tay trái thẳng đơ dơ ngang một góc 90º, cố cầm cái thùng nặng ơi là nặng. Vậy mà em đi ngang, phẩy tay cái rột: Thôi dẹp đi, anh với cái thùng chớ gì! Em cũng chẳng (bao giờ) bị lừa.

    Em, hãy nói cho anh biết: Làm thế nào để sống với một cái thùng?

    23.01.2008

    15.1.08

    Chuyến Tàu Của Tôi

    Cuối cùng thì người đi với tôi suốt quãng đường còn lại là một người đàn bà hết sức nhạt nhẽo. Càng về sau chúng tôi càng không có gì để nói . Chỉ có những khoang tàu trống trải nối dài trước mắt tạo nên một cảm giác sâu hút đến ngộp thở. Người đàn bà gối lên vai tôi ngủ ngon lành, một tay giữ chặt bịch giấy lỉnh kỉnh đồ đạc với hai con gấu bông thò đầu ra, tay kia níu hờ ve áo tôi. Bà ta là ai?

    Con tàu chạy loanh quoanh thành phố suốt ngày suốt đêm không có trạm nào là trạm cuối. Những người khách lên xuống thờ ơ nhìn nhau nơi bậc cửa rồi lặng lẽ tìm một chỗ, ngồi xuống. Sau đó ngó mông lung qua thành cửa kính, hoặc rút một ổ bánh mì ra gặm, hoặc vừa đeo earphones vừa đọc sách dưới ánh sáng đèn lờ nhờ chao đảo.

    oOo

    Tôi tự hỏi những cô gái nhí nhảnh, dễ thương, vui cười hồn nhiên vừa ở xung quanh đây bây giờ đã bỏ đi đâu hết. Có thể họ đã xuống ở một trạm trước. Nhưng còn người thiếu phụ trẻ, xinh đẹp và hiểu biết ngồi cạnh tôi rất lâu cũng biến mất. Chúng tôi đã trò chuyện rất tâm đắc. Trong chiếc áo pull trắng, cổ cao, hai ống tay áo phủ dài xuống tận từng lóng tay, cô đã làm lung linh một khoảng không gian rất nhỏ. Ước chừng chỉ bằng đôi mắt tôi thôi. Chiếc váy ngắn màu xanh đậm chắn ngang đùi tôn trắng thêm đôi chân dài thon thả đang cố khép chặt vì lạnh. Và gió, gió thổi trên vành tai ửng đỏ làm vài cọng tóc mai vén khéo rớt xòa xuống. Những sợi tóc màu nắng tiết lộ thói quen không đội mũ và lúc nào cũng được xõa tung quanh bờ vai tròn trịa. Thật lạ, lúc này cô ta đang ở đâu? Tôi ngờ có một sự đánh tráo trong lúc tôi thiếp đi. Có thể đó là một cách trả thù cho sự thiếu tế nhị của tôi ban nãy. Tôi đã khen cô nhiều lắm, gần như mọi thứ trừ chuyện cái nốt ruồi nhỏ nơi khóe mắt. Tôi đã nói ra ý nghĩ kỳ quặc của mình. Cái nốt ruồi ấy, ngay chỗ ấy đấy thường là cái nốt ruồi của những người quá lãng mạng. Người ta không nên đặt tình yêu một cách đầy tin tưởng vào những người như vậy. Họ bay nhảy lắm. Cô đáp lại lời tôi bằng một cái bĩu môi dè dặt. Tôi ngỡ mình đang nói đùa nhưng hình như cô đã không nghĩ như vậy. Có lẽ cũng vì thế cô đã bỏ đi không chào tạm biệt, ở một khoảnh khắc tôi không thể ý thức được sự ra đi đó. Phải, tôi đã đang ngủ lúc đó.

    Người đàn bà cựa mình:

    _ Ðến chưa anh?

    Tôi im lặng. Ðây là một sự nhầm lẫn không mấy dễ chịu. Và tôi đã chẳng tài nào lần ra được nguồn gốc của sự dây dưa lạ lùng này. Chỉ thấy giữa tôi và bà ta chắc có liên hệ nào đó, dầu không rõ ràng nhưng vẫn thể cảm nhận được. Ngay cả mấy con gấu bông cũng gây cho tôi cảm tưởng thân thuộc. Người đàn bà lại thở đều trên vai.

    Lẽ nào phép lạ đã xảy ra, biến một người phụ nữ trẻ đẹp, dịu dàng, hoạt bát và tươi tắn ngồi cùng tôi sau vài chặng dừng tàu thành một người đàn bà già nua, ủ rũ và mệt mỏi. Không, không thể nào. Có chăng là ác mộng. Vẻ an tâm và cách thức biểu lộ một sự gần gụi vô hạn mỗi khi bà ta xoay mình, tựa vào ngực tôi, vòng tay qua cổ tôi, vẫn trong giấc ngủ, đã làm cho tôi muốn phát hoảng. Không hiểu sức mạnh nào đã níu tôi ngồi im chịu đựng những nhùng nhằng như vậy mà không đứng dậy, gạt phắt bà ta ra và bỏ xuống ở trạm kế tiếp. Tôi nghĩ nếu làm thế thì thật bất nhã. Con tàu rầm rì chạy.

    oOo

    Cái cô gái ấy, cô gái trong chiếc áo cổ lọ cao với đôi mắt đen và hàng mi rậm. Tự dưng tôi nhớ nàng quá đỗi… Nàng duyên dáng cả trong cách thức mân mê cái xắc trên tay, thỉnh thoảng lại cười lên khe khẽ. Cái xắc đó sao mà nhỏ quá. Tôi đoán nó không thể đựng được gì nhiều ngoài giấy tờ tùy thân, một mảnh gương soi, một thỏi son và ít tiền lẻ. Nàng giản dị, đơn sơ và gọn gàng. Nàng không ngổn ngang đồ đạc như người đàn bà này. Không khăn choàng cổ, không áo len. Không giỏ to, giỏ nhỏ. Mộc mạc và tự nhiên, nàng nép sát vào tôi mỗi khi tàu chạy qua những căn hầm tối đen. Ðể sau đó lại thẹn thùng khẽ nhích ra xa. Tôi thở dài. Vẫn biết người đàn bà này không có lỗi; bà ta chỉ hiện diện không đúng chỗ và vào một thời điểm không thích hợp. Nhưng tại sao là với tôi? Mà lại ngay lúc này nữa, sau khi tôi vừa gặp nàng. Không thể ngược lại được ư? Và bà ta đã chiếm chỗ nàng từ bao giờ?

    Tôi không thể không nói rằng mình đang hối hận. Rất nhiều là đằng khác. Tôi đã ngủ quên, thật tai hại. Dĩ nhiên với tôi đó chỉ là lần chợp mắt ngắn ngủi như bao lần khác. Nhưng như vậy cũng đủ thời gian để nàng bỏ đi. Rồi khi tỉnh giấc, tôi bất ngờ thấy có một người đàn bà điềm nhiên ở cạnh, hỏi han và tựa vào như đã thân thiết từ rất lâu. Phép xã giao và sự tế nhị đã khiến tôi ngậm tăm, không nói thẳng vào mặt bà ta:

    _ Thưa bà, chúng ta có quen nhau không nhỉ?

    Sự thể càng lúc càng không chịu nổi. Tôi đã suýt hét toáng lên như vậy khi bà ta, một lần kia thức giấc, đưa tay sờ cằm tôi, cằn nhằn:

    _ Sáng nay lại quên cạo râu rồi.

    Trời ơi, sao bà ta không nghĩ tới chuyện giữ cho mình một chút lòng tự trọng. Những người mới quen nên bày tỏ thiện cảm với nhau lắm, nhưng phải có chừng mức chứ. Chả phải nàng và tôi đã thật thân thiện đó sao. Mọi chi tiết cá nhân từ gia cảnh, nghề nghiệp đến sở thích và thói xấu đều đã đem ra kể cho nhau nghe hết. Nhưng chừng như nàng luôn giữ một kh
    oảng cách nhất định. Tôi cũng vậy. Trong suốt cuộc hành trình, ít ra là cho đến lúc bắt đầu ngủ, tôi chưa từng nghe nàng thốt lên một câu nào tương tự như những câu người đàn bà này vừa nói. Phải chăng tôi đã lọt vào một thế giới khác?

    oOo

    Tàu chạy chậm lại khi vào một khúc quanh. Ánh sáng từ ngoài hắt vào loang loáng chạy trên sàn tàu, leo lên từng hàng ghế trống, băng qua tôi và người đàn bà, vụt biến mất nơi cuối toa. Người đàn bà mắt nhắm mắt mở, thò tay xoa xoa đầu con gấu bông, mỉm cười đầy vẻ hạnh phúc, rồi không ngần ngại dụi vào trong nách tôi ngủ tiếp. Bà ta đang mơ gì nhỉ? Tôi cảm thấy hết sức tò mò!

    Tàu dừng. Ở đầu kia, một người đàn ông trung niên mặt áo bành tô bước lên. Như để dành sự riêng tư cho chúng tôi, ông ta lựa chỗ xa nhất ngồi. Từ quãng ông yên vị đến hàng ghế của tôi là một khoảng đủ cho tiếng tàu chạy át đi mọi cuộc đối thoại. Khốn nỗi, cái cử chỉ lịch thiệp của ông ta thật là thừa thải và mỉa mai nữa. Chúng tôi đã không nói gì với nhau hết. Tàu vẫn đều đều lăn tới.

    Lẽ ra phải nói rằng tàu chạy bỏ lại sau lưng những hè phố, những cột đèn đường, những lùm cây cao thấp, những bóng người im lìm đi… Mọi hôm, tôi đã vẫn thấy thế. Riêng đêm nay, trong tôi chợt nghĩ rằng mọi vật đang hối hả chạy ngược chiều với mình. Chúng lao vùn vụt qua mặt tôi, mỗi lúc một nhanh. Tôi muốn nhắm mắt lại.

    Người đàn ông xuống rồi. Tất cả lại như cũ. Tôi để ý rằng ngay từ lúc ông ta mới bước chân lên cho đến khi chuyển trạm, ông đã không hề lướt qua, dù một lần nhìn xem khuôn mặt người đàn bà đang ngủ trên tay tôi ra sao. Ngay ở điều này, với nàng cũng rất khác. Ban nãy, tàu hãy còn đông đúc, chật ních người đứng chen nhau. Vậy mà ai vượt qua chúng tôi đều ngoái lại, chắc chắn là để ngắm nàng và đôi khi còn ném ánh mắt ganh tị về phía tôi.

    oOo

    Hết phố rồi lại phố. Ngày nào cũng bao nhiêu đó đoạn đường, bao nhiêu đó phút giây. Thuộc lắm. Tôi tự an ủi mình hôm nay là một ngày lạ. Nhiều khi tí chút bức bối cũng cần có để xóa tan sự nhàm chán thường trực. Nhưng tôi vẫn cứ bực: nếu vậy sao không là một chút vui vẻ thú vị với nàng. Tôi có thể sẽ theo nàng xuống ở bất cứ trạm nào. Biết đâu nàng còn đổi ý không về nhà mà nhận lời mời của tôi đến một quán café Pháp nào đó (lạ là tôi linh cảm chuyện này xảy ra rồi). Cố nhiên như vậy thì sẽ có lý hơn nhiều so với ngồi im như phỗng cho một bà cô không quen biết tựa đầu vào ngủ.

    Một trạm nữa. Tôi len lén gỡ tay người đàn bà ra, đặt nhẹ lên thành ghế. Có lẽ bà ta hoàn toàn không hay. Tôi đã đứng như vậy rất lâu để ngắm người đàn bà cùng chung chuyến tàu với mình. Người thiếu phụ ngủ, chỉ là một người thiếu phụ đang ngủ dịu dàng và rất đỗi bình yên, không hoài nghi gì việc tôi vẫn sẽ còn ở cạnh. Bỗng nhiên tôi muốn nói một câu gì đó với bà ta quá. Trong khoảnh khắc toan đánh thức người đàn bà dậy, tôi biết mình không thể chờ được lâu nữa. “Bao giờ đến lượt bà ta xuống nhỉ?”. Chắc rằng, ở một nơi nào sắp tới, khi thức dậy bà ta cũng sẽ ngơ ngác tự hỏi: “Anh ta đâu?”. Viễn ảnh đó khiến tôi hơi áy náy. Nhưng đành vậy. Ðã đến rồi.“Thôi, chào bà. Tôi đi trước nhé.”

    12.2000.

    5.1.08

    Cứ Lấy Của Người Làm Của Mình

    Các ông nhà vặn, nhà thợ, nhạt sỉ là cứ hay lấy của người làm của mình lắm. Ý thức tư hữu thì cao mà kiến thức về các cơ sở pháp lý cho sở hữu chủ thì kém. Thích là tuyên bố thành lập ngay tại cửa. Khơi khơi vậy.

    Đang định tán: “Em biết không?” thì mợ lại mũm mĩm: “Anh đọc thơ HNC đấy à?/ TTT đấy à?/…” Nói chung là tuỳ theo [từng] mợ [một]. Thật ra ông trước là “thấy”. Hơ, chưa thấy làm sao biết? Mà có định thơ thẩn gì đâu, chỉ là muốn tâm sự vô tư lự: “Em biết không, cái thằng khốn lạn ấy…” lại phải ngậm hột thị, nửa cười lịch sử bí hiểm: “Không.”

    To be or not to be thì có gì đâu mà lớn chuyện. Rõ ràng mọi người sinh ra đều bình đẳng, có quyền sống, quyền tự do hỏi và tự do mưu cầu không hỏi, sao lại gán ghép vơ vào là của mình nhỉ? Cứ làm nhau mệt mỏi thế này. Đấy, lại phải mượn câu chữ của nhà đoan (chính) khác, mà câu này thì là chuyện thường ngày ở huyện lắm cơ, vẫn phải trích (dịch!) mới khổ. Nói cho mà biết, nếu tái diễn cái trò kidnap bỏ bị làm con tin không đòi tình chuột thế này mãi chả mấy chốc mà cạn kiệt vốn lúng la lúng liếng. Thằng giàu tha hồ than nghèo kể khổ. Thằng nghèo không xài (sang) không thấy nghèo, nên thánh nhân gọi là “biết cái chân”.

    Chân thì được, nhưng hễ động tay, động mồm là y như rằng chực sẵn vài ả cô hồn, sống chết có đủ, hoặc ngồi chồm hỗm ngay nóc họng, hoặc nhảy xổ từ trong cũi ra mà dụ dỗ, khuyên răn, nài ép, dọa nạt. Tính đã lười, lại yếu bóng vía. Không thế này thì cũng thế khác. Xin em tha lỗi cho anh.

    Hôm kia lơn tơn thế nào, lại gặp một bác Ăn-lỗ-xác-xông-lông-nhông Mác-xít-con-bọ-xịt Ê-gà-tần. Bảo đại khái thế này, tao đang đứng ở trạm xe buýt không có tu huýt, một thằng lại cà khịa hỏi: “Mấy giờ rồi?”. Biết ngay là nó đang hỏi giờ. Thằng khác quay sang cô bé: “Bây giờ là số mấy rồi hỡi em?” Biết ngay là nó đang làm thơ dơ dáng. Vì khẩu khí nó lạ thế kia ấy mà. Ôi, bác Ê-gà-tần, em nghi ngờ cái phán quyết cuối cùng của Chúa này lắm[1]. Có khi đang định móc túi ấy chứ. Chẳng qua là nó uốn éo thân mình lấp lỗ châu mai, hẹn hò chợ đen nháy nhỏ, ác-xí-òm trước, dọn đường ta rộng thênh thang thước tám cho bác bước, nên bác biết thế, bác nghĩ thế, bác vin thế. Dàn cảnh hiện trường, ép cương người vô tội thì vệ tinh định vị nào mà chả nhiễu sóng hả bác? Chỉ thương cho mấy bà mợ bé bỏng chiều quê ngoại, bị [em] “văng” từ sáng đến tối mà không cảm “chương” được.

    Đã nói là càn rỡ, thích lấy của người làm của mình thì đến bác cũng chả có quyền gì mà phạt biểu ý kiến (một cách tách – nghỉ chút đi uống nước – bạch làm hai như vậy), cũng chả cần khẩu khí này nọ làm chi cho nó nhọc. “Because I said so” là xưa rồi Diễm, bây giờ là thời của “Because I told you so.”

    Vì chân mấy cái forward contract đểu (giả) đó mà giờ này em vẫn còn phòng không gối chiếc đấy bác ạ. Đúng là những ám ảnh hủy hoại. Ờ, há miệng mắc quai (đứa nào nói đó?)



    [1] Ai biết, có thể bác đã không đồng ý với bọn Nga ngố.