25.2.08

    Nửa Đêm Đi Đái

    Mười lăm năm. Khoảng thời gian không quá dài , không quá ngắn cho một đời người. Hắn đã trở lại sau vài giấc ngủ trên chiếc Boeing 747 của hãng Hàng không Singapore. Tân Sơn Nhất buổi chiều ngồi đứng cầm bảng khói thuốc mồ hôi bao nhiêu thứ khác trên những chiếc xe đẩy hàng. Không có mưa cho một buổi chiều oi nồng. Chỉ có anh Hai. Phải mầy không? Phải chớ. Lâu quá trời Tư ơi. Ờ, lâu quá trời. Tại sao là thứ Tư? Hắn đâu có anh hay chị nào nữa. Bộ má chạy giặc đẻ rớt người nào ở giữa sao? Có bao giờ hắn thắc mắc. Tư dưng hôm nay lại thắc mắc. Phường mười ba, quận mười. Chú đi ra dùm con, dạ xe con không dám vô trong này đón khách. Cái bịch này luôn hả. Ờ. Á, đụ mẹ cái thằng này. Ðâu có, người quen, xe nhà.

    Con dề hửng con? Lại má rờ. Trời cha mầy, cái đầu cũng còn dẹt lét. Bộ mầy dề thiệt hửng Tư? Dạ. Con! Phù… Anh sợ mầy chịu nóng không nổi, bắt cái máy lạnh trong phòng trong. Rồi. Vô nghỉ đi. Giờ giấc lộn xộn mệt lắm nhang mậy. Ðể đại đồ đạc đó đi.

    Hắn nghĩ: chưa gì đã nhớ Cali. Cũng những buổi chiều

    Lâu quá không thấy anh tới. Anh bận. Vô đây Hương. Lính mới. Ðủ tuổi chưa? Dư rồi đó cha. Em mới làm hả? Mới ở đây thôi. Hắn thấy đau đầu. Hắn hay bị đau đầu bất tử, nhiều khi lại nhằm lúc gay cấn. Anh sao vậy? Ðâu có sao. Bộ B40 của anh có vấn đề hả? B40 là cái gì? Là cái củ chuối đó, cái súng phóng lựu của anh đó. À, không có. Em học ở đâu? Nghe mấy anh kia hay nói vậy, hi. Lạ thiệt, hắn muốn buồn nôn. Mới két thứ nhất thôi. Mới két thứ nhất thôi đó.

    Giường nệm bồng bềnh. Nửa đêm đi đái là trích đoạn cuốn tiểu thuyết chuơng hồi của gia đình hắn. Gia đình à dĩ nhiên chương một không phải là nửa đêm đi đái. Chương một kể cũng lâu rồi, nhiều chuyện lằng nhằng lắm. Nhưng đoạn cao trào là nửa đêm đi đái ở một thành phố ven biển, thấy một đám người tụm năm tụm ba, chưa kịp la đã ăn một thoi vô chấn thủy. Mày mà la tao đạp mày xuống cho cá ăn. Trời ơi, sợ thấy mẹ, la gì. Xém nữa là lộ. Tại cái thằng mắc dịch này. Mẹ, kêu thằng tài công lẹ lên.

    Những hàng lưới mắt cáo. Buổi sáng ngồi lấy hai cái muỗng kẹp dây điện nấu nước. Buổi chiều ngồi lấy hai cái muỗng kẹp dây điện nấu nước. Ðèn tắt cái phụp. Thằng gác trại đi vô chửi rầm rầm tiếng Mã tà Ma ní. Lại buổi chiều, buổi chiều ở đây có nhiều hôm đẹp. Hắn đứng dạng chân ném những hòn sỏi vô bụi cây là la lá la ở trần - tắm biển, ở trần - tắm biển, ở trần - tắm biển, ở trần - tắm biển, ở trần - tắm biển, ở trần - tắm biển What’s your name? Ổng hỏi mày tên gì? Ồ...ồ…

    Thái Bình Dương. Thái Bình Dương xanh thẫm nối Hawaii - Long Beach bằng những tàu đánh cá thỉnh thoảng có máy bay sơn hàng chữ U.S. Coast Guard rà rà trên đầu. Ông già và biển cả không phải là trích đoạn trong cuốn tiểu thuyết. Mà là một giấc mơ không thành của nhân vật chính. Ðúng ra bắt cá kiếm, ăn cá sống, nhưng ngoài ra còn phải quay tời, thu lưỡi. Và cho đến khi lên bờ vì bị dây chão nghiến nát vài ngón tay, chưa có ngày nào hắn thấy mình thực sự là Hemingway.

    Bức tường đã sụp. Hắn biết bức tường đã sụp. Ðông-Tây không còn nữa. Nước Ðức là một. Nhưng sau đó thì Liên bang Xô Viết không là một. Cái điều hắn không biết được là nếu chiến tranh lạnh kết thúc, những kỹ sư hàng không tân binh như hắn đều khó xin việc. Hắn cũng không trẻ trung gì. Nhưng sao? Thung lũng hoa vàng chào đón hắn sau vài năm la lết thêm ở thư viện trường với mạch điện và con chip. Hắn đã thực tế hơn rất nhiều. Ðó là lý do tại sao hắn không hề thành Bill Gates như đã từng làm Hemingway. Nhưng nếu Bill Gates vẫn còn ở lại thì Bill Clinton ra đi, những công ty điện toán hào hùng một thời ra đi. Không còn cuộc cạnh tranh khốc liệt nào nữa, dù là để được thăng chức, nâng lương hay dành quyền bá chủ thị trường. Cái quyết liệt đi rồi. Những hào hứng máu me và trí tuệ cũng cạn rồi. Cạn như cửa biển hoang tàn đầy rác. Với hắn cũng vậy. Với các công ty sống sót cũng vậy. Có cái gì đó không thuận tay, không thuộc về họ. Tất cả đều ngơ ngác chấp nhận những đấu đá lặt vặt để tồn tại. Tồn tại, cái mà hắn thấy là khó. Khó quá chừng.

    Ðụ mẹ, sao không biểu nó chết ở bển luôn. Thôi mà ông. Ba thắt cười quá. Một ông già ốm nhom ốm nhách, chân nam đá chân chiêu, tay quơ loạn cào cào như đang ra sức thoát khỏi anh hắn. Ba nè em. Ủa, ba. Ờ, mới về mậy. Ông già lầm bầm vài câu rồi luồn vô chỗ giữa cái đi-văng và bức tường, ngồi xả dài hai chân, bắt đầu ngáy khò khò. Hắn nhớ có nghe kể rằng ba hắn trong một phiên trực đêm đã bị quân cảnh bắt vì tội chơi hàng. Vô khám ngồi. Chờ ngày ra tòa án binh. Nhưng những người mở cửa trại tạm giam không đeo bông mai nào trên áo hết. Họ gắn sao vàng năm cánh trên cầu vai. Anh về! Ðợi lệnh trình diện chính quyền cách mạng. Sau đó ba hắn đi trình diện chính quyền cách mạng vài năm. Hắn nhìn ra sân. Khoảng sân nhỏ bằng cái ban-công nhỏ. Ba vẫn còn đạp xích lô hả anh Hai? Ờ, nói không chịu nghe! Nghe cái gì mậy? Tao nói hoài sao mậy hổng chịu thủng cái con ráy. Mày có nghe người ta nói không Ðụ mẹ cây bông hồng, mày không lao động, đéo cho mày trổ bông* à hà…Ổng đạp hai bữa, cầm lấy tiền đi nhậu một bữa, biết thế nào anh cũng chuộc. Hơ, ai biểu mày chuộc? Ðụ mẹ, mày hổng chuộc tao mừng hà! Má hắn lấy tay quệt ghèn trên hai con mắt tèm nhem. Thây kệ ổng con. Già sinh tật mà. Hay tắm rửa thay đồ anh chở mày đi lòng vòng chơi. Buổi chiều người ta ra đường chi nhiều vậy? Anh Hai chở vô quán cà phê Thanh Niên đối diện Tao Ðàn. Có bồ chưa mày? Muốn về Nha Trang không, anh hợp đồng xe cho đi? Thôi… chi. À, lại nhà chị mày chơi chút. Sẵn tao giới thiệu luôn. Thưa bác, em con ở bển mới về. Bác. Vậy hở, vô nhà chơi. Em, thằng Tư. Chú..ngồi. Dạ được chị.

    Chị Hai tương lai dáng người thanh mảnh. Hắn độ chị chừng hai chục, vậy chắc trẻ hơn anh Hai khoảng hai con giáp. Chị mặc pijama bằng vải hoa với hai cái túi đàng trước. Chị đi như con mèo. Nhà của chị nằm trong hẻm. Trên tường có treo hai tấm hình Britney Spears. Anh Hai ngồi cạnh chị cười cười. Thôi để anh về đặng má chờ cơm. Chút nữa mà. Thôi. Anh về. Chú về. Em về.

    Bốn giờ sáng. Hắn ngủ không được. Ðiện phòng tắm còn sáng. ngồi thu lu trong góc. dậy chi sớm? hứng nước để sáng đặng xài. Ai quét xào xào ở đằng trước? Người ta dọn hàng. Ai nói rì rầm ở đằng trước? Anh Hai mầy với bạn nó.

    Hắn gặp thằng Sứt anh là anh thằng Sứt em ở vũ trường Majestic. Nó là hàng xóm cũ. Bố nó là bộ đội Trường Sơn phục viên. Sao qua được bên này? Hội cựu chiến binh Mỹ mời sang. Làm chi? Làm nhân chứng. Nó hết sứt nên nó nói rành mạch là anh Hai của hắn mới bị mất một chân. Anh mày nó thồ thuốc lá lậu qua biên giới Tây Ninh, nửa đêm đi đái nên bị mìn con cóc. Như vậy còn có lý. Ðã từng đóng quân ở Cambốt bao nhiêu năm lẽ nào lại không thuộc đường đi nước bước. Cũng nhờ bao nhiêu năm ruồng bố ở chiến trường K., anh hắn mới kiếm được nguồn hàng. Má hắn khỏi muối dưa ra chợ. Hắn khỏi gửi hàng thùng về.

    Phương đó sao? Cô bé tắm mưa chung ngày xưa bây giờ đã là một người đàn bà đẹp. Người đàn bà đẹp hồ hởi đứng giữa giảng đường Ðại học Kỹ Thuật Texas nói về Trịnh Công Sơn về Bob Dylan về Beatles về Sài Gòn 68 về Paris 72 về bao nhiêu thứ khác trên những bến phà lịch sử. Nhớ Tiểu không? Nhớ, đừng bày đặt. Má anh đau. Bởi vậy em mới nhờ người quen nhắn anh lại. Ðau làm sao? Bác rang thuốc súng, bị phỏng mắt. À, rang thuốc súng. Từ ngày anh Hai nghỉ buôn thuốc lá, chuyển qua thu mua phế liệu. Cái nhà biến thành cái kho. Rồi cái kho biến thành nhà lầu. Nhà lầu biến thành nhà lầu lớn. Nhà lầu lớn thành nhà kho lớn. Nửa đêm đi đái, thấy mẻ thuốc còn ướt, tao mới hong, hỏng dè. Hắn tần ngần. Em qua đây lâu không? Em được cái học bổng nghiên cứu sinh của Hội trao đổi văn hóa Việt-Mỹ. Về Việt Nam? Việt Nam: những năm sáu mươi, bảy mươi.

    Cơm trưa xong. Cơm trưa xong rồi anh Hai leo lên đi-văng ngủ. Chị mới tới. Cầm theo xấp thiệp mời và đi lên lầu. Má cũng ở trên lầu. Anh Hai tóc muối tiêu nằm rên ư ử. Tháo nó ra em coi thử. Hắn thấy anh Hai lần hồi cởi chùm dây đang nịt chặt cục gỗ vàng nghệt, cứng ngắt. Hắn thấy chỗ đầu gối bị cụt có ba bốn đường ngang dọc. Hắn thấy thịt chỗ lồi chỗ lõm, lam nham lở nhở. Hắn thấy mình sờ vô chỗ đó.

    Anh Hai ngủ rồi. Hắn đi ra đi vô, ngó cây sứ Thái Lan trần trụi uốn éo trong chậu sành, ngó tụi nhỏ chơi tạt lon la hét ầm ĩ, ngó tấm hình anh Hai chụp hồi Trung học Đệ nhị cấp. Hắn cầm cái chân giả lên soi mói. Hắn ngắm nghía cái màng tang anh Hai. Hắn đập mạnh vô đầu anh Hai. Máu thấm tràn lên trên gối. Anh Hai vẫn nằm im như ngủ, trán lấm tấm mồ hôi.

    Hắn kéo cái ghế bố ra hiên. Nắng đã dịu xuống. Giờ này chắc chị đang viết thiệp trên lầu.

    Hắn nghĩ: chưa gì đã nhớ Cali. Cũng những buổi chiều

    …mùa hạ, 2003.




    * Nhại thơ Nguyễn Đức Sơn

    19.2.08

    Mị Cảm: Những Hình Thức Tự Khám Phá 12X14.6MPSLR


    Không ai mời nhưng [tôi] đến muộn. Mọi người đang vui vẻ (không có vấn đề gì đâu). [Bạn] rót một ly rượu chát sóng sánh. Tôi vốn không ưa quá chén nên cầm lấy lệ. Tay bạn ấm lạ. Bạn mỉm cười và tôi cũng vậy. Chẳng để làm chi cả nhưng rất dễ chịu. Tôi đi lang thang trong ngôi nhà vừa ý của bạn, sờ vào vách tường phẳng và ngắm con kỳ nhông lửa trong lồng kính. Bạn muốn ra ngoài thở một lát. Tôi không có gì để phản đối. Đây là nhà của bạn mà. Khu vườn cũng của bạn. Bầu trời sâu và những vì sao là của riêng bạn luôn nhé. Bạn nhún vai về sự rộng rãi bất ngờ, tuy có vẻ không đúng chỗ, của người khách lạ. Tôi mong đợi vẩn vơ một câu hỏi tinh nghịch. Nhưng bạn là người lịch sự. Ở đây ai cũng vậy thì phải. Họ chưa từng bắt bạn giới thiệu cái lẻ loi bình tĩnh của tôi cho họ. Họ tôn trọng đi qua sự có mặt bằng ánh nhìn thân thiện và đôi môi. Bạn trở lại cũng bất ngờ như lúc quyết định. Thú thật tôi hơi giật mình vì đang mãi ngước cổ.

    Bạn cho tôi xem hình với máy dự phóng. Trắng đen và màu. Tất cả đều liên quan đến bạn. Những nơi bạn từng đi, từng sống, những người bạn từng gặp gỡ, hoặc chưa gặp gỡ, và dĩ nhiên chính bạn nữa. Tôi thấy mình hơi bối rối. Bạn nói như thì thầm vào tai. Bạn chỉ con sông mùa thu nghiêng 32 độ trước lúc rửa chân 5 phút. Ông nội, dì và các em. Khu phức hợp đa dụng trong lòng chảo. Những căn nhà bỏ hoang trên đồi. Mái rạ, ngói, tàu điện ngầm, limestone mặt tiền và núi đá vôi đan xen lẫn lộn. Sơn dương, cần cẩu, chợ phiên, viện bảo tàng, tháp, nắng, que cây, băng tần da rắn ngồi nông giấy bản lề cửa chỏng chơ loa phóng thanh nước bọt mát còi to bè lưỡi cưa giòi nguyên cột chỉ đường rỗng bề bộn khói tương phản nhọn bằng lăng tím sinh nhật lùn khát thông số dây điện đen ngọt lông tháng hai chó chết Monet vỉa hè bay bổng độc cóc cái uyên thâm lầm lì khó hiểu tu huýt song song đứng dọc ngang chân đẹp vô tình vuông góc thò 9h đá một cái chói tai trăn trở cắt bánh mì lén lút mời gọi cây cối thơm ba vòng giọt mưa CD công bố, đô thị cấp 2, những ngôi chùa Khơ Me mái cong, chén mẻ Bát Tràng tinh tế trong ngăn tủ, trước UBND phường Kim Liên, 69 Sương Nguyệt Ánh Q.1, bãi đậu xe công ty của bạn những năm 80…

    Thỉnh thoảng bạn ngập ngừng trước ngưỡng vài nơi thật lâu. Tới lui do dự. Có lẽ tôi đã uống nhiều hơn dự định: Cảm giác /ngột/ngạt/choáng/váng/ chạy nhanh qua tim óc từng đợt thẳng đứng| | | | |. Những tấm hình đập vào mặt tôi, máu từ mũi nhỏ xuống từng giọt. Khăn tay của bạn rất đẹp. Tôi chùi vào vai áo. Những thực tại cắt lát trung thành sắc sảo, không trương phình, không thu nhỏ, trân trân dội thẳng lên vẻ rạng rỡ ngây thơ của bạn. Những mê hoặc lạnh lùng chuyên nghiệp. Bàn tay bạn chìa ngay trước mắt nhưng tôi không tài nào nắm được. Tôi chộp vào khoảng không thanh thản. Tôi chạm vào người đi đường hốt hoảng, nhát cứa, đèn ngủ, bàn chải đánh răng và nước đá. Ngay cả hơi thở nhè nhẹ của bạn, sự kiên nhẫn của bạn. Bạn không có lỗi.

    Tôi đứng dậy rướn về phía màn chiếu, cố tóm lấy những ngón tay mở hờ chờ đợi.

    Rắc!

    Tiếng vọng của khớp xương nháng lên tê dại vỡ tung toé trước khi [tôi] có thể tiếp xúc với da thịt [bạn]. Đằng sau những dịch chuyển theo lớp ở bên ngoài sự tái kiến tạo (có gia tốc) này là cả khối rắn sắt sừng sững không trọng lượng. Bất ngờ tôi muốn thấy mặt người thợ ảnh. Đôi mắt thủng hai lỗ tràn dịch khoan sẵn của tôi đã không bắt được gì ngoài khẩu độ mở: nhạt nhoè, hoa đốm, tán sắc, chao đảo...

    Khuôn mặt. Hãy cho tôi khuôn mặt. Borderies và khuôn mặt.

    02.2008


    15.2.08

    Làm Thế Nào Để Dịch Một Bài Thơ Hay (Tập 2)

    Âm:

    i carry your heart with me
    e.e.cummings


    i carry your heart with me (i carry it in
    my heart) i am never without it (anywhere
    i go you go, my dear; and whatever is done
    by only me is your doing, my darling)
    i fear
    no fate (for you are my fate, my sweet) i want
    no world (for beautiful you are my world, my true)
    and it's you are whatever a moon has always meant
    and whatever a sun will always sing is you

    here is the deepest secret nobody knows
    (here is the root of the root and the bud of the bud
    and the sky of the sky of a tree called life; which grows
    higher than the soul can hope or mind can hide)
    and this is the wonder that's keeping the stars apart

    i carry your heart (i carry it in my heart)


    Nghĩa:

    tui mang trái tim bà bên tui
    í. í.cơmmăng

    (Bản dịch lần thứ mấy có sửa chữa)


    tui mang trái tim bà bên tui (tui khiêng nó trong trái tim mình)

    tui thì không đời nào dám rời nó (hễ tui đi chỗ nào là bà cũng chạy lại liền, bà yêu [quái]; và bất cứ chuyện gì tui làm cũng có phần bà xía vô, bà yêu [tinh])
    tui sợ quá
    không phải định mệnh oan nghiệt (vì bà là định mệnh của tui, ơi ngọt ngào của tui!) tui muốn quá
    không phải thế gian này (vì bà đẹp đẽ là thế gian của tui rồi, ơi sự thật của tui!)
    và chính bà là bất cứ thứ gì mà vầng trăng ám chỉ tới
    và bất cứ điều gì mà vầng thái dương hay ca cẩm cũng là bà luôn

    đây là những bí mật đớn đau sâu kín mà không ai biết cho
    (đây cội nguồn của cội nguồn, nụ búp của nụ búp, trời của trời của cái cây đời-là-vậy;
    mọc cao hơn linh hồn có thể tham lam hy vọng hay tâm địa có thể che dấu)
    và đây cũng chính là điều kỳ diệu đã khiến các vì tinh tú phải sống xa nhau ra

    tui mang trái tim bà bên tui (tui khiêng nó trong trái tim mình)



    ----------------------

    + Mặc dù đã được khuyến thỉnh từ nữ sĩ tiền bối Hồ Xuân Hương, bạn Linh sành điệu vẫn không ngại chết dấn dấn vào con đường dịch:

    Này này chị bảo cho mà biết
    Chỗ ấy hang hùm chớ mó tay

    + Chúc bạn Linh chân cứng whatever mềm nhé.

    5.2.08

    Chúng Ta Là Những Người Bình Thường

    Ừ, thì nói
    Những lóng tay vươn dài bấu thẳng vào khoảng không vô lối
    Và đôi mắt thăm thẳm đục mờ sau gáy
    Lắng nghe tiếng hát trong vắt bốc lên từ lốm đốm nôn oẹ thơm mùi nắng
    Ấm áp nghiêng nghiêng xuyên qua lòng bàn tay tự hỏi
    Làm thế nào để trở thành một người ói mửa chuyên nghiệp?

    Ừ, thì cầm
    Bàn, tủ, quần áo
    Xe, ảnh cũ, bút, và diều khái niệm
    Bụi bặm trung thành ngăn nắp vừa phải chờ đợi
    Đặt chân ngoài đất lạnh
    Giả tưởng, sắp đặt
    Ngày tấp nập mỉm cười lung lạc chạm.

    Ừ, thì biết
    Chúng ta là những người bình thường đi trên nhịp hai bình tĩnh.

    06.02.2008


    4.2.08

    Những Người Điên Năm Cũ

    Tưởng ta nhớ chú lắm sao
    Này cây bông giấy bên rào năm xưa
    Chẳng qua trời đổ cơn mưa
    Thì thương cành mọn đong đưa một mình

    Cao Tần


    1. Mới đây trên RFI Việt ngữ, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng có kể lại chút kỷ niệm cũ với kịch tác gia Lưu Quang Vũ. Sau năm 1975, người đi trên mây vẫn còn ở Sài Gòn bụi và rác. Một hôm đứng trong hiệu sách nhỏ nghe người bên cạnh hỏi chủ tiệm: “Quyển này bao nhiêu ông ạ?” “Tám chục.” “Tôi có sáu chục đồng thôi, được không?” “Không được ông.” Người kia bỏ sách xuống rồi lại cầm lên ra chiều tiếc rẻ. Hồi lâu chàng cũng bỏ đi. Đợi người kia đi khuất, Nguyễn Xuân Hoàng mua quyển sách rồi chạy theo: “Anh ơi, ông kia chịu bán giá sáu chục rồi đó.” Người kia cười: “Thôi, tôi biết ông muốn tặng tôi chứ gì.” Dĩ nhiên anh chàng cuốc bộ vừa mới ngoài Bắc vào hãy còn lơ ngơ hồn Trương Ba da Hàng Thịt không hề điều tra lý lịch Nguyễn Xuân Hoàng, người đã từng có một thời ngồi trên ghế bành ở toà soạn tạp chí Văn (Ngụy) mà tả xung hữu đột. Bằng không chàng đã nhân danh công lý bắt ngay tên biệt kích trên mặt trận văn hoá này. Đồng chí Lưu: cứ cho lấy, không lắm lời. Riêng Nguyễn Xuân Hoàng, ông chưa hân hạnh được làm quen với tôi và chúng ta. Sau này ông mới quen (thấm thía).

    2. Trong kỷ yếu về nhân vật của Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển, mọi người nhắc nhiều chi tiết nho nhỏ với vị thầy trường Bảo hộ (Bưởi). Chuyện thầy thường dựng xe đạp trước cửa lớp, tóc chải brillantine bóng mượt, Âu phục thẳng nếp giản dị chẳng hạn. Phần Nguyễn Hiến Lê, ông chọn kể chuyện cười (có chép lại vắn tắt trong hồi ký). Hồi đó chương trình Pháp thuộc ở ban Cao đẳng Tiểu học có môn Hán văn nhưng dạy sơ sài chiếu lệ. Vì vậy khi thi bằng Thành chung ông rất run. Hôm vấn đáp, Giáo sư Dương Quảng Hàm đang ngồi nói chuyện với cụ Phó bảng Bùi Kỷ thì thấy trò Lê thập thò ngoài cửa. Thầy Hàm ngoắc vô. Cụ Bùi Kỷ bảo trò Lê viết chữ phụng. Tưởng kêu trình bày đại cương triết học sử Trung quốc thì trò Lê điếc, chứ chữ phụng có gì khó. Trò Lê mừng húm nắn nón chơi một chữ rõ to trên bảng xong quay xuống lấm lét dò xét. Thầy Hàm cùng cụ Kỷ đều gật đầu cười rồi cho ra. Xưa cười một cái nát thành người ta. Nay cười một cái phải gò lưng hơn nửa đời người để trả.

    3. Năm bảy năm truớc trên Tạp chí Thơ (số mùa thu 2001), cây gậy làm mưa Đỗ Kh. quyết định không làm thơ cũng chẳng viết ký sự, mà chuyển hẳn sang hát nhạc sến: Chuyện chúng mình. Hồi đó cu còn nhỏ, khoảng 13 hay 14 tuổi gì đó. Đang đứng xớ rớ trước đường bỗng đâu sự thể bất ngờ, xuất hiện nơi góc phố lầy lội một ông mắt kiếng tay cầm trái cam lăm lăm đi tới. Đi ngang chỗ Đỗ Kh., chắc thấy mặt cu cậu tội nghiệp hay sao, ông đưa cho trái cam rồi (không nói không rằng) đi thẳng. Đỗ Kh. đâu biết đó chính là nhạc sĩ hay về lại trong những ngày, nhìn từng hôm nắng ngời, nhìn từng khi mưa bay. Ông nhạc sĩ cũng không ngờ thằng nhỏ sau này sẽ thành thi sĩ và nhất là hay đi chơi ngang ngửa khắp nơi, hết Pháp quốc, rồi Mã Lai, Thái Lan, Nhật Bản…và mới đây là Ma Cao. Đi tới đâu thằng nhỏ làm (thơ) tới đó. Cam Đỗ Kh. nắm trong tay, bóp hay không không nghe ông kể (tiếp).

    4. Nguyễn Đắc Xuân là người Huế, ông thích khơi gợi chuyện xưa. Lần nọ ông lan man chuyện trước khi về hưu có thăm lại những nơi từng sống và đi qua, gặp lại những người cũ của một thời. Ông đến cảm ơn thầy Nguyễn Tri Bật, người đã xin cho ông vào học ở trường Tiểu học Tuệ Quang mặc dù hồi nhỏ ông thất học, không có học bạ lớp Nhất, phải dùng chứng từ (thế vì?) khai sanh trụt đi sáu tuổi mới được i tờ. Thầy Bật nói: “Con cảm ơn thầy là đúng rồi. Nhưng còn thiếu.” “Dạ, thưa thầy, thiếu ai?” “Thầy Nhất Hạnh.” Nguyễn Đắc Xuân chắc đang nghĩ tới Nói Với Tuổi Hai Mươi. Răng mà về viết hồi ký cảm ơn như TS. Phạm Đỗ Chí tề? Chừ không phải. Hồi chiến tranh loạn lạc, con này còn không biết (chắc) con ai, nói chi tới cái học bạ nên thầy Nhất Hạnh, lúc đó làm hiệu trưởng trường Tiểu học Tuệ Quang, ký liếp. Nếu không chỉ vài học sinh đủ giấy tờ hợp lệ để được học lên nữa. Nguyễn Đắc Xuân khai thiệt ông thấy cái học bạ đó có một lần rồi đem nộp làm hồ sơ đi thi Tiểu học. Thiền sư làm ngơ cho một nhà nghiên cứu văn hóa tương lai được bằng giả, học thật. Thiện tai, thiện tai!

    5. Đang tính kể chuyện bà ngoại lại lên cơn làm biếng. Hehe…Kim nhật bất tri hà xứ khứ, ngoại? How’ve you been?

    Miền Tây Nam bộ, những ngày cuối năm.

    2.2.08

    Mỗi Lần Trở Lại, Một Lần Đi

    Đó là tên tập truyện tôi vừa mới viết. Gồm năm hay mười bút ký ngăn ngắn. Nói chung chính tả sai rất ít ngoại trừ những chỗ lẫn lộn nguyên âm/phụ âm. Đối với một người làm phát hành lâu năm, tôi biết trước là không khả quan. Cố gắng dùng thủ pháp đơn tuyến hoàn toàn thất bại khi cấu trúc song song lộ rõ sự gượng ép. Ngay cả ở bài khá hơn thảy: Mỗi lần trở lại, một lần đi.

    Đại khái chuyện kể về một người đàn bà có chồng. Lớn lên ở nhà quê nhưng sống thành thị. Bà đi đi về về thường giữa hai chỗ đó. Thực ra không có lý do gì chánh đáng hoặc rõ ràng để phải ngược xuôi vậy hoài. Ở quê, hai bên nội/ngoại ba đời đều chết rụng. Còn cái nền đất nện trước hợp tác xã san bằng xây chuồng heo cho mướn, sau dân cư đông đúc lấn dần, người ta chia lô bán, giờ tối ngày xập xình cà phê vọng cổ. Bà bỏ nhà theo trai hồi mười hai tuổi. Hàng xóm lớp bị bom đìa, lựu đạn bắn tỉa, lớp giựt hụi trốn nợ ráo trọi. Đâu còn ai ở đó mà quen mặt đặt tên. Trên thành phố bà buôn thúng bán bưng. Cũng không có chỗ ở nhứt định.

    Quanh năm suốt tháng có mỗi hai câu tâm đầu ý hạp: “Mai mình về dưới quê.”/ “Mốt lên lại rồi.” Nhiều lúc hỏng ai hỏi bả cũng nói. Không những nói bả còn biểu tôi xách nước cho bả tắm. Ác quỷ. Tắm lâu bà cố mà lúc ra cũng nguyên con. Tôi đứng ngoài la lớn: “Ở chi trỏng lâu dị thím?”. “Kệ tao.” Trên thành phố mặc áo bà ba, ở quê bả mặc áo dài. Đi đi lại lại hồi ngồi cái phẹt. Tôi nói: “Hỏng sợ dơ đồ hả thím?” Bả làm thinh tuột dép chọi vô mặt. Thấy tôi né bả cười hì hì: “Tao tưởng mày ngon đứng yên đó chớ.” May bà này không ở đâu lâu. Chớ chịu đời sao thấu.

    Nhằm bữa đứng cà lơ bến xe/dưới ruộng thấy bả ngang qua tôi hỏi cho có chuyện: “Mỗi lần đi, một lần trở lại nghe giống thơ hông thím?”

    Mả cha mày hỏng có chuyện gì làm chắc?

    02.2008