22.8.08

    Suýt Rơi Cả Cặp Mắt Kiếng

    To err is human, to forgive, divine
    Alexander Pope

    Nếu mình làm Tổng biên tập, nghĩa là có quyền biên tập (và coi sóc) tất cả, mình sẽ phải bắt đầu từ chỗ nào? Cô thư ký đang ngồi cạnh?

    “Phê bình đồng chí tác phong không gọn gàng nhé. Thiếu tinh thần cách mạng.”

    Thư ký thì phải thù tiếp (ý kiến) lãnh đạo. Có khi vượt mức chỉ tiêu, đâm ra mình đầu óc không tập trung được. Họp giao ban đành nhắc nhở:

    “Ngắn vừa thôi em.”

    Biết mình đang biên tập cái gì và cái gì cần biên tập sao mà khó. Khó nên khỏi làm hoặc muốn làm sao thì làm được không? Chắc hổng được (xuôi chèo mát mái) đâu.

    Mỗi lần nhớ Mật mã Da Vinci lại thấy vui. Không phải chuyện dịch giả Đỗ Thu Hà có bằng (học vị) tiến sĩ ngôn ngữ học mà chuyện biên tập viên Đặng Thị Huệ hoàn toàn yên tâm về bản dịch của chị Hà. Ngoài những chuyện cười không trọng lượng Thảm họa dịch thuật Trần Tiễn Cao Đăng chủ nhân có chỉ ra hầu rộng đường dịch học, một bạn đọc khác cũng chép nhiều chỗ nhưng thú nhất chỗ này:

    Âm:

    “Stop! I will fire!”
    “Go ahead”

    Nghĩa:

    "Đứng lại! Tôi sẽ bắn!"
    "Hãy bước lên phía trước"

    Một người cảnh cáo người kia, xong người kia nói như rứa. Biên tập viên nếu biết mình đang biên tập một tiểu thuyết trinh thám chứ không phải kịch thể nghiệm, sẽ biết chắc nhân vật vừa đưa ra lời cảnh cáo nên nói gì tiếp theo cho hợp logic hình thức sau khi nghe câu trả lời của nhân vật bị cảnh cáo:

    “Khùng hả mậy?”

    Theo đà đọc xuống mà không thấy vậy, khỏi cần so bản ngôn ngữ gốc, cũng đoán có gì không ổn rồi.

    Người viết, người dịch, tất nhiên phải chịu trách nhiệm (chút ít) với bài viết, bản dịch của mình. Nhưng biên tập viên trong thế giới chuyên môn (hoá) tự động xào đi cóp lại hôm nay không thể chối từ (cái ấy) hoặc nói một câu lấy được: “Xin lỗi, em chỉ là biên tập viên.”

    Đăng hay không đăng, xuất bản hay không xuất bản ở đâu cũng căn cội từ câu hỏi sống còn liên quan mật thiết đến hiện hữu (hoặc do thiểu số công khai định đoạt, hoặc do đa số thầm lặng khước từ). Ở một số nơi, vấn đề chỉ là phạm húy hay không phạm húy? Ở một số nơi khác, có thể có hơn một câu hỏi. Câu hỏi có tính thuần kỹ thuật như chính tả, ngữ pháp, thuộc về hàng thứ yếu (nhưng là bắt buộc tối thiểu).

    Gần gần có bạn Nờ Lờ nhắc Vietimes và Carr. Carr từng đăng một bài trên Harvard Business Review, trong đó chàng so sánh công nghệ thông tin với một số ngành khác đã hoặc đang tàn lụi qua một số chỉ dấu le lói giống nhau bèn kết luận: IT mà can hệ gỉ (ai) đâu? (IT doesn’t matter!)

    Bài này gây nhiều phẫn nộ trong học giới cũng như dân hành nghề mãi võ qua ngày. Đặc biệt có hai cụ to giáo sư Harvard viết một bài chỉ trích HBR (!): “Làm ăn dzậy hả?” Gần như muốn vận động truất phế Tổng biên tập và rõ ràng đe dọa sẽ không thèm cộng tác nữa. Sau đó bổn báo phải đăng một bài phân tích (đỡ cho) lập luận của Carr, theo hướng nó khả thủ, đáng đi mà các bác.

    Chỉ lý luận (bị cho) lôm côm thôi còn vậy, không biết về tính (thiếu) chính xác của sự kiện và góc nhìn khách quan (phóng đãng) của một bài báo sẽ bị hài tội ra sao. Nhiều sao lắm. Lần gần nhất là nhà báo đoạt giải Putlizer Judith Miller viết điếu văn cho Yasser Arafat có nhiều chi tiết cá nhân sai, và điếu văn Jacques Derida của Jonathan Kandell với cái nhìn phi chính diện (not full frontal). Cả hai bài này đều làm New York Times “xớ rớ” một dạo.

    Đoàn Duy Thành nói làm người khó chứ làm biên tập viên thấy khó hơn nhiều. Không thể nào không sai sót nhưng kỹ mà bắt lầm đối tượng cũng phiền không kém. Giả dụ hết sức đơn giản thôi, nếu gửi một truyện ngắn cho biên tập viên trang văn học nào đó, trong đó nhân vật A nói câu nào cũng chấm phẩy đúng đắn TCVN của Cục đo lường chất lượng, nhân vật B không hề bỏ dấu hỏi hay chấm than chi hết ở những nơi cần thiết. Rồi biên tập viên cứ thế tự ý túc tắc tốt bụng thêm vào, không thèm hỏi lại. Chơi vậy là kỳ quá (lắm)!

    Chuyện này chắc lại gợi nhớ các bác về giai thoại hai cha con ông đồ Nho hay chữ xưa mà bạn Quách thường kể (đi kể lại) vào cuối buổi nhậu. Cha thi hoài không đậu, con thẳng tiến tam trường. Đến khi con làm chủ khảo, cha vẫn đi thi (Tới đây đã thấy xuất hiện một vụ án nữ quyền, với đầy đủ các nhân chứng vật chứng, dựa trên khế ước Trăng Sáng Vườn Chè, hê hê – copyright batrieudicay). Tóm lại, chấm thi xong, con về đang uống nước vối ăn trầu bỏm bẻm, cha bèn thập thò ở gian dưới lên hỏi:

    “Kỳ này có bài nào được không mậy?”

    Con thở dài:

    “Có, có một bài được nhắm nhưng sai cả thể phách, câu cú ngô nghê nhắm thầy ạ, đành phải đánh hỏng. Tiếc thật.”

    Cha bảo:

    “Đâu, mày nhớ gì không, đọc tao nghe hử?”

    Con cứ thế ngửa cổ hắng giọng chu mồm đọc một mạch. Đọc chưa được phân nửa ông đồ cha đã xách cái đòn xóc lúa trong nhà vừa phan vừa chửi (cha) cái thằng quan chủ khảo. Hoá ra bài của đồ cha, nhưng chữ Nho không chấm phết rõ ràng. Nghè con (hơi) dài và dai hơn cha, nên lúc hành (cái) sự đọc lên xuống kỳ khu kia, lia chia ngắt sái chỗ, thành ra cả mấy quyển thi nộp vào đầu đuôi cứ là tầm phào khó hiểu. Làm chủ khảo không làm, biên tập bừa bãi tai hại vậy.

    Chuyện tương tự vầy ngày nay cũng không thiếu. Hôm nọ thằng bạn (vong niên) của bác mình nó đọc truyện ngắn của một nhà văn nữ Việt Nam. Đọc tới chỗ chi đó, thấy đắc quá, mạch văn/thơ bị gẫy đột ngột do câu xuống hàng, thụt ra thụt vào. Nó nói cái gì tứ đổi, ngoại hàm đổi, văn cảnh đổi. Nó khen hấp dẫn, nhưng không biết ghi điểm cho ai, nhà văn hay biên tập viên. Cứ phân vân mãi tới giờ.

    Cũng thằng này, bữa trước ông bác dẫn lại nhà nó chơi. Mở DVD ca nhạc ra coi, nghe cô ca sĩ nổi tiếng hát nọ tới chỗ “con tim thì khô máu” của họ Phạm. Nó lầu bầu quá trời. Má nó ngồi sau: Cái thằng hay, sao người ta nhớ hết được? Vậy bác sĩ đâu cần nhớ gì ha, cho thuốc bậy, cắt lộn chỗ à? Bác sĩ khác!

    Tranh cãi kịch liệt. Mình chỉ ngồi cười hiền hoà (cả làng). Ông bác còn đang bận lom lom giương đôi kiếng hai tròng sát màn hình coi các động tác (nhào lộn tim mạch) của cô ca sĩ nên không để ý. May cô này không chã chớt hớt nhả, hát câu trên đúng tiêu chuẩn ba Rờ (trong, tròn, và rõ) của trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội Liên khu 3. Ờ, mà làm ca sĩ hổng làm, biên tập chi dzậy.

    Muốn kỹ cho ra hồn cũng khó nữa. Hôm nọ đọc bài báo trên tờ báo, lớn lắm, bác phóng viên mắng nhặng xì xằng (một bộ phận) thanh thiếu niên tự gây thương tích (self – mutilation) cho mình là theo phong trào, a dua bệnh hoạn (bác nói theo nghĩa của bác). Bác này chắc tối ngày mê mục trả lời thắc mắc bạn đọc của Trưởng Khoa TS Huỳnh Văn Sơn (ĐH Sư Phạm, Viện ĐH Quốc Gia TP.HCM) trên TTOL nên không để ý cái bác đàm luận nó có định nghĩa cụ thể và nằm trong danh mục các bệnh tâm lý (mental disorders) cần điều trị của Hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association) và, dĩ nhiên, ngoài Hoa Kỳ (trừ phi bác theo trường phái Ahmadinejad). Ngoài ra, nghiên cứu, sách vở, phim ảnh, nhạc nhiếc đề cập xa gần (vụ này) bàn phím nào kể xiết.

    Tuy nhiên, biên tập viên đâu phải bác sĩ tâm lý trị liệu, để lọt lưới phải thôi. Huống chi thói quen, kinh nghiệm và kiến thức (ức chế) nó đẩy đẩy mình đi trước. Ví dụ đọc một bài về tâm lý (giáo dục) tuổi mới lớn vừa nhắc Hồ Ngọc…mình đã thấy ngay chữ “Hà”, thậm chí nghe thuận tai mỏi mí. Nhưng các bác thích dạy con nít tám tuổi 1 + 1= 0 lại thấy chữ “Đại”. Không có chữ “Đại” không được. Hay đọc lướt ngang tiêu đề có “Hayek”, vang lên trong đầu mình sẽ là “Salma, Salma, Salma” chứ không thể là “Friedrich, à Freidrich.” Mặc dù viết về hai nhân vật này đều hoàn toàn có thể bàn về “vốn”.

    Đó là giả thiết rút từ huyễn tượng một đường cong cong, nối thêm đường vòng vòng. Còn sau đây là chuyện có thiệt (đọc lén được). Một ông viết bút ký, ông nói nhớ ở quê ăn cơm với dưa hấu cũng ngon. Biên tập thắc mắc quá chừng, “ăn dưa” còn hiểu. Nên biên tập rồi vẫn cẩn thận để chú thích. Độc giả mới trả lời nói: “Có à chú, chỗ tui có ăn vậy.” Xém chút nữa biên tập viên thành thừa tướng. Giỏi như Vương An Thạch cũng đâu biết hết mấy chỗ khuất tất xa xôi. Cùng lắm một hai cái (danh thắng) gọi là cho vui thú ngao du sơn thủy (lạ) chớ thời giờ đâu tìm hiểu kỹ càng.

    Còn như hội Tao Đàn An Nam xưa nay có non vạn bài thơ dở, chỉ mỗi bài Thiếu Nữ Ngủ Ngày thơm tho mát mẻ, bàn qua tán lại, người đời sờ nắn lung tung, bưng lên để xuống không hết mê (mẩn), tự nhiên ngay mấy chỗ hay nhứt lại lòi ra hai cha nội. Mặt mày lơ láo lơ láo như phường ăn trộm. Trộm thiệt chớ bộ. Sương, suối cái gì. Thấy thương mấy thầy khoá làng (phê bình văn học cổ trung đại) chỏng gọng vì cái vó dỏm.

    Nhiều khi sai sót kỹ thuật bất khả kháng cũng có nữa. Trần Trọng Vũ (chồng của Thuận – phải để vầy cho lễ phép thời thượng) gửi ông Ka Tê một loạt tranh Good Morning Vietnam. Ông Ka Tê loay hoay làm sao tỉ lệ bị đổi khi ra báo (mà còn khổ nhỏ nữa, hehe). Họ Trần nổi cơn (Trọng Vũ): Không có lần sau à! Ông Ka Tê là hoạ sĩ lẽ nào ông không biết tỉ lệ quan trọng thế nào với một bức tranh? Tỉ lệ là một dạng kích thước (measurement). Ông cũng là đàn ông, lẽ nào ông không biết kích thước là cái người ta sống với đời? Thiệt tình.

    Nói chung, biên tập (thực sự) không những khó còn khổ, chưa kể cái quan hệ giữa truyền thông (chứ không đơn thuần chỉ là báo chí) và công chúng ngày càng dễ có diễn biến phức tạp (như các cơn bão sắp đổ bộ).

    Theo chỗ đoán thì bạn Nờ Lờ không thích thú gì chuyện bới lông đâu nhưng cái quan hệ đó hôm nay, sau một thời gian không thể hàn gắn vì child abuse, chiều thuận nó đã ra vầy, từ phía độc giả Nờ Lờ (và các nàng hay ngo ngoe ngúng nguẩy khác), cứ chạy thục mạng rồi nhảy xuống gầm cầu Chương Dương, thò đầu lên than khóc ri riLink

    Chiều nghịch từ phía Vietimes (và các loại tương tự), đơn cử TBT Thiều, quần ống cao ống thấp, tay cầm chai cuốc lủi rượt theo mà rằng

    Cũng đành làm người và làm lỗi, như câu trích ở trên, ngẫm lại hơn nửa (phần ba) đời hư mình thấy đúng quá xá (tía má còn không dám nhìn). Hehe…Mà ngộ, gặp nhiều vị, sao hổng thấy ở họ cái cố gắng trong cả hai.

    TB: Bác nào còn có cái gì chung (common) khác, ngoài giác quan, cho em mượn xài cái. ;))
    Biên tập cũng như Xích Bích (phú), có tiền và hậu. ;P

    14.8.08

    Tạm Biệt (Những Cánh Chim) Miền Tây

    Miền Tây trù phú của mình giờ đã thành trọc (phú). Từ ngày cơ giới hoá nông thôn, cá rùa lươn rắn của bác Ba đã bị chích (điện) lia lịa không còn một mống, cỏ cây tự nhiên um tùm xanh mướt cũng bị cưa (điện) tỉa xén hớt tót. (Làng) trên, (xóm) dưới mất tự nhiên quá thể, hoa chăm cỏ xen, lối phẳng cây trồng. Chim bướm muỗi mòng vì vậy vơi đi nhiều. Mấy công ruộng của tía má thời nhiễm mặn, nhiễm phèn hết.

    Mà các cô này xách rổ xách rổ đi đâu cũng chớ thấy qua lợi bứt cọng hành cọng tỏi gì ráo trọi cho mình giúp tình thương cái. Đờn ca tài tử mùi mẫn cũng không cứu được. Chắc mê coi phim Đài Loan, Hàn Quốc trong nhà quá.

    Phần nữa, có hai hòn thời chỉ còn Hòn Phụ (thiệt ra là chính), Hòn Tử đã sụm bà chè rồi. Bụng dạ nào đứng nhìn hòn còn lại. Đông Hồ, Mộng Tuyết, Sơn Nam đã xa như hôm qua. Anh Út Bạc Liêu Kiệt Tấn đi Tây. Hồ Trường An đi du hí. Nguyễn Quang Sáng bỏ lên Xì Gòn kể chuyện mèo, cô Tư Cà Mau quyết định làm bà Hội đồng thăng, thôi không ngồi nữa, thăng dìa nhà nghỉ khoẻ để khỏi khổ như đời cô Lựu…Riêng triết gia Cà Rem Mỏ Cày thì bị đày ra đảo luyện cái chi không biết (biết chết liền), có thể là Hà Mô Công. Mấy nàng Ái Cơ trong chậu úp, chậu ngửa, chậu he hé cũng bôn ba hải ngoại. Đó, còn gỉ đâu? Thành ra, anh này cũng xách phảng xách phảng đi luôn.

    Tạm biệt miền Tây hoang dại vô bờ bến.

    Tạm biệt xong sao thấy mình dại quá. Giận mấy ông Tây-Nho nhọ nồi viết sách ba trợn bán lấy tiền hù doạ con nít. Cái đoạn thằng nhỏ mặc áo trắng đi tưa vũng bùn trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư báo hại mình cho tới giờ này có làm ăn gì được đâu (trả lời câu hỏi bữa trước của bác, ờ đúng rồi, bác á bác Nhị Linh, đừng làm bộ ngoe nguẩy tóc em đuôi gà quay sang phải sang trái – copyright Nghe Chửa). Thiệt là:

    Nhất thất túc, thành thiên cổ hận
    Tái hồi đầu thị bách niên cơ

    (Một lần lỡ rớt cái chân
    Quay đầu nhìn thị cơ cần gẫy tan)

    Nhưng nghĩ lại hay tại mình đọc không kỹ, nhớ mang máng hồi xưa (hè lớp tám thì phải) có coi mấy hình vẽ (vì có hiểu gì đâu à) trong Hán Văn của Trần Trọng San thấy nhắc mấy câu, chắc vầy quá:

    Nhân chi nhất sinh tứ thời hồ

    Thời hồ thời hồ bất bất tái lai

    Đại khái:

    Bài đọc ngắn.

    Giảng nghĩa: Con người sinh ra (và sống) một lần trong đời, tất thảy có bốn thời kỳ hồ đồ (hoa niên, thiếu niên, trung niên, và lão niên). Dù hồ đồ của thời nào, tím tái theo kiểu nào (thì) chúng cũng sẽ không bao giờ lai vãng (lại nữa). Mỗi một khoảnh khắc hồ đồ có cá tính hồ đồ đẹp đẽ độc nhất vô nhị, xá gì mà không hồ đồ thêm tí nữa cho nó trọn vẹn phải lẽ (hoa niên theo hoa niên, lão niên đừng ỷ thuốc thang theo thiếu niên trệu trạo mà mất cả sức lẫn mạng, v.v.)

    Bài học: Hồ đồ đi, kẻo về sau lại hối không kịp ấy. Ôi, “hối không kịp ấy” bốn tiếng ấy nghe ra há chẳng đáng tiếc não nùng lắm ru?

    (hết phần trích)

    Đến phần nhảm.

    Hồng hồng tuyết tuyếtMợi ngày nào còn chưa biết cái chi chi

    Moi Ngay Nao




    Mà giờ đã….

    NgoThanhVan

    Nhắn: Bác pút pút đi xe tút tút (màu tím Huế, mui trần), cú này em nhứt định giành lại quyền kiểm soát. Hehe…