13.9.08

    Không Có Gì


    Khong Co Gi


    Vì chút việc riêng phải đi xa, không biết lần thứ mấy. Đem theo ít sách (phần lớn chưa đọc) để cho ấm nhà, dọn ra cũng vừa một kệ. Ông Đỗ Mục đời Đường đi xa, khi trở về thành lỡ một cái hẹn. NH nói có khi những cuộc chia tay ngỡ như tạm biệt, nhưng rồi mãi mãi mình không bao giờ gặp lại người đó, vật đó, cảnh đó nữa.

    Thuở nhỏ ở chung nhà với nội, ngoại, bao nhiêu hư đốn đều giấu nhẹm. Đến khi lớn khôn, rời đi một bước, lần lữa chuyện người chuyện mình. Nội ngoại rồi cũng không chờ được. Ngày nằm xuống người hỏi sao lâu, người nắm tay anh T. tưởng đã về.

    Bạn nhắc bao nhiêu việc dở dang phải làm, thấy mươi năm như cái cựa mình trong giấc. Thả gươm xuống lòng sông vớt trăng như Lý Bạch, vui với ảo ảnh dị thường kia biết đâu là diễm phúc? Đọc Bác sĩ Zhivago không nhớ gì, ngoài cảnh cậu bé Yuri đứng bên trong cửa sổ nhìn ra ngoài khu vườn đang bão tuyết. Có khi một khoảnh khắc là nửa đời người, nửa còn lại là những tháng năm chồng chất.

    Lại nghĩ về “tri nhận”. Thế giới là thế giới nào?

    Lật The Collected Songs of Cold Mountain (Hàn Sơn Thi Tập), gặp mấy dòng:

    This rare and heavenly creature

    alone without a peer

    look and it’s not there

    it comes and goes but not through doors

    it fits inside a square – inch

    it spreads in all directions

    unless you acknowledge it

    you’ll meet but never know

    (Red Pine translated)

    Những bất ngờ đến như không, lòng chưa kịp hoài nghi mà đã thanh thản.

    Mưa suốt buổi sáng trên bãi cỏ lất phất. Sau bãi cỏ là con lộ và cánh rừng. Muốn nhớ một câu thơ nhiều hơi hướm cũ nhưng đầu óc rỗng không.

    Bật ngọn đèn bàn, viết vẩn vơ vài hàng vô nghĩa. Xếp lại giấy tờ mới hay tấm bưu thiếp vừa nhận đã cong một góc nhỏ. Không biết trước hay sau. Cũng chẳng hiểu tại sao. Đem để tạm bên tấm hình cắt được từ báo lúc 20.

    Cầm ly cà phê bước sang nhìn nắng nhạt đã biết chiều. Dưới nhà có người khép cửa.

    Ngô đồng nhất diệp lạc


    6.9.08

    Kiếp Nghèo: Nói Ra Cũng Tại Vua Hùng

    Mấy tháng trước, nghe một người bạn than phiền về (vài) hiện thực (phi lý quái đản đến surreal), hơi buồn trong bụng. Nhưng là con nhái bầu, bận lang bang với mấy nàng nhái bén, nên cứ thôi thì thôi…

    Hôm nay, nghe được từ một bạn khác nữa tự nhiên bao nhiêu chuyện cũ lại trào về. Cười khôn ngăn được. Thực ra, cũng không lạ gì.

    Thuở nhỏ, tía má cho đi học, cả nhà có mình (con út) là được vở giấy trắng kẻ hàng với bốn ô-ly, bút không phải chắp vá nắp nọ, ruột kia. Các anh chị vở đen, có khi còn xác con gì, hay miếng bánh dầu hay gì gì nghiền dính trên trang giấy, vô tình đụng vô nó rớt ra thành cái lỗ.

    Mình học mỗi năm một lớp ngon lành. Thêm ở quê, siêng năng đi học đều không nghỉ nhà phụ tía má mỗi khi vô vụ nên toán, lý, hóa, ngoại ngữ gì thầy cô cũng bắt mình đi thi học sinh giỏi. Rủi sao, phường xã đều đậu. Rồi ra học chung với các bạn thông minh lanh lẹ biết được nhiều huyền thoại phố phường ngộ nghĩnh.

    Có bữa mai thi, mình đi chơi tàng tàng ngang qua thấy các bạn là niềm hy vọng của đội tuyển đứng đá banh. Ngạc nhiên hỏi sao không học bài? Bạn ngôi sao sáng chói nhất nói có gì đâu mà học, sao mày không ở lại chơi? Có lý! Ở lại chơi chưa rớt hay dập cái móng chân nào thì bạn đó bỏ về. Mình và các bạn khác chơi tiếp đến tối mịt. Chơi xong về còn kịp coi Ma Đao Thần Kiếm, hai trăm vê-anh-đê một đứa. Sau nghe mới biết hơn phân nửa đám lục lạc bình bát các huyện (theo mình) đi chơi, chỉ có bạn đó đó là học từ chiều đến tối (trong KTX).

    Một môn khác, thầy luyện thi đưa sách bài tập chép tay (mà thầy gọi là bí kíp) cho hai bạn siêu sao (hồi đó chưa có blog) cưng kia vì thầy bận đi họp đột xuất ở ngoải. Hai bạn này trí nhớ suy tàn hay sao, quên không đưa cho cả lớp. Mấy tuần sau thầy vẫn đinh ninh đàn gà nhà đang dùng bí kíp bá cháy bồ chét của mình chuẩn bị mổ mổ (gà nhà đứa khác).

    Chuyện nhảm mình có nhiều chớ, người làm sao chiêm bao làm vậy mà. Nhưng cái vụ này mới lạ. Thầy nói mấy ông GS.TS (ra đề) giỏi gì, cũng ngang cỡ thầy hà. Hỏng tin hả, Các bài thi Vô địch Vật lý Toàn Nga chớ đâu. Nội nhật, trong vòng bán kính 25km, các hiệu sách lớn, nhỏ, cũ, to, vừa, bé, vỉa hè không thể nào tìm ra một cuốn. Cả đám lê lết đi tới đâu cũng nghe có (một) đứa mua hết rồi.

    Ngẫm ra Hoàng Ngọc Hiến tấm tắc cái nước mình nó (sướng) thế đúng ha. Nhất là đối với những vị học hành cao cao bên cửa sổ (tò vò), sách lận trong cạp quần, lâu lâu xé một trang nguyên con, không thêm không bớt khạc ra, cũng đủ làm giang hồ ba đào dậy sóng (động cỡn) tam bộ nhất bái. Hèn nào, dân tình xưa nay đồn đãi rằng tấn vi quan, thối vi sư, tại gia vi phụ. Nghĩa là đi học nếu đuợc thì làm quan (người ta), không được thì làm thầy (người ta), còn bình thường ở nhà thì, đương nhiên, làm cha (người ta). Nothing to lose ([En] đâu có [còn] gì để mất).

    Ờ, mà dĩ nhiên tía má đâu bao giờ hiểu nổi, tại sao thằng con mình nó cứ nhoi nhoi tới cấp phường/xã là bị đạp xuống lại vậy. Trời, không có sách sao thòi lên được. Bởi vậy mới còn làm ruộng tới giờ. Những lúc ngồi to hó (đây đó) nhớ nghĩ phận nghèo (đuối học sớm) của mình bèn sến lịm: Chẹp, đời gì chẳng tình thương không yêu đương (đôi khi muốn nói yêu ai nhưng ngập ngừng đành lãng phai…)