28.4.08

    Meta

    Tony Tuan Nguyen, 37 tuổi, chiêm tinh gia (di động) kiêm ca sĩ (cuối tuần). Qua Mỹ theo chương trình Row. Ở đảo tám năm. Từng chạy xe ôm dắt mối khu vực Ðầm Sen. Share phòng một mình với 20 feet vuông. Gồm: tivi, đầu máy, tủ lạnh và rương quần áo. Có hai bạn gái cùng lúc. Một thư ký thư viện địa phương. Một chuyên viên thẩm mỹ, chuyên chùi nước sơn, gắn móng giả. Mỗi tháng phụ cấp cho vợ cũ và con ở Việt Nam 41 đô la (gần 500/năm). Còn một bà mẹ già chừng 70 tuổi, hơi lẫn. Ở với người cậu họ xa, Việt Nam. Ði xe Celica Sport, hai cửa, made in 1984. Ăn vận tươm tất. Hút thuốc lá Malboro Ultra Light trắng. Vừa với quần jean Tommy cỡ 29 x 29 (hơi khó kiếm). Sở thích: đa dạng. Nhu cầu tình cảm: phong phú. Diễn biến tâm lý: phức tạp. Ðời sống nội tâm: mâu thuẫn. Ðộng thái phản ứng: đôi khi khó hiểu. Giờ rảnh đánh cờ tướng trên mạng, search các website đăng ảnh khỏa thân nam nữ miễn phí. Nghiện đọc truyện khiêu dâm một mình lúc 2h sáng. Không nấu nướng. Ăn food to go, đổi bữa bằng hamburger 99 xen. Không thích các mối quan hệ mạo hiểm. Giao du: một ông sư, một thầy dòng tu xuất, một công nhân cắm board điện tử. Nghề nghiệp ngưỡng mộ: thiện nguyện viên tổ chức phi chính phủ. Nghề nghiệp mong muốn: kỹ sư điện toán. Nghề nghiệp yêu thích: diễn thuyết kinh nghiệm sống & tâm linh bản thân. Cá tính nổi bật: thoải mái về thời gian, ít đúng hẹn (luôn trễ hoặc sớm hơn). Hay đái trong bồn khi tắm. Thích tắm đứng hơn nằm. Ghét nhà vệ sinh công cộng. Hoạt động xã hội: quy tụ người quen mỗi trưa thứ Sáu, nhà hàng Tắc Kè Ðỏ. Ðề tài thảo luận: nói chung là rộng. Chủ yếu nhâm nhi, chụp hình lưu niệm tại chỗ. Có nhiều ý tưởng cải cách xã hội. Hy vọng thành họa sĩ nổi danh trường phái siêu thực & lập thể. Tiêu chí nghệ thuật: nghệ sĩ chân chính phải là con người đích thực: kết hợp nhuần nhuyễn ba cái tôi: trữ tình, hiện thực & khốn nạn. Bản chất đời sống: tìm kiếm. Phát kiến mới về các tư thế giao hợp: không có. Châm ngôn sống: C’est la vie! Các ngữ thường dùng: Hi. Bye. Thank you. Fuck & Shit. Thần tượng Ðạt Lai Lạt Ma and Madona. Không tin vào Thượng Ðế. Có thiện cảm đặc biệt với cá tính Giáo hoàng Gioan Paul 2. Ghê tởm tội ác Hítle & Ðức Quốc xã. Ba gương mặt lớn của văn minh nhân loại: En-sten, Tônxtôi và Clinton. Tin vào tiến bộ thế giới. Con người sẽ thay đổi. Dự tính tương lai: 42 tuổi cưới vợ; 43 sinh con; 45 tác phẩm đầu tay ra mắt công chúng; 50 học thêm Toán ứng dụng; 60 du lịch thế giới; 70 viết hồi ký & nghiên cứu thiền. Sức khoẻ bình thường. Thỉnh thoảng bị tiểu són & mất ngủ vô cớ. Hay hát lẩm nhẩm một mình. Bị hội chứng sợ ngày cuối năm. Nguyên tắc: không uống rượu trừ lễ, tết, tiệc tùng, bạn bè vui. Biểu tượng suy đồi: đám cưới thành phần tham dự ngoài cha mẹ họ hàng hai bên, quan khách, còn có con ông, con bà & con chúng ta. Dấu hiệu tốt: ngày càng có nhiều cuộc hôn nhân dị giáo, khác chủng. Bực mình: da dễ bị thẹo, chân mang giày hay hôi. Giới trẻ ngày nay: thiếu lý tưởng. Mục đích phấn đấu năm tới: giảm cân, bỏ thuốc lá. Quan điểm: chính trị dơ dáy. Không ưa người giàu. Ðiểm thường nhắc: xã hội bất công, trật tự chưa được vãn hồi. Việc làm đầu tiên khi trở về quá khứ: tự làm diều chơi - không chơi diều lượm (đứt dây). Hối hận: bị đuổi học năm 16 tuổi. Lý do: chém lộn. Mối thù lớn: hồi nhỏ bị một thằng hàng xóm ăn hiếp. Tình bạn đẹp: thời đi học. Sai lầm tuổi thơ: thích có râu. Mong ước ngày mai tươi sáng hơn. Vấn đề phái tính: nam nữ cần bình đẳng. Những người phụ nữ xứng đáng: đã có chồng. Các mối quan tâm toàn cầu (mà) Liên Hiệp Quốc nên đặt lên hàng đầu: chiến tranh, lương thực thực phẩm, bệnh dịch, nhân mãng (nạn nhân mãn?) & ô nhiễm môi sinh (thỉnh thoảng có đề cập đến nhân quyền). Mùa đông dễ nhiễm cảm. Hay nhai kẹo cao su. Bài xích người khôn vặt, cá nhân chủ nghĩa. Có anh hùng tính. Việc nghĩa đang làm: bỏ cắc bạc lẻ vào lọ mứt, cuối tháng đem lại hội từ thiện cho. Ca ngợi tự do chừng mực. Yêu thiên nhiên. Khả năng khác: chơi ghitta. Biết chừng 5 hợp âm và ba điệu căn bản. Ca khúc thích nhất: nhiều. Mỗi năm thử máu hai lần, clean răng một lần. Thích bàn cầu kiểu Tây Ban Nha hơn Ăng lê.

    01.2000

    24.4.08

    Càng Mở, Càng Say

    “Théc méc biết hỏi ai” là mục dành cho gì nhỉ? Ở chỗ nào đâu nhỉ? Chỉ em với. Khi xưa emem chơi, em chơi bắn súng [nước] khơi khơi và em đọc mấy câu này bang bang, thấy vô lý tợn bang bang, mà không biết hỏi ai bang bang, em sẽ không quên bao giờ:

    Vũ quá sơn khê tịnh,
    Phong lâm nhất mộng lương.
    Phản quan trần thế giới,
    Khai nhãn túy mang mang.

    (Huyền Quang chế)

    Hết mưa khe núi sạch,
    Rừng phong giấc mộng tươi.
    Quay nhìn bụi thế giới,
    Mở mắt mang mác say.

    (Đức Thắng dịch)

    Mưa tạnh, khe núi tĩnh
    Ngủ mát dưới rừng phong
    Nhìn lại cõi đời bụi
    Mắt mở vẫn say nồng

    (Nhất Hạnh dịch)

    Nhưng bây chừ không thấy vô lý nữa. Càng mở, càng say mới đúng chứ.

    Dẫu sao cũng đừng nên như cụ Du (Thủ Lê):

    Búp nghi hoặc: - có chăng đời lá: chết!
    Hoa nào tin quả đắng đến không ngờ…

    Quân tử có sao thì ngỏng cao đầu chịu vậy đi, than than cái gì, hì hì…

    Bác nào biết tiếng Phớp (rõ ràng là Quởn) dịch dùm em câu này:

    Tu es responsable de ta rose.

    |)


    22.4.08

    Văn Vặt: Bi Kịch Của Chính Ta

    Trạnh thương cô Kiều như đời dân tộc
    Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên

    Chế Lan Viên

    Nhân diện bất tri hà xứ khứ
    Đào hoa y cựu tiếu Đông phong

    Thôi H


    Dạo này đưng đứng tuổi rồi nên tinh nhảm cứ chực phát tiết ra ngoài hay sao? Nghĩ toàn chuyện vớ vẩn nhạt nhẽo. Không phải ta làm gì cho hết nửa đời sau nhé (Đừng có mơ, đã làm gì ai đâu?)

    Hôm nay đang ngồi quậy nồi cám heo cho má, tự dưng nhớ về Đào hoa Vặt hội lại bẽn lẽn ngó quanh quất rồi cười một mình. May hoa đào là giống vô tình chứ cái đà thuận tay vặt (trụi) bừa bãi của các nàng thế này, nhỡ may…có mà chết người ta à? Lo sợ xa xôi xong, nhấp môi cám cảnh lấy lại tinh thần, nghĩ ra bài này của Lê Đạt:

    Anh rừng anh hái hoa
    Hoa lúm hoa bông thắm
    Hoa bông môi thật hồng

    Em đùa em lấy chồng
    Hoa cho bông chết đắng

    Anh lòng anh hái hoa
    Hoa hái hoa bông thắm
    Hoa bông hoa rõ hồng
    Hoa hồng bông hồng bông
    (Hái Hoa)

    Lê Đạt làm thơ không suy tưởng nhiều như họ Chế, cũng không tâm sự như họ Thôi. Cái giống là ở chỗ lần không ra gốc ngọn: Số phận một dân tộc, chữ nghĩa, và nàng thơ. Chế Lan Viên thấy cái bóng dân tộc qua một cave; Lê Đạt thấy bóng chữ qua một cơn động nghĩa (Chiều Âu Lâu bóng chữ động chân cầu); Thôi Hộ thấy bóng nàng thơ qua nụ hoa một chùm lơ phơ.

    Chợt nghĩ nếu sống vào thời này, đi Vặt hội ở Hà Nội thì chàng Đường sinh làm thơ ra sao? Chắc cũng sẽ ngẩn ngơ Người xưa nay đâu rồi? Nhưng như vậy đâu phải thơ hồn Việt, chàng nên ngửa mặt lên trời mà ngâm vầy mới đúng:

    Đời vắng em rồi, say với ai?

    Dù thế nào, cái chập chờn chụp hụt nghĩa rời chữ, cái khổ mới còn đó nay đà mất đó, sao bằng cái cay đắng tự hỏi của họ Chế.

    Huệ Năng móc họng Thần Tú: Xưa nay chưa hề có vật nào mà chú! (Bổn lai vô nhất vật)

    Người An Nam mình phải biết đáp trả lại bọn Tàu bảnh: Xưa nay có một vật thôi à chú! (Bổn lai duy nhất vật).

    À, mà không là không cái gì? Có là có cái gì nhỉ? Ôi, nhảm: bao giờ cho nguôi?




    19.4.08

    Khi ta (sắp) ba mươi…

    Vui thay, chúng ta sống,
    Không hận, giữa hận thù!
    Giữa những người thù hận,
    Ta sống, không hận thù!

    Vui thay, chúng ta sống,
    Không bệnh, giữa ốm đau!
    Giữa những người bệnh hoạn,
    Ta sống, không ốm đau.

    Vui thay, chúng ta sống,
    Không rộn giữa rộn ràng;
    Giữa những người rộn ràng,
    Ta sống, không rộn ràng

    (Pháp Cú)

    Hì hì…để cho sang vậy thôi. Mới ngấp nghé tam thập mà đòi cảnh giới thuận nhĩ là không tưởng (xã hội chủ nghĩa). Vậy nên mới có cái sự (nhiễu) nhiều khi thiên hạ rầy rà: “thằng lày là thằng lào mà láo thế?!” Tự xét, em chỉ láo vào hạng thường thường bậc trung thôi. Ngoài ra, em có hàng tỉ chuyện khác thuộc vào hàng thường thường bậc “kém", thiệt ra tía má cũng cố hết sức rồi (Mea Culpa! Mea Culpa!), mà kém nhất là cái khoản yêu người, độ lượng.

    Thứ phẩm hay hạ phẩm, cũng phải đối diện thôi. Hehe…để tạm lên đây mấy cái hình con má để thay câu trả lời (em cũng không có câu trả lời). Có những câu (xạo) ba mươi năm vẫn còn chạy tốt và không bao giờ bị hao mòn, đặc biệt với các mợ. Bởi vậy mới nói phụ nữ dễ thương/dụ (dĩ nhiên “dễ” nhất là má em). Câu đó đại khái vầy: Giận chi giận chi (điền vào chỗ trống), lời nói (điền vào chỗ trống) gió thoảng…Haha. Nhưng có nhiều đồng chí cứ khư khư:

    Nó mắng tôi, đánh tôi,
    Nó thắng tôi, cướp tôi

    Dẫu biết rằng:

    Ai ôm hiềm hận ấy,
    Hận thù không thể nguôi

    Nguyễn Quốc Chánh có tập thơ mang tên: Ê, tao đây. Nghe rất đã.




    Bị má la trước hầm ga-ra


    BiMaLa


    Điệp viên 069


    42-17217532

    9.4.08

    Lời Mẹ Dặn: Positive Thinking! (Tập 2)

    Phi lố: Entry này không dành cho các bậc phụ huynh (vì lời lẽ đôi chỗ không được lễ phép), cũng không dành cho các em thiếu nhi (vì có nhiều scene kích động bạo lực và đồi trụy). Chém cha cái mỏ! Chém cha cái mỏ! Khôn khéo mấy ai? Xấu xa một nó!

    -----

    Bất cứ bàn tay năm ngón nguyên vẹn hay táy máy có chút lương thức nào cũng biết viết lách là trò bịp. Trước hết, anh bịp chính mình, sau rốt mới tới người khác. Nhưng nhận thức của xã hội khoác vào nó khuôn mặt của một tiến trình lộn ngược.

    Nếu anh không thừa nhận mình bịp, ít nhất cũng biết mình đạo đức giả, nửa vời và bất lực. Khi mở tờ báo vào buổi sáng hoặc bật bản tin vào lúc cuối ngày, có một hình ảnh nào đó đi qua tâm hồn “mỏng manh” rẻ tiền thời thượng của anh, nó làm anh bứt rứt và tự nhủ: “Ơn trời, không phải mình”. Anh tự hỏi mình sẽ áy náy như vậy được bao lâu? Năm phút? Một ngày? Một tháng? Thậm chí một năm? Rồi anh cũng phải quay lại với những công việc chưa hoàn tất, những dự định cá nhân, một cuốn sách đang đọc dở, hay bữa cơm chiều của mình. Chỉ có cách đó anh mới tồn tại như một người bình thường, chính xác là có ích. Cho dù sau đó anh cố gầy dựng lại cái thực tại đứt đoạn ấy trong đầu hay trên trang viết, anh biết rõ anh không là nó. Một nhà báo đi thực tế; tài hoa, sâu sắc cách mấy anh vẫn là anh. Bài viết của anh, sự phân tích của anh, sự chia sẻ của anh là về họ. Ngay cả khi anh đang phiền muộn vì một chuyện vớ vẩn. Một nhúm cảm xúc đại khái, dễ dãi, đồng dạng, và không cần cố gắng. Anh viết nó ra tức thời. Anh đó, cảm nghĩ anh đó, ngôn từ anh đó, cách diễn đạt anh đó. Anh có đang tái hiện trung thành cảm xúc anh không?

    Nếu anh là một nạn nhân sống sót của lò thiêu, hoặc diệt chủng; đen tối hay không đen tối, anh chỉ được quyền phát ngôn cho chính mình mà thôi. Không nên cho cái cộng đồng của anh, nhân danh một thứ kinh nghiệm tập thể[1] mà anh tin là anh biết được. Và biết đâu chừng, ngay chính ký ức anh sẽ trở về như một nhân vật từ thời quá vãng, tát cho anh một tát vì sự cường điệu hoá, đơn giản hoá, khái quát hoá, v.v… trong những gì anh viết về nó. Tao chưa bao giờ cảm thấy như vậy! Cho dù ý niệm về một sự kiện hiển hiện nào đó trong vùng ý thức nóng hôi hổi của anh có bị độ lệch thời gian và không gian làm khúc xạ hay không, sự thật là anh chưa bao giờ đại diện nổi cho chính mình.

    Trong một lần phỏng vấn, người thủ chương trình hỏi nhà văn Dương Thu Hương: Bà nghĩ sao về mấy cô gái thanh niên xung phong ở Trường Sơn, tự xé quần xé áo, gào thét điên dại? Dương Thu Hương từ chối trả lời. Bà gắt gỏng (như thường lệ), tôi là ai mà dám tự cho mình cái quyền lớn vậy. Tôi cũng đốt những năm tháng tuổi trẻ của tôi ở những cung đường đó, nhưng tôi chưa từng là họ. Sao tôi dám chắc là mình hiểu cái cảm giác thực sự của họ. Nếu là vậy đi nữa, tôi cũng không nói thay họ được.

    Khi cuộc chiến Việt Nam sắp vào đoạn kết với những ngã rẽ khốc liệt, Sartre và nhóm bạn trí thức của ông tổ chức một cuộc hội thảo (có lẽ để phản chiến). Phan Huy Đường đến dự và hỏi: Người ta đang chém giết nhau ngoài kia, ở đây bàn tán có ích gì không? Sartre trả lời đại ý rằng ông chỉ làm cái phận sự của một con người. Sao đâu, tốt như có thể. Miễn đừng ảo tưởng về hoài nghi của mình, đừng nâng tầm biện bạch của mình. Anh không phải cá, chớ phán cá vui cá buồn. Và, đặc biệt, hãy khoan nhận xét về nước trong tư cách cá.

    Ở một phim nọ, một nhân vật nói với một nhân vật khác: “Mày biết gì về chuyện làm một thằng đen?” (What do you know about being black?).

    Nếu anh không là người da đen “tinh ròng”, đừng nói “gì” cả.

    Nếu anh là một nhà nhân chủng học, vô tình chứng kiến những nghi thức tế tự man rợ của một bộ tộc bán khai, một đám đông xuẩn động. Anh có thể ghi lại cái cảm giác rùng rợn đó, nhưng hãy dè dặt và đừng ra vẻ thấu đáo về nỗi thống khoái của bọn tư tế lẫn nỗi thống khổ của vật tế.

    Nếu anh là một nhà nữ quyền luận giống đực, tất nhiên là đồ bỏ. Nếu là vị nữ lưu ngồi chễm chệ trong phòng làm việc viết hăng say vài ba bài tham luận đăng trên các tạp chí chuyên ngành hàng đầu. Đợi ba năm đều đặn, hội đồng khoa ngồi lại thẩm định công trình và nâng ngạch. Nhưng đâu đó người ta còn bị ném đá vì là nạn nhân của một cuộc cưỡng hiếp, không được lái xe hoặc học chữ, đi ra đường phải có người kè kè bên cạnh, bị treo cổ để bảo vệ danh dự cho một gia đình thì những “suy tư” độc đáo, những “đóng góp” mới mẻ của cô trở thành một thứ kinh nghiệm hạng hai. Bản thân cô trở thành một thứ chuyên – gia – đau – đáu . Một cách khác, cô cũng là đồ bỏ.

    Nếu và nếu…

    Người ta thường trích câu Staline nói để chứng minh một điều: Mình khác nó. Mỗi người chết là một bi kịch, một triệu người chết là con số thống kê. Staline không màu mè điệu bộ, không mặc cảm phó sản của cơ chế. Ông vỗ ngực hàng hiệu chủ nghĩa, hết mình cho cái vai trò bạo chúa vĩ cuồng mà lịch sử dâng hiến. Còn anh? Một tay Stalinist chính thống nhưng chối chúa? Có thể. Vì lẽ cái chết đối với anh thậm chí không là một bi kịch, bất quá là một sự tiếc thương (có hạn), nếu chẳng may nó rớt trúng đầu một người thân, một người hàng xóm, một người anh từng gặp gỡ, hoặc chưa quen biết nhưng quý trọng tài năng, nhân cách, công hạnh… Tất cả cái chết khác là tin giật gân, có khi chỉ đơn thuần là tin choán chỗ.

    Kafka (một nhà văn), Foucault (một tay bợm) trong di chúc dặn dò người thân, hoặc trước đó tự tay, đem đốt hết di cảo. St. Thomas Aquinas (một triết gia) cũng nghi ngờ trước tác của mình về sau. Chẳng lẽ phải đợi đến khi đối diện với cái chết anh mới thấm những g
    ì anh viết là rác rưởi, là không gì cả, không đại diện cho cái gì cả. Nói như Nguyễn Bắc Sơn, dù máu chảy đầu tưa thật, chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi. Lẽ ra anh phải biết sớm hơn, biết ngay từ lúc anh mới dấn thân vào chốn chữ nghĩa, cùng lắm chuyện viết lách chỉ ngang được như vậy thôi. Trước khi người ta nhổ toẹt vào những gì anh viết, tự anh đã đái (lại đái) vào nó không biết bao lần. Kafka với một cuộc đời (được mô tả là) ảm đạm và tẻ nhạt, Foucault gây tranh cãi và ít nhiều được trọng vọng, St. Thomas Aquinas tràn ngập ân sủng. Sao lại muốn phủ định những lao tác của mình vào cuối cuộc hành trình? Vì sự bất xứng với ức chế nội tâm, thử thách số phận, mặc khải siêu nhiệm chăng? Có quan trọng gì đâu, chí ít họ đều là những kẻ thành tâm. Anh viết vì anh không thể không viết. Chấm hết ở đó. Không cứu chuộc, không lợi tha. Cũng như Staline ký lệnh cho một thằng bạn thống chế nối khố nào đó của mình bị đày biệt xứ Siberia hay đi gặp Karl Marx rồi thản nhiên sang phòng bên cạnh xem cuốn phim ưa thích. Một tên đồ tể thành thật: Một ngày trong đời của mày là của mày, không phải của tao. Chấm hết ở đó luôn.

    Ngoài hai loại thành tâm và thành thật, còn một loại khác xa xỉ hơn, cao cấp hơn. Loại giả ngây (thơ thờ thẫn). Chuyên nhại đi nhại lại những kịch bản dở trong vai diễn tồi của bọn phường tuồng bất tài và chưa kinh qua trường lớp đào tạo.Thỉnh thoảng mượn cái cửa (mình) của truyền thông đa phương tiện để giải toả ám ảnh chính danh. Họ tin những tuyên bố (nhận trách nhiệm) của mình[2] sự cứu rỗi/giải thoát cho những nỗi khốn khó/tai ách của người khác. Hoặc họ là những kẻ tâm thần phân liệt thể hoang tưởng, hoặc họ luôn thu xếp để phát biểu vào những lúc nồng độ liêm sỉ trong máu xuống ở mức thấp nhất trong ngày.

    Trần Dần nếu còn sống vào thời “tình yêu” đầy dẫy như dịch tả này ông cũng sẽ tiếp tục cách tân, làm mới mình:

    Cảm, cảm cái con …!

    Miền Tây Nam bộ, bàn chân ngày phẫn nộ.




    ------------------------------------------------------------------------------------------

    [1] Làm gì có!

    [2] Chứ của ai?

    3.4.08

    Lời Mẹ Dặn: Positive Thinking!

    Mẹ dặn ra ngoài cái gì hay, đẹp thì nhìn. Cái chi ảm đạm quá thời thôi, đừng nhắc tới nghe con. Phải lạc quan hiện thực chủ nghĩa dzậy mới "thẳng tiến trên đường đời" được.

    Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu
    Rồi tháo kính nhướng mắt sưng bùm bụp
    "Í trời, í trời, con sao vậy cu?"


    Sau đó mẹ tinh quái gật gù, bỏ nhỏ rằng:

    - Lộ liễu quá bị bảo tiêu/bảo trợ/bảo kê/bảo chứng đi cạnh cái đẹp nó hỏi thăm chớ gì?
    - Khồng còoo....
    - Chớ sao?
    - Cái xấu ngồi chình ình trước mặt nó thụi.
    - Hả?
    - Nó nói: "Sao mày không nhìn tao?!"

    ---> Tin được không?