23.6.08

    Sách Chớ Cái Gì Mà Nhìn Chằm Chằm

    Dĩ nhiên đó là biến tấu của một câu điểm chỉ nghệ thuật xắt hành trong phim Người Bắc Kinh ở Niêu Dóc. Nàng hướng dẫn chàng hạ dao thế, thế, đúng rồi đấy, hành không phải con gái, nhé, nhé.

    Nói chung lúc đang già đi thấy rõ, người ta thường nhớ tới chuyện cũ luôn. Mấy hôm nay lởn vởn câu này lại muốn có một tủ sách trong nhà, như ngày xưa đã từng (sém) có. Chả liên quan gì nhỉ? Mốt giờ đó.

    Khi mình vừa bắt đầu biết hết mặt chữ cái và đánh vần thành tiếng được (cuối năm lớp Ba) thì má bán tủ sách chính ở nhà mua cho tía chiếc xe Honda 68 (có thể phải bù thêm 99% tiền nhưng nói vậy nghe cho oai chớ, má dặn), chỉ để lại vài cuốn gối đầu giường. Nhờ người chị họ làm ở Cửa hàng sách Nhân Dân (tức là lớn lắm) dưới thị xã bán dùm nên chắc cũng được giá.

    Tóm lại là từ đó thôi rồi một đời trai đang hăm hở tò mò khám/phá thế giới. Bây giờ ngồi kiểm điểm lại những thứ vô tình rớt trúng, thấy ấn tượng rất ít (nội dung bay biến rồi), chỉ vài chi tiết đắt giá mà thôi.

    Lớp bốn đọc Thành Trì mini juýp quỳ bên giá sách dưới ánh đèn mờ đầy thông cảm.

    Lớp năm Cây Phong Non Trùm Khăn Đỏ thủng thẳng đưa cặp giò trần trụi từ xa tiến lại rồi lại đi ra xa.

    Lớp sáu Cô Gái Thành Rome đạp tấm mền xuống khi chàng đang bỏ ra.

    Lớp bảy Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai nhiều vô số kể (mặc dầu không cho má biết).

    Lớp tám Đức Mẹ Mặc Áo Choàng Lông chỉ cho mình anh thôi nhé.

    Lớp chín Đèn Không Hắt Bóng người hùng bác sĩ tài ba lia lịa đáng ngưỡng mộ.

    Lớp mười Những Người Thích Đùa nên đái tiếp sức vào máy cày không (chịu) nổ.

    Lớp mười một trở về sau bất cứ ở đâu cũng thù thù sách vở, việc đọc gần như liệt hoàn toàn.

    Nhà không có/còn sách, nên ông anh mình hay mượn sách ở thư viện tỉnh tuốt dưới thị xã về đọc. Đi năm, sáu cây số chớ giỡn đâu. Ông này hay chơi gác mình. Rất vô nhân đạo. Cái gì cũng giỏi hơn mình. Ví dụ như có cái mương sình trước nhà, ổng úp mặt bơi hoài cả ngày không chán. Mình nhoi nhoi hai sải là ngáp luôn. Bẫy chim, ổng tự đan lồng sắt, chim dính chùm chùm (sau này bẫy cu thì từng con một). Mình chơi bẫy gạch, canh cả ngày không được con manh manh. Chỉ mấy con sẻ ăn hết lúa của mình. Đến năm lớp bảy thấy ổng cầm Cả Thế Gian Trong Túi, mình nhịn không được nữa:

    “Sách có ăn được như bobo không mà ham?”
    “Ai nói mày?”
    “Thầy Mạnh.”

    Nhìn mặt biết rằng thù đã trả được phân nửa, nhưng vẫn chưa hả dạ. Đợi ổng đi ruộng, mình đạp xe ra thư viện tỉnh:

    “Có việc gì?”
    “Dạ em muốn làm thẻ”
    “Bao nhiêu tuổi?”
    “Dạ mười ba”
    “Không được”
    “Dạ sao?”
    “Chưa có CMND [đọc là Chứng Minh Nhân Dân] chứ sao.”

    Đang định bỏ cô gái hãy còn xuân này đi, ông đeo kiếng dày cộp ngồi đằng kia gọi giật lại:

    “Về đem hộ khẩu lên cô sẽ làm cho.”

    Sau này mới biết ông là giám đốc thư viện, đuợc phong một trong những người thông minh nhất thị xã, nói thạo năm ngoại ngữ, thương binh hạng nhất, huân chương chiến công hạng nhì, huân chương lao động hạng ba, con mẹ liệt sĩ!

    Mình về nhà tía má can ngăn quá trời, hộ khẩu lỡ mất chết phù miệng luôn à con. Nhưng mình vẫn dứt áo ra đi.

    Làm được cái thẻ thư viện, sục sạo thấy không có gì đáng đọc ngoài mấy cuốn học làm người như Nam Nữ Trước Ngưỡng Cửa Hôn Nhân, Khơi Dậy Nguồn Sống Bản Thân, v.v. Còn ra rất ngộ, cụm “Va” có mười ba hộc, toàn Văn kiện đếm tới. Cụm “Ho” có bốn mươi sáu hộc, toàn Hồ sơ các loại.

    Mỗi lần mượn được một cuốn, mình cũng mượn một cuốn xem sao. Đem Những Ả Sói Cái về nhà để ngay chỗ ông anh nằm. Không dè ông này ngủ mê đá lọt xuống gầm giường. Mình lo chơi đá banh, đánh trỏng, quên luôn. Cả tháng sau tìm không thấy. Nửa năm sau con chó ở nhà mới lôi ra gặm. Đem trả coi như đút đầu vô chỗ chết. Ai từng đối diện với thủ thư thì biết lời này thật như vậy.

    Bao nhiêu năm không đọc sao giờ lại muốn có sách để trưng? Mình lại nhớ chuyện cũ. Xóm mình, có hai vợ chồng già bán tạp hóa. Cái nhà làm cái cửa hàng luôn. Bán đủ các thứ, rất tiện cho những chốn đèo heo quê mình. Ông già nhìn có vẻ 69, bà khoảng 70. Răng rụng hết rồi, chỉ còn nướu chưa rụng thôi. Cứ năm mới đến, ông mua sáu bộ lịch áo tắm, Diễm My, Thu Hà,… Ông cắt phần hình (khi trên khi dưới), dán khắp nhà từ trong ra ngoài. Mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông (đồ) già đi, nhưng tuổi các cô trong lịch lại xuống thấp hơn năm ngoái. Thỉnh thoảng mình đến mua dầu lửa để đổ vô cọng đu đủ, bịt phấn lại đốt chơi, hay mua lưỡi câu ếch, thường thấy ông không mặc áo nhưng có mặc quần, tà lỏn xếp li kiểu lò xo, đứng xụi lơ ngó mấy tấm lịch.

    Ngắn gọn, cũng vì cái duyên lỡ làng với sách cho nên ngay giờ đọc báo có nhiều từ phổ thông mình cũng không hiểu, gì mà văn hoá gội đầu thanh lịch, văn hoá bia hơi việt dã... Tra từ điển thấy giải nghĩa “văn hóa” như sau:

    1. dt. thói
    2. dt. thói quen.
    3. tt. quen
    4. tr. (kng) quen thói

    Cũng không rõ ràng lắm. Đánh dây thép hỏi thằng bạn làm Sửa-bản-in-Chief, nó nói chưa vô từ điển đâu, nhưng nghĩa là “có” trong tiếng mình đương đại.

    Hèn nào dạo này các cao nhân lên báo hay nhắc “văn hoá đọc”. Té ra “văn hoá đọc” ở đây chỉ nằm chàng hảng giữa có và không.


    14.6.08

    Túy Ca

    Trời đất từ nay xa cách mãi.
    Cửa động,
    Ðầu non,
    Ðường lối cũ,
    Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng soi.

    Tản Ðà.


    Ngô Như Nhậm, quê ở Tam Sơn, huyện Ðông Ngàn tư chất vốn thông minh, rất chăm học. Chỉ tội cái lao đao trường ốc, từ Lê sang Mạc bao phen lều chõng đều không vào được đến tam trường. Tuy cử nghiệp lận đận nhưng tiếng thơm vẫn lan xa, được giới sĩ phu Bắc Hà nể trọng. Quan Ðề lĩnh Chu Văn Cát vốn trọng văn tài, có ý nhờ người đánh tiếng gả thứ nữ là Khúc Thụy cho, hơn nữa có thể đỡ đầu việc ăn học. Tính Nhậm khẳng khái, viện lẽ công danh chưa toại, phụ mẫu hiện tiền đi xa sao đành, vả chăng cũng không muốn chuyện vợ con làm bận bịu việc dùi kinh, sử mà chối biến.

    Hốt nhiên, năm Ðại Chính thứ 3 (1532), khoa Nhâm Thìn dưới thời Mạc Ðăng Doanh, bấy giờ Nhậm đã 43 tuổi, đỗ luôn một lúc hội nguyên rồi đình nguyên. Làng họ nở mày nở mặt. Riêng Nhậm hậm hực, vì tiếng là đỗ đầu nhưng không đủ điểm lấy trạng, chỉ đến nhị giáp tiến sĩ (hoàng giáp), tự thẹn với lòng, biết cái học của mình chưa tới chỗ thấu đáo. Hôm vua ban áo mão vinh quy mặt buồn rười rượi. Về nhà lạy cha mẹ xong liền tự tay thảo bản sớ dài mười hai trang giấy thạch bản ngoại nhập phẳng lì bóng láng, lời lẽ thống thiết cho rằng trong người có bệnh, sợ khó làm tròn trách nhiệm, xin nhà vua đừng bổ dụng. Mặt khác, e vua giận, Nhậm còn viết thư cho quan Tham tụng Nguyễn Hoài Công cậy quan đỡ lời giúp.

    Từ đó, không hề động tới bút nghiên, Nhậm cứ sáng sáng ra đồng trông coi người ta gieo cấy, tối về bắt cái chõng tre ra sân nằm vắt chân chữ ngũ lên, ngắm trời ngắm trăng. Lũ trẻ hay vây quanh đòi kể chuyện nọ chuyện kia, nhiều khi kêu ông Nhậm đếm sao đi cũng ậm à ậm ừ mà đếm. Bọn nhỏ thích thích là nên phong làm Trạng Ðếm Sao. Có cái chức tiên chỉ trong làng, Nhậm cũng quyết không nhận. Mặc ai làm gì làm, không xen vào việc hội hè đình đám chi cho mệt.

    Năm Nhậm năm mươi tuổi, cha mất ngày hôm trước, mẹ mất ngày hôm sau, bà con phụ giúp mai táng chu tất. Trầu rượu trả lễ đâu đó, Nhậm ra ngoài phần mộ cất cái lều cư tang, ở luôn ba năm râu tóc không cạo, mình mẩy không tắm. Ðoạn tang đốt lều, ra sông ngụp lặn nguyên một ngày cho thỏa chí xa nước. Rồi thôi sau không thấy cúng quẩy cha mẹ gì hết. Ngày giỗ họ hàng xôi thịt vác tới, Nhậm vẫn ở trần trên võng kẽo kẹt qua lại. Có ai trách cứ chỉ ngồi im mà nghe, không đáp.

    Ngày tết, hàng xóm láng giềng đem ít vuông lụa bạch tới xin chữ hay đôi câu đối, nằn nì mãi mới ngồi dậy miễn cưỡng viết cho. Tuổi càng lớn thì càng thường uống rượu. Uống một lúc mươi đấu cử chỉ vẫn không gì khác lạ, nói năng đi đứng rành mạch. Vẻ ra càng uống càng tỉnh. Có khác chăng là khi thường không hay nói, lúc có rượu vào thì hát luôn miệng, chọc cho bọn trẻ cười phá lên mới thôi. Mọi người gọi đùa là Túy ca tiên sinh. Cánh dịch lý cố ý trêu, bày tiệc phục rượu, Nhậm uống từ đầu hôm đến cuối hôm vẫn tỉnh khô, dù xung quanh mấy anh mấy bác đã bò lê bò càng nôn oẹ. Chú nào còn tỉnh chấp tay mà vái:

    “Cụ uống hơn thần, Lưu Linh sống lại chắc còn chưa bằng.”

    Nhậm với tay lấy cái vò rượu, cười cười gạt đi:

    “Ậy, ta say rồi. Say lâu rồi. Không say mà ngồi vững thế này a?”

    Nhậm tưng tưng tửng tửng, trông mặt mũi lúc nào cũng vui, người ta mới còn thấy hay hay sau chán, nói Nhậm không ra thể thống gì. Chỉ có lũ trẻ là còn ưa, thỉnh thoảng bắt Nhậm hát cho nghe. Nhậm tuổi đã luống vậy mà còn chơi ngông, mấy lần leo lên nóc nhà đái lia xuống. Ngoài ra, việc ăn mặc không màng thời thượng, túm loe thụng đứng, cứ người ta thế nào thì mình thế ấy.

    Năm bảy mươi hai tuổi, Nhậm thấy thấy đau ở bụng, được mươi hôm thì bụng cứ to dần lên, ấn vào chỗ cứng chỗ mềm. Nhậm nằm rên la chập lâu thấy không bớt/xi-nhê bèn bò ra mà khóc rống, hai tay cào lấy nền đất viết lấy viết để. Hễ Nhậm ngừng viết là cơn đau lại bộc phát dữ dội hơn nên dầu mười ngón tay, hai đầu gối đã túa máu nhưng vẫn điên cuồng xoay mòng mòng dơ mông giữa nhà mà múa.

    Nhậm có người bạn đồng song là Đỗ Hảo, làm tới chức Thượng thư Bộ Lại, được tin bèn quầy quả kiệu hoa cờ quạt đến thăm. Khi Đỗ Hảo vào đến bậc cửa thì nền đất, vách nứa, đã bị xới tung, tưa nát đi rồi. Nét cào ngang mặt, nét dọc lưa thưa, chữ chân đi liền chữ thảo. Nhậm vẫn đang bò gừ gừ, thượng thổ hạ tiêu. Thương bạn Hảo bèn bò theo, thuận tay trước sau bốc hết cho vào mồm, ăn lấy ăn để. Cả hai bò được mấy tuần nhang, bụng Nhậm không xẹp đi mấy, nhưng bụng Hảo lại trương lên tuột cả giải quần.

    Đâu đến sẩm tối hôm ấy thì cùng nhau lăn đùng ra mất. Bụng mỗi người nứt ra một cái khe hõm hòm hom, nước vàng chảy ra tận đình làng, bốc mùi rất khó chịu.

    Việc hậu sự vừa xong căn nhà được phong di tích lịch sử và giao về cho Bảo tàng Dân tộc học quản lý ngay. Sau này các sử gia ở bệnh viện Saint Paul Hà Nội cho rằng Nhậm chết vì xơ gan cổ trướng, Hảo lại do ngộ độc thực phẩm.

    04.2001




    6.6.08

    Có Mưa Quanh Chỗ Nằm

    Vì cớ con dân đất Việt nào cũng nên đọc lấy có một lần Bút Máu Vàng Tháp Hời (Vũ tiên sinh thì khỏi) nên sinh cũng ráng (rặn) chữ được chữ mất cho hết hai truyện. Nhưng từ ngày sinh trót dại đọc họ Vũ, vào ra tươn tước, lấy làm lo lắng khôn nguôi do cái trước, buồn tủi bởi cái sau vậy.

    So ra buồn tủi chẳng may là xa xỉ, lo lắng mới đáng ái ngại đến điều. Dù sinh không làm chi liên can đến chuyện viết lách nhưng mỗi lần họp uỷ ban xã ở quán cà phê huyện, thế nào không có lúc nói điêu, nói khoác, nói bậy, nói nhảm. Thỉnh thoảng còn đẩy đưa nói láo chèn vô giữa (hai cái ngó). Cổ nhân há không dạy họa đến từ cái lỗ (miệng) đó sao?

    Ngày qua tháng lại, sinh cứ âm thầm nghi hoặc cho cái kết cục không hay của một bậc đại trượng, phu phen này ắt phải:

    Gươm đàn nửa gánh vợ con
    Non sông một chèo té ruộng

    Đêm nay thức giấc, sinh nằm nghe mùi đất bốc lên ngai ngái giữa khuya tĩnh mịch. Chợt lấy tay sờ soạng, chăn gối thời đã ướt. Ngày phán xử của ta đến sớm vậy ư? Lò dò khêu ngọn đèn dầu lạc đang lụn dần, đoạn đưa tay lên ngửi, không thấy mùi tanh mong đợi, sinh mới hay lo lắng bấy nay bằng thừa. Phước phần của sinh còn nhiều, quá lắm chỉ vầy thôi.

    Sinh bước ra ngoài sân gạch, ngắm sao Mai dò dò lòi lên khỏi chái rạ nhà hàng xóm. Rùng mình thấm lạnh, bèn vào trong gian chính, mặc thêm cái áo cánh dơi, gầy một lư trầm bằng bột ướp tinh dầu Thái Lan ba ngàn một hộp.

    Sinh ngồi thu lu trên ghế đẩu của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ cứu trợ mùa lũ năm ngoái, mưu tính chuyện sinh kế mơn man hàng ngang hàng dọc. Gió Tây Nam bỗng đâu nhằm ngay đầu sinh thổi thổi, chập chờn phên líp nửa kín nửa hở. Sinh ngoảnh lại, dưới bóng đèn mờ, cái phản gỗ mun cao cao lạ. Thấm thía lời sấm truyền xưa:

    Hoành sơn nhất đái
    Vạn đại dung thân
    cầu?

    (Một lần đái vắt qua ngọn núi
    Cần gì nghĩ tới chốn dung thân [lâu dài]?)

    Con Hoạn Thần Kê bên rào cũng vừa gáy sáng: èc éc ec…èc éc ec…...................................................................................