12.12.08

    Kiếp Đam Mê: Bứt Gông Xiềng Là Mình (Hãy) Tính Chuyện Trăm Năm

    It ain’t so much the things we don’t know that gets us in trouble.
    It’s the things that we know that ain’t so.

    Artemus Ward

    1. Thập niên, sáu mươi bảy mươi, Beatles mở đầu làn sóng chinh phục Anh Cát Lợi (British Invasion) vào thị trường Mỹ bằng những ca khúc là lạ, từ ca từ đến thể điệu đến cách ăn mặc tóc tai quần áo. Ngỡ như muốn quay mặt lại với thực tế của một cuộc chiến đang hiển hiện hàng ngày hàng giờ trên mặt báo và trong khuôn viên đại học khi tinh thần sit-in đang dâng cao.

    Một trong những bài hát thịnh hành bấy giờ All You Need Is Love (Tình Yêu Là Tất Cả Những Gì Các Chú Cần), nghe như quốc thiều nước nào. Tuyên ngôn tuổi trẻ mang dấu ấn một phương Tây mới vừa thoát khỏi vũng lầy Thế chiến, mệt mỏi và chán chường với những kinh nghiệm chỉ còn là tiếng vọng của thế hệ đi trước muốn hàn gắn sự gãy đổ của lịch sử và hiện thực. Chưa bao giờ “chủ nghĩa” xét lại được sống hả hê đau đớn như vậy. Hả hê vì mình được xét lại, gần như tất thảy mà không hề mặc cảm thuộc về thiểu số. Với bao nhiêu giả thuyết và học thuyểt và lý thuyểt đang sinh sôi nảy nở chửa đẻ tràn mặt đất, ta suy tư về mọi thứ, “chiến tranh”, “lòng yêu nước”, “tình yêu”, “thân xác”, v.v. Ngộ thay, càng xét lại càng đem đến những hoài nghi về độ an toàn của khái niệm, về những khuôn mặt (khác) nằm (lấp ló) sau khái niệm. Bất an quá chừng.

    Ngay chỗ tiện nghi thỏa mãn là sự bế tắc.

    Những trật tự (quốc tế, xã hội và gia đình) mới dần được hình thành, buộc lớp thế hệ phải lựa chọn. Có quá nhiều lựa chọn. (Đa số) họ chọn không chọn (gì cả).


    2. Cả thế hệ đang mất phương hướng được dịp rủ nhau lên xe (Hells Angels), lên đường (On The Road), lên…cứ băng băng khắng khít tay trong tay như răng với môi vậy. Kiểu Ta đi tới, dù chưa biết đi đâu. Yêu chân thành mà chết thiệt, tin hay không tùy, biết hay không người chết còn chưa (chắc) biết sao mình biết. Nhiệt liệt chào mừng câu thần chú Love is all you need.

    Cho dù đúng vậy đi nữa, yêu cũng năm bảy đường yêu, phải hông?

    Theo Robert Steinberg chỉ có ba đường chính (intimacy, passion, commitment). Các chú muốn vững vàng trong tình yêu, các chú phải có đủ ba chân, hai chân rưỡi không được. Nhiều đồng song lẫn đồng nghiệp của ông hông chịu, cho rằng nó hẹp hòi. Đừng nên phân tách chuyện yêu đương (theo sơ đồ) chi li rạch ròi. Tóm lại, không nên thắc mắc chuyện yêu ở tuổi/kiểu nào mới phải theo mô thức ấn định (sẵn). Phiền à.

    Vậy mà có người , hễ nghe ai đồn ông nọ bà kia làm nhà văn, nhà thơ linh lắm là giận dỗi phản đối bằng cách (dọa) bỏ mặc vợ đẹp con xinh với ba (chục) hàng tình địch bơ vơ ngoài cột cờ Hà Nội, rồi trồng chuối đi bằng hai tay sang Hà Đông (Hà Tây còn đâu nữa) lùa một bầy nhộng (tằm) về làm mẫu (vật) lật qua lật lại như Alfred Kinsey.

    Hay mỗi lần Quốc Bảo, Đức Trí, Trần Minh Phi, Quang Hải và những ai khác nữa họp báo là mình lại tủi thân chui vô tủ quần áo của tía má ngồi đọc thơ (Phạm Thiên Thư):

    Cõi người có bao nhiêu

    Mà tình sầu vô lượng

    Còn chi trong giả tướng

    Hay một vết chim bay

    Đã (biết) “giả tướng” mà còn “sầu vô lượng”. Nho xanh chi lạ (rứa).

    “Vết chim” chắc nhà thơ muốn gợi một đoạn trong kinh Phật: Khánh Hỷ phải biết, hành trạng của bậc đại gia như zấu chim qua trời, không hề để lại vết tích. [Chim] vô chiêu thắng [chim] hữu chiêu. Chim có bay, chim có đường, chim có rê trúng (đích), nhưng đã vô chiêu làm sao mà thấy được? Đừng ngồi đó buồn khổ tại sao cô Long hổng chịu luyện công cho mình mà cứ đè Dương Quá khù khờ (dạy) hoài.

    Trong Virgin Suicides (Tự Sát Khi Mạc Hãy Còn), người dẫn của cuốn tiểu thuyết rất nhiều chất tự truyện than phiền: Tao chưa bao giờ nghe mấy thằng đó nói một câu có chút xíu trí tuệ (remotely intelligent) nào hểt. Cắc cớ sao “mấy thằng đó” lại được các em ở trường trung học, trong đó có mấy nàng hàng xóm của ông, mê quá trời. Làm ông đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư ngoài gốc cây như Duyên Anh. Ông thông thái đọc rộng hiểu nhiều nên ông thấy vô lý, ức mấy thằng dân đen tối dạ ghê lắm. Mấy chục năm sau, viết tiểu thuyết đầu tay ông phải chêm vô một câu cho đỡ hận.

    Có gì đâu. Ví như mình thấy rõ ràng (đó) không phải tay đua Công thức một, đua đường trường, đua địa hình… Nhưng biết đâu người ta tay lái lụa, tay lái trợ lực. Mà có không ưa rồi từ từ cũng (phải) ưa (bandwagon effect). Thích nghi là chai dần dần chớ gì.

    Nghe đồn có một siêu sao blogger, ông về quê điều nghiên thị trường, ông đi loanh quanh phố Tây phố ta, ông uống phê, ông (la) cà chỗ này chút, ông (thử) cạ chỗ kia chút. Xong, không hiểu sao, ông lên trên đỉnh blog ông chit chat sằng sặc: Trời đã sinh Du (học sinh) mà còn sinh Lượng (kara)!

    Nói ngay bác HB, nếu bác lỡ ngưỡng mộ vẻ đẹp thuần khiết mẫu mực cổ điển của một thời (bác ấy) như Audrey Hepburn, Sophia Loren, Sonata Ivanovna, Brigitte Bardo, thậm chí Marilyn Monroe, sao đâu.

    Ồng thơ ký (giả) Lâm ổng không hạp (
    phim) trắng đen, ổng thích Ba Mùa sặc sỡ của Bùi em với những trường đoạn ngây thơ em thả anh ra, bảo nhặt hoa phượng về nhà chơi chung mình cũng đâu dám có ý kiến. Bác sĩ Trần Bồng Sơn dặn rồi: Chuyện của nhà người ta.

    Không tin hỏi chị So đi, hát (thêm) một entry ai thương yêu ai nữa cho mà nghe.


    3. Võ Phiến khi nhắc Hoàng Ngọc Tuấn (không có gạch ngang chém dọc gì ở đây á), tác giả của Hình Như Là Tình Yêu, ông đẩy đưa cái vẻ thích thú trong hồi hộp. Ngầm ý Hoàng Ngọc Tuấn viết như rứt ruột ra vậy. Đọc đến đoạn này thấy tâm huyết nghiêm trọng quá, phải đi dở sách dạy làm cao đơn hoàn tán ra xem coi ruột của loài ăn tạp đi bằng hai chi sau áng chừng bi nhiêu.

    Trời, ruột ta dài thênh thang tám thước, tha hồ mà rứt. Hehe…


    2.11.08

    Quan Trường Thị Nô Lệ, Trung Chi Nô Lệ, Hựu Nô Lệ (Nói: Ngu Cho Mày Chết!)

    Trong Trăm Năm Cô Đơn có một chi tiết ít ai thèm (nhắc tới). Đó là đồng chí Aureliano Buendía sau một hồi vào (sinh) ra (tử) hổn hển thì hơi rảnh (chút) nên nghĩ mông lung. Xong giật mình: “A, chết mẹ!” Chính vì cái khoảnh khắc “A, chết mẹ!” này mà dù rất cô đơn, Aureliano đã không ngả (hẳn) vào vòng tay của Che.

    Với Aureliano, có thể đó là nhận thức (muộn màng) về một hành trình nhân sinh. Với người khác, không nhất thiết phải lớn lao vậy. Có khi mình mua cái bánh (ít) nhân thịt, ăn mới biết nhân đậu. Mình cũng (được quyền) “A, chết mẹ!” chớ.

    Cũng có người “A, chết mẹ!” vì chuyện khác.

    Trong Nhà Văn Hiện Đại, Vũ Ngọc Phan chê Phạm Duy Tốn về “nghệ thuật sắp đặt”. Chẳng là cụ Tốn cho quan phụ mẫu nói vài câu mới nghe qua, người đọc đã ngứa gan (bàn chân). Nhưng cụ Phan nghe cụ chịu không được, cụ bảo “họa có loạn óc à?”. Cho dù kỷ cương quan trường Pháp thuộc thối nát, quan lại toàn bọn huyện Hinh trở lên đi nữa, đê sắp vỡ tới nơi, thân chắc gì đã giữ được nói chi tới cái thẻ ngà hay mấy ván bài đang đánh dở. Vậy sao quan có thể điềm nhiên tưng tửng thế ?

    Dĩ nhiên cụ Phan phân tích, lý lẽ trong bối cảnh Những Năm Tháng (Nô Lệ) Ấy chứ cụ còn sống đến bây giờ chắc phải thót thót “A, chết mẹ!” liên hồi mỗi khi đọc phát biểu của các quan phụ mẫu Aureliano những năm tháng này: “Nó tưởng mình nói nó thì chết.”

    Biết đâu được, có khi cụ (cũng như các cụ khác) "A, chết mẹ!" lâu rồi.

    Lừa em (nó) thế.


    25.10.08

    17.10.08

    Reigning Ass(es)

    Ông Hugo Chávez lãnh đạo vương quốc của các nàng Venezu-silia xinh đẹp. Ông thường khoa chân múa tay, thậm chí sùi cả bọt mép, trước công chúng và có riêng cho mình một chương trình (Aló Presidente) để làm trò (mị dân thân tả) trên đài truyền hình quốc gia. Ông muốn giúp các nước cộng hòa chuối khôi phục lại vị thế (chưa bao giờ có) của mình sau khi dẫn dắt thành công nước ông đi lại gần Cuba anh em.

    Một hôm chống cằm ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc không xong, trong khi người khác đang phát biểu, ông quay sang oang oang: “Có một con quỷ vừa ngồi đây”. Ý ông nói ông Bush con. Vì là cuộc họp của khối Mỹ La Tinh và vài nước “liên quan”, nên có đức vua Tây Ban Nha tham dự. Đức vua chắc hôm đó khó ở trong người, bèn chồm lên bảo: ¿Por qué no te callas?” Hỏi giang hồ thì được biết là một câu không lấy làm đẹp mặt gì lắm, nhất là khi nói cho một vị nguyên thủ nghe. “Tại sao mày không/chưa chịu câm miệng lại nhỉ?” Có thể là vậy.

    Saïd khác, ông viết quyển Orientalism (Đông phương học), vừa đủ để tạo ra một nhánh mới trong nghiên cứu học thuật. Tuy ông cũng đưa nhiều nhận xét gây tranh cãi nhưng chưa phải ôm trọn một câu tương như vậy giữa thanh thiên bạch nhật trong đời bao giờ. Khi trở về gần nơi chôn nhau cắt rốn của mình, đứng ở Lằn Xanh (Blue Line) bên này Li-băng (Lebanon), ông nhặt một viên đá ném về phía trạm canh của người Do Thái. Cụ thể ông ném vào cái gì, ai biết được. Nhưng rõ ràng ông có phát ngôn.

    Phát ngôn là quyền của mỗi người. Mỗi hoàn cảnh phát ngôn, mỗi tư cách phát ngôn, mỗi nội dung phát ngôn, mỗi phương tiện phát ngôn…là mỗi. Đại khái vậy.

    Vua Tây Ban Nha chắc không có dịp đi Việt Nam và đủ rành tiếng Việt để coi ti-vi, đọc báo, hay nghe các loại cơ quan (chức năng), các loại bộ phận (chức vụ) giải thích/ hợp lý hóa về nhiều thứ trên đời (ngoại trừ “vì sao chuột chù có lông và hoa hồng có gai?”). Ờ, sau đó lại thêm thắc mắc về những thứ quy định, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn dưới luật trong đó đề cập tới chuyện to bi nhiêu, dài bi nhiêu thì chỉ được làm có bi nhiêu, hoặc ngay cả không được làm. Mà chắc ông cũng không có kiên nhẫn khi hàng ngày phải tiếp xúc với bao la những câu trả lời, những phóng sự, những bài bình luận đố vui có thưởng rứa a rứa a để rồi phải đứng lên ngồi xuống chỉ trỏ liên tục.

    Nhưng ông có thể đi dự lễ trao giải Nobel. Đợi đến cái câu đầy cảm khái năm nay của hội đồng Nobel Văn chương, ông sẽ ngọ nguậy thúc thúc cùi chỏ vào ngực vương phi Đan Mạch: “Ê nè, ‘reigning civilization’ là cái quái quỷ gì vậy?” Vương phi ngần ngừ: “Chắc có nhầm lẫn, hay ý ông chủ tịch muốn nói: “[The uncivilized] reigning [the] civiliz[ed]ation.” Vương phi dứt lời, trên kia ông chủ tịch cũng vừa kịp kết phần phát biều của mình: “… As always, ladies and gentlemen.”



    13.9.08

    Không Có Gì


    Khong Co Gi


    Vì chút việc riêng phải đi xa, không biết lần thứ mấy. Đem theo ít sách (phần lớn chưa đọc) để cho ấm nhà, dọn ra cũng vừa một kệ. Ông Đỗ Mục đời Đường đi xa, khi trở về thành lỡ một cái hẹn. NH nói có khi những cuộc chia tay ngỡ như tạm biệt, nhưng rồi mãi mãi mình không bao giờ gặp lại người đó, vật đó, cảnh đó nữa.

    Thuở nhỏ ở chung nhà với nội, ngoại, bao nhiêu hư đốn đều giấu nhẹm. Đến khi lớn khôn, rời đi một bước, lần lữa chuyện người chuyện mình. Nội ngoại rồi cũng không chờ được. Ngày nằm xuống người hỏi sao lâu, người nắm tay anh T. tưởng đã về.

    Bạn nhắc bao nhiêu việc dở dang phải làm, thấy mươi năm như cái cựa mình trong giấc. Thả gươm xuống lòng sông vớt trăng như Lý Bạch, vui với ảo ảnh dị thường kia biết đâu là diễm phúc? Đọc Bác sĩ Zhivago không nhớ gì, ngoài cảnh cậu bé Yuri đứng bên trong cửa sổ nhìn ra ngoài khu vườn đang bão tuyết. Có khi một khoảnh khắc là nửa đời người, nửa còn lại là những tháng năm chồng chất.

    Lại nghĩ về “tri nhận”. Thế giới là thế giới nào?

    Lật The Collected Songs of Cold Mountain (Hàn Sơn Thi Tập), gặp mấy dòng:

    This rare and heavenly creature

    alone without a peer

    look and it’s not there

    it comes and goes but not through doors

    it fits inside a square – inch

    it spreads in all directions

    unless you acknowledge it

    you’ll meet but never know

    (Red Pine translated)

    Những bất ngờ đến như không, lòng chưa kịp hoài nghi mà đã thanh thản.

    Mưa suốt buổi sáng trên bãi cỏ lất phất. Sau bãi cỏ là con lộ và cánh rừng. Muốn nhớ một câu thơ nhiều hơi hướm cũ nhưng đầu óc rỗng không.

    Bật ngọn đèn bàn, viết vẩn vơ vài hàng vô nghĩa. Xếp lại giấy tờ mới hay tấm bưu thiếp vừa nhận đã cong một góc nhỏ. Không biết trước hay sau. Cũng chẳng hiểu tại sao. Đem để tạm bên tấm hình cắt được từ báo lúc 20.

    Cầm ly cà phê bước sang nhìn nắng nhạt đã biết chiều. Dưới nhà có người khép cửa.

    Ngô đồng nhất diệp lạc


    6.9.08

    Kiếp Nghèo: Nói Ra Cũng Tại Vua Hùng

    Mấy tháng trước, nghe một người bạn than phiền về (vài) hiện thực (phi lý quái đản đến surreal), hơi buồn trong bụng. Nhưng là con nhái bầu, bận lang bang với mấy nàng nhái bén, nên cứ thôi thì thôi…

    Hôm nay, nghe được từ một bạn khác nữa tự nhiên bao nhiêu chuyện cũ lại trào về. Cười khôn ngăn được. Thực ra, cũng không lạ gì.

    Thuở nhỏ, tía má cho đi học, cả nhà có mình (con út) là được vở giấy trắng kẻ hàng với bốn ô-ly, bút không phải chắp vá nắp nọ, ruột kia. Các anh chị vở đen, có khi còn xác con gì, hay miếng bánh dầu hay gì gì nghiền dính trên trang giấy, vô tình đụng vô nó rớt ra thành cái lỗ.

    Mình học mỗi năm một lớp ngon lành. Thêm ở quê, siêng năng đi học đều không nghỉ nhà phụ tía má mỗi khi vô vụ nên toán, lý, hóa, ngoại ngữ gì thầy cô cũng bắt mình đi thi học sinh giỏi. Rủi sao, phường xã đều đậu. Rồi ra học chung với các bạn thông minh lanh lẹ biết được nhiều huyền thoại phố phường ngộ nghĩnh.

    Có bữa mai thi, mình đi chơi tàng tàng ngang qua thấy các bạn là niềm hy vọng của đội tuyển đứng đá banh. Ngạc nhiên hỏi sao không học bài? Bạn ngôi sao sáng chói nhất nói có gì đâu mà học, sao mày không ở lại chơi? Có lý! Ở lại chơi chưa rớt hay dập cái móng chân nào thì bạn đó bỏ về. Mình và các bạn khác chơi tiếp đến tối mịt. Chơi xong về còn kịp coi Ma Đao Thần Kiếm, hai trăm vê-anh-đê một đứa. Sau nghe mới biết hơn phân nửa đám lục lạc bình bát các huyện (theo mình) đi chơi, chỉ có bạn đó đó là học từ chiều đến tối (trong KTX).

    Một môn khác, thầy luyện thi đưa sách bài tập chép tay (mà thầy gọi là bí kíp) cho hai bạn siêu sao (hồi đó chưa có blog) cưng kia vì thầy bận đi họp đột xuất ở ngoải. Hai bạn này trí nhớ suy tàn hay sao, quên không đưa cho cả lớp. Mấy tuần sau thầy vẫn đinh ninh đàn gà nhà đang dùng bí kíp bá cháy bồ chét của mình chuẩn bị mổ mổ (gà nhà đứa khác).

    Chuyện nhảm mình có nhiều chớ, người làm sao chiêm bao làm vậy mà. Nhưng cái vụ này mới lạ. Thầy nói mấy ông GS.TS (ra đề) giỏi gì, cũng ngang cỡ thầy hà. Hỏng tin hả, Các bài thi Vô địch Vật lý Toàn Nga chớ đâu. Nội nhật, trong vòng bán kính 25km, các hiệu sách lớn, nhỏ, cũ, to, vừa, bé, vỉa hè không thể nào tìm ra một cuốn. Cả đám lê lết đi tới đâu cũng nghe có (một) đứa mua hết rồi.

    Ngẫm ra Hoàng Ngọc Hiến tấm tắc cái nước mình nó (sướng) thế đúng ha. Nhất là đối với những vị học hành cao cao bên cửa sổ (tò vò), sách lận trong cạp quần, lâu lâu xé một trang nguyên con, không thêm không bớt khạc ra, cũng đủ làm giang hồ ba đào dậy sóng (động cỡn) tam bộ nhất bái. Hèn nào, dân tình xưa nay đồn đãi rằng tấn vi quan, thối vi sư, tại gia vi phụ. Nghĩa là đi học nếu đuợc thì làm quan (người ta), không được thì làm thầy (người ta), còn bình thường ở nhà thì, đương nhiên, làm cha (người ta). Nothing to lose ([En] đâu có [còn] gì để mất).

    Ờ, mà dĩ nhiên tía má đâu bao giờ hiểu nổi, tại sao thằng con mình nó cứ nhoi nhoi tới cấp phường/xã là bị đạp xuống lại vậy. Trời, không có sách sao thòi lên được. Bởi vậy mới còn làm ruộng tới giờ. Những lúc ngồi to hó (đây đó) nhớ nghĩ phận nghèo (đuối học sớm) của mình bèn sến lịm: Chẹp, đời gì chẳng tình thương không yêu đương (đôi khi muốn nói yêu ai nhưng ngập ngừng đành lãng phai…)


    22.8.08

    Suýt Rơi Cả Cặp Mắt Kiếng

    To err is human, to forgive, divine
    Alexander Pope

    Nếu mình làm Tổng biên tập, nghĩa là có quyền biên tập (và coi sóc) tất cả, mình sẽ phải bắt đầu từ chỗ nào? Cô thư ký đang ngồi cạnh?

    “Phê bình đồng chí tác phong không gọn gàng nhé. Thiếu tinh thần cách mạng.”

    Thư ký thì phải thù tiếp (ý kiến) lãnh đạo. Có khi vượt mức chỉ tiêu, đâm ra mình đầu óc không tập trung được. Họp giao ban đành nhắc nhở:

    “Ngắn vừa thôi em.”

    Biết mình đang biên tập cái gì và cái gì cần biên tập sao mà khó. Khó nên khỏi làm hoặc muốn làm sao thì làm được không? Chắc hổng được (xuôi chèo mát mái) đâu.

    Mỗi lần nhớ Mật mã Da Vinci lại thấy vui. Không phải chuyện dịch giả Đỗ Thu Hà có bằng (học vị) tiến sĩ ngôn ngữ học mà chuyện biên tập viên Đặng Thị Huệ hoàn toàn yên tâm về bản dịch của chị Hà. Ngoài những chuyện cười không trọng lượng Thảm họa dịch thuật Trần Tiễn Cao Đăng chủ nhân có chỉ ra hầu rộng đường dịch học, một bạn đọc khác cũng chép nhiều chỗ nhưng thú nhất chỗ này:

    Âm:

    “Stop! I will fire!”
    “Go ahead”

    Nghĩa:

    "Đứng lại! Tôi sẽ bắn!"
    "Hãy bước lên phía trước"

    Một người cảnh cáo người kia, xong người kia nói như rứa. Biên tập viên nếu biết mình đang biên tập một tiểu thuyết trinh thám chứ không phải kịch thể nghiệm, sẽ biết chắc nhân vật vừa đưa ra lời cảnh cáo nên nói gì tiếp theo cho hợp logic hình thức sau khi nghe câu trả lời của nhân vật bị cảnh cáo:

    “Khùng hả mậy?”

    Theo đà đọc xuống mà không thấy vậy, khỏi cần so bản ngôn ngữ gốc, cũng đoán có gì không ổn rồi.

    Người viết, người dịch, tất nhiên phải chịu trách nhiệm (chút ít) với bài viết, bản dịch của mình. Nhưng biên tập viên trong thế giới chuyên môn (hoá) tự động xào đi cóp lại hôm nay không thể chối từ (cái ấy) hoặc nói một câu lấy được: “Xin lỗi, em chỉ là biên tập viên.”

    Đăng hay không đăng, xuất bản hay không xuất bản ở đâu cũng căn cội từ câu hỏi sống còn liên quan mật thiết đến hiện hữu (hoặc do thiểu số công khai định đoạt, hoặc do đa số thầm lặng khước từ). Ở một số nơi, vấn đề chỉ là phạm húy hay không phạm húy? Ở một số nơi khác, có thể có hơn một câu hỏi. Câu hỏi có tính thuần kỹ thuật như chính tả, ngữ pháp, thuộc về hàng thứ yếu (nhưng là bắt buộc tối thiểu).

    Gần gần có bạn Nờ Lờ nhắc Vietimes và Carr. Carr từng đăng một bài trên Harvard Business Review, trong đó chàng so sánh công nghệ thông tin với một số ngành khác đã hoặc đang tàn lụi qua một số chỉ dấu le lói giống nhau bèn kết luận: IT mà can hệ gỉ (ai) đâu? (IT doesn’t matter!)

    Bài này gây nhiều phẫn nộ trong học giới cũng như dân hành nghề mãi võ qua ngày. Đặc biệt có hai cụ to giáo sư Harvard viết một bài chỉ trích HBR (!): “Làm ăn dzậy hả?” Gần như muốn vận động truất phế Tổng biên tập và rõ ràng đe dọa sẽ không thèm cộng tác nữa. Sau đó bổn báo phải đăng một bài phân tích (đỡ cho) lập luận của Carr, theo hướng nó khả thủ, đáng đi mà các bác.

    Chỉ lý luận (bị cho) lôm côm thôi còn vậy, không biết về tính (thiếu) chính xác của sự kiện và góc nhìn khách quan (phóng đãng) của một bài báo sẽ bị hài tội ra sao. Nhiều sao lắm. Lần gần nhất là nhà báo đoạt giải Putlizer Judith Miller viết điếu văn cho Yasser Arafat có nhiều chi tiết cá nhân sai, và điếu văn Jacques Derida của Jonathan Kandell với cái nhìn phi chính diện (not full frontal). Cả hai bài này đều làm New York Times “xớ rớ” một dạo.

    Đoàn Duy Thành nói làm người khó chứ làm biên tập viên thấy khó hơn nhiều. Không thể nào không sai sót nhưng kỹ mà bắt lầm đối tượng cũng phiền không kém. Giả dụ hết sức đơn giản thôi, nếu gửi một truyện ngắn cho biên tập viên trang văn học nào đó, trong đó nhân vật A nói câu nào cũng chấm phẩy đúng đắn TCVN của Cục đo lường chất lượng, nhân vật B không hề bỏ dấu hỏi hay chấm than chi hết ở những nơi cần thiết. Rồi biên tập viên cứ thế tự ý túc tắc tốt bụng thêm vào, không thèm hỏi lại. Chơi vậy là kỳ quá (lắm)!

    Chuyện này chắc lại gợi nhớ các bác về giai thoại hai cha con ông đồ Nho hay chữ xưa mà bạn Quách thường kể (đi kể lại) vào cuối buổi nhậu. Cha thi hoài không đậu, con thẳng tiến tam trường. Đến khi con làm chủ khảo, cha vẫn đi thi (Tới đây đã thấy xuất hiện một vụ án nữ quyền, với đầy đủ các nhân chứng vật chứng, dựa trên khế ước Trăng Sáng Vườn Chè, hê hê – copyright batrieudicay). Tóm lại, chấm thi xong, con về đang uống nước vối ăn trầu bỏm bẻm, cha bèn thập thò ở gian dưới lên hỏi:

    “Kỳ này có bài nào được không mậy?”

    Con thở dài:

    “Có, có một bài được nhắm nhưng sai cả thể phách, câu cú ngô nghê nhắm thầy ạ, đành phải đánh hỏng. Tiếc thật.”

    Cha bảo:

    “Đâu, mày nhớ gì không, đọc tao nghe hử?”

    Con cứ thế ngửa cổ hắng giọng chu mồm đọc một mạch. Đọc chưa được phân nửa ông đồ cha đã xách cái đòn xóc lúa trong nhà vừa phan vừa chửi (cha) cái thằng quan chủ khảo. Hoá ra bài của đồ cha, nhưng chữ Nho không chấm phết rõ ràng. Nghè con (hơi) dài và dai hơn cha, nên lúc hành (cái) sự đọc lên xuống kỳ khu kia, lia chia ngắt sái chỗ, thành ra cả mấy quyển thi nộp vào đầu đuôi cứ là tầm phào khó hiểu. Làm chủ khảo không làm, biên tập bừa bãi tai hại vậy.

    Chuyện tương tự vầy ngày nay cũng không thiếu. Hôm nọ thằng bạn (vong niên) của bác mình nó đọc truyện ngắn của một nhà văn nữ Việt Nam. Đọc tới chỗ chi đó, thấy đắc quá, mạch văn/thơ bị gẫy đột ngột do câu xuống hàng, thụt ra thụt vào. Nó nói cái gì tứ đổi, ngoại hàm đổi, văn cảnh đổi. Nó khen hấp dẫn, nhưng không biết ghi điểm cho ai, nhà văn hay biên tập viên. Cứ phân vân mãi tới giờ.

    Cũng thằng này, bữa trước ông bác dẫn lại nhà nó chơi. Mở DVD ca nhạc ra coi, nghe cô ca sĩ nổi tiếng hát nọ tới chỗ “con tim thì khô máu” của họ Phạm. Nó lầu bầu quá trời. Má nó ngồi sau: Cái thằng hay, sao người ta nhớ hết được? Vậy bác sĩ đâu cần nhớ gì ha, cho thuốc bậy, cắt lộn chỗ à? Bác sĩ khác!

    Tranh cãi kịch liệt. Mình chỉ ngồi cười hiền hoà (cả làng). Ông bác còn đang bận lom lom giương đôi kiếng hai tròng sát màn hình coi các động tác (nhào lộn tim mạch) của cô ca sĩ nên không để ý. May cô này không chã chớt hớt nhả, hát câu trên đúng tiêu chuẩn ba Rờ (trong, tròn, và rõ) của trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội Liên khu 3. Ờ, mà làm ca sĩ hổng làm, biên tập chi dzậy.

    Muốn kỹ cho ra hồn cũng khó nữa. Hôm nọ đọc bài báo trên tờ báo, lớn lắm, bác phóng viên mắng nhặng xì xằng (một bộ phận) thanh thiếu niên tự gây thương tích (self – mutilation) cho mình là theo phong trào, a dua bệnh hoạn (bác nói theo nghĩa của bác). Bác này chắc tối ngày mê mục trả lời thắc mắc bạn đọc của Trưởng Khoa TS Huỳnh Văn Sơn (ĐH Sư Phạm, Viện ĐH Quốc Gia TP.HCM) trên TTOL nên không để ý cái bác đàm luận nó có định nghĩa cụ thể và nằm trong danh mục các bệnh tâm lý (mental disorders) cần điều trị của Hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association) và, dĩ nhiên, ngoài Hoa Kỳ (trừ phi bác theo trường phái Ahmadinejad). Ngoài ra, nghiên cứu, sách vở, phim ảnh, nhạc nhiếc đề cập xa gần (vụ này) bàn phím nào kể xiết.

    Tuy nhiên, biên tập viên đâu phải bác sĩ tâm lý trị liệu, để lọt lưới phải thôi. Huống chi thói quen, kinh nghiệm và kiến thức (ức chế) nó đẩy đẩy mình đi trước. Ví dụ đọc một bài về tâm lý (giáo dục) tuổi mới lớn vừa nhắc Hồ Ngọc…mình đã thấy ngay chữ “Hà”, thậm chí nghe thuận tai mỏi mí. Nhưng các bác thích dạy con nít tám tuổi 1 + 1= 0 lại thấy chữ “Đại”. Không có chữ “Đại” không được. Hay đọc lướt ngang tiêu đề có “Hayek”, vang lên trong đầu mình sẽ là “Salma, Salma, Salma” chứ không thể là “Friedrich, à Freidrich.” Mặc dù viết về hai nhân vật này đều hoàn toàn có thể bàn về “vốn”.

    Đó là giả thiết rút từ huyễn tượng một đường cong cong, nối thêm đường vòng vòng. Còn sau đây là chuyện có thiệt (đọc lén được). Một ông viết bút ký, ông nói nhớ ở quê ăn cơm với dưa hấu cũng ngon. Biên tập thắc mắc quá chừng, “ăn dưa” còn hiểu. Nên biên tập rồi vẫn cẩn thận để chú thích. Độc giả mới trả lời nói: “Có à chú, chỗ tui có ăn vậy.” Xém chút nữa biên tập viên thành thừa tướng. Giỏi như Vương An Thạch cũng đâu biết hết mấy chỗ khuất tất xa xôi. Cùng lắm một hai cái (danh thắng) gọi là cho vui thú ngao du sơn thủy (lạ) chớ thời giờ đâu tìm hiểu kỹ càng.

    Còn như hội Tao Đàn An Nam xưa nay có non vạn bài thơ dở, chỉ mỗi bài Thiếu Nữ Ngủ Ngày thơm tho mát mẻ, bàn qua tán lại, người đời sờ nắn lung tung, bưng lên để xuống không hết mê (mẩn), tự nhiên ngay mấy chỗ hay nhứt lại lòi ra hai cha nội. Mặt mày lơ láo lơ láo như phường ăn trộm. Trộm thiệt chớ bộ. Sương, suối cái gì. Thấy thương mấy thầy khoá làng (phê bình văn học cổ trung đại) chỏng gọng vì cái vó dỏm.

    Nhiều khi sai sót kỹ thuật bất khả kháng cũng có nữa. Trần Trọng Vũ (chồng của Thuận – phải để vầy cho lễ phép thời thượng) gửi ông Ka Tê một loạt tranh Good Morning Vietnam. Ông Ka Tê loay hoay làm sao tỉ lệ bị đổi khi ra báo (mà còn khổ nhỏ nữa, hehe). Họ Trần nổi cơn (Trọng Vũ): Không có lần sau à! Ông Ka Tê là hoạ sĩ lẽ nào ông không biết tỉ lệ quan trọng thế nào với một bức tranh? Tỉ lệ là một dạng kích thước (measurement). Ông cũng là đàn ông, lẽ nào ông không biết kích thước là cái người ta sống với đời? Thiệt tình.

    Nói chung, biên tập (thực sự) không những khó còn khổ, chưa kể cái quan hệ giữa truyền thông (chứ không đơn thuần chỉ là báo chí) và công chúng ngày càng dễ có diễn biến phức tạp (như các cơn bão sắp đổ bộ).

    Theo chỗ đoán thì bạn Nờ Lờ không thích thú gì chuyện bới lông đâu nhưng cái quan hệ đó hôm nay, sau một thời gian không thể hàn gắn vì child abuse, chiều thuận nó đã ra vầy, từ phía độc giả Nờ Lờ (và các nàng hay ngo ngoe ngúng nguẩy khác), cứ chạy thục mạng rồi nhảy xuống gầm cầu Chương Dương, thò đầu lên than khóc ri riLink

    Chiều nghịch từ phía Vietimes (và các loại tương tự), đơn cử TBT Thiều, quần ống cao ống thấp, tay cầm chai cuốc lủi rượt theo mà rằng

    Cũng đành làm người và làm lỗi, như câu trích ở trên, ngẫm lại hơn nửa (phần ba) đời hư mình thấy đúng quá xá (tía má còn không dám nhìn). Hehe…Mà ngộ, gặp nhiều vị, sao hổng thấy ở họ cái cố gắng trong cả hai.

    TB: Bác nào còn có cái gì chung (common) khác, ngoài giác quan, cho em mượn xài cái. ;))
    Biên tập cũng như Xích Bích (phú), có tiền và hậu. ;P

    14.8.08

    Tạm Biệt (Những Cánh Chim) Miền Tây

    Miền Tây trù phú của mình giờ đã thành trọc (phú). Từ ngày cơ giới hoá nông thôn, cá rùa lươn rắn của bác Ba đã bị chích (điện) lia lịa không còn một mống, cỏ cây tự nhiên um tùm xanh mướt cũng bị cưa (điện) tỉa xén hớt tót. (Làng) trên, (xóm) dưới mất tự nhiên quá thể, hoa chăm cỏ xen, lối phẳng cây trồng. Chim bướm muỗi mòng vì vậy vơi đi nhiều. Mấy công ruộng của tía má thời nhiễm mặn, nhiễm phèn hết.

    Mà các cô này xách rổ xách rổ đi đâu cũng chớ thấy qua lợi bứt cọng hành cọng tỏi gì ráo trọi cho mình giúp tình thương cái. Đờn ca tài tử mùi mẫn cũng không cứu được. Chắc mê coi phim Đài Loan, Hàn Quốc trong nhà quá.

    Phần nữa, có hai hòn thời chỉ còn Hòn Phụ (thiệt ra là chính), Hòn Tử đã sụm bà chè rồi. Bụng dạ nào đứng nhìn hòn còn lại. Đông Hồ, Mộng Tuyết, Sơn Nam đã xa như hôm qua. Anh Út Bạc Liêu Kiệt Tấn đi Tây. Hồ Trường An đi du hí. Nguyễn Quang Sáng bỏ lên Xì Gòn kể chuyện mèo, cô Tư Cà Mau quyết định làm bà Hội đồng thăng, thôi không ngồi nữa, thăng dìa nhà nghỉ khoẻ để khỏi khổ như đời cô Lựu…Riêng triết gia Cà Rem Mỏ Cày thì bị đày ra đảo luyện cái chi không biết (biết chết liền), có thể là Hà Mô Công. Mấy nàng Ái Cơ trong chậu úp, chậu ngửa, chậu he hé cũng bôn ba hải ngoại. Đó, còn gỉ đâu? Thành ra, anh này cũng xách phảng xách phảng đi luôn.

    Tạm biệt miền Tây hoang dại vô bờ bến.

    Tạm biệt xong sao thấy mình dại quá. Giận mấy ông Tây-Nho nhọ nồi viết sách ba trợn bán lấy tiền hù doạ con nít. Cái đoạn thằng nhỏ mặc áo trắng đi tưa vũng bùn trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư báo hại mình cho tới giờ này có làm ăn gì được đâu (trả lời câu hỏi bữa trước của bác, ờ đúng rồi, bác á bác Nhị Linh, đừng làm bộ ngoe nguẩy tóc em đuôi gà quay sang phải sang trái – copyright Nghe Chửa). Thiệt là:

    Nhất thất túc, thành thiên cổ hận
    Tái hồi đầu thị bách niên cơ

    (Một lần lỡ rớt cái chân
    Quay đầu nhìn thị cơ cần gẫy tan)

    Nhưng nghĩ lại hay tại mình đọc không kỹ, nhớ mang máng hồi xưa (hè lớp tám thì phải) có coi mấy hình vẽ (vì có hiểu gì đâu à) trong Hán Văn của Trần Trọng San thấy nhắc mấy câu, chắc vầy quá:

    Nhân chi nhất sinh tứ thời hồ

    Thời hồ thời hồ bất bất tái lai

    Đại khái:

    Bài đọc ngắn.

    Giảng nghĩa: Con người sinh ra (và sống) một lần trong đời, tất thảy có bốn thời kỳ hồ đồ (hoa niên, thiếu niên, trung niên, và lão niên). Dù hồ đồ của thời nào, tím tái theo kiểu nào (thì) chúng cũng sẽ không bao giờ lai vãng (lại nữa). Mỗi một khoảnh khắc hồ đồ có cá tính hồ đồ đẹp đẽ độc nhất vô nhị, xá gì mà không hồ đồ thêm tí nữa cho nó trọn vẹn phải lẽ (hoa niên theo hoa niên, lão niên đừng ỷ thuốc thang theo thiếu niên trệu trạo mà mất cả sức lẫn mạng, v.v.)

    Bài học: Hồ đồ đi, kẻo về sau lại hối không kịp ấy. Ôi, “hối không kịp ấy” bốn tiếng ấy nghe ra há chẳng đáng tiếc não nùng lắm ru?

    (hết phần trích)

    Đến phần nhảm.

    Hồng hồng tuyết tuyếtMợi ngày nào còn chưa biết cái chi chi

    Moi Ngay Nao




    Mà giờ đã….

    NgoThanhVan

    Nhắn: Bác pút pút đi xe tút tút (màu tím Huế, mui trần), cú này em nhứt định giành lại quyền kiểm soát. Hehe…



    27.7.08

    Có Điều Gì Gần Như Niềm Tuyệt Vọng (Cho Nó Sang)

    Quân bất kiến Nam, Xuân tự cổ đa danh kỹ


    1. Sáng dậy đã có vẻ làu bầu như con gấu. Nghĩ mãi mới nhớ lâu rồi không ngủ (đủ). Tắm thì vẫn đều đặn (2 lần/ngày), bớt nóng nực chứ không thôi bứt rứt. ;))

    2. Vẩn vơ về danh xưng “tứ trụ triết Tây” trước 75 ở miền Nam mà Thụy Khuê và nhiều người khác hay nhắc, thêm vụ Trần Phong Giao hỏi Nguyên Sa: “Bông Hồng Hay Bông Cứt Lợn?” Thấy mắc cười nên cười một cái (rồi thôi).

    3. Thương về TS[1]. Dương Ngọc Dũng của những năm 1990 (thiên niên kỷ trước) và TS. Ngô Tự Lập những năm 2000 (thiên kỷ này) trên mặt báo. Xong tự thấy rất thảm.

    4. Trung Nguyên ngoài cà phê ngon còn có Bắc Kiều Phong – Nam Mộ Dung. Đại (Tồ) Việt ngoài giai nhân chi chít theo tỉ lệ (xích), bonus Nam Vũ Hạnh – Bắc Nguyễn Khải.

    5. Trong một thư ngỏ của khoảng chục (mười) các giáo sư người Mỹ gốc (Me) Việt (đa phần trẻ, do TS Viet Thanh Nguyen, Đại học Nam California chấp bút) cách đây mấy năm có nhắc tới “ám ảnh hủy hoại” (destructive obsession). Thư trong một ngữ cảnh khác, về vài vấn đề khác. Nhưng tưởng ám ảnh tự thân đã có tính hủy hoại ít nhiều rồi. Có khi huỷ hoại để tái sinh. Thỉnh thoảng nó cũng tạo ra những năng lượng xung đột (ngột).

    6. Má sai đi mua trái bầu (hay bí gì đó), thay vì cho thêm bó hành ngò, cô hàng rau (xanh) mơn mởn lại kèm quyển Suite Française (thiệt ra là 30% off, nhưng mãi ngắm nghía lựa bầu nên quên bó hành ngò thành ra khi má hỏi…) Anyway, sách gồm hai (trong một) quyển của Irène Némirovsky, người Do Thái gốc Ukraine sống và làm việc tại Pháp bị chết trong trại tập trung Đức Quốc Xã ở Ba Lan. Hơn nửa thế kỷ sau tập bản thảo mới tìm thấy. Về đứng xa ba thước đá câu bổng cầu vồng rất đẹp vô thúng (đựng sách dưới gầm giường) trúng ngay The Sorrows of Young Werther. Giật mình nghĩ tới những mô thức hồi ức cổ điển về Chiến tranh Thế giới II. Kiểu như con khuyên cha, bà nội, cô, cậu, chú, dì, thím, mợ, vợ thằng bạn… hãy mau dời gót ngọc tản cư. Rồi nhận được những cái lắc đầu ứ ừ không tin: Một dân tộc đã sản sinh ra Goethe, Kant, Bethoven, Bach, blah blah thì làm sao có thể như người ta lo sợ được? Kết quả sau đó Đức thả bom tung toé, bắn tên lửa đạn đạo V2 chíu chíu như tình Ca-chiu-sa, ập vô từng nhà bắt trọn ổ, giết gần hết, tống đi trại tập trung, tùng xẻo, trấn lột, đem quay v.v. Dĩ nhiên đó là "sự thật" lịch sử. Chính vì vậy ta mới có quyền (và nên) hy vọng.

    7. Đọc được đoạn này: I do not mean by this declaration to condemn those who believe otherwise; they have the same right to their belief as I have to mine. But it is necessary to the happiness of man, that he be mentally faithful to himself. Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving; it consists in professing to believe what he does not believe.

    It is impossible to calculate the moral mischief, if I may so express it, that mental lying has produced in society. When a man has so far corrupted and prostituted the chastity of his mind, as to subscribe his professional belief to things he does not believe, he has prepared himself for the commission of every other crime.(Age of Reason – Thomas Paine)

    8. Mỗi lần sờ (vô bàn phím) là biết cố tật thừa giấy, vẽ voi, nói nhảm sẽ trỗi dậy nhưng không nhịn nổi. ;(( May có Nguyễn Mộng Giác nói đỡ dùm. Người ta hay hỏi sao ông viết về các nhân vật lịch sử Việt Nam trong Sông Côn Mùa Lũ tầm thường vậy? Coi không được. Ông trả lời nửa đùa nửa thật, đại ý tui bình thường quá, rướn lên hỏng nổi thì kéo họ xuống. Cũng phải, xưa nay mấy ai tự túm tóc mình kéo lên được. Dễ nhất vẫn là nắm tóc người khác đè xuống để thoả mãn nhu cầu (thắng lợi tinh thần).




    [1] TS là viết tắt của tiến sĩ, không phải thiền sư, thí sinh hay là tao sẽ. (Khổ, cái gì cũng phải chú thích cẩn thận không lại trách mình thiếu sót).


    17.7.08

    Nhậu Cùng Một Hướng

    Chomsky nói một câu dễ thương thấy ghét: “Một cách đơn giản là có thể tôi không có khả năng thấu hiểu Derrida, nhưng tôi ngờ cái cơ hội xác suất của sự kiện [thiệt ra chỉ là possibility (khả năng) thôi, đoán và mò quàng xiên vậy cho có vẻ triết học của ngôn ngữ học của văn học của…và tránh lỗi điệp tự. Hehe] đó.”

    Chomsky “dễ thương” vì ông không phán: “Theo lý thuyết của tao/mà tao tin thì mày sai.”

    Ông Hoàng Tử Bé lại nói: “Yêu nhau là cùng nhìn về một hướng.”

    Mình không rành mấy cái vụ yêu và giải này nọ gì ráo trọi. Nhưng mình biết nhậu phải ngồi chung một chỗ. Không ai nhậu qua điện thoại, thậm chí webcam.

    Nhậu phải cãi. Cãi phải dựa trên căn bản là đơn vị bàn. Bàn này đang nói, bàn kia không nghe rõ, hoặc không theo (nghe lén) từ đầu, không nhất trí ai trả tiền sau khi tính sổ, xen vô gắp nửa chừng mồi người ta, dễ gây thương tích trong (dĩa) lòng lắm à.

    Chuyện này cũng giống trước khi vô bếp, không cần giao kèo: “Tui nấu nhưng bà phải rửa chén” (Tía mình hay chơi chiêu này. Hehe…) Nhưng phải thống nhất: “Thế nào là ngon?” Ít nhất: “Thế nào là mặn?” Nếu bà không chấp nhận hoặc cùng chiến tuyến tiên đề về nghệ thuật nấu ăn tài ba lỗi lạc của tui, bà đừng có nói sao tui nấu dở à nghen?

    Tờ New York Times mới đây kể chuyện ông Friedman, chết rồi còn gây sự. Nghe đồn ông đoạt giải Nobel Kinh tế, có ảnh hưởng sâu đậm thắm thiết lên chính sách tiền tệ của Mỹ, bao nhiêu là bằng danh dự của trường này viện nọ tổ chức kia, học trò giỏi chắc cũng nhiều luôn, blah blah… (ủa mà cái này tiếng gì, thôi cứ in nghiêng cho chắc). Tiếp tục (coi ở dưới):

    Ông gắn bó với Đại học Chicago, từng học và dạy ở đây nhiều năm, được xem là người mở rộng tầm nhìn ra bờ hồ Michigan cho trường phái Chicago uy hùng. Nói chung, nghĩ về ông, người ta nghĩ ngay đến Đại học Chicago. Ngược lại, nghĩ về Đại học Chicago với những gương mặt sáng giá, chắc chắn người ta sẽ nhớ tới ông như một uỷ viên thường trực (gây tranh cãi).

    Điều đáng ngạc nhiên, như tờ Times viết, Đại học Chicago định lập một viện nghiên cứu mang tên ông với ngân quỹ khiêm tốn ước định là 200 triệu đô. Cái khó ở chỗ hàng tá giáo sư trong trường chống, lý do họ không (tin) theo thuyết hoặc các luận thuyết mackeno (mặc kệ nó) của ông Friedman được. Nếu lập một viện như vậy e đưa ra tín hiệu cúi đầu thiên lệch về hướng đi của viện. Chúng ta chưa đầu hàng, chưa tâm phục khẩu phục, đừng hòng ta chịu bị chơi ép vậy đâu nha.

    Hai bên quần tây áo đầm chia phe kéo co bất phân thắng bại nên ngài viện trưởng Dim-mờ (Zimmer) và ông hiệu phó chuyên môn Rờ-xem-bà-ui-ờm (Rosenbaum) phải triệu tập toàn thể hội đồng giáo dục (gồm hơn hai ngàn giáo sư, giảng viên, thủ thư trưởng, hehe…) để …cãi tiếp. Lần cuối có một cuộc triệu kiến đấu khẩu vĩ đại như vậy trong trường là vào năm 1986, để xem có nên tước đoạt (divest), cởi bỏ nhanh lẹ các khoản đầu tư ở Nam Phi hay không?

    Nhậu xong rồi, bây giờ quay sang bàn bên lý : “Theo Friedman thì các chú phải trả tiền.”

    Chơi gì kỳ dzậy!




    9.7.08

    Cá Tính Của Một Buổi Chiều

    tôi đến đường số 17
    mang theo những định dạng cần thiết cho một buổi chiều hợp lệ
    trước khi ngồi xuống nắp ống cống
    và rình đợi
    những tâm hồn

    nứt nẻ

    thừa mứa tính từ
    qua lại

    trong tôi
    không ngừng
    phọt ra từng giao diện khả lắp
    chuồi trên bề mặt xác chiều chưa đánh mã

    hững hờ không
    hân hoan không
    hạn hữu không
    hanh hạ

    tôi xé từng trang từ điển ném xuống lòng đường toang hoác vương
    những tính từ thoi thóp
    chiều thực vật đã sang trên nóc nhà

    đối diện
    trạng từ

    chỉ còn lại danh/động
    ngày danh/động
    đêm danh/danh
    chiều danh/động
    ôm động/động
    đôi bàn tay danh/danh

    nơi đây cũng không nhiều
    bởi tôi luôn ngưỡng mộ những người còn sống
    và yêu thầm kẻ phản bội

    chiều của tôi không phải là bình minh đến muộn
    với những hình khối, kích thước, màu sắc, điệu bộ của một buổi chiều
    chiều của tôi không bao giờ kêu: “Ê, chiều!”

    07.2008

    1.7.08

    Đêm Ngủ Ở Tỉnh

    Nhiều khi có một câu chữ nào đó cứ bám riết lấy mình, vang lên trong đầu hoài không chịu buông tha. Hồi tám chín tuổi, ở nhà bên có anh lính hay chơi đàn rất khuya. Đàn anh đã cho mình trời xanh bao ước mơ tuổi thơ. Một hôm mình đang cầm cái que đứng dưới gốc me, anh chạy ra đưa cho tờ giấy kẻ ngang sạch sẽ có chép nhạc nắn nót. Tặng cháu nè. Chú mới sáng tác đó. Hi, mình đọc sơ lời biết đó là bài Mặt trời bé con của Trần Tiến hay phát trên loa phát thanh phường chớ gì. Anh lính này còn ký bay bướm ở dưới nữa. Từ đó mình hết hơi, rã miệng vì cứ hả họng là ngày xưa có chú bé…Lả người cho đến một lúc nào đó, không hiểu bằng cách nào, mình lại quên bén nó đi.

    Đêm ngủ ở tỉnh là một trường hợp khác. Mình không bao giờ có ý định đẩy nó ra khỏi óc, cũng không có ý gợi nhớ đến nó. Nó thường đến với mình rất bất ngờ nhưng êm đềm vào những buổi khuya. Khi đó mình đang ngủ mơ màng, rồi choàng tỉnh dậy như có ai vỗ nhè nhẹ lên vai: Đêm ngủ ở tỉnh.

    Đêm ngủ ở tỉnh. Câu này nghe phê dễ sợ. Tưởng tượng coi, nó là tên một tập truyện có hơi hướm cổ điển và Tây, nhưng xa xăm mơ hồ hơn, như Niềm vui hãy ở lại hay Điều kỳ diệu của tâm hồn mà mình đọc được hồi nhỏ. Sách mượn ở hàng xóm thôi. Nhà không có sách. Bác hàng xóm hưu non này có nhiều sách mà hay phát biểu xỏ lá. Mày nói như cọp nhai đậu phộng. Là sao cha? Thì nghe nó lổn nhổn chớ sao.

    Đêm ngủ ở tỉnh. Mình nâng niu bốn chữ này đến độ không dám bịa ra chuyện gì để mà gắn vô. Lỡ không xứng coi như đi đời một ám ảnh dễ chịu. Thà cứ để nguyên như vậy còn hơn.

    Phải nhận rằng chuyện gì cũng có nguyên cớ của nó. Vậy mà mình không thể nào tìm lục trong ký ức một mẩu nhỏ đời sống mình từ lúc lọt lòng, thòng tận bây giờ tại sao có mấy chữ này trong đầu. Mình phải hoặc nghe ai nói, hoặc đọc ở đâu đó chớ. Không nhớ. Mọi người trong nhà đều nói mình lộn xộn cũng phải. Cái cách mình mở miệng không giống những người khác. Cái rổ từ vựng của mình cũng vậy. Nó làm sao làm sao. Đôi khi đang nói thì ngắc ngứ không biết phải dùng từ gì cho thích hợp. Sang quá không được. Xuống tông một tí thì lạc. Ít học quá, phô quá, điệu bộ quá. Nói một câu toàn phương ngữ miền Bắc mà mình phát âm giọng Nam Trung chẹt lét, chen vô vài tiếng của tỉnh mém giáp ranh quê nhà. Hoặc cả đám đan chéo đan chùm cũng có. Lấp lỡ vậy đó. Chưa bàn tới câu cú. Gớm ghê luôn. Nghi do học hành dang dở, cao không ra cao, thấp không ra thấp. Lại mê TV. Đài nào cũng coi, báo mình càng coi thường nữa.

    Sớm nhứt là câu này vô trỏng hồi năm lớp chín, tức năm cuối cùng mình còn gần gũi chuyện học hành. Năm này nhiều sự biến.

    Khởi đầu là anh Tư. Đi nhậu về xáng cho mình một bạt tai. Điên thì chết từ nhỏ đi nghen mậy? Bà già chồm hỗm nhai trầu trong bếp. Thằng nói vậy nghe được sao con! Rồi ngồi khóc à ơi không ai thèm dỗ. Mình cũng lủi đi chỗ khác cho rồi. Sau mới biết chả uống ở quán chú Nhố với mấy cha trong xóm. Quán này bà ngoại hay sai mình đi mua nước mắm, tiêu, đường, mấy thứ linh tinh. Các cha thường tụm đó uống cà phê tán phét. Mình ngứa tai hỏi chõ vô. Ai nói chú vậy chú? Để tâm thù mình. Đợi anh Tư đi nhậu có đầy đủ mấy đứa giả bộ hỏi. Nghe nói em mày học giỏi lắm? Anh Tư nói ờ, nó nói chớ đứa nào. Nhưng mà nó bị khùng khùng đúng không? Đó, có vậy thôi cũng đánh mình.

    Chưa hết. Cách đó hai tháng, thi môn Giáo dục Công dân. Con nhỏ ngồi sau mình không thuộc bài. Chỗ hỏi về cơ cấu nhà nước, bộ máy lãnh đạo gì gì đó, nó khều mình. Chủ tịch Quốc hội là Nông gì mày? Nông Đức Mạnh. Nông Đức Mặn hả? Ờ, Nông Nước Mặn. Con này ghi vô thiệt. Tới hồi bị điểm 3 nó rủa mình. Bà cô dạy GDCD là bí thư Đảng uỷ của trường nên phải làm cho ra chuyện. Nó chỉ mình thì mình phải cúi đầu nhận tội. Là tội nói giỡn thôi. Vậy mà họp hội đồng giáo viên kêu mình xách động phỉ báng. May thầy hiệu trưởng ổng hạ khẩu nương tình. Con nít nó nghịch. Nhưng phải bị điểm 2 và đạo đức Yếu Học kỳ I. Bỏ công mình thức dậy sớm học bài. Con nhỏ kia mới khùng thiệt. Mùa mưa nó mặc áo mưa bộ đến lớp. Tụi con trai đứng ở góc đằng xa, đang chuyện gẫu không chú ý gì. Nó la thiệt to. Mấy ông quay mặt lại cho tui cởi quần (là nó nói cởi cái quần đi mưa). Ngày nào nó cũng vô lớp la như vậy cho tới hết mùa mưa.

    Còn nữa. Cha thầy dạy lịch sử mới về trường ở trong xóm chớ đâu. Giờ học có 45 phút toàn nói tào lao xịt bợp. Lúc nào cũng thiếu giờ. Giờ sau là giờ thể dục. Mình làm lớp trưởng nên bị ông thầy này cạo. Cho lớp xuống trễ nữa hả? Dạ tại thầy K. Nói ổng bữa sau đừng vậy nữa. Lớp leo, nhảy, chạy, bò… được một nửa là giải tán. Từ đó, kẻng đánh hết giờ mình liền buông bút. Ổng để ý bắt tại trận. Cho giờ C. Cô chủ nhiệm tức quá. Trong mấy chục năm lịch sử của trường, chưa khi nào một lớp chọn, lớp mẫu mà bị giờ C. Ô nhục vầy không chào cờ được. Ông chồng cô chở cô tới nhà, ngồi ngoài xe vắt chân hút thuốc phì phèo. Cô chủ nhiệm vô đề liền nhưng phải mất hồi lâu ông già, bà già mình mới hiểu Sổ đầu bài, A, B, C tùm lum là cái gì. Ông già mình giơ hai tay lên trời. Chắc tui giết thằng này quá bà. Rồi cả lũ kéo nhau sang nhà thầy K. Ổng không thèm nhìn mình. Cô chủ nhiệm bá vai ổng dắt ra hiên. Mày nể chị, tha cho nó lần này. Sửa lại giờ B đi. Thằng này để tao trị. Coi như êm xuôi. Mình chỉ thấy ổng thường mướn truyện chưởng nhái và uống rượu ghi sổ ở quán chú Nhố, nhưng tụi trong lớp nói ổng với thầy thể dục hay chơi bài tiến lên, chặt hẽo ăn tiền tá lả ở trên xóm trên.

    Thi tốt nghiệp đậu á khoa. Thi chuyển cấp đậu vớt. Ở nhà cho rồi. Anh Năm cản. Tự nhiên dị mầy? Không thích thôi. Bà già nói. Kệ nó. Anh Ba. Không được, phải có cái cớ gì đáng đáng nghe mới thuận tai. Vậy là từ đó chả phao tin mình bị viêm xoang hay nhức đầu sảng, học không vô. Người này người kia còn đem thuốc gia truyền tới cho mình. Thi
    ệt tình.

    Nghỉ học phải theo mấy chả đi làm xa, vì xanh quanh hết ruộng rồi, ngoài ra thị xã cũng nhỏ. Khoan cắt bê tông, chuyên gia chống thấm và lót gạnh nền thương xá là nghề của mấy anh em. Mấy cha này kiết lắm, toàn ngủ nhà trọ dưới 8500đ. Đang hôm mình nghe Đêm ngủ ở tỉnh, ngồi dậy ngó ngang đã đã, anh Ba thò tay đè đầu mình. Nằm xuống, nằm xuống. Nhiều khi thấy cha này lãng dễ sợ (Anh Năm ngu ngu nổ nổ không nói gì rồi). Nhưng còn đỡ hơn anh Tư, sến chịu không thấu. Quanh giường dán đầy hình Lam Trường, Đan Trường. Mê nhứt hai thằng này. Đẹp trai còn hát hay, ác thiệt. Mua được cái đầu VCD là coi tối ngày. Ông già canh me chả đi chơi, ở nhà chọt chọt để coi cải lương làm hư mẹ cái đầu người ta. Chả về la lối. Nói mà, cha này chỉ có tài phá là giỏi.

    Ông già lạc hậu thiệt, nhìn mặt lúc nào cũng ngơ ngác như con bò lạc. Dị hở?! Tụi mày giờ hiện đại quá. Lúc ăn cơm, lúc nhậu là lúc ổng kể những chuyện xưa rích. Phong trần không ra phong trần, không lãng tử, không anh hùng cứu chúa, không hoà hoa gì ráo trọi. Mà nghe cả trăm lần, nghĩ coi. Chán quá, không biết làm sao mình phải thêm đầu thêm đũa vô, cắt khúc này ráp vô khúc nọ, thậm chí đẻ chuyện cho nó lạ. Rồi phải mồi mồi nhớ không? nhớ không? Vậy là bữa sau, cũng có khi ngay trong bữa đó, có chuyện mới để nghe. Nhưng nhiều lúc ổng chấp lộn, hoặc kể chưa hết thì quên khúc mình chêm thêm nên nghe nó vô duyên kinh khủng. Nhằm bữa có khách, khách không hiểu gì cười nhăn nhở, mình muốn độn thổ nên giả bộ gõ gõ chén xuống một câu vọng cổ mùi. Nhưng mình cũng không phải chịu ổng lâu, ổng bị bại thận nên phải đi chạy máy ở bệnh viện tuần hai lần. Bớt nói lại. Bao nhiêu tiền anh Tư để dành cưới vợ vô đó hết. Chưa từng thấy anh Tư quen cô nào. Để tiền cưới vợ chi vậy cha? Ai biết mậy. Đời nhiều thay đổi, có khi duyên số nó tới. Chạy thận đâu được vài tháng thì ông già tiêu. Anh Ba chậc lưỡi. Rồi xong. Anh Tư lầm bầm. Nói mà, cha này chỉ có tài phá là giỏi. Anh Năm không nói gì, lo mua hòm mua áo.

    Bà già cử mình vô Sài Gòn đón phái đoàn bên Mỹ về. Ở nhờ nhà bà dì họ. Nhà rộng rinh. Xa thành phố. Đẹp kinh hồn. Đêm trước ngày máy bay đáp xuống mình lại giật mình nghe ai nói văng vẳng bên tai: Đêm ngủ ở tỉnh. Mở mắt thấy căn phòng sơn màu hồng hồng. Đèn ngủ cũng màu hồng.

    Về tới đầu ngõ, cả nhà chạy ra tay bắt mặt mừng. Anh họ, chị họ lâu ngày không gặp nên khóc thảm. Vừa kịp lúc liệm. Liệm xong cả nhà ra bàn uống nước. Bà già đứng lên. Thím cảm ơn các con đường xá xa xôi về nhìn mặt chú mày lần cuối. Anh họ xua xua tay. Cảm ơn gì thím. Tụi con phải cảm ơn thím mới đúng. Ở bên đó bận bịu tối ngày, không ngơi ra được. Cũng không có dịp chánh đáng về thăm quê hương. Sẵn chú cũng như cha mà thím. Bà già ờ ờ rồi đi ra sau nhà, vừa đi vừa bụm miệng cười khục khục. Má, thằng này nó điên rồi.

    Lúc sắp di quan, bác hàng xóm đứng sát cạnh, mình quay qua. Biết quyển nào tên Đêm ngủ ở tỉnh không? Ông sư dẫn đầu đám rước đi ngang gõ tóc tóc tưởng mình nhắc ổng cái gì, quay lại hả một tiếng thiệt to. Anh Ba đứng khựng lại xém làm đổ lư nhang đang bưng. Mình nói không có gì. Tụng tiếp đi. Bác hàng xóm nhìn xuống ngón chân cái ngọ nguậy suy nghĩ. Tao nghe quen quen. Đúng rồi, tên một tập truyện của Hoàng Ngọc Biên xuất bản trước 75 ở Sài Gòn. Có đây không? Không. Đọc chưa? Chưa.

    Mở cửa mả, rồi mãn tang, bao nhiêu chuyện lu bu bây giờ mới có thời gian ngồi chép lại mấy dòng này. Lâu, mình không thấy Đêm ngủ ở tỉnh về gọi giữa khuya. Nhiều đêm mất ngủ, nằm trong bóng tối nghe tiếng bà già thở khò khè hay tiếng anh Tư ngáy lại nghĩ về bốn chữ này.

    03.2008





    Lời cuối chân em: Dạo này rảnh quá nên hơi lười, toàn đem chuyện nhà/cũ ra tám nhảm đỡ ghiền. Còn phần hai không biết bao giờ mới tới. Hehe…

    23.6.08

    Sách Chớ Cái Gì Mà Nhìn Chằm Chằm

    Dĩ nhiên đó là biến tấu của một câu điểm chỉ nghệ thuật xắt hành trong phim Người Bắc Kinh ở Niêu Dóc. Nàng hướng dẫn chàng hạ dao thế, thế, đúng rồi đấy, hành không phải con gái, nhé, nhé.

    Nói chung lúc đang già đi thấy rõ, người ta thường nhớ tới chuyện cũ luôn. Mấy hôm nay lởn vởn câu này lại muốn có một tủ sách trong nhà, như ngày xưa đã từng (sém) có. Chả liên quan gì nhỉ? Mốt giờ đó.

    Khi mình vừa bắt đầu biết hết mặt chữ cái và đánh vần thành tiếng được (cuối năm lớp Ba) thì má bán tủ sách chính ở nhà mua cho tía chiếc xe Honda 68 (có thể phải bù thêm 99% tiền nhưng nói vậy nghe cho oai chớ, má dặn), chỉ để lại vài cuốn gối đầu giường. Nhờ người chị họ làm ở Cửa hàng sách Nhân Dân (tức là lớn lắm) dưới thị xã bán dùm nên chắc cũng được giá.

    Tóm lại là từ đó thôi rồi một đời trai đang hăm hở tò mò khám/phá thế giới. Bây giờ ngồi kiểm điểm lại những thứ vô tình rớt trúng, thấy ấn tượng rất ít (nội dung bay biến rồi), chỉ vài chi tiết đắt giá mà thôi.

    Lớp bốn đọc Thành Trì mini juýp quỳ bên giá sách dưới ánh đèn mờ đầy thông cảm.

    Lớp năm Cây Phong Non Trùm Khăn Đỏ thủng thẳng đưa cặp giò trần trụi từ xa tiến lại rồi lại đi ra xa.

    Lớp sáu Cô Gái Thành Rome đạp tấm mền xuống khi chàng đang bỏ ra.

    Lớp bảy Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai nhiều vô số kể (mặc dầu không cho má biết).

    Lớp tám Đức Mẹ Mặc Áo Choàng Lông chỉ cho mình anh thôi nhé.

    Lớp chín Đèn Không Hắt Bóng người hùng bác sĩ tài ba lia lịa đáng ngưỡng mộ.

    Lớp mười Những Người Thích Đùa nên đái tiếp sức vào máy cày không (chịu) nổ.

    Lớp mười một trở về sau bất cứ ở đâu cũng thù thù sách vở, việc đọc gần như liệt hoàn toàn.

    Nhà không có/còn sách, nên ông anh mình hay mượn sách ở thư viện tỉnh tuốt dưới thị xã về đọc. Đi năm, sáu cây số chớ giỡn đâu. Ông này hay chơi gác mình. Rất vô nhân đạo. Cái gì cũng giỏi hơn mình. Ví dụ như có cái mương sình trước nhà, ổng úp mặt bơi hoài cả ngày không chán. Mình nhoi nhoi hai sải là ngáp luôn. Bẫy chim, ổng tự đan lồng sắt, chim dính chùm chùm (sau này bẫy cu thì từng con một). Mình chơi bẫy gạch, canh cả ngày không được con manh manh. Chỉ mấy con sẻ ăn hết lúa của mình. Đến năm lớp bảy thấy ổng cầm Cả Thế Gian Trong Túi, mình nhịn không được nữa:

    “Sách có ăn được như bobo không mà ham?”
    “Ai nói mày?”
    “Thầy Mạnh.”

    Nhìn mặt biết rằng thù đã trả được phân nửa, nhưng vẫn chưa hả dạ. Đợi ổng đi ruộng, mình đạp xe ra thư viện tỉnh:

    “Có việc gì?”
    “Dạ em muốn làm thẻ”
    “Bao nhiêu tuổi?”
    “Dạ mười ba”
    “Không được”
    “Dạ sao?”
    “Chưa có CMND [đọc là Chứng Minh Nhân Dân] chứ sao.”

    Đang định bỏ cô gái hãy còn xuân này đi, ông đeo kiếng dày cộp ngồi đằng kia gọi giật lại:

    “Về đem hộ khẩu lên cô sẽ làm cho.”

    Sau này mới biết ông là giám đốc thư viện, đuợc phong một trong những người thông minh nhất thị xã, nói thạo năm ngoại ngữ, thương binh hạng nhất, huân chương chiến công hạng nhì, huân chương lao động hạng ba, con mẹ liệt sĩ!

    Mình về nhà tía má can ngăn quá trời, hộ khẩu lỡ mất chết phù miệng luôn à con. Nhưng mình vẫn dứt áo ra đi.

    Làm được cái thẻ thư viện, sục sạo thấy không có gì đáng đọc ngoài mấy cuốn học làm người như Nam Nữ Trước Ngưỡng Cửa Hôn Nhân, Khơi Dậy Nguồn Sống Bản Thân, v.v. Còn ra rất ngộ, cụm “Va” có mười ba hộc, toàn Văn kiện đếm tới. Cụm “Ho” có bốn mươi sáu hộc, toàn Hồ sơ các loại.

    Mỗi lần mượn được một cuốn, mình cũng mượn một cuốn xem sao. Đem Những Ả Sói Cái về nhà để ngay chỗ ông anh nằm. Không dè ông này ngủ mê đá lọt xuống gầm giường. Mình lo chơi đá banh, đánh trỏng, quên luôn. Cả tháng sau tìm không thấy. Nửa năm sau con chó ở nhà mới lôi ra gặm. Đem trả coi như đút đầu vô chỗ chết. Ai từng đối diện với thủ thư thì biết lời này thật như vậy.

    Bao nhiêu năm không đọc sao giờ lại muốn có sách để trưng? Mình lại nhớ chuyện cũ. Xóm mình, có hai vợ chồng già bán tạp hóa. Cái nhà làm cái cửa hàng luôn. Bán đủ các thứ, rất tiện cho những chốn đèo heo quê mình. Ông già nhìn có vẻ 69, bà khoảng 70. Răng rụng hết rồi, chỉ còn nướu chưa rụng thôi. Cứ năm mới đến, ông mua sáu bộ lịch áo tắm, Diễm My, Thu Hà,… Ông cắt phần hình (khi trên khi dưới), dán khắp nhà từ trong ra ngoài. Mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông (đồ) già đi, nhưng tuổi các cô trong lịch lại xuống thấp hơn năm ngoái. Thỉnh thoảng mình đến mua dầu lửa để đổ vô cọng đu đủ, bịt phấn lại đốt chơi, hay mua lưỡi câu ếch, thường thấy ông không mặc áo nhưng có mặc quần, tà lỏn xếp li kiểu lò xo, đứng xụi lơ ngó mấy tấm lịch.

    Ngắn gọn, cũng vì cái duyên lỡ làng với sách cho nên ngay giờ đọc báo có nhiều từ phổ thông mình cũng không hiểu, gì mà văn hoá gội đầu thanh lịch, văn hoá bia hơi việt dã... Tra từ điển thấy giải nghĩa “văn hóa” như sau:

    1. dt. thói
    2. dt. thói quen.
    3. tt. quen
    4. tr. (kng) quen thói

    Cũng không rõ ràng lắm. Đánh dây thép hỏi thằng bạn làm Sửa-bản-in-Chief, nó nói chưa vô từ điển đâu, nhưng nghĩa là “có” trong tiếng mình đương đại.

    Hèn nào dạo này các cao nhân lên báo hay nhắc “văn hoá đọc”. Té ra “văn hoá đọc” ở đây chỉ nằm chàng hảng giữa có và không.


    14.6.08

    Túy Ca

    Trời đất từ nay xa cách mãi.
    Cửa động,
    Ðầu non,
    Ðường lối cũ,
    Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng soi.

    Tản Ðà.


    Ngô Như Nhậm, quê ở Tam Sơn, huyện Ðông Ngàn tư chất vốn thông minh, rất chăm học. Chỉ tội cái lao đao trường ốc, từ Lê sang Mạc bao phen lều chõng đều không vào được đến tam trường. Tuy cử nghiệp lận đận nhưng tiếng thơm vẫn lan xa, được giới sĩ phu Bắc Hà nể trọng. Quan Ðề lĩnh Chu Văn Cát vốn trọng văn tài, có ý nhờ người đánh tiếng gả thứ nữ là Khúc Thụy cho, hơn nữa có thể đỡ đầu việc ăn học. Tính Nhậm khẳng khái, viện lẽ công danh chưa toại, phụ mẫu hiện tiền đi xa sao đành, vả chăng cũng không muốn chuyện vợ con làm bận bịu việc dùi kinh, sử mà chối biến.

    Hốt nhiên, năm Ðại Chính thứ 3 (1532), khoa Nhâm Thìn dưới thời Mạc Ðăng Doanh, bấy giờ Nhậm đã 43 tuổi, đỗ luôn một lúc hội nguyên rồi đình nguyên. Làng họ nở mày nở mặt. Riêng Nhậm hậm hực, vì tiếng là đỗ đầu nhưng không đủ điểm lấy trạng, chỉ đến nhị giáp tiến sĩ (hoàng giáp), tự thẹn với lòng, biết cái học của mình chưa tới chỗ thấu đáo. Hôm vua ban áo mão vinh quy mặt buồn rười rượi. Về nhà lạy cha mẹ xong liền tự tay thảo bản sớ dài mười hai trang giấy thạch bản ngoại nhập phẳng lì bóng láng, lời lẽ thống thiết cho rằng trong người có bệnh, sợ khó làm tròn trách nhiệm, xin nhà vua đừng bổ dụng. Mặt khác, e vua giận, Nhậm còn viết thư cho quan Tham tụng Nguyễn Hoài Công cậy quan đỡ lời giúp.

    Từ đó, không hề động tới bút nghiên, Nhậm cứ sáng sáng ra đồng trông coi người ta gieo cấy, tối về bắt cái chõng tre ra sân nằm vắt chân chữ ngũ lên, ngắm trời ngắm trăng. Lũ trẻ hay vây quanh đòi kể chuyện nọ chuyện kia, nhiều khi kêu ông Nhậm đếm sao đi cũng ậm à ậm ừ mà đếm. Bọn nhỏ thích thích là nên phong làm Trạng Ðếm Sao. Có cái chức tiên chỉ trong làng, Nhậm cũng quyết không nhận. Mặc ai làm gì làm, không xen vào việc hội hè đình đám chi cho mệt.

    Năm Nhậm năm mươi tuổi, cha mất ngày hôm trước, mẹ mất ngày hôm sau, bà con phụ giúp mai táng chu tất. Trầu rượu trả lễ đâu đó, Nhậm ra ngoài phần mộ cất cái lều cư tang, ở luôn ba năm râu tóc không cạo, mình mẩy không tắm. Ðoạn tang đốt lều, ra sông ngụp lặn nguyên một ngày cho thỏa chí xa nước. Rồi thôi sau không thấy cúng quẩy cha mẹ gì hết. Ngày giỗ họ hàng xôi thịt vác tới, Nhậm vẫn ở trần trên võng kẽo kẹt qua lại. Có ai trách cứ chỉ ngồi im mà nghe, không đáp.

    Ngày tết, hàng xóm láng giềng đem ít vuông lụa bạch tới xin chữ hay đôi câu đối, nằn nì mãi mới ngồi dậy miễn cưỡng viết cho. Tuổi càng lớn thì càng thường uống rượu. Uống một lúc mươi đấu cử chỉ vẫn không gì khác lạ, nói năng đi đứng rành mạch. Vẻ ra càng uống càng tỉnh. Có khác chăng là khi thường không hay nói, lúc có rượu vào thì hát luôn miệng, chọc cho bọn trẻ cười phá lên mới thôi. Mọi người gọi đùa là Túy ca tiên sinh. Cánh dịch lý cố ý trêu, bày tiệc phục rượu, Nhậm uống từ đầu hôm đến cuối hôm vẫn tỉnh khô, dù xung quanh mấy anh mấy bác đã bò lê bò càng nôn oẹ. Chú nào còn tỉnh chấp tay mà vái:

    “Cụ uống hơn thần, Lưu Linh sống lại chắc còn chưa bằng.”

    Nhậm với tay lấy cái vò rượu, cười cười gạt đi:

    “Ậy, ta say rồi. Say lâu rồi. Không say mà ngồi vững thế này a?”

    Nhậm tưng tưng tửng tửng, trông mặt mũi lúc nào cũng vui, người ta mới còn thấy hay hay sau chán, nói Nhậm không ra thể thống gì. Chỉ có lũ trẻ là còn ưa, thỉnh thoảng bắt Nhậm hát cho nghe. Nhậm tuổi đã luống vậy mà còn chơi ngông, mấy lần leo lên nóc nhà đái lia xuống. Ngoài ra, việc ăn mặc không màng thời thượng, túm loe thụng đứng, cứ người ta thế nào thì mình thế ấy.

    Năm bảy mươi hai tuổi, Nhậm thấy thấy đau ở bụng, được mươi hôm thì bụng cứ to dần lên, ấn vào chỗ cứng chỗ mềm. Nhậm nằm rên la chập lâu thấy không bớt/xi-nhê bèn bò ra mà khóc rống, hai tay cào lấy nền đất viết lấy viết để. Hễ Nhậm ngừng viết là cơn đau lại bộc phát dữ dội hơn nên dầu mười ngón tay, hai đầu gối đã túa máu nhưng vẫn điên cuồng xoay mòng mòng dơ mông giữa nhà mà múa.

    Nhậm có người bạn đồng song là Đỗ Hảo, làm tới chức Thượng thư Bộ Lại, được tin bèn quầy quả kiệu hoa cờ quạt đến thăm. Khi Đỗ Hảo vào đến bậc cửa thì nền đất, vách nứa, đã bị xới tung, tưa nát đi rồi. Nét cào ngang mặt, nét dọc lưa thưa, chữ chân đi liền chữ thảo. Nhậm vẫn đang bò gừ gừ, thượng thổ hạ tiêu. Thương bạn Hảo bèn bò theo, thuận tay trước sau bốc hết cho vào mồm, ăn lấy ăn để. Cả hai bò được mấy tuần nhang, bụng Nhậm không xẹp đi mấy, nhưng bụng Hảo lại trương lên tuột cả giải quần.

    Đâu đến sẩm tối hôm ấy thì cùng nhau lăn đùng ra mất. Bụng mỗi người nứt ra một cái khe hõm hòm hom, nước vàng chảy ra tận đình làng, bốc mùi rất khó chịu.

    Việc hậu sự vừa xong căn nhà được phong di tích lịch sử và giao về cho Bảo tàng Dân tộc học quản lý ngay. Sau này các sử gia ở bệnh viện Saint Paul Hà Nội cho rằng Nhậm chết vì xơ gan cổ trướng, Hảo lại do ngộ độc thực phẩm.

    04.2001




    6.6.08

    Có Mưa Quanh Chỗ Nằm

    Vì cớ con dân đất Việt nào cũng nên đọc lấy có một lần Bút Máu Vàng Tháp Hời (Vũ tiên sinh thì khỏi) nên sinh cũng ráng (rặn) chữ được chữ mất cho hết hai truyện. Nhưng từ ngày sinh trót dại đọc họ Vũ, vào ra tươn tước, lấy làm lo lắng khôn nguôi do cái trước, buồn tủi bởi cái sau vậy.

    So ra buồn tủi chẳng may là xa xỉ, lo lắng mới đáng ái ngại đến điều. Dù sinh không làm chi liên can đến chuyện viết lách nhưng mỗi lần họp uỷ ban xã ở quán cà phê huyện, thế nào không có lúc nói điêu, nói khoác, nói bậy, nói nhảm. Thỉnh thoảng còn đẩy đưa nói láo chèn vô giữa (hai cái ngó). Cổ nhân há không dạy họa đến từ cái lỗ (miệng) đó sao?

    Ngày qua tháng lại, sinh cứ âm thầm nghi hoặc cho cái kết cục không hay của một bậc đại trượng, phu phen này ắt phải:

    Gươm đàn nửa gánh vợ con
    Non sông một chèo té ruộng

    Đêm nay thức giấc, sinh nằm nghe mùi đất bốc lên ngai ngái giữa khuya tĩnh mịch. Chợt lấy tay sờ soạng, chăn gối thời đã ướt. Ngày phán xử của ta đến sớm vậy ư? Lò dò khêu ngọn đèn dầu lạc đang lụn dần, đoạn đưa tay lên ngửi, không thấy mùi tanh mong đợi, sinh mới hay lo lắng bấy nay bằng thừa. Phước phần của sinh còn nhiều, quá lắm chỉ vầy thôi.

    Sinh bước ra ngoài sân gạch, ngắm sao Mai dò dò lòi lên khỏi chái rạ nhà hàng xóm. Rùng mình thấm lạnh, bèn vào trong gian chính, mặc thêm cái áo cánh dơi, gầy một lư trầm bằng bột ướp tinh dầu Thái Lan ba ngàn một hộp.

    Sinh ngồi thu lu trên ghế đẩu của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ cứu trợ mùa lũ năm ngoái, mưu tính chuyện sinh kế mơn man hàng ngang hàng dọc. Gió Tây Nam bỗng đâu nhằm ngay đầu sinh thổi thổi, chập chờn phên líp nửa kín nửa hở. Sinh ngoảnh lại, dưới bóng đèn mờ, cái phản gỗ mun cao cao lạ. Thấm thía lời sấm truyền xưa:

    Hoành sơn nhất đái
    Vạn đại dung thân
    cầu?

    (Một lần đái vắt qua ngọn núi
    Cần gì nghĩ tới chốn dung thân [lâu dài]?)

    Con Hoạn Thần Kê bên rào cũng vừa gáy sáng: èc éc ec…èc éc ec…...................................................................................



    30.5.08

    Ghi Chép Vội Trong Lúc Rảnh Rỗi

    Má gọi.

    Chị M. đã về tới HN qua ngõ Thái Lan. Mọi người mất dấu chị ở Miến Điện. Anh cũng thôi theo dõi.

    Đèn ngoài hiên chợt sáng, chắc có con mèo hoang nào vừa nhảy qua sân. Anh nhìn đồng hồ. Lâu rồi anh không phải thức dậy vào giữa đêm để trả lời điện thoại. Lần cuối anh chỉ nói vài câu trước khi ngủ lại.

    “You know what this means to me! You’ve gotta do something!”
    “I know.”
    “You know what?! Fuck you.”
    “I know.”

    Anh dụi mắt nhìn căn phòng, thấy nằng nặng khó thở. Quyển sách đọc dở còn gấp trên ngực. Một tuyển tập văn học bìa cứng dày cộm của hai mươi lăm năm. Mấy trăm con người chen chúc trong đó. Anh lựa một tác giả nổi tiếng để đọc. Anh muốn biết ông ta chọn truyện gì sau năm mươi năm cầm bút. Một chuyện không có gì trong một chuyện không có gì trong một chuyện không có gì…cứ hết lớp này đến lớp khác vậy. Anh không biết mình đang đứng ở lớp thứ mấy thì thiếp đi.

    L. gọi.

    Anh đối diện cái áp-phích quảng cáo trên tường, chờ L. lựa mấy thỏi son.

    Ảnh cô gái to bằng người thật ngồi bệt trên sàn, hai chân khép lại, khụy nghiêng, hơi co về phía sau. Da nhẵn thín và áo váy hai dây mềm mại trơn láng, một người mẫu rạng rỡ, trọn vẹn như sáp gọt rờn rợn. Cô có khuôn mặt phẳng phiu, nhẹ hẫng với đôi mắt 3D màu lam ngọc, xanh điếng, trong suốt và sâu toang hoác. Anh cảm tưởng người ta móc mắt cô rồi lắp vào đó hai viên đá. Chúng nhìn anh trừng trừng.

    “Đừng tò mò.”
    “Tôi không tò mò.”
    “Đừng phán xét.”
    “Tôi không phán xét.”
    “Đừng thương hại.”
    “Tôi không thương hại.”
    “Đừng thích tôi.”
    “Tôi không thích cô.”
    “Đừng làm gì cả.”
    “Em xong rồi.”
    “Em thích không.”
    “Em thích.”

    L. lúc nào cũng nhỏ nhẹ. Khi xe chạy băng ngang khu mua sắm, những pa-nô rực sáng nhang nháng, L. bỗng nói.

    “Tự nhiên em thấy mấy cái đèn này buồn quá.”
    “Sao vậy.”
    “Em không biết.”
    “Nó có đang nhấp nháy không.”
    “Không anh.”

    Anh quay sang, chúng không nhấp nháy thật. Anh lại nghĩ về đôi mắt xanh. Nó xoáy không nguôi vào một chỗ nào đó trong những ý nghĩ nửa vời của anh. Anh không biết chính xác nó là cái gì. Anh cũng không hiểu tại sao cái áp-phích lại phản ứng vậy.

    Dì gọi.

    “Lâu không thấy V. ghé. Cái cây V. trồng cho dì chết rồi.”

    Dì gọi anh bằng tên vì chỉ hơn anh hai tuổi. Chưa bao giờ anh quen được kiểu nói chuyện của dì, giống như Dòng Danube Xanh yêu thích của dì, nó làm anh hụt chân.

    “Dì thách V. bơi được qua bên đó.”
    “Má biết thì sao.”
    “Có nước xoáy nữa. Sợ không?”
    “Không.”

    Năm đó dì 14 tuổi. Dì ưa thắc mắc nhiều điều anh không hình dung được.

    “V. thích đoạn nào?”
    “Tắm biển.”
    “Sao khôn vậy?”
    “Khôn gì.”
    “Không phải câu đầu tiên?”
    “Không.”
    “Không phải khoảnh trời qua ô cửa?

    “Không.”
    “Có ai bày tỏ thái độ với một nhân vật tiểu thuyết không?”
    “Không.”

    Với anh, nhân vật chính trong truyện là mặt trời Algeria nồng nhiệt, nhưng dì ghét chàng Meursault bình thản.

    Dì đứng trên sân khấu hội trường, cười lấp liếm vào khoảng không thinh lặng đột ngột. World in Motion thoảng qua trong trí lúc hai bức tường bắt đầu xê dịch, ép dần những hàng ghế đang đu đưa kẽo kẹt xiên xẹo; anh nghiêng về một phía, lọt hẳn một bên tai và mắt vào những phút 89 hiếm hoi xa xôi, Maradona liên tục vượt qua một nửa màn hình, sắp bỏ xa hàng hậu vệ trong chiếc TV trắng đen, dì nắm chặt tay anh. Un'estate italiana. Anh lấy lại thăng bằng, don’t cry for me Argentina, dì hát.

    Dì hay mở an-bum ảnh gia đình ra coi một mình.

    “Hồi trẻ chị Hai đẹp quá!”

    Dì nhìn anh, cái chao đèn làm khuôn mặt dì nửa tối nửa sáng.

    “Dì đẹp hơn.”
    “Thiệt không?”
    “Thiệt.”

    Dì đưa cho anh quyển sách.

    “V. thấy ngộ không?”
    “Ngộ gì.”
    “Đi học mười mấy năm ở nước ngoài, bài giảng đầu tiên lúc về nước là cái này.”

    Anh lật sơ vài trang đang mục rữa trên nền oi bức sền sệt mùa hạ, Chinh Phụ Ngâm: Tâm Thức Lãng Mạn Của Kẻ Lưu Đày. Đã gần nửa thế kỷ.

    “Ước gì dì có mặt trong giảng đường lúc đó.”
    “Chi vậy.”
    “V. đoán thử.”

    Anh không muốn đoán gì cả. Dì còn rất trẻ, trẻ hơn anh bây giờ. Bà ngoại ngồi bên, vuốt vuốt sóng mũi của dì. Bà ngoại cũng đẹp.

    Feynman gọi.

    Ông nhắc anh coi lại phần đầu bài giảng Atoms in Motion, có “if” “a drop” nhưng không có “half a glass of water”. Anh đã tự ý thêm vào, hoặc nhớ lộn, khi nói chuyện với T. Đối với anh, ông là người dễ mến và hài hước, mặc dầu chỉ qua loa vài câu rồi thôi.

    I moved away from the wall, because I figured if I got hit, I'd get hit from the back, too.”
    “Surely, you’re joking.”
    “No, it’s Newton’s. It’s universal.”

    K. cũng gọi.

    Nhưng để nhắc chuyện khác. Vẫn cái giọng đậm chiều nào trong công viên.

    “Anh không nói gì đi?”
    “Em muốn anh nói gì.”

    “Anh yêu em.”

    K. không nói gì sau đó. Anh chú.

    T. gọi.

    “Tuần sau tao đi.”
    “Ờ.”

    Anh với tay bật máy tính.

    T. kiên nhẫn. Luôn nghe anh nói về những kế hoạch của mình một cách chăm chú như thể chúng sẽ như thế. Không thể nào khác được. Vấn đề là nên làm thế nào cho nó tốt đẹp nhất thôi. Nhưng anh có quá nhiều kế hoạch, mắc song song và nối tiếp chằng chịt. Mỗi lần đổi một chi tiết nhỏ là một sự xáo trộn kinh khiếp. Nhưng thỉnh thoảng anh lại phát hiện mình không vừa ý về một điều gì đó (hoặc ngược lại). Để bớt sai sót, anh nhờ T. lập cho mình một cơ sở dữ liệu, truy ngược và dự phóng đời sống dựa trên những điện tích biểu dương cho một giá trị mặc định ảo nào đó (tr.29).

    T. nói từ từ thôi. Primary key (candidate key) cũng là unique key (candidate key), alternate/secondary key (candidate key), foreign key (set null), compound/composite key (foreign key), natural key (candidate key), surrogate key (candidate key), candidate key (minimal superkey) … Rối chưa. Thực sự anh cần cái nào hơn cả, T. quên dặn. Máy thì không khi nào quên và ít nhầm lẫn nhưng dễ bị treo. Anh vừa sử dụng vừa mua sách về tự học. Anh cập nhật data ngày hai lần. Và nếu cần, sync in real time. Anh thấy đó là một giới hạn chấp nhận được.

    Ba gọi.

    “Con đang làm gì?”
    “Con đang chạy bộ.”
    “Đầu gối đỡ nhiều chưa?”
    “Nhiều rồi.”

    Anh chạy tới vòng thứ mấy chục, nhịp tim đập loạn xạ. Anh tự hỏi ở tuổi mình thì ba chạy được bao nhiêu vòng.

    Có những đêm anh nằm mơ thấy ba lái chiếc Jeep lùn mui trần, vừa sang số vừa nhìn vào cuốn từ điển bỏ túi.

    Xe bắt đầu leo đèo, đi dần vào địa phận ĐD. Trời khuya man mát sương mù. Tầm nhìn ba thẳng và căng hết cỡ, rồi bị gẫy gấp theo sau mỗi khúc quanh cánh chõ trước khi kịp đổi hướng. Ông chủ đang lên tăng-xông nằm ở băng sau chiếc Peugeot, tựa vào vai bà chủ thở khó nhọc. Ông cần khí hậu lạnh giống vùng đồi núi quê hương. Anh dừng lại một chút để mơ về Những Vì Sao (bản dịch của TVMT), đột nhiên xe cán phải vật gì, xốc chồm lên như muốn lăn xuống vực. Ông chủ ngồi bật dậy.

    Qu'est-ce que c'est? Qu'est-ce que c'est?”

    Lúc khác anh lại thấy ba đứng trước rạp xi-nê DK ở PK, mặc lễ phục Không quân hồ cứng thẳng nếp rất đẹp, một tay dấu hờ đằng sau lưng, một tay xoa đầu con quân khuyển.

    Cánh chiếc C-130 bắt đầu quay, chầm chậm biến con đường trải nhựa duy nhất của thị trấn thành phi đạo. Anh tò mò muốn biết đó là một cảnh trong Catch-22 hay Forever Young. Anh mon men vượt những đường biên không ngừng kẻ lại giữa bầy kỷ lục hiện hữu mang thông số hệ tọa độ có 2,5 chiều định vị [Rởm. Got’ya.]

    It is what it is.

    Giấc mơ và ký ức anh luôn đan xen vào nhau. Thi thoảng được nối dài, chỉnh sửa với nhiều tình tiết mới, anh biết, nhưng khung cảnh và nhân vật thì cũ. Tất nhiên. Anh thuộc nằm lòng từng đoạn ưng ý. Và anh vẫn sống vuông góc với những gì ngang qua mình.

    Tháng tư gọi.

    “April is the cruellest month.”

    Anh gọi.

    04.2008