12.1.09

    Mai Em Vào Lớp Một

    Are you going to Scarborough Fair?
    (Scottish Ballad)


    1. Ai không khỏi xúc động khi một lần bất chợt nào đó bắt gặp mình trong sách. Trước đọc một truyện kể về cậu bé tối ngày bị nhốt trên phòng, thèm thuồng nhìn ra cửa sổ dưới đường nhìn bọn trẻ chơi đùa thỏa thích. Và có một thằng nhóc lem luốc trong đám gần như luôn luôn lơn tơn ngoài đường, bất kể giờ giấc. Một hôm cậu bé kia vì muốn làm quen hoặc thấy tội nghiệp thằng nhóc nên nối dây thòng một chùm nho xuống dưới. Nhóc liền nheo mắt lè lưỡi, rồi từ tốn xoay người về phía cửa sổ (cao cao) chổng mông tuột quần, sau đó giựt chùm nho chạy biến.

    Nho, em chưa từng giựt (được), nhưng cóc, xoài, mận, ổi, lồng đèn con bướm, tóc ... em chỉ mới thử qua một đôi lần. Và đoạn văn trên có thể nằm trong Sách Của Bạn Tôi (Anatole France).

    Anatole France, dĩ nhiên, là tên một nhà văn quen thuộc trên (cửa) miệng của mấy ông Tây học (tại chỗ). Các ông Tây Cao Đẳng Tiểu Học này thường thích thú băng qua vườn Lục-xâm-bảo với lá rơi mộng mơ hoài không chán.

    Thiệt là một thời trong sáng, thanh bình và đẹp đẽ.

    Các ông Tây học (tại thế) hôm nay đã khác nhiều. Ông cũng đi qua vườn Luxembourg, nhưng không (còn) nghe tiếng lá rơi, mà (vô tình) hóng hớt được một người (bản xứ) nói với một người khác (bản xứ):

    “Qua đây chi dạ?”

    “Săm soi Bergson.”

    “Ai?”

    “Bergson”

    “Cha nào vậy trời?!”

    Tây Cao Đẳng Sư Phạm nghe được có vậy xong liếm mũi phủi mông tông thẳng vào Moulin Rouge sau một thoáng (sờ túi) ra chiều nghĩ ngợi. Vậy sao, Bergson, như nhiều thứ khác, đã len lén trở thành một kỷ niệm nhạt nhòa. Ai nhớ mắt xanh năm nào? Cũng sẽ đến lúc mình phải từ bỏ Những Lá Thư Từ Cối Xay Gió Của Tôi và đối diện với Hột Cơ Bản, Những Kẻ (T)hiện Tâm…

    2. Chuyện kể rằng trước lúc người đi xa, huyền thoại Arthur Ashe nhận được một lá thư từ người hâm mộ, rằng “Why has God for that seleccionarte so ugly disease?” (Tại sao Chúa phải dành chọn [cho ông] một căn bệnh khủng khiếp vậy?)

    Arthur Ashe là một người Mỹ gốc Phi, từng theo học UCLA và giúp đội tuyển trường này đoạt chức quán quân quần vợt quốc gia, từng xuống đường chống chủ nghĩa Aparthied, và từng vô địch cả ba giải quần vợt nhà nghề quan trọng nhất: Mỹ Mở rộng, Úc Mở Rộng, và Wimbledon (Anh). Khi vẫn còn đang độ sung sức, có khả năng Smells Like Teen Spirit (Ngửi Như Ma Mới Lớn), Arthur phải mổ tim hai lần. Không may, một trong hai lần đó (1983), ông nhiễm HIV do truyền máu.

    Arthur trả lời vầy: Có khoảng 50 triệu trẻ bắt đầu thử chơi tennis trên toàn thế giới, [trong số đó] 5 triệu học bài bản, 500 ngàn học chơi để trở thành chuyên nghiệp, 50 ngàn được gia nhập các hội, 50 vô Wimbledon, 4 bán kết, 2 chung kết. Và khi tôi nâng chiếc cúp (cuộc đời), tôi đâu có hỏi “God, Why Me?” (Chúa ơi, tại sao là tui chớ?) Vậy thì giờ, với bệnh tật, tôi cũng không nên hỏi.

    Nghía qua chỗ này, giật mình nhớ lời má (dũa). Tại mỗi khi má sai cào cỏ với tắm heo, em hay lầu bầu. “Gosh, Why me?” Má liền ra tay (khỏ khỏ): Sao lúc má cho tiền con [đi] nhậu, con hông hỏi vậy đi?

    3. It was the best of times, it was the worst of times, it was the age of wisdom, it was the age of foolishness, it was the epoch of belief, it was the epoch of incredulity, it was the season of Light, it was the season of Darkness, it was the spring of hope, it was the winter of despair, we had everything before us, we had nothing before us, we were all going direct to heaven, we were all going direct the other way - in short, the period was so far like the present period, that some of its noisiest authorities insisted on its being received, for good or for evil, in the superlative degree of comparison only. ( A Tale of Two Cities - Dickens)

    Tạm biệt những XX nhé…

    PS: But, why me?




    6.1.09

    Ngồi Xàng Xê

    Trong một chương trình truyền hình Gặp Gỡ Cuối Tuần ở một quốc gia nhiệt đới nọ, nhạc sĩ Thanh Tùng nhận ông bị bạn bè gán cho biệt danh là Nhạc sĩ Ngồi; vì nhiều bài hát của ông có chữ “ngồi”. Chẳng hạn:

    … ngồi, nghe tôi hát! (Lời Tỏ Tình Của Mùa Xuân)

    ... đến bên tôi, ngồi! (Câu Chuyện Nhỏ Của Tôi)

    … ngồi yên, cho tôi ngắm xem! (Ngôi Sao Cô Đơn)

    “Ngồi” ám ảnh nhạc sĩ vậy chắc không phải chuyện chơi. Phải hấp dẫn sao đó ta mới đòi (người khác) ngồi chớ. Nhưng coi kỹ ra “ngồi” đối với ông nhạc sĩ chỉ thuần “tư thế” thôi. Đơn giản, nó thỏa mãn thị giác (ông).

    Cũng nhạc sĩ, nhưng Lê Uyên Phương không chịu dừng ngang (hông) vậy. Ông muốn xuống nữa, tận cùng cho cái sự "ngồi". Ông kêu gọi (các em nó):

    …hãy ngồi xuống đây…vui chơi cuộc đời có dáng hôm nay (Hãy Ngồi Xuống Đây)

    “Ngồi” lúc này thành một “cách thế”, kết hợp hài hòa giữa Hiện Sinh, Descartes và Tào Động (Nhật Bổn). I sit, therefore I am (không có chữ “h” à). “Cách thế” là một biện pháp tự vệ, một phản ứng nhất thời đối với hoàn cảnh, môi trường, xã hội dưới cái vỏ thách đố.

    Tới Nguyễn Bình Phương, “ngồi” nó thiết thân chớ không xa lạ. Ông đi đã rồi ngồi. Có người hỏi sao lại là Ngồi? Ông nói: Mệt quá thì ngồi. “Ngồi”, có thể khẳng định, là “nhu yếu thế”. “Ngồi”, một nhu cầu cấp bách và thực tiễn, ảnh hưởng trực tiếp tới hạnh phúc cá nhân (và các bên liên quan). “Ngồi”, có khi là nhu cầu tự nhiên, khi khác, là nhu cầu đổi mới. Chưa nói tới chuyện nhiều lúc ngồi bình thường không (ổn) thỏa, phải ngồi bình phương.

    Nhất Hạnh xua xua tay, không có (ngồi) bị động vậy được, nên tự quyết:

    ... hãy ngồi yên trên chỗ đó. (Một Chỗ Ngồi Trên Góc Chiếu)

    “Ngồi”, với ông sư, đích thực là “tâm thế”. “Tâm thế”, suy cho cùng, là một lựa chọn. Dĩ nhiên đâu phải lúc nào muốn MTV cũng được MTV. Nhằm bữa cúp điện, chưa đóng tiền kịp, TV bị hư, thời tiết xấu, cáp đứt, rà quài chỉ mỗi ruồi hay VTV tường trình trực tiếp kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII. Cũng phải ngồi (chịu trận) chớ sao.

    Ở Trịnh Công Sơn, ngồi như niềm an ủi cho một tình trạng không lối thoát được thừa nhận. “Ngồi” mang dáng dấp, dấu ấn “sự thế”.

    …ngồi gần nhau hơn, ngồi kề bên nhau (Lại Gần Với Nhau)

    Riêng Văn Cao, “ngồi” là “tình thế” của một kẻ “thất thế”:

    …ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta (Trương Chi)

    Truy ngược mấy ngàn năm trước đã thấy có “ngồi” trong thánh điển. Tên quyển cuối của bộ Vệ Đà, Upanishads, Tàu dịch là Áo Nghĩa Thư, nhưng nghe đồn chánh ra nguyên nghĩa vầy: Hãy ngồi lại gần sát [thầy] đây nha cưng. Nếu mình có “ưu thế”, “ngồi” tự nhiên trở nên hấp dẫn và đầy uy quyền, dù mới nghe qua như một lời khuyến thỉnh, mời mọc nhẹ nhàng (thôi).

    Rốt cuộc, có bao nhiêu kiểu “ngồi”?

    Nguyễn Khuyến quan sát thấy xưa nay “ngồi”, dù lòe loẹt tạm bợ thế nào, dẫu gì vẫn là “vị thế”. “Vị thế” là một thước đo, phổ biến và phổ quát trên thế giới, đã đành. Nhưng nó có chỗ đứng đặc biệt trong hệ thống giá trị văn hóa mình. Không, Tết (thiếu nhi) bày ra bán để thiên hạ khấp khởi rước về nhà ấn vô tay thế hệ mai sau, rường cột nước, nhà chơi chi?

    Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ (Vịnh Tiến Sĩ Giấy)

    Thiệt tình, làm ruộng (mướn) chớ nhiều lúc cũng muốn ngồi (bên bờ con đê xanh xanh) hỡi cô tát nước bên đàng lắm nhưng cứ sợ hớ (hênh).

    Có kiểu nào là ngồi “ngu thế” không?


    2.1.09