22.6.09

    Cỏ Trong Tầm Đạn

    Có những khi tôi không thấy gì ngoài những lá cỏ trong tầm đạn không đích ngắm sượt ở ven đầu buổi sáng nô dịch trong xanh yên lành. Trại của tôi gài ở men bờ thành phố hoà bình, khuất lấp trong lòng một đất nước phồn thịnh. Tôi nằm xuống dõi theo từng phiến lá lung lay sắc cứa. Hai tai tôi ù đặc. Viên chỉ huy đại đội bảo rằng không việc gì phải nằm bất động cả ngày. Chúng ta là người cuối cùng rời khỏi đây. Vâng phục, nhưng tôi muốn nhìn những ngọn cỏ lô nhô trên sườn đồi thoai thoải mùa xuân, tưởng tượng đường đạn bay qua hai kẽ lá kín đáo, đẫm sương vào một dịp trọng đại.

    Tôi sống ở đây đã chín mùa xuân.

    Cỏ xanh và mượt nhất vào mùa xuân đại đội. Chúng tôi gọi thế vì đó là lúc người ta đổ từng xe tân binh xuống với chương trình đào luyện công phu miên mật. Những người lính đến hoặc đi, chỉ còn tôi, viên chỉ huy đại đội và danh sách ngày càng dài thêm ở lại.

    Những người lính, hãy còn lơ ngơ, chưa ý thức đủ đầy về sự sắp đặt, ngạc nhiên cho hay chúng tôi sẽ sinh hoạt trong nhà giống người bình thường. Trạm canh vừa làm chỗ theo dõi, phát thuốc mỗi ngày, vừa có hầm kiên cố bên dưới để đặt CONEX tối, hóa chất, kíp, dụng cụ chế tạo và vài thứ linh tinh khác. Một căn phòng rộng rãi, vuông vức, ngăn nắp, chơ vơ… Tách biệt với toàn khu thì phải. Những dãy nhà tiền chế xẻ ngang dọc. Ngoài ra, có thể thấy được, chẳng rào kẽm gai, barrier, lô cốt hay công sự gì.

    Từng đám họ phấn khích như vị tử đạo trước giờ cầu nguyện cuối, băng ngang tôi lầm bầm một thứ tiếng khác lạ mỗi khi chuồi mình quan sát những ngọn cỏ qua ống ngắm. Những người lính trẻ.

    “Mày thích gì nhất ở quê mày?”

    Suốt thời gian ở cùng đại đội, câu thành thật duy nhất ngoài công vụ tôi nghe được.

    “Tao không biết.”

    Tôi chỉ có thể trả lời đến vậy và quay lại với những ngọn cỏ, nếu may mắn chúng đang ở đó. Bằng không, đành giả tảng nằm ngửa mặt lên trời. Viên chỉ huy ngước nhìn theo trước khi nhún vai bước vào bên trong trạm canh dán mắt lên màn hình máy tính cách xa hàng chục nghìn dặm.

    Y ưa một mình xuống phố giải khuây vào thứ bảy. Ít nói. Chúng tôi trao đổi công việc qua emailfax. Còn thì vào những đêm canh thức trong tuần, hay nghe tiếng giày dậm vọng trên hành lang, đi lại xa gần cho đến lúc không ý thức nổi. Việc đó kéo dài bao lâu? Tôi không rõ.

    Viên chỉ huy nghiêm nghị đi giữa hai hàng lính khỏe khoắn. Các bạn đến đây để chuẩn bị cho sự trở lại. Buổi tập thể lực tiếp theo giờ huấn thị diễn ra như thường lệ. Tươi tỉnh. Y rướn người tuần tự làm mẫu các động tác thống khoái, bạo liệt. Nhễ nhại. Mệt nhoài. Chúng tôi lặng lẽ giải tán.

    Khi không có chuyện gì nói ở nhà ăn, tôi thường hỏi viên chỉ huy:

    “Mày có nghĩ tụi nó nên gửi thư cho mình không?”

    “Chúng ta làm phần việc của mình, được chưa?”

    Tôi thừa biết bọn tân binh tốt nghiệp chạm phải vô vàn lý do để viết [cho chúng tôi] vài hàng.

    Tao đã chết. Mày là thằng mắc dịch.

    Tôi quyết định sống đời quân ngũ vĩnh viễn. Những điều học được ở trại thật hữu ích. Con trai tôi vừa tròn ba tuổi.

    Một thể nghiệm tuyệt vời. Những ám ảnh an lạc day dứt. Cảm ơn quý vị. KT.

    Phiêu lưu. Quá khứ. Tuổi trẻ. Anh còn quên gì ngoài này không? Anh cần gì không? Thời khóa. Vệ sinh. Khám phòng. Giờ tắt đèn. Chẳng nhớ nhiều mấy. Đừng hỏi ai đây. Đừng tìm. Một sự chối bỏ dứt khoát có buộc phải hàm ý hèn nhát, phản bội?

    [Chuông]

    Chúng tôi chưa từng nhận được thư nào, nhưng tôi tin chúng đã được viết ra. Tôi cũng chưa có thời gian trả lời.

    Bởi vì ngoài những ngọn cỏ, thú thực tôi còn mối bận tâm khác: Tiếng giày của viên chỉ huy. Một thứ tiếng động không ký tự.

    Bạn có thể cột một cái tên vào nhiều thứ và ngược lại. Đính một bức thư ngay ngắn vào dấu chéo bên phải số báo danh phù hợp. Nhưng những lá cỏ và tiếng giày, chúng không xảy ra cùng lúc.

    Tôi có thể ngắm những ngọn cỏ bất cứ lúc nào, ngắm bao lâu tôi thích. Tiếng giày lại xuất hiện bất chợt và vô chừng. Đôi khi chỉ tồn tại vài phút. Có lúc hàng giờ. Gõ nhịp đều giọt nước tong lên gò trán chậm rãi. Những lúc ấy, gấp sách trong bóng tối tôi nằm run rẩy chờ. Đê mê không dám thở, dù rất nhẹ.

    Thật thừa thãi (và uổng phí). Có bao thứ nảy sinh liên tục trôi bềnh bồng va vỡ chả thuộc về gì gì, chả cất giấu được vào đâu đó. Đúng không?

    Hôm nay chủ nhật, viên chỉ huy chưa trở về trại như mọi khi. Tôi điểm danh chiều rồi về phòng. Và đâu khoảng chính giữa cơn ngủ, hoặc hơn chút, thoảng bóng tiếng giầy quen thuộc trên lối, tôi giật mình choàng dậy, mở khẽ cửa và lách hẳn ra ngoài. Đêm thật tịch mịch. Nhìn ngược vào trong cũng hoàn toàn yên ắng, vắng lặng. Chờ hồi lâu xong xuôi đặt đầu nhẹ lên gối, vừa đưa chân luồn xuống dưới chăn, tiếng giày lại đạp dữ dội, không hề thuyên giảm.

    Tôi nằm bên tiếng giày và nghĩ về những lá cỏ dự định ngày mai.

    Lần đầu tiên sáng hôm sau tôi trình diện tại phòng viên chỉ huy. Tất cả bài trí hiệu quả, đơn giản làm nền cho sự lặp lại thuần túy chuyên môn.

    - Hai chiếc ghế xếp bằng sắt lau sạch đặt đối diện.

    - Bốt nhà binh bê bết đủ cỡ chất đầy góc.

    - Sofa thúc ngang sườn ghế bành ngay cạnh sổ ghi chép.

    - Tủ hồ sơ lạnh chìm từng hộc từng hộc từng hộc.

    - Ít thừng bện xơ dừa thả đu đưa từ xà nhà thít chặt.

    - Kìm và tập san y khoa trên mặt bàn gương nát vết dao bấm rạch khắc.

    - Một con mèo chết đã lâu.

    Chắc chỉ có vậy. Sau đó?

    Tôi bước ra khỏi trạm canh, khoắng tay vào chậu nước sát trùng rửa mặt tỉnh táo, viên chỉ huy đang nằm sấp, chân trần trương phình, nheo mắt hướng về phía ngọn đồi, miệng mấp máy thì thầm những câu dường vô nghĩa vào cò súng.

    “Mày thích gì nhất?” Vẫn không quay đầu lại.

    “Tao không biết.”

    “Mày đã bịa ra một câu chuyện lập lờ về tao trong nhật ký. Bịa cả một ngôn ngữ với từ vựng và cú pháp quái đản làm bằng chứng. Nhưng tao đách cần. Đôi khi tao cũng không thấy gì ngoài những lá cỏ trong tầm đạn không đích ngắm sượt ở ven đầu buổi sáng nô dịch trong xanh yên lành.”

    Tôi bật cười.

    “Mày nói láo.”

    04.2008 / 06.2009


    14.6.09

    Chim Da Vàng (Thổi) Bay Trong Gió

    The philosophy of the school room in one generation will be the philosophy of government in the next.

    Abraham Lincoln

    Bé nào từng học qua lớp một hông có lúc ngồi trong thơ viện oán thán mấy cha nội (thỉnh thoảng nhào vô mấy mợ nữa) từ đầu hôm Neanderthal đến giờ nghĩ ra nhiều trò chả ép phê thuốc mê gì mấy chân dài mơ ước ráo trọi mà cũng đòi. Để coi, giống như kêu mình đếm từ một tới mười rồi ngược lại. Xong cái bắt đánh vần từ “thưỏ”. Rảnh quá.

    Hông phải đổ thừa bậy bạ chớ nhớ hồi học lớp hai đó, cô ra bài toán ốc sên đêm leo lên (5m) ngày tuột xuống (2m) trên cái cột (11m), hỏi mấy ngày mấy đêm thời ốc em lên tới đầu cột. Ốc ngu bà cố. Leo mệt nghỉ được rồi, đương không tụt xuống chi dzạ? Hông làm hông làm. Cô cho dìa phụ tía má gặt lúa luôn.

    Còn nữa, cải cách gì liên miên như chiến tranh Nam Bắc triều. Lúc mang bụng, lúc hông mang bụng. Tập thể dục (cái tay) cho bụng xẹp xuống mệt bỏ bà. Mới học kỳ một (cho đếm) có que, kỳ hai hông có que. Thành ra có nhiều sự cố bí ẩn xảy ra ban ngày, đến giờ vẫn còn khó hiểu, như vụ 2 + 3 = ?. Khó tính lắm, trong quần sáu ngoài quần năm. Cái vụ này đa số chú nào cũng kinh qua rồi, đửng bày đặt bắt chước thầy Hai triết gia Cà rem chối chối, hồi sáu tuổi đã biết (thoát chuẩn) tư duy cừu tượng.

    Sau Tình anh bán chiếu đến Tình đẹp mùa chôm chôm, đang phê híp con mắt tự nhiên tía mình đứng đằng sau chép miệng nói: “Sao ta rầu bay quá con!”. Trời, chớ tía rầu tui chiện gì a tía? Tưởng tía tui nói đương làm chủ tịch hội nông dân hạt dài tự dưng bỏ lên trển khâu giày đế quốc. Mà hổng phải. Tía tui rầu chiện khác. “Ta nói, sao mày mở miệng câu nào tao cũng nghe hông được dzậy con. Rồi ta hông thấy lúc nào mày ngay hàng thẳng lối ót ót tía coi. Cứ lần khân quài dzầy chừng nào mới dzô tới, leo tới con. Sao mày ưng (mày mò) nhiều thứ quá.”

    Trời, chớ tía muốn thấy tui mấy lúc đó chi dzạ tía? Thiệt tình.

    Ờ, mà bị tía rầy cũng phải nghĩ chút. Nếu hông vì vụ ốc sên cản đường, học hành đàng quàn chắc tui muốn làm nghệ sĩ thị dục. Thị giác ai mà hổng có. Thị dục (passion) may ra còn cho mình thấy/hông thấy cái người khác hông thấy/thấy. Kẹt, nhiều cái mình thấy đâu tới phiên mình. Mới nhắn hỏi qua dì So chút: Mai, em về em (ấy) có còn ngoan là bị la. Đửng mơ. Mai cũng hông có, mốt cũng hông, hông lục bình thảo mộc gì hết á. ;((

    Đâu trong Lâm Tế ngữ lục, thiền sư (Lâm Tế chớ còn ai dô) nhá tips: “Địa hành thần thông” (Vừa đi vừa địa ta gọi là thần thông vậy). Hiển năng sánh đôi cùng sở năng. Khế cơ đứng chờ khế lý. Mấy thầy đừng bày đặt chạy xáp xáp, đi tắt đón đầu, quẹo cua qua mặt còn ráng nhìn chằm chằm (lỡ tung cái rầm rớt hai cái răng cửa sao). Chúng sinh sợ á nghen. Phải kêu gì nè: Nắng vàng ơi, em đi đâu mà vội. Đó, trời xanh mây trắng (quận 7) thong dong, chớ chi tối ngày cứ ôm crisis như nàng today20.

    Phần tui đã thủ sẵn câu thần chú Tây Tạng trị bá bệnh: Yellow bird blowin’ in the wind.


    7.6.09

    Gãi

    Dạo này đình công nhiều, sẵn ngày Quốc tế Thiếu nhi nên xưởng giày của mình cho nghỉ không ăn lương. Dìa dưới quê chơi vài bữa. Trời, cái xứ gì mà buồn ghê luôn, đi rồi mới biết. Ở BD lượn qua SG hai ba thằng mượn xe chạy tẹc tẹc lên trước mặt hú hú còn đỡ ghiền. Đằng này, tối ngày ngồi chầu hẩu ở xó nhà bên ngạch cửa chờ má dứ dứ ly cà chua, nút xong ưỡn bụng lăn một vòng vô trong đụng con chó vật lộn với nó, rồi chổng mông lăn ngược ra lại dỏng tai nghe Tình anh bán chiếu bên nhà hàng xóm mắt đìu hiu (không đeo kiếng) ngó qua chợ chiều coi mấy chị mặc áo bà ba e ấp xẻ lườn (tới nách) qua lợi.

    Lăn mấy bận lượm được cuốn truyện. Đọc ngon miệng, dù hơi phân vân. Gỉ mà lúc chết tháng mười một, lúc tháng mười, lúc năm tuổi, lúc bảy tuổi. Lật tới lật lui coi phải chi tiết kỹ thuật không. Chừng hông phải.

    Tiểu thuyết hông biết sao chớ truyện ngắn/tùy bút vầy chết à. Nhứt là đối với các nhà chủ trương minimalist (nhỏ [bự đúng chỗ] là đẹp). Nghĩ hông phải mấy vị đó coi chữ của mình khuôn vàng thước ngọc, bất di bất dịch kiểu Lã thị gì đâu. Vấn đề ở chỗ khác. Người viết cố gắng diễn đạt cái mình muốn theo cách mình muốn (I want it that way), yếu tố mình “làm chủ”, chớ hông để tập thể, cho đến lúc kết thúc một quá trình, vất vả mà thú vị. Đơn giản vậy thôi. Thú vị. Thú vị trong cẩn trọng, thận trọng, tôn trọng, nghiêm trọng, tăng trọng, không trọng…

    Đề cập tới kỹ thuật thường làm liên tưởng đến “dựng truyện”. Nhưng nghe đâu dựng truyện cũng chỉ là một trong rất nhiều kỹ thuật cần phải có. Bất cứ thứ gì. Kể một câu chuyện. Kể một cảm giác. Nhắn tin rủ (rê) cà phê nghe bé.

    Cảm giác cũng là một câu chuyện, với những tình tiết rất riêng của nó. Tái tạo một mặt phẳng hiện thực bằng ba điểm nhấn, lập tức xóa bỏ, bẽ gãy một cảm xúc, dựng một luồng ý nghĩ mơ hồ song song, nhảy ra cắt đôi những tuyến (có thể) đang hình thành trong óc người đọc, dẫn, gợi, thuốc, buông, vỗ vai, bóp mũi, sỉ vả, chế giễu, nuông chìu, đánh thức v.v. Đoán chắc khó lắm. Thất bại chuyện thường. Nhưng vì cái thôi thúc kỳ lạ, Nguyễn Hưng Quốc gọi đích danh là “ngứa”, nên vừa viết vừa gãi gãi nó vui. (Xong chút ngứa lại.)

    Đã dễ bị “trật duộc” như vậy mà còn sai một ly thành đi đến ba chục dặm.

    Evan Connell nói ông biết lúc nào mình dứt điểm với cái truyện đang viết. Dễ ẹc. Khi ông đọc và lấy ra vài dấu phẩy, rồi đi bộ lên xóm trên bẹo má cô hàng nước trà đá chanh đường, xong về đọc lại bỏ mấy dấu phẩy vào đúng ngay chỗ cũ. Flannery O’Connor có lẽ cùng quan điểm: Một truyện chả tích sự phúc lợi cộng đồng tốt lành hanh thông đẹp đẽ gì khi nó không thành công trong việc cưỡng lại được tóm lược, cũng như khi nó không lửng lơ và [tiếp tục] trương nở trong tâm hồn [người đọc].

    Phấp phới theo chú Connell và mợ O’Connor chỉ, thấy rằng dù gãi cũng phải (ráng) gãi đúng chỗ.

    Họa sĩ Võ Đình (vừa mất – RIP), kể ngày xưa ông biết một đồng nghiệp, tranh trưng bày nhiều gallery danh tiếng, có bức lên cả trang bìa National Geographic, nhưng ông ngờ là hạng nghệ sĩ tồi. Lý do ông chứng kiến chàng này được một người môi giới kêu điện thoại lại nhắn có khách muốn mua bức đó, cao giá, mà hông thích cái cục màu nọ lắm, bôi cục khác được hôn? Chàng bèn ô kê thò tay móc một cục trét cái phẹt lên cho yên chuyện. Chàng này cũng tợ như Giả Đảo thi sĩ, mới bị lãnh đạo văn nghệ Hàn Dũ hù hù dụ dụ cái vãi trên lưng lừa tuột xuống chịu liền.

    Một ông họa sĩ khác, đang hôm nằm buồn buồn nhớ tới bức tranh mình vẽ năm nào, chợt nghĩ ra vài chỗ không ưng ý. Mai xách sơn cọ vô bảo tàng định bôi lại, thêm thắt tí đỉnh. Ban giám đốc với nhân viên dàn hàng dùi cui roi điện năn nỉ: Hổng được đâu bác ơi. Cái này đã đi vào lịch sử (mỹ thuật). (Chắc ý nói tụi phê bình gia, dựa vào mấy quệt, khối, nét,.. hiện có, nó tán banh nhà lồng rồi). Hơn nữa, tiền trao cháo múc sòng phẳng mà. Ức quá, ông bèn cầm cọ dài thước hai, xuống tấn, quơ quơ như Bùi Giáng: Bớ tui bây, nghe tao hỏi đây, tranh này của ai? Hình như rốt cuộc ông cũng làm được vài cục. Dấu phẩy là dấu phẩy của Connell. Anh làm anh chịu, đửng méc má.

    Nhạc sĩ càng khổ (tâm), như Nguyễn Văn Thương có lần than phiền Don Hồ, tui viết bên “song” sao cứ bên “sông” phang tới dzậy chú. Còn mấy người khác nữa. Buông buông cái gì. Ngoài bắc trời “sập tối”. Tui kiu “rơi” chớ “buông” hồi nảo đâu?! Những chuyện ta thán tương tự vầy động chạm đạo đức nghề nghiệp từa lưa.

    Quay lại với tháng mười một (số) và tháng mười (chữ) hay như vụ (phụ nữ) vụ lật nắp toilet rồi mới tiểu. Mốt feminist phản kháng mới cảm khái từ thơ Nguyễn Thị Hoàng Bắc?

    phải rồi

    tôi là đàn bà

    hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ

    Híc, muốn qua [thì] qua, ai nói gì đâu à. Thiệt tình (đúng là đàn bà ;).

    Rõ ràng cả hai vụ này đều không chắc thấy dấu vết “tội ác” biên tập. Nghi tác giả nhầm lẫn chớ biên tập nào (nỡ) lái xe quờ quạng để nhân vật lọt đèo chết lúc này lúc khác biết đường đâu làm đám giỗ, còn quá nữa đẩy người ta vô restroom ấn ngồi xuống bắt đếm linh tinh xập xình xong biểu đứng lên dở nắp bồn cầu rồi mới (cho) đái.

    Thỉnh thoảng mới có mấy cụ văng nghệ nhắm mắt lắc (cái) đầu chòi chòi càm ràm “Thôi-mày-giết-tao-luôn-đi.”