28.3.08

    Nhất Linh – Bâng Khuâng Về Cái Ác Hay Là Tiếc Nuối Sự Ngu Xuẩn

    Tôi phải thú nhận là tôi có đọc bài của ông Nguyễn Văn Lục. Một bài viết thú vị. Nó làm tôi nghĩ vẩn vơ về Nhất Linh, người mà lâu nay tôi không có dịp nghĩ tới. Đơn giản là vì không phải tầm của mình. Dù chỉ là để bàn, để phán xét, để chỉ trích hay thậm chí ngưỡng mộ.

    Như những người bình thường khác, tôi sống cuộc đời của mình, kiếm cơm và tán nhảm với bè bạn những lúc thời gian và túi tiền cho phép. Nhưng cũng như những người bình thường khác, đôi khi, chỉ đôi khi thôi, tôi có những bực bội khác thường (một chút). Tôi nghĩ là mình được quyền như vậy.

    Ông Nguyễn Văn Lục cho rằng Nhất Linh điên. Tôi đồng ý quá đi mất. Vậy Nhất Linh, ông là ai?

    Tôi nghĩ Nhất Linh là con người của những dang dở (như chính ông tự nhận định).

    Ai cũng biết Nhất Linh trong nhóm Tự lực Văn đoàn, là cây bút chính. Ông chủ trương nhóm này, được ngầm thừa nhận là chủ soái không ngai của nhóm này. Nhưng Nhất Linh có phải là thủ lĩnh văn nghệ của Tự lực Văn đoàn không? Tôi không biết. Nếu chỉ dựa vào những gì ông viết, có lẽ không. Ông không thể là đại diện xuất sắc nhất cho thành tựu của Tự lực Văn đoàn trên bình diện văn chương thuần tuý. Theo một nghĩa nào đó, ông là một nhà văn dang dở. Không tới với nghệ thuật. Văn chương có thế chỉ là cái cớ do những thôi thúc khác, nhưng vì vô tình là một trong những đam mê sẵn có. Ông dùng nó. Vậy thôi.

    Mỗi lần nghĩ tới Nhất Linh, tôi lại nghĩ về Hồ Thích. Khi Hồ Thích trở về Trung Hoa từ Mỹ với tấm bằng tiến sĩ Triết học, ông hô hào đổi mới, ông chống báng, ông muốn giật phăng những rèm trướng, đèn hoa màu mè ngụy trang, che đậy cái xanh xao ủ dột của nước nhà. Trung quốc bấy giờ vẫn còn là chàng “Đông Á bệnh phu” ngơ ngác và ngày nay, tôi ngờ rằng, nó vẫn vậy. Nhất Linh về nước sau khi học xong Cử nhân Hóa Lý ở Pháp. Y khoa, Mỹ thuật, ông không xài đã đành vì bỏ học. Kiến thức khoa học mà ông bỏ công thi cử, giật được tấm bằng, ông cũng không xài. Lại một thứ dang dở khác.

    Không phải vì thực dân cai trị, mà vì sự cai trị của thực dân buộc người ta phải xét lại nhiều thứ, những rường cột, rui mè của dân tộc. Nhất là với những người từng một lần bước chân ra khỏi xó nhà như Cao Bá Quát, Phan Thanh Giản, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nhất Linh v.v… Nền đô hộ tàn bạo, nhưng không kém phần mới mẻ đó khác xa bọn Tàu gươm to người đông, khác xa bọn Chiêm hung hãn quấy rối vặt vãnh, khác một cách căn bản. Nó là một cuộc cưỡng hiếp tập thể về mặt chính trị, quân sự (đã hẳn), văn hoá. Cưỡng hiếp, xâm thực ngay ở những nơi mà tính bản địa có khả năng kháng cự cao nhất: ngôn ngữ và ẩm thực. Nó xô người ta vào một xó nhìn mới. Ở cái xó nhìn hạn hẹp đó, mỗi cá nhân phải nhìn nhận lại nhiều thứ. Nguyễn Khuyến nghĩ về cái đai, cái mũ, cái vốn liếng thực và hư trong đời làm quan và không làm quan của mình. Tú Xương nghĩ về chữ Nho; và đứng ở bên này hay bên kia thay đổi, ông đều thấy không phải là mình. Nhất Linh nghĩ về quan hệ gia đình, quan hệ họ tộc, quan hệ xã hội mà có lẽ ông cho là mấu chốt. Ông là một nhà cách mạng văn hóa? Có thể chỉ là một người ưa suy tư. Lừng khừng. Luận đề mãi là luận đề, nó chưa bao giờ trở thành thuyết cả. Mà chắc gì ông định lập thuyết.

    Nhất Linh làm báo và viết báo. Sao tôi không nghe ai nói về nhà báo Nhất Linh. Mà nếu có nghe, chắc tôi sẽ lấy làm lạ tai lắm. Ngộ không? Vậy Tiếng Cười, Phong Hoá, Văn Hóa Ngày Nay, … là cái gì? Đâu chỉ có vậy, ông còn bút chiến liên miên trên nhiều báo khác nữa. Ông đến rồi đi với làng báo, với nghiệp báo (hiểu kiểu nào cũng được), không hề vướng bận hay chú tâm vào tự thân nó. Ông chú tâm vào cái ông muốn nói, muốn chia sẻ, hoặc chỉ đơn giản là đang trăn trở thành lời. Báo chí với ông không là nghề, cũng không là nghệ. Người ta ít nhắc là phải.

    Nhất Linh cả tin. Một người cả tin có thể nào là chính trị gia được không? Trước hết, ông tin vào những điều tốt đẹp, gần như là lý tưởng. Ông lập đảng này, tham gia đảng nọ, liên kết, đoàn kết lung tung. Ông đứng vô nội các lơ láo. Vì đại cuộc hay vì niềm tin mà ông phải miễn cưỡng vậy? Rồi ông bôn ba hải ngoại, tù tội, được tha, về nước, lại đào thoát, mắc sai lầm, tuyên bố gác kiếm,v.v… Bao nhiêu đó cũng không đủ tiêu chuẩn đưa ông vào hạng chính trị gia sao? Tôi nghĩ không. Ông như một đứa trẻ hăng hái xung phong đi tốp đầu trong một đám nhóc muốn băng qua cánh đồng vào đêm khuya để bắt dế. Khi bọn trẻ đã trở nên dạn dĩ và ít nhiều bị lưu manh hóa, ông vẫn còn mải mê với hình ảnh con dế nỉ non ban đầu, những cuộc đấu dế trong tưởng tượng, những ngôi nhà dế hoành tráng. Và khi ông giật mình thì thấy đứa nào cũng thủ cho riêng mình một vài con, hoặc dế to, hoặc dế lửa, hoặc dế hổ mai gầm. Ông chản nản và bỏ cuộc. Nói thẳng là ông chịu thua. Một chính trị gia không lì lợm. Sao được?!

    Ông vào miền Nam ở ẩn. Vui với bầy lan của mình. Nhưng rồi cũng không yên. Không phải vì người này đến, người kia đến, nhắn tiếng, bắn tin để mua chuộc cáo mượn oai hùm. Mà vì ông là ông, như thuở còn thanh niên. Ông ngứa mắt, ngứa tai nhiều thứ, nên ông thôi không mắc võng trùm chăn nữa. Ông làm báo trở lại. Ông khuyến khích cây bút mới, dìu dắt lớp đàn em, mời cộng tác, v.v... Ông xuất bản sách. Sách của ông ít người đọc, ông là một thứ khủng long còn sót lại. Để chơi thôi, kính nhi viễn chi như Võ Phiến nhận xét. Vậy mà ông không hết nhiệt huyết, bỏ công âm thầm khảo về Viết Và Đọc Tiểu Thuyết. Không cần biết người ta, nhất là lớp thanh niên trước hoặc sau Hiệp định một chút, có thèm nghe mình không, nhưng vẫn cứ viết ra để trình bày với người khác cái “Tôi nghĩ như vầy…” Cũng theo Võ Phiến, những khuôn mặt ông phát hiện không đi theo hẳn con đường của ông. Ông làm thầy người ta cũng dang dở vậy.

    Ông tự tử. Một cái kết dang dở cho một cuộc đời dang dở. Gần nửa t
    hế kỷ sau, nó vẫn còn dang dở vì không hoàn thành sứ mạng lay động/cảnh tỉnh của mình. Khi tự tử, Nhất Linh ắt hẳn đồng cảm với tâm trạng của những người khác trong cùng hoàn cảnh. Có thể ông coi đó là một sự hy sinh, vì tình yêu chẳng hạn, nghĩa là một cái gì đó đáng lắm, cao cả lắm, giống Khi Người Ta Trẻ của Phan Thị Vàng Anh.

    Như đã nói trên, tôi đồng ý với ông Nguyễn Văn Lục là Nhất Linh điên. Chỉ có người điên mới sống, chơi (và chết) hết mình cho những dang dở của cuộc đời mình, những biến động và hệ lụy của thời đại dân tộc mình. Bây giờ ai cũng tỉnh. Toàn làm chuyện đáng làm, nói những chuyện nên nói. Đây là thời của phải đạo, không cho phép sai lầm.

    Tôi biết về Nhất Linh có bấy nhiêu. Tôi chỉ có thể nghĩ về Nhất Linh có bấy nhiêu. Ngoài ra thì tôi vẫn thường uống bia “33”, xem phim Hàn quốc, mơ mộng về những chân trời xa xôi vời vợi. Thỉnh thoảng, bâng khuâng về cái ác đẹp và buồn cười cho một cái chết ngu xuẩn nào đó.

    Miền Tây Nam bộ, rảnh không biết làm gì.




    Xem thêm ở đây:

    http://hoiluan.vanhocvietnam.org/?p=138

    http://www.phamthihoai.org/talawas/talaDB/showFile.php?res=12686&rb=0102


    23.3.08

    Điểm Tựa Của Lịch Sử

    Tôi đứng nhìn người đàn ông cho bầy chim biển ăn khi mặt trời vừa bắt đầu lặn. Bầy chim bay chấp chới theo từng đợt tung bánh của người đàn ông nọ. Tiếng cánh quạt vào trong khoảng không mạnh mẽ, tiếng chao chác của bầy chim đi vào tai tôi, chạy thẳng ra mắt và chỉ dừng lại khi bắt gặp trên bãi cát những bóng chim mềm mại co giật.

    Người đàn ông quay lại mỉm cười. Có lẽ ông đã rất chăm chú nên không biết có người đang quan sát mình. Người đàn ông ngồi xuống mỏm đá nhỏ. Tôi cũng ngồi xuống. Và mặt trời tiếp tục lặn.

    Chúng tôi ngồi như vậy cho đến khi tôi nghe người đàn ông lên tiếng bắt chuyện. Ông vẫn thường ra đây vào giờ này. Chính xác là hơn giờ này nửa tiếng. Cho chim ăn và ngắm mặt trời lặn. Tôi ít khi ra đây. Nhà tôi ở rất xa. Tôi đi làm muộn và thường về nhà rất trễ. Ông ta sống một mình. Tôi sống với nhiều người khác.

    Người đàn ông ra hiệu cho tôi ngồi yên và bỏ đi. Bầy chim bây giờ đã đậu trên ghềnh đá xa xa. Chúng đi lại thì thầm. Thỉnh thoảng có một con liệng xuống nhập bọn. Người đàn ông quay trở lại với cái túi da. Ông lôi từ trong ra một cái mấy ảnh to kỳ vĩ. Tôi bất chợt né sang bên khi ông chĩa nó vào mặt.

    _ Ông là nhiếp ảnh gia à?

    Người đàn ông không trả lời nhưng nháy mắt bí hiểm. Ông đưa tôi một xấp hình. Như bất cứ người lịch sự nào khác, tôi lật từng tấm chậm rãi. Phải mất một lúc khá lâu tôi mới nhận ra rằng hàng trăm tấm hình này đều chụp mỗi một cảnh: giao lộ. Một giao lộ duy nhất, dành cho người đi bộ và chắc chắn vào lúc nó đông đúc nhất. Tôi dừng lại thích thú vì phát hiện này. Người đàn ông giật xấp hình trên tay. Hơi bất ngờ với cử chỉ tự vệ đó, tôi ngước nhìn dò hỏi.

    _ Tưởng ông muốn giữ chúng.
    _ Không, nhưng tôi nghĩ là đẹp. Làm thế nào ông có thể chụp từ trên cao vậy? Ở một góc thẳng đứng.
    _ Tôi thuê những người lau cửa kính cao ốc. Ông ta cúi xuống và vặn người ngẩng mặt lên như tự nhìn mình từ phía dưới giao lộ. Trên cao kia là cái lồng sắt, ông đang nhoài người ra hết cỡ.

    Mỗi chấm đen trên ảnh là một cái đầu người. Có lẽ đang di động vì sau chúng là những vệt trắng nhờ nhờ.

    _ Đó, tôi gọi chúng là những nhát chém. Người đàn ông cười thành tiếng. Ông thấy không, ông ta chỉ vào một chấm đen, ngay trước khi thằng này cắt vào chỗ đó, đứa khác đã chém qua rồi. Có khi thằng này chém vào chính chỗ của nó hồi thứ Hai tuần trước. Nó mặc bộ vét màu đen, cà vạt sọc chéo màu xanh thẫm, đeo kính Versace. Nó làm ở cái nhà băng cách đó hai khu phố. Còn kia là một con đĩ. Nó đang đi ăn trưa.

    Tôi không thể nào phân biệt được. Chỉ là những chấm đen li ti tròn tròn. Người đàn ông tiếp tục lật và giải thích vanh vách về từng chấm đen trên các tấm hình.

    _ Tôi đó. Ông ta chỉ vào một chấm đen có khoanh tròn trên hình.
    _ Ai chụp cho ông?
    _ Máy. Tôi để chế độ tự động. Phải thả lồng sắt xuống cực nhanh mới kịp. Tôi canh hết, chỉ cần bọn thợ kéo lên đúng vào tầm đó. Tôi tính cả giờ chờ đèn. Bụp, người đàn ông chìa hai tay và nheo mắt như đang nhắm bắn, dính ngay óc.
    _ Ông mặc đồ gì vào hôm đó?
    _ Không nhớ, tôi chụp cái giao lộ này hàng ngàn lần. Làm sao nhớ được. Coi cái này đi, ông ta chỉ cho tôi tấm hình có nhiều đường nối chằng chịt giữa các chấm đen. Chúng tạo thành những đa giác rối rắm. Tôi luôn đó.
    _ Sao vậy được?
    _ Dễ ẹt. Cũng tự động, nhưng để ở chế độ thể thao. Chụp một lúc nhiều tấm. Tôi chạy lung tung như điên. Sau đó về ghép lại. Cái quan trọng là phải chụp trong cùng một thời điểm. Nếu không những người xung quanh đi mất. Không còn ý nghĩa.

    Tôi ngắm kỹ bức hình. Tất cả những chấm đen khác đều đứng tại chỗ, y nguyên cái vị trí ấy. Những chấm đen được nối lại thì khác, chúng toè ra như vết bút lông với những khứa trắng sắc cạnh tua tủa. Đã hết một lượt, ông ta lật tới những tấm hình cũ, nhưng lần này với những giải thích mới. Có thể hoàn toàn, có thể một phần về một chấm đen nào đó.

    _ Vậy ngay lúc đang chụp, ông có diễn dịch về những chấm đen đó không?
    _ Những chấm đen nào?
    _ Những người đang đi phía bên dưới.
    _ Dĩ nhiên có. Mà diễn dịch là cái quái gì? Đứa nào như thế nào thì nó như thế đó. Tôi chỉ chụp cái nhát chém của nó.

    Người đàn ông bỏ xấp hình lại vào trong túi da. Tôi đứng dậy hướng về phía đường lộ. Có một con chó đang ngồi giữa bãi cát tự lúc nào, lưng quay về phía mặt trời, biển, bầy chim và ghềnh đá. Một con béc-giê xám, bờm màu hung rất đẹp.

    _ Ngày nào nó cũng ở đây. Tôi chưa bao giờ thấy chủ nó. Người đàn ông nói với theo.

    Những đợt sóng tràn lên bãi, liếm vào lông con chó, tạo thành từng bệt bập bềnh. Tôi không hề thấy nó tỏ vẻ quan tâm. Nó đang nghĩ gì nhỉ? Có biết rằng sau lưng mình còn cả một buổi chiều. Mênh mông.

    03.2008



    20.3.08

    Approval Stamp

    anh đái vào những thứ gọi là
    vì má dặn phải đàng hoàng ngay cả
    trong những gì lãng mạn
    approval!
    được rồi đây
    sau bao ngày cặm cụi
    stamp lại lên giá khi anh đang hì hụi
    em ơi,
    mất công viết một bức thư tình để đời
    cổ điển mà không đủ tiền
    tổ mẹ thằng bưu điện
    bao nhiêu cơ hội tiên tiến
    ngàn vàng
    giờ đã mê man rách rưới?
    anh không được cái nào xinh tươi
    anh vẫn cười
    như con đười ươi
    và sẽ có một ngày
    anh email cho em
    bản scan lem nhem
    của một bức thư tình viết kỹ
    từ cây vĩ
    luôn căng cứng sẵn sàng
    chực kéo ngang những chiều nhầu nhĩ

    anh thừa sức vẽ cái bàn
    nhưng anh không tin những thằng cái bang làm thợ mộc
    thôi bây giờ anh mắc đi học
    làm cái bang
    lang thang
    bởi từ nay
    anh quyết định
    rẽ ngang làm thợ mộc

    4h33’


    19.3.08

    Thức Ở Bên Ngoài Xoắn Ốc

    []

    Chúng ta đã làm gì trong một đám đông nghẽn mạch?

    Anh leo lên mui xe hóng nhìn về phía trước: Một cuộc vây bắt? Một tai nạn? Một cây cầu gẫy? Không biết mình là bản sao thứ mấy trong cái chuỗi DNA dài ngoằn này nữa. Anh phát hiện mình đang âm thầm. Và em đã cười vì nghĩ anh vẫn còn oán môn sinh học tế bào ở trường năm nào. Anh rất bực, tất nhiên, nhưng không phải vì mấy thứ ngớ ngẩn vật liệu, bảng mã, thông tin… Ngay cả lúc này anh cũng không được quyền chửi thề?

    Em vẫn nghe dự báo thời tiết: Anh ơi, ngày mai trời mưa. Ừ.

    []

    Phải tính toán kỹ lưỡng mới được. Chúng ta có 15 cm phía trước. Từ kính chiếu hậu trái đến chiếc xe tải bên cạnh là nửa thước. Phía tay mặt là dòng sông. Có lẽ rất sâu vì kè bê tông cao và dày. Không thể de lui. Anh chẳng đang nói tới tính khả thi của giải pháp. Đơn giản nó không là một lựa chọn. Nhưng nếu vượt qua được chiếc xe tải, chúng ta sẽ phải né những người tài xế mệt mỏi đang ngồi bệt trên vệ đường. Anh có phải là tay đua địa hình đâu! Em lại càng không. Anh phải đậu xe cho em hoài rồi đấy thôi. Mặt trời chếch chếch đằng kia, anh dang tay suy nghĩ. Có lẽ chúng ta đang đi về hướng Đông Nam.

    []

    Đúng rồi, mình cần cuộn thước dây. Cảm ơn em, người luôn chu đáo. Anh đo chỗ để chân: Dài x Rộng x Cao. Khoang xe: Dài x Rộng x Cao. Em theo sát ghi chép tỉ mỉ: Thùng chở đồ, nắp capô, tấm chắn bùn, chiều rộng cơ sở, chiều dài cơ sở, khoảng cách hai bánh (trước và sau), mô-men xoắn cực đại, dung tích xi-lanh. Sắp xong rồi, anh vừa tuồn xuống gầm xe vừa lầm bầm. Em vẫn nói khi cáu trông anh rất ngố là gì. Khoảng sáng. Được, chỉ còn cái cầu dẫn động. Bọn này điên quá, tự dưng bấm còi inh ỏi.

    Anh ơi, đi kìa.

    []

    Cũng như mọi lần, chúng ta đã chẳng thấy gì khi ngang qua những chỗ ngờ vực. Họ không thể dọn dẹp sạch sẽ một cách chóng vánh như vậy được. Chúng ta đã đứng lại không vì lẽ gì à? Không có một sự kiện đáng giá nào hết cho những chờ đợi này? Quái nhỉ? Anh muốn biết chuyện gì đã xảy ra? Nhưng anh chưa bao giờ đuổi kịp chuyện gì. Anh trở thành một phần của chuyện gì.

    []

    Anh muốn biết anh đã xảy ra như thế nào?

    []


    03.2008


    18.3.08

    Lượng Hoá Hạnh Phúc

    Đâu mươi năm trước trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, ông Dương Ngọc Dũng tâm sự chuyện ông đi chơi ở Chicago, mà ông gọi là Kiều nữ Chicago. Cũng phải, vì chữ Chicago trong tiếng Anh phát âm nghe từa tựa như Chick-car-go. Bỏ gà lên xe Mustang mui trần chạy lòng vòng khắp phố tắm nắng. Vì ở xa tới, ông phải ở trọ. Nhà trọ nuôi một (hay hai ba chục?) nàng mèo ông rất thích hoặc ghét quá (đi thôi) nên buổi sáng trước khi rời nơi ấy ông không quên âu yếm phát vào mông nàng, lúc đó đang nằm trên bàn, một phát. Có chỗ có nơi không nằm, lại nằm trên bàn. Kỳ cục vậy? Nhưng chi tiết đó không có gì thú vị. Cũng (bình) thường thôi. Thú vị ở chỗ khác. Tới Chicago, ông đi loanh quanh phố gió, ngó nghiêng nghiêng, ông chợt nghĩ về mấy câu hát trong bài Thiên Thai của Văn Cao:

    Thiên Tiên chúng em xin dâng hai chàng (hai) trái đào thơm
    Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn

    Có thế có người không vui, cho rằng ông đã thông tục hoá (vulgarize) một cái tích đẹp khi thêm lượng từ vào chỗ cắc cớ vậy. Nhưng nghĩ kỹ không phải, có lẽ do quán tính của thói quen. Thiên Thai là hình ảnh Hán hóa của đất hứa. Hạnh phúc, sung sướng là đặc tính quyến rũ trọn gói của đất hứa. Nhưng không ai thấy mặt ngang mũi dọc của hạnh phúc ra sao. Chỉ thấy bóng dáng của hạnh phúc kiểu sen vàng lãng đãng như gần như xa. Vậy phải cụ thể hóa hạnh phúc để nắm lấy nó. Không gì cụ thể hơn lượng từ.

    Nếu nói đào khơi khơi. Không được. Mỗi người mỗi khẩu vị. Đào có nhiều loại đào. Đào lông (peach), đào trắng (yellow nectarine), đào vàng (white nectarine), đào Nhật Tân (pink cherry)… Có loại ăn được, có loại muốn ăn cũng không được. Nếu nói thơm. Thơm cũng nhiều kiểu: thơm dịu dặt, thơm ngào ngạt, thơm lừng, thơm thoang thoảng, thơm Chanel Allure Sensuelle, thơm Lancôme Hypnôse, thơm Vera Wang, thơm Shiseido Azinomoto… Chỉ có lượng từ là cụ thể nhất, chính xác nhất. Không cãi được. Không thể thêm vô bớt ra mà không làm thay đổi nhận thức về đối tượng được. Giả thử nói:

    Chúng em xin dâng hai chàng (ba) trái đào thơm.

    Nghe dị hợm làm sao. Không chừng hai chàng Lưu Thần, Nguyễn Triệu co giò chạy về quê sớm, còn đâu tích với điển.

    Chuyện lượng hoá (measurement) là chuyện nan giải chứ không phải chơi. Trong đa số các ngành khoa học, lượng hoá thường đi đầu mắc kẹt. Vũ trụ dừng ở đâu? Độ cồn trong lông con chồn? v.v... Thuyết tương đối, gọi là tương đối, cũng phải liên quan tới lượng. Hóa học, tâm lý học, sinh trắc học, siêng học, lười học, v.v.. đều qua cửa lượng. Nghe đâu trong kinh tế học còn có nhánh kinh tế hạnh phúc (economics of happiness). Nhánh này chuyên tọc mạch, so đo về hạnh phúc người khác qua các tiêu chí kinh tế của mình. Ví dụ đưa ra bảng câu hỏi tìm hiểu xem có sex bao nhiêu lần trong tuần thì hạnh phúc ngang có 50 đô la trong ngân hàng. Những lựa chọn khó khăn quá, đôi khi bất khả tư nghì.

    Tầm quan trọng của lượng được thấy qua vai trò của số nguyên. Nhà toán học thế kỷ 19 Leopold Kronecker nói một câu rất nổi tiếng: “Thượng đế tạo ra số nguyên. Phần còn lại là tác phẩm của con người” (God created the integers. All the rest is the work of man.) Có số nguyên là có tất cả. Cho nên nói lượng phản ánh trung thực chất sống cũng không sai. Ví dụ mơ màng nhà mặt phố, bố làm to. Mới nghe như không có lượng, chỉ có tính. Nhưng lượng ẩn đi thôi. Nhà mặt phố hơn các nhà khác ở con $$/mét vuông. Bố làm to hơn thằng khác ở số quota/ngạch trật. Còn nói: “Anh yêu em rất nhiều.” Nhiều là bao nhiêu? Không mường tượng được. Dễ nói mấy carat thì biết ngay.

    Ông cha ta ngày xưa cũng lượng hoá nhiều thứ để rút kinh nghiệm cho con cháu về hạnh phúc và như thế nào là hạnh phúc:

    Trai năm thê bảy thiếp
    Gái chính chuyên một chồng.

    Đối với đàn ông, muốn hạnh phúc phải năm, bảy. Đàn bà chỉ nên một. Đó, từ xa xưa tới nay, loài người luôn quanh quẩn, loay hoay với lượng. Không trách Dương Ngọc Dũng. Chỉ đang nghĩ nên lượng cái gì trước, bây giờ?


    13.3.08

    Độ Lệch Chuẩn

    Tôi thường thức dậy vào buổi sáng với dao cạo râu hai lưỡi Gillette trong tay; trước khi đánh răng trong vũng máu. Chưa khi nào tôi thắc mắc buổi sáng chính thức kết thúc ở đâu, cũng như tôi chưa từng tự hỏi từ bao giờ dao cạo râu hai lưỡi Gillette gắn chặt vào đời sống mình. Lúc tôi bắt đầu phải thực hành cái nghi lễ tối thiểu hàng ngày đó như mọi người đàn ông khác, Gillette đã có mặt. Rõ ràng Gillette sinh ra cho tôi và vì tôi; nhưng lại xuất hiện trước, trong một biên độ thời gian vừa đủ hợp lý so với tầm với. Tôi là một người vụng về. Tôi không thể đến sở với bộ mặt rách nát.

    Thỉnh thoảng gặp đâu đó trong sách truyện, phim ảnh những khung cảnh, những tình thế mà nếu thử tưởng tượng đặt mình trong chúng, tôi cảm thấy hết sức lúng túng. Chúng xa lạ đến khó chịu. Rồi tôi sẽ ăn như thế nào, ngủ như thế nào, đi lại nói năng cư xử như thế nào? Tôi kiếm sống bằng cách nào đây? Hoang mang, bối rối quá chừng.

    Bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào, tôi cũng cần dao cạo Gillette hai lưỡi bên mình. Tôi giữ chúng nơi đầu giường, trên bàn làm việc, trong túi quần, trước bậc cửa… Chúng làm tôi an tâm.

    Mỗi ngày tôi đều làm bao nhiêu đó việc. Không chuyện nào đặc biệt hơn chuyện nào. Chúng đều được đóng kiện và dán tem thời đại chờ đến lượt qua tay. Tôi là kẻ trung gian, một người sống bằng nghề môi giới thời đại. Ngay cả bầu khí quyển cũng cho tôi cảm giác thân thuộc. Tôi thở ra hít vào không mỏi mệt. Tôi biết chắc đó là không khí thời đại mình.

    Lúc nào tôi cũng nghĩ đang sống vào thời của mình.

    03.2008


    6.3.08

    Xiếc Học So Sánh


    Cầu Khỉ Hậu Hiện Đại


    Thế giới học thuật càng ngày càng đa dạng. Đi y hệt như tên A-rít-tốt. Mới đầu là A-rít-tốt. Sau là A, rồi Rít, rồi Tốt. Sau đó là A; Rít. Sau đó nữa là A; Rít; Tốt. Cuối cùng quay trở lại A:Rít:Tốt>Tồ. Các xe tăng suy nghĩ, thiết giáp giáo dục đua nhau lập trung tâm nghiên cứu liên ngành. Có vẻ như mặt cắt dọc đã không cho ta thấy hết mọi khía cạnh (có thể có) của vấn đề quan tâm. Đồng ý về cơ bản, không hoàn toàn mới. Chỉ là sự mở rộng phạm vi và phạm trù soi mói. Nhưng không phải kiểu anh bàn này liếc lộn chị bàn kia vì không gian trữ tình khiêm tốn chật hẹp. Cũng không phải kê hai bàn sáp lại vào nhau mà giao lưu, trao đổi ý thoải mái. Hơn vậy nhiều chớ. Nếu không từ lâu đã có Văn chương So sánh, Triết học Đối chiếu, v.v...rồi?

    Nói chuyện so đo mới nghĩ tới xiếc. Không có cuộc tranh tài nào khó chấm điểm bằng xiếc. Ngày xưa còn bú rất mê xiếc. Tất cả các loại xiếc. Xiếc thú, xiếc lửa, xiếc tung hứng, xiếc nhào lộn, xiếc đu dây, xiếc mô-tô-bay, thậm chí thích quyển truyện chỉ liên lụy đến xiếc chút xíu: Những cuộc phiêu lưu của Xê-muy-en Pinh. Chuyện kể về một chàng thiếu niên ngơ ngác, mới bước vào đời đã bị vận xui vô duyên. Xô đẩy một hồi anh chàng chịu thua, xin vào gánh xiếc kiếm sống. Anh ta làm xiếc bằng cách chui vào một cái ống cho người ta bắn vút lên vút lên. Không phải chân dép lốp bay vào vũ trụ, không có gì hết mới ngầu đó. Anh này làm xiếc hay nhưng quê anh không nổi về xiếc, hoặc đánh giá thấp xiếc. Những cái người đồng hương của anh là ông Malthus đoán cho tới giờ nhân loại xiếc qua mặt hết. Lần này đến lần khác.

    Vậy ai mới ngon về xiếc? Chưa có ngành xiếc học tỉ thí/giảo để trả lời câu hỏi này. Nhưng nếu cho chọn, nghĩ hai nước đáng chú ý nhất là Ấn Độ và Trung Hoa.

    Ấn Độ kỳ bí rộng lớn nóng lạnh vô tư nên xiếc cũng mang mang ngộp thở như ảo thuật. Ăn than hồng, đi trên kẽm gai, uống a-xít, chui vô rương mây cho kiếm đâm tứ phía, ưỡn ẹo limbo, bay bằng mền con công (cái này chưa thấy), cưỡi trên nóc tàu lửa, đu sau xe bò chẳng hạn… Đó là chưa kể xiếc ngầm. Múa (bụng) từ sông Hằng thanh tẩy múa lên, váy áo sari ướt hết trọi, vừa ca hát nhảy nhót, vừa oánh lộn, vừa hôn hít bịn rịn. Bao nhiêu chuyện mà không hề có sai sót kỹ thuật. Hay vậy đó.

    Ở Trung quốc xiếc là một tuyệt kỹ. Nó không phải chuyện tự phụ cá nhân. Nó là chuyện tinh hoa gia tộc. Con nít năm bảy tuổi đã được ông nội đè đầu tập luyện. Thành ra lần xiếc quốc tế nào Trung quốc cũng thắng lớn. Người rút xương, chổng bốn vó lên trời thêm cái đầu, cái miệng nữa là sáu (hổng biết còn thiếu chỗ nào không?), ngậm đỡ cả trăm ly nước, không hề rung rinh đổ bể. Tài quá. Muốn được vậy đâu phải dễ. Truyền thống cả ngàn năm hun hút. Rót dầu qua lỗ đồng tiền không dây một giọt, không phải xiếc là gì? Viết chữ làm sao càng khó đọc ra càng đẹp, không phải xiếc là gì?

    Ngó lại mình. Coi bộ xứ mình xiếc không phát triển? Nhã nhạc cung đình Huế, múa rối nước là di sản văn hóa phi vật thể. Đồ chơi. Xiếc chỗ nào? Lầm đa! Xiếc ở mình là một hủy năng để tồn tại, một thuộc tính kép của đời sống. Dù anh là ai: nhà báo, nhà ga, nhà hoạch định chính sách, nhà hoạch hoẹ chính trị, nhà lãnh đạo hay lãnh đủ, con dân hay con gì cũng là con má. Con má nào thuở nằm nôi cũng được má rứt ruột vỡ lòng xiếc học nhập bọn, thông qua việc giới thiệu sự tồn tại của cây cầu khỉ:

    Ầu… ơ…, chớ ví dầu cầu ván đóng đinh
    Cầu tre lắt lẻo gặp ghình khó đi…

    3.3.08

    Ánh Xạ

    không có đồi
    không có biển
    chỉ có thành phố giữa những ngôi nhà
    anh đang đi qua anh
    mỗi ngày
    vì bốn mùa đều có cùng một khuôn mặt
    nó sẽ già đi
    và em biết như vậy
    nó sẽ chết
    và em linh cảm như vậy
    nhưng giữa chúng ta là sự im lặng ngọt ngào nhất có thể có trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nhất


    đ
    iều đó chỉ dành cho người khác

    anh muốn đi ra khỏi thành phố
    nhưng anh không thể vượt thoát khỏi những ngôi nhà
    chúng dường như là bất tận
    anh cũng đến từ một ngôi nhà

    khi mùa thu vừa thức giấc
    anh đã tự nhủ rằng mùa thu vừa thức giấc
    những tàng cây trơ trụi
    đâm xóc vào cửa sổ để ngỏ
    xuyên qua cổ anh vào một buổi chiều nắng vàng rực rỡ
    và hẳn nhiên là anh đang ngồi

    anh đã muốn nán lại
    trên chiếc ghế quen thuộc của mình
    chờ mùa thu đi qua

    để những cành nhọn

    hoặc mục ruỗng già chết gãy nát trong cổ áo anh
    hoặc nẩy nở mầm xanh chồi non từ trong huyết quản anh

    anh đã muốn với tay đóng cửa sổ lại
    vì dường như mùa thu là quá lâu
    với những buổi chiều xao xác bên ngoài
    và cành cây bất động treo anh là là
    trên chính nơi
    anh đã chọn ngồi

    anh đã muốn gọi một ai đó
    vì đó là điều duy nhất anh có thể làm
    mà không phải
    rời khỏi chỗ
    nhưng đã từ lâu rồi, không ai đi ngang đây
    ngoài anh
    anh đứng ở bên ngoài cửa sổ
    nhìn vào
    bên trong ngôi nhà trống /rỗng không/mênh mông/lạc tông/long nhong/tin không/đừng hòng

    có một người đang ngồi trên ghế
    cổ bị đâm xuyên bởi một cành cây mùa thu
    và anh gọi khẽ

    11.2006