27.7.08

    Có Điều Gì Gần Như Niềm Tuyệt Vọng (Cho Nó Sang)

    Quân bất kiến Nam, Xuân tự cổ đa danh kỹ


    1. Sáng dậy đã có vẻ làu bầu như con gấu. Nghĩ mãi mới nhớ lâu rồi không ngủ (đủ). Tắm thì vẫn đều đặn (2 lần/ngày), bớt nóng nực chứ không thôi bứt rứt. ;))

    2. Vẩn vơ về danh xưng “tứ trụ triết Tây” trước 75 ở miền Nam mà Thụy Khuê và nhiều người khác hay nhắc, thêm vụ Trần Phong Giao hỏi Nguyên Sa: “Bông Hồng Hay Bông Cứt Lợn?” Thấy mắc cười nên cười một cái (rồi thôi).

    3. Thương về TS[1]. Dương Ngọc Dũng của những năm 1990 (thiên niên kỷ trước) và TS. Ngô Tự Lập những năm 2000 (thiên kỷ này) trên mặt báo. Xong tự thấy rất thảm.

    4. Trung Nguyên ngoài cà phê ngon còn có Bắc Kiều Phong – Nam Mộ Dung. Đại (Tồ) Việt ngoài giai nhân chi chít theo tỉ lệ (xích), bonus Nam Vũ Hạnh – Bắc Nguyễn Khải.

    5. Trong một thư ngỏ của khoảng chục (mười) các giáo sư người Mỹ gốc (Me) Việt (đa phần trẻ, do TS Viet Thanh Nguyen, Đại học Nam California chấp bút) cách đây mấy năm có nhắc tới “ám ảnh hủy hoại” (destructive obsession). Thư trong một ngữ cảnh khác, về vài vấn đề khác. Nhưng tưởng ám ảnh tự thân đã có tính hủy hoại ít nhiều rồi. Có khi huỷ hoại để tái sinh. Thỉnh thoảng nó cũng tạo ra những năng lượng xung đột (ngột).

    6. Má sai đi mua trái bầu (hay bí gì đó), thay vì cho thêm bó hành ngò, cô hàng rau (xanh) mơn mởn lại kèm quyển Suite Française (thiệt ra là 30% off, nhưng mãi ngắm nghía lựa bầu nên quên bó hành ngò thành ra khi má hỏi…) Anyway, sách gồm hai (trong một) quyển của Irène Némirovsky, người Do Thái gốc Ukraine sống và làm việc tại Pháp bị chết trong trại tập trung Đức Quốc Xã ở Ba Lan. Hơn nửa thế kỷ sau tập bản thảo mới tìm thấy. Về đứng xa ba thước đá câu bổng cầu vồng rất đẹp vô thúng (đựng sách dưới gầm giường) trúng ngay The Sorrows of Young Werther. Giật mình nghĩ tới những mô thức hồi ức cổ điển về Chiến tranh Thế giới II. Kiểu như con khuyên cha, bà nội, cô, cậu, chú, dì, thím, mợ, vợ thằng bạn… hãy mau dời gót ngọc tản cư. Rồi nhận được những cái lắc đầu ứ ừ không tin: Một dân tộc đã sản sinh ra Goethe, Kant, Bethoven, Bach, blah blah thì làm sao có thể như người ta lo sợ được? Kết quả sau đó Đức thả bom tung toé, bắn tên lửa đạn đạo V2 chíu chíu như tình Ca-chiu-sa, ập vô từng nhà bắt trọn ổ, giết gần hết, tống đi trại tập trung, tùng xẻo, trấn lột, đem quay v.v. Dĩ nhiên đó là "sự thật" lịch sử. Chính vì vậy ta mới có quyền (và nên) hy vọng.

    7. Đọc được đoạn này: I do not mean by this declaration to condemn those who believe otherwise; they have the same right to their belief as I have to mine. But it is necessary to the happiness of man, that he be mentally faithful to himself. Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving; it consists in professing to believe what he does not believe.

    It is impossible to calculate the moral mischief, if I may so express it, that mental lying has produced in society. When a man has so far corrupted and prostituted the chastity of his mind, as to subscribe his professional belief to things he does not believe, he has prepared himself for the commission of every other crime.(Age of Reason – Thomas Paine)

    8. Mỗi lần sờ (vô bàn phím) là biết cố tật thừa giấy, vẽ voi, nói nhảm sẽ trỗi dậy nhưng không nhịn nổi. ;(( May có Nguyễn Mộng Giác nói đỡ dùm. Người ta hay hỏi sao ông viết về các nhân vật lịch sử Việt Nam trong Sông Côn Mùa Lũ tầm thường vậy? Coi không được. Ông trả lời nửa đùa nửa thật, đại ý tui bình thường quá, rướn lên hỏng nổi thì kéo họ xuống. Cũng phải, xưa nay mấy ai tự túm tóc mình kéo lên được. Dễ nhất vẫn là nắm tóc người khác đè xuống để thoả mãn nhu cầu (thắng lợi tinh thần).




    [1] TS là viết tắt của tiến sĩ, không phải thiền sư, thí sinh hay là tao sẽ. (Khổ, cái gì cũng phải chú thích cẩn thận không lại trách mình thiếu sót).


    17.7.08

    Nhậu Cùng Một Hướng

    Chomsky nói một câu dễ thương thấy ghét: “Một cách đơn giản là có thể tôi không có khả năng thấu hiểu Derrida, nhưng tôi ngờ cái cơ hội xác suất của sự kiện [thiệt ra chỉ là possibility (khả năng) thôi, đoán và mò quàng xiên vậy cho có vẻ triết học của ngôn ngữ học của văn học của…và tránh lỗi điệp tự. Hehe] đó.”

    Chomsky “dễ thương” vì ông không phán: “Theo lý thuyết của tao/mà tao tin thì mày sai.”

    Ông Hoàng Tử Bé lại nói: “Yêu nhau là cùng nhìn về một hướng.”

    Mình không rành mấy cái vụ yêu và giải này nọ gì ráo trọi. Nhưng mình biết nhậu phải ngồi chung một chỗ. Không ai nhậu qua điện thoại, thậm chí webcam.

    Nhậu phải cãi. Cãi phải dựa trên căn bản là đơn vị bàn. Bàn này đang nói, bàn kia không nghe rõ, hoặc không theo (nghe lén) từ đầu, không nhất trí ai trả tiền sau khi tính sổ, xen vô gắp nửa chừng mồi người ta, dễ gây thương tích trong (dĩa) lòng lắm à.

    Chuyện này cũng giống trước khi vô bếp, không cần giao kèo: “Tui nấu nhưng bà phải rửa chén” (Tía mình hay chơi chiêu này. Hehe…) Nhưng phải thống nhất: “Thế nào là ngon?” Ít nhất: “Thế nào là mặn?” Nếu bà không chấp nhận hoặc cùng chiến tuyến tiên đề về nghệ thuật nấu ăn tài ba lỗi lạc của tui, bà đừng có nói sao tui nấu dở à nghen?

    Tờ New York Times mới đây kể chuyện ông Friedman, chết rồi còn gây sự. Nghe đồn ông đoạt giải Nobel Kinh tế, có ảnh hưởng sâu đậm thắm thiết lên chính sách tiền tệ của Mỹ, bao nhiêu là bằng danh dự của trường này viện nọ tổ chức kia, học trò giỏi chắc cũng nhiều luôn, blah blah… (ủa mà cái này tiếng gì, thôi cứ in nghiêng cho chắc). Tiếp tục (coi ở dưới):

    Ông gắn bó với Đại học Chicago, từng học và dạy ở đây nhiều năm, được xem là người mở rộng tầm nhìn ra bờ hồ Michigan cho trường phái Chicago uy hùng. Nói chung, nghĩ về ông, người ta nghĩ ngay đến Đại học Chicago. Ngược lại, nghĩ về Đại học Chicago với những gương mặt sáng giá, chắc chắn người ta sẽ nhớ tới ông như một uỷ viên thường trực (gây tranh cãi).

    Điều đáng ngạc nhiên, như tờ Times viết, Đại học Chicago định lập một viện nghiên cứu mang tên ông với ngân quỹ khiêm tốn ước định là 200 triệu đô. Cái khó ở chỗ hàng tá giáo sư trong trường chống, lý do họ không (tin) theo thuyết hoặc các luận thuyết mackeno (mặc kệ nó) của ông Friedman được. Nếu lập một viện như vậy e đưa ra tín hiệu cúi đầu thiên lệch về hướng đi của viện. Chúng ta chưa đầu hàng, chưa tâm phục khẩu phục, đừng hòng ta chịu bị chơi ép vậy đâu nha.

    Hai bên quần tây áo đầm chia phe kéo co bất phân thắng bại nên ngài viện trưởng Dim-mờ (Zimmer) và ông hiệu phó chuyên môn Rờ-xem-bà-ui-ờm (Rosenbaum) phải triệu tập toàn thể hội đồng giáo dục (gồm hơn hai ngàn giáo sư, giảng viên, thủ thư trưởng, hehe…) để …cãi tiếp. Lần cuối có một cuộc triệu kiến đấu khẩu vĩ đại như vậy trong trường là vào năm 1986, để xem có nên tước đoạt (divest), cởi bỏ nhanh lẹ các khoản đầu tư ở Nam Phi hay không?

    Nhậu xong rồi, bây giờ quay sang bàn bên lý : “Theo Friedman thì các chú phải trả tiền.”

    Chơi gì kỳ dzậy!




    9.7.08

    Cá Tính Của Một Buổi Chiều

    tôi đến đường số 17
    mang theo những định dạng cần thiết cho một buổi chiều hợp lệ
    trước khi ngồi xuống nắp ống cống
    và rình đợi
    những tâm hồn

    nứt nẻ

    thừa mứa tính từ
    qua lại

    trong tôi
    không ngừng
    phọt ra từng giao diện khả lắp
    chuồi trên bề mặt xác chiều chưa đánh mã

    hững hờ không
    hân hoan không
    hạn hữu không
    hanh hạ

    tôi xé từng trang từ điển ném xuống lòng đường toang hoác vương
    những tính từ thoi thóp
    chiều thực vật đã sang trên nóc nhà

    đối diện
    trạng từ

    chỉ còn lại danh/động
    ngày danh/động
    đêm danh/danh
    chiều danh/động
    ôm động/động
    đôi bàn tay danh/danh

    nơi đây cũng không nhiều
    bởi tôi luôn ngưỡng mộ những người còn sống
    và yêu thầm kẻ phản bội

    chiều của tôi không phải là bình minh đến muộn
    với những hình khối, kích thước, màu sắc, điệu bộ của một buổi chiều
    chiều của tôi không bao giờ kêu: “Ê, chiều!”

    07.2008

    1.7.08

    Đêm Ngủ Ở Tỉnh

    Nhiều khi có một câu chữ nào đó cứ bám riết lấy mình, vang lên trong đầu hoài không chịu buông tha. Hồi tám chín tuổi, ở nhà bên có anh lính hay chơi đàn rất khuya. Đàn anh đã cho mình trời xanh bao ước mơ tuổi thơ. Một hôm mình đang cầm cái que đứng dưới gốc me, anh chạy ra đưa cho tờ giấy kẻ ngang sạch sẽ có chép nhạc nắn nót. Tặng cháu nè. Chú mới sáng tác đó. Hi, mình đọc sơ lời biết đó là bài Mặt trời bé con của Trần Tiến hay phát trên loa phát thanh phường chớ gì. Anh lính này còn ký bay bướm ở dưới nữa. Từ đó mình hết hơi, rã miệng vì cứ hả họng là ngày xưa có chú bé…Lả người cho đến một lúc nào đó, không hiểu bằng cách nào, mình lại quên bén nó đi.

    Đêm ngủ ở tỉnh là một trường hợp khác. Mình không bao giờ có ý định đẩy nó ra khỏi óc, cũng không có ý gợi nhớ đến nó. Nó thường đến với mình rất bất ngờ nhưng êm đềm vào những buổi khuya. Khi đó mình đang ngủ mơ màng, rồi choàng tỉnh dậy như có ai vỗ nhè nhẹ lên vai: Đêm ngủ ở tỉnh.

    Đêm ngủ ở tỉnh. Câu này nghe phê dễ sợ. Tưởng tượng coi, nó là tên một tập truyện có hơi hướm cổ điển và Tây, nhưng xa xăm mơ hồ hơn, như Niềm vui hãy ở lại hay Điều kỳ diệu của tâm hồn mà mình đọc được hồi nhỏ. Sách mượn ở hàng xóm thôi. Nhà không có sách. Bác hàng xóm hưu non này có nhiều sách mà hay phát biểu xỏ lá. Mày nói như cọp nhai đậu phộng. Là sao cha? Thì nghe nó lổn nhổn chớ sao.

    Đêm ngủ ở tỉnh. Mình nâng niu bốn chữ này đến độ không dám bịa ra chuyện gì để mà gắn vô. Lỡ không xứng coi như đi đời một ám ảnh dễ chịu. Thà cứ để nguyên như vậy còn hơn.

    Phải nhận rằng chuyện gì cũng có nguyên cớ của nó. Vậy mà mình không thể nào tìm lục trong ký ức một mẩu nhỏ đời sống mình từ lúc lọt lòng, thòng tận bây giờ tại sao có mấy chữ này trong đầu. Mình phải hoặc nghe ai nói, hoặc đọc ở đâu đó chớ. Không nhớ. Mọi người trong nhà đều nói mình lộn xộn cũng phải. Cái cách mình mở miệng không giống những người khác. Cái rổ từ vựng của mình cũng vậy. Nó làm sao làm sao. Đôi khi đang nói thì ngắc ngứ không biết phải dùng từ gì cho thích hợp. Sang quá không được. Xuống tông một tí thì lạc. Ít học quá, phô quá, điệu bộ quá. Nói một câu toàn phương ngữ miền Bắc mà mình phát âm giọng Nam Trung chẹt lét, chen vô vài tiếng của tỉnh mém giáp ranh quê nhà. Hoặc cả đám đan chéo đan chùm cũng có. Lấp lỡ vậy đó. Chưa bàn tới câu cú. Gớm ghê luôn. Nghi do học hành dang dở, cao không ra cao, thấp không ra thấp. Lại mê TV. Đài nào cũng coi, báo mình càng coi thường nữa.

    Sớm nhứt là câu này vô trỏng hồi năm lớp chín, tức năm cuối cùng mình còn gần gũi chuyện học hành. Năm này nhiều sự biến.

    Khởi đầu là anh Tư. Đi nhậu về xáng cho mình một bạt tai. Điên thì chết từ nhỏ đi nghen mậy? Bà già chồm hỗm nhai trầu trong bếp. Thằng nói vậy nghe được sao con! Rồi ngồi khóc à ơi không ai thèm dỗ. Mình cũng lủi đi chỗ khác cho rồi. Sau mới biết chả uống ở quán chú Nhố với mấy cha trong xóm. Quán này bà ngoại hay sai mình đi mua nước mắm, tiêu, đường, mấy thứ linh tinh. Các cha thường tụm đó uống cà phê tán phét. Mình ngứa tai hỏi chõ vô. Ai nói chú vậy chú? Để tâm thù mình. Đợi anh Tư đi nhậu có đầy đủ mấy đứa giả bộ hỏi. Nghe nói em mày học giỏi lắm? Anh Tư nói ờ, nó nói chớ đứa nào. Nhưng mà nó bị khùng khùng đúng không? Đó, có vậy thôi cũng đánh mình.

    Chưa hết. Cách đó hai tháng, thi môn Giáo dục Công dân. Con nhỏ ngồi sau mình không thuộc bài. Chỗ hỏi về cơ cấu nhà nước, bộ máy lãnh đạo gì gì đó, nó khều mình. Chủ tịch Quốc hội là Nông gì mày? Nông Đức Mạnh. Nông Đức Mặn hả? Ờ, Nông Nước Mặn. Con này ghi vô thiệt. Tới hồi bị điểm 3 nó rủa mình. Bà cô dạy GDCD là bí thư Đảng uỷ của trường nên phải làm cho ra chuyện. Nó chỉ mình thì mình phải cúi đầu nhận tội. Là tội nói giỡn thôi. Vậy mà họp hội đồng giáo viên kêu mình xách động phỉ báng. May thầy hiệu trưởng ổng hạ khẩu nương tình. Con nít nó nghịch. Nhưng phải bị điểm 2 và đạo đức Yếu Học kỳ I. Bỏ công mình thức dậy sớm học bài. Con nhỏ kia mới khùng thiệt. Mùa mưa nó mặc áo mưa bộ đến lớp. Tụi con trai đứng ở góc đằng xa, đang chuyện gẫu không chú ý gì. Nó la thiệt to. Mấy ông quay mặt lại cho tui cởi quần (là nó nói cởi cái quần đi mưa). Ngày nào nó cũng vô lớp la như vậy cho tới hết mùa mưa.

    Còn nữa. Cha thầy dạy lịch sử mới về trường ở trong xóm chớ đâu. Giờ học có 45 phút toàn nói tào lao xịt bợp. Lúc nào cũng thiếu giờ. Giờ sau là giờ thể dục. Mình làm lớp trưởng nên bị ông thầy này cạo. Cho lớp xuống trễ nữa hả? Dạ tại thầy K. Nói ổng bữa sau đừng vậy nữa. Lớp leo, nhảy, chạy, bò… được một nửa là giải tán. Từ đó, kẻng đánh hết giờ mình liền buông bút. Ổng để ý bắt tại trận. Cho giờ C. Cô chủ nhiệm tức quá. Trong mấy chục năm lịch sử của trường, chưa khi nào một lớp chọn, lớp mẫu mà bị giờ C. Ô nhục vầy không chào cờ được. Ông chồng cô chở cô tới nhà, ngồi ngoài xe vắt chân hút thuốc phì phèo. Cô chủ nhiệm vô đề liền nhưng phải mất hồi lâu ông già, bà già mình mới hiểu Sổ đầu bài, A, B, C tùm lum là cái gì. Ông già mình giơ hai tay lên trời. Chắc tui giết thằng này quá bà. Rồi cả lũ kéo nhau sang nhà thầy K. Ổng không thèm nhìn mình. Cô chủ nhiệm bá vai ổng dắt ra hiên. Mày nể chị, tha cho nó lần này. Sửa lại giờ B đi. Thằng này để tao trị. Coi như êm xuôi. Mình chỉ thấy ổng thường mướn truyện chưởng nhái và uống rượu ghi sổ ở quán chú Nhố, nhưng tụi trong lớp nói ổng với thầy thể dục hay chơi bài tiến lên, chặt hẽo ăn tiền tá lả ở trên xóm trên.

    Thi tốt nghiệp đậu á khoa. Thi chuyển cấp đậu vớt. Ở nhà cho rồi. Anh Năm cản. Tự nhiên dị mầy? Không thích thôi. Bà già nói. Kệ nó. Anh Ba. Không được, phải có cái cớ gì đáng đáng nghe mới thuận tai. Vậy là từ đó chả phao tin mình bị viêm xoang hay nhức đầu sảng, học không vô. Người này người kia còn đem thuốc gia truyền tới cho mình. Thi
    ệt tình.

    Nghỉ học phải theo mấy chả đi làm xa, vì xanh quanh hết ruộng rồi, ngoài ra thị xã cũng nhỏ. Khoan cắt bê tông, chuyên gia chống thấm và lót gạnh nền thương xá là nghề của mấy anh em. Mấy cha này kiết lắm, toàn ngủ nhà trọ dưới 8500đ. Đang hôm mình nghe Đêm ngủ ở tỉnh, ngồi dậy ngó ngang đã đã, anh Ba thò tay đè đầu mình. Nằm xuống, nằm xuống. Nhiều khi thấy cha này lãng dễ sợ (Anh Năm ngu ngu nổ nổ không nói gì rồi). Nhưng còn đỡ hơn anh Tư, sến chịu không thấu. Quanh giường dán đầy hình Lam Trường, Đan Trường. Mê nhứt hai thằng này. Đẹp trai còn hát hay, ác thiệt. Mua được cái đầu VCD là coi tối ngày. Ông già canh me chả đi chơi, ở nhà chọt chọt để coi cải lương làm hư mẹ cái đầu người ta. Chả về la lối. Nói mà, cha này chỉ có tài phá là giỏi.

    Ông già lạc hậu thiệt, nhìn mặt lúc nào cũng ngơ ngác như con bò lạc. Dị hở?! Tụi mày giờ hiện đại quá. Lúc ăn cơm, lúc nhậu là lúc ổng kể những chuyện xưa rích. Phong trần không ra phong trần, không lãng tử, không anh hùng cứu chúa, không hoà hoa gì ráo trọi. Mà nghe cả trăm lần, nghĩ coi. Chán quá, không biết làm sao mình phải thêm đầu thêm đũa vô, cắt khúc này ráp vô khúc nọ, thậm chí đẻ chuyện cho nó lạ. Rồi phải mồi mồi nhớ không? nhớ không? Vậy là bữa sau, cũng có khi ngay trong bữa đó, có chuyện mới để nghe. Nhưng nhiều lúc ổng chấp lộn, hoặc kể chưa hết thì quên khúc mình chêm thêm nên nghe nó vô duyên kinh khủng. Nhằm bữa có khách, khách không hiểu gì cười nhăn nhở, mình muốn độn thổ nên giả bộ gõ gõ chén xuống một câu vọng cổ mùi. Nhưng mình cũng không phải chịu ổng lâu, ổng bị bại thận nên phải đi chạy máy ở bệnh viện tuần hai lần. Bớt nói lại. Bao nhiêu tiền anh Tư để dành cưới vợ vô đó hết. Chưa từng thấy anh Tư quen cô nào. Để tiền cưới vợ chi vậy cha? Ai biết mậy. Đời nhiều thay đổi, có khi duyên số nó tới. Chạy thận đâu được vài tháng thì ông già tiêu. Anh Ba chậc lưỡi. Rồi xong. Anh Tư lầm bầm. Nói mà, cha này chỉ có tài phá là giỏi. Anh Năm không nói gì, lo mua hòm mua áo.

    Bà già cử mình vô Sài Gòn đón phái đoàn bên Mỹ về. Ở nhờ nhà bà dì họ. Nhà rộng rinh. Xa thành phố. Đẹp kinh hồn. Đêm trước ngày máy bay đáp xuống mình lại giật mình nghe ai nói văng vẳng bên tai: Đêm ngủ ở tỉnh. Mở mắt thấy căn phòng sơn màu hồng hồng. Đèn ngủ cũng màu hồng.

    Về tới đầu ngõ, cả nhà chạy ra tay bắt mặt mừng. Anh họ, chị họ lâu ngày không gặp nên khóc thảm. Vừa kịp lúc liệm. Liệm xong cả nhà ra bàn uống nước. Bà già đứng lên. Thím cảm ơn các con đường xá xa xôi về nhìn mặt chú mày lần cuối. Anh họ xua xua tay. Cảm ơn gì thím. Tụi con phải cảm ơn thím mới đúng. Ở bên đó bận bịu tối ngày, không ngơi ra được. Cũng không có dịp chánh đáng về thăm quê hương. Sẵn chú cũng như cha mà thím. Bà già ờ ờ rồi đi ra sau nhà, vừa đi vừa bụm miệng cười khục khục. Má, thằng này nó điên rồi.

    Lúc sắp di quan, bác hàng xóm đứng sát cạnh, mình quay qua. Biết quyển nào tên Đêm ngủ ở tỉnh không? Ông sư dẫn đầu đám rước đi ngang gõ tóc tóc tưởng mình nhắc ổng cái gì, quay lại hả một tiếng thiệt to. Anh Ba đứng khựng lại xém làm đổ lư nhang đang bưng. Mình nói không có gì. Tụng tiếp đi. Bác hàng xóm nhìn xuống ngón chân cái ngọ nguậy suy nghĩ. Tao nghe quen quen. Đúng rồi, tên một tập truyện của Hoàng Ngọc Biên xuất bản trước 75 ở Sài Gòn. Có đây không? Không. Đọc chưa? Chưa.

    Mở cửa mả, rồi mãn tang, bao nhiêu chuyện lu bu bây giờ mới có thời gian ngồi chép lại mấy dòng này. Lâu, mình không thấy Đêm ngủ ở tỉnh về gọi giữa khuya. Nhiều đêm mất ngủ, nằm trong bóng tối nghe tiếng bà già thở khò khè hay tiếng anh Tư ngáy lại nghĩ về bốn chữ này.

    03.2008





    Lời cuối chân em: Dạo này rảnh quá nên hơi lười, toàn đem chuyện nhà/cũ ra tám nhảm đỡ ghiền. Còn phần hai không biết bao giờ mới tới. Hehe…