30.5.08

    Ghi Chép Vội Trong Lúc Rảnh Rỗi

    Má gọi.

    Chị M. đã về tới HN qua ngõ Thái Lan. Mọi người mất dấu chị ở Miến Điện. Anh cũng thôi theo dõi.

    Đèn ngoài hiên chợt sáng, chắc có con mèo hoang nào vừa nhảy qua sân. Anh nhìn đồng hồ. Lâu rồi anh không phải thức dậy vào giữa đêm để trả lời điện thoại. Lần cuối anh chỉ nói vài câu trước khi ngủ lại.

    “You know what this means to me! You’ve gotta do something!”
    “I know.”
    “You know what?! Fuck you.”
    “I know.”

    Anh dụi mắt nhìn căn phòng, thấy nằng nặng khó thở. Quyển sách đọc dở còn gấp trên ngực. Một tuyển tập văn học bìa cứng dày cộm của hai mươi lăm năm. Mấy trăm con người chen chúc trong đó. Anh lựa một tác giả nổi tiếng để đọc. Anh muốn biết ông ta chọn truyện gì sau năm mươi năm cầm bút. Một chuyện không có gì trong một chuyện không có gì trong một chuyện không có gì…cứ hết lớp này đến lớp khác vậy. Anh không biết mình đang đứng ở lớp thứ mấy thì thiếp đi.

    L. gọi.

    Anh đối diện cái áp-phích quảng cáo trên tường, chờ L. lựa mấy thỏi son.

    Ảnh cô gái to bằng người thật ngồi bệt trên sàn, hai chân khép lại, khụy nghiêng, hơi co về phía sau. Da nhẵn thín và áo váy hai dây mềm mại trơn láng, một người mẫu rạng rỡ, trọn vẹn như sáp gọt rờn rợn. Cô có khuôn mặt phẳng phiu, nhẹ hẫng với đôi mắt 3D màu lam ngọc, xanh điếng, trong suốt và sâu toang hoác. Anh cảm tưởng người ta móc mắt cô rồi lắp vào đó hai viên đá. Chúng nhìn anh trừng trừng.

    “Đừng tò mò.”
    “Tôi không tò mò.”
    “Đừng phán xét.”
    “Tôi không phán xét.”
    “Đừng thương hại.”
    “Tôi không thương hại.”
    “Đừng thích tôi.”
    “Tôi không thích cô.”
    “Đừng làm gì cả.”
    “Em xong rồi.”
    “Em thích không.”
    “Em thích.”

    L. lúc nào cũng nhỏ nhẹ. Khi xe chạy băng ngang khu mua sắm, những pa-nô rực sáng nhang nháng, L. bỗng nói.

    “Tự nhiên em thấy mấy cái đèn này buồn quá.”
    “Sao vậy.”
    “Em không biết.”
    “Nó có đang nhấp nháy không.”
    “Không anh.”

    Anh quay sang, chúng không nhấp nháy thật. Anh lại nghĩ về đôi mắt xanh. Nó xoáy không nguôi vào một chỗ nào đó trong những ý nghĩ nửa vời của anh. Anh không biết chính xác nó là cái gì. Anh cũng không hiểu tại sao cái áp-phích lại phản ứng vậy.

    Dì gọi.

    “Lâu không thấy V. ghé. Cái cây V. trồng cho dì chết rồi.”

    Dì gọi anh bằng tên vì chỉ hơn anh hai tuổi. Chưa bao giờ anh quen được kiểu nói chuyện của dì, giống như Dòng Danube Xanh yêu thích của dì, nó làm anh hụt chân.

    “Dì thách V. bơi được qua bên đó.”
    “Má biết thì sao.”
    “Có nước xoáy nữa. Sợ không?”
    “Không.”

    Năm đó dì 14 tuổi. Dì ưa thắc mắc nhiều điều anh không hình dung được.

    “V. thích đoạn nào?”
    “Tắm biển.”
    “Sao khôn vậy?”
    “Khôn gì.”
    “Không phải câu đầu tiên?”
    “Không.”
    “Không phải khoảnh trời qua ô cửa?

    “Không.”
    “Có ai bày tỏ thái độ với một nhân vật tiểu thuyết không?”
    “Không.”

    Với anh, nhân vật chính trong truyện là mặt trời Algeria nồng nhiệt, nhưng dì ghét chàng Meursault bình thản.

    Dì đứng trên sân khấu hội trường, cười lấp liếm vào khoảng không thinh lặng đột ngột. World in Motion thoảng qua trong trí lúc hai bức tường bắt đầu xê dịch, ép dần những hàng ghế đang đu đưa kẽo kẹt xiên xẹo; anh nghiêng về một phía, lọt hẳn một bên tai và mắt vào những phút 89 hiếm hoi xa xôi, Maradona liên tục vượt qua một nửa màn hình, sắp bỏ xa hàng hậu vệ trong chiếc TV trắng đen, dì nắm chặt tay anh. Un'estate italiana. Anh lấy lại thăng bằng, don’t cry for me Argentina, dì hát.

    Dì hay mở an-bum ảnh gia đình ra coi một mình.

    “Hồi trẻ chị Hai đẹp quá!”

    Dì nhìn anh, cái chao đèn làm khuôn mặt dì nửa tối nửa sáng.

    “Dì đẹp hơn.”
    “Thiệt không?”
    “Thiệt.”

    Dì đưa cho anh quyển sách.

    “V. thấy ngộ không?”
    “Ngộ gì.”
    “Đi học mười mấy năm ở nước ngoài, bài giảng đầu tiên lúc về nước là cái này.”

    Anh lật sơ vài trang đang mục rữa trên nền oi bức sền sệt mùa hạ, Chinh Phụ Ngâm: Tâm Thức Lãng Mạn Của Kẻ Lưu Đày. Đã gần nửa thế kỷ.

    “Ước gì dì có mặt trong giảng đường lúc đó.”
    “Chi vậy.”
    “V. đoán thử.”

    Anh không muốn đoán gì cả. Dì còn rất trẻ, trẻ hơn anh bây giờ. Bà ngoại ngồi bên, vuốt vuốt sóng mũi của dì. Bà ngoại cũng đẹp.

    Feynman gọi.

    Ông nhắc anh coi lại phần đầu bài giảng Atoms in Motion, có “if” “a drop” nhưng không có “half a glass of water”. Anh đã tự ý thêm vào, hoặc nhớ lộn, khi nói chuyện với T. Đối với anh, ông là người dễ mến và hài hước, mặc dầu chỉ qua loa vài câu rồi thôi.

    I moved away from the wall, because I figured if I got hit, I'd get hit from the back, too.”
    “Surely, you’re joking.”
    “No, it’s Newton’s. It’s universal.”

    K. cũng gọi.

    Nhưng để nhắc chuyện khác. Vẫn cái giọng đậm chiều nào trong công viên.

    “Anh không nói gì đi?”
    “Em muốn anh nói gì.”

    “Anh yêu em.”

    K. không nói gì sau đó. Anh chú.

    T. gọi.

    “Tuần sau tao đi.”
    “Ờ.”

    Anh với tay bật máy tính.

    T. kiên nhẫn. Luôn nghe anh nói về những kế hoạch của mình một cách chăm chú như thể chúng sẽ như thế. Không thể nào khác được. Vấn đề là nên làm thế nào cho nó tốt đẹp nhất thôi. Nhưng anh có quá nhiều kế hoạch, mắc song song và nối tiếp chằng chịt. Mỗi lần đổi một chi tiết nhỏ là một sự xáo trộn kinh khiếp. Nhưng thỉnh thoảng anh lại phát hiện mình không vừa ý về một điều gì đó (hoặc ngược lại). Để bớt sai sót, anh nhờ T. lập cho mình một cơ sở dữ liệu, truy ngược và dự phóng đời sống dựa trên những điện tích biểu dương cho một giá trị mặc định ảo nào đó (tr.29).

    T. nói từ từ thôi. Primary key (candidate key) cũng là unique key (candidate key), alternate/secondary key (candidate key), foreign key (set null), compound/composite key (foreign key), natural key (candidate key), surrogate key (candidate key), candidate key (minimal superkey) … Rối chưa. Thực sự anh cần cái nào hơn cả, T. quên dặn. Máy thì không khi nào quên và ít nhầm lẫn nhưng dễ bị treo. Anh vừa sử dụng vừa mua sách về tự học. Anh cập nhật data ngày hai lần. Và nếu cần, sync in real time. Anh thấy đó là một giới hạn chấp nhận được.

    Ba gọi.

    “Con đang làm gì?”
    “Con đang chạy bộ.”
    “Đầu gối đỡ nhiều chưa?”
    “Nhiều rồi.”

    Anh chạy tới vòng thứ mấy chục, nhịp tim đập loạn xạ. Anh tự hỏi ở tuổi mình thì ba chạy được bao nhiêu vòng.

    Có những đêm anh nằm mơ thấy ba lái chiếc Jeep lùn mui trần, vừa sang số vừa nhìn vào cuốn từ điển bỏ túi.

    Xe bắt đầu leo đèo, đi dần vào địa phận ĐD. Trời khuya man mát sương mù. Tầm nhìn ba thẳng và căng hết cỡ, rồi bị gẫy gấp theo sau mỗi khúc quanh cánh chõ trước khi kịp đổi hướng. Ông chủ đang lên tăng-xông nằm ở băng sau chiếc Peugeot, tựa vào vai bà chủ thở khó nhọc. Ông cần khí hậu lạnh giống vùng đồi núi quê hương. Anh dừng lại một chút để mơ về Những Vì Sao (bản dịch của TVMT), đột nhiên xe cán phải vật gì, xốc chồm lên như muốn lăn xuống vực. Ông chủ ngồi bật dậy.

    Qu'est-ce que c'est? Qu'est-ce que c'est?”

    Lúc khác anh lại thấy ba đứng trước rạp xi-nê DK ở PK, mặc lễ phục Không quân hồ cứng thẳng nếp rất đẹp, một tay dấu hờ đằng sau lưng, một tay xoa đầu con quân khuyển.

    Cánh chiếc C-130 bắt đầu quay, chầm chậm biến con đường trải nhựa duy nhất của thị trấn thành phi đạo. Anh tò mò muốn biết đó là một cảnh trong Catch-22 hay Forever Young. Anh mon men vượt những đường biên không ngừng kẻ lại giữa bầy kỷ lục hiện hữu mang thông số hệ tọa độ có 2,5 chiều định vị [Rởm. Got’ya.]

    It is what it is.

    Giấc mơ và ký ức anh luôn đan xen vào nhau. Thi thoảng được nối dài, chỉnh sửa với nhiều tình tiết mới, anh biết, nhưng khung cảnh và nhân vật thì cũ. Tất nhiên. Anh thuộc nằm lòng từng đoạn ưng ý. Và anh vẫn sống vuông góc với những gì ngang qua mình.

    Tháng tư gọi.

    “April is the cruellest month.”

    Anh gọi.

    04.2008





    22.5.08

    Mắt Lờ/Đơm/Đó Sống Bằng Số Nhiều

    buổi sáng chảy ngược vào trong anh
    như bóng đêm đâm vào tròng đôi mắt mở
    buổi sáng ở lại mãi
    tim anh chất đầy những buổi sáng
    không niên hạn
    thế giới
    gương
    những anh
    xác bò trôi sông
    va đập lên cánh đồng và biển, lại biển
    dăm điều nhạt nhẽo bên bàn tay đứt lìa
    công xưởng
    nhát cuốc ngạt đất mềm thôi giẫy dụa
    cũng trôi tuột vào anh

    lổn nhổn
    trồi lên
    nhớp nháp
    trương phình
    quẫy đạp

    …đạp




    …đạp









    …đạp

    PS: (Vươn vai và ngáp) Em đang bullshit gì nơi ấy? Khi nào buồn hãy gọi cho anh.


    19.5.08

    Không Nói Ở…

    Nhớ có lần, đọc Bảo Ninh nhận xét về Nguyễn Nguyên Phước (và văn nhà ta) vầy:

    Thú thực xưa giờ tôi thấy một trong cái xoàng bộc lộ rõ nhất trong văn xuôi nhà mình là đối thoại. Thành thử toàn đối thoại mà đối thoại hay như truyện này hấp dẫn tôi quá. Không biết có phải là quá khen không?

    Mắc chi phải hỏi, cần gì (khen/chê) giống ai. Nhãn tiền Nabokov hạ bệ Dostoevsky; Sartre không ưa Camus; Nờ Lờ đánh giá thấp Lessing; Ahnlund từ chức vì Jelinek, Nguyễn Đăng Thường chống Đỗ Kh. (dân) vận; Đỗ Kh. nuốt cô Tư (Nguyễn Ngọc) hông nổi; Trần Hữu Dũng mê cô Tư; Đoàn Cầm Thi khoái (lột giải) Đỗ Kh.; Phan Nhiên Hạo (hay) buồn Mở Miệng; Đinh Linh thương hết (Đỗ Kh. + Phan Nhiên Hạo); Võ Phiến gật gù Hồ Trường An; Nguyễn Hưng Quốc đặt (Hồ Trường An) nằm chung với Nguyễn Ngọc Ngạn; Nguyễn Mộng Giác lắc (lắc) đầu Vi Thuỳ Linh; Nguyễn Thanh Sơn nhất quyết không để (cái bóng của) Đỗ Hoàng Diệu đè; Hồ Anh Thái mết Nguyễn Ngọc Thuần; Kiệt Tấn e thẹn trước Lê Thị Thấm Vân; Y Ban toan giật nước Lê Minh Hà; Đỗ Hoàng Diệu nghĩ Phạm Hải Anh (hiền lành), kém nồng nhiệt v.v. và v.v. (Định làm sơ đồ văng học, vẽ dọc ngang chéo chéo một hồi tờ giấy đen thui, dzụt rồi. Hehe)

    Ta nói, nông dân nước (đã) lên tới thắt lưng (quần tà lỏn) như mình, cứ ú a ú ớ, chưa biết đằng nào nhảy lo cơm gạo, chẳng may quơ (đại) trúng mảnh giấy gì (có chữ) lại phải thêm bận tâm phân vân chuyện nước lớn, nước ròng. Nhưng nghĩ cho cùng thấy đâu phải văng chươn mới mỗi người mỗi ý (chí). Giống mình đây nè, hay xem thi hoa hậu, một trong những chương trình dành cho tuổi mới lớn ít ỏi mà mình thật sự hiểu và thưởng thức được (ý nghĩa), cũng như thừa nhận tầm quan trọng của nó như là những vòng đo tiến bộ xã hội. Ngặt nỗi, mỗi khi đến lúc công bố Á hậu 9, 8, 7, 6, 5, …, rồi Hoa hậu nữa, mình thường muốn chui vô TV bóp cổ Ban giám khảo quá: “Thiiiiiiiệt không đây?!” May tía má cản kịp, không giờ này điện giật thác ngủm củ (tỏi) rồi còn đâu (quê mình chưa có TV màn hình phẳng, toàn ống dài đầu to đầu nhỏ, hun hút tối om om, tích điện cao thế không hà.)

    Chuyện văn chương nhận định ai (có mặt) mâm trên/dưới, thức giả còn ngần ngại bỏ (nhỏ) cửa hậu, huống hồ phê bình phê bình? Chưa nói hồi nào mới tới phiên nông dân i tờ mần (ruộng) người ta thuê như mình hó hé chớ? Nhưng không định bàn chuyện phê bình, mà là chuyện bắt mạch. Nhà văn An Nam xoàng về “đối thoại”, chắc ý Bảo Ninh là nói nghe không giống ai, gượng gạo, không hợp ngữ cảnh … Có không? Có nhiều á. Tuy nhiên, nhà văn đâu cần phải (luôn luôn) là cái máy cọp dê đời sống. Ngay như vậy, nghe không vô (tự nó) cũng không là một nhược điểm (sém nói yếu điểm, rest in peace GS. Cao Xuân Hạo), miễn có dụng ý (nghệ thuật), và hay, đắc, mới, đểu, whatever

    Vậy chuyện gì đây chú? Hehe, chuyện coi chừng Bảo Ninh bắt mạch lộn chỗ, thay vì cầm tay lại cầm chân.

    Không phải “nói”, mà “nghe”. Ai nói? Nói cái gì? Nói như thế nào? vs. Ai nghe? Nghe cái gì? Nghe như thế nào? Cái nào quyết định cái nào ta? Con gà có trước cái trứng hay cái trứng có trước con gà? Nhức đầu quá ha?

    Có khi nào mình nghe như vậy (không) thuận tai vì xung quanh mình (không phải) ai cũng nói như vậy nên mình (không) quen nghe như vậy rốt cuộc (không phải) ai nấy đều muốn nói như vậy?

    Nếu ta lấy chủ nghĩa kinh nghiệm làm hoa tiêu đời sống, vậy tùy theo kinh nghiệm ta “sờ” trúng chỗ nào, đời sống nhất định (nhất định đó nha) phải là vậy.

    Trong câu chuyện hàng ngày ở xứ ta, liên từ (dẫn luận) được kiềm chế tối đa, chừng nào kiềm hông nổi mình mới cho ra, các kiểu (câu phức) nên được giản lược sao cho không gây phản cảm mà vẫn đảm bảo nhu cầu chuyển tải, thể hiện tình cảm hiện đại. Nếu không, thiên hạ sẽ dẩu môi nhìn mình đắm đuối, tợ như mình mới trên trời rơi xuống vậy á, rồi phang cho mình cái tiếng lý sự (cùn). Ta đâu phải Tây mà duy lý chi cho mệt. Nhiều cái Tây nói (nghe) không sao mà Ta nói (nghe) có sao. Tình hình chung là cũng không nên hỏi “tại sao” lôi thôi trong các mối/vụ giao dịch (trên xuống, dưới lên, phải qua, trái lại):

    Đừng bao giờ em hỏi
    Vì sao ta yêu nhau?
    Vì sao môi anh nóng?
    Vì sao tay em lạnh?
    Vì sao chân anh run?
    Vì sao chân không vững?
    Vì sao và vì sao?

    Chịu hông chịu thôi, hỏi hỏi gì? Nhưng phần nhiều là chịu.

    Nhớ cái năm lớp 9, năm cuối cùng mình còn được đi học (PTCS, nay đã thành THCS, đó, nghe cũng lạ lẫm), phần đọc thêm môn Tiếng Việt kể chuyện ông thầy nọ làm gia sư. Nhà học trò có người qua đời nên được nhờ viết điếu văn. Ông này văn không hay, chữ không tốt, cộng thêm tánh lười biếng, lấy đại điếu văn của ai viết sẵn đọc trong đám táng. Người nhà bèn than phiền:

    - Ấy chết, thầy làm vậy không được. Nhà tôi chết người này, thầy lại đọc điếu văn cho
    ai đâu đâu (Ông kêu thành bà, thọ 82 thành 28, sinh thời thích uống nước giải khát có ga mà tán thành rượu nếp…)
    - Nhà ông chết lộn người thì có! – ông thầy nổi đoá.

    Có lý chớ, tại (đám) người nghe sai chớ nào tại ông thầy khóc lộn.

    Chuyện “nói” tưởng dễ mà khó, vì phụ thuộc vào chuyện “nghe” chăng? Nên xưa nay, đến cả bậc thánh cũng đều tránh (khéo):

    - Trời có nói gì đâu?

    - Confucius!

    - Chính ngươi nói đó.

    - Jesus!

    - 49 năm qua, ta chưa nói lời nào.

    - Buddha!

    Phật khôn
    g nói, Chúa không nói, Trời không nói. Vậy thì ai nói?




    Yesterday


    15.5.08

    Khi Mỗi Gương Mặt Là Một Hoa Hồng

    Quách Hiền bác sĩ đã răn đe, chớ tầm chương trích cú lung tung và nhảm, không thì không được ăn kem bờ hồ. It kills me (Giết người đi). Nhưng em phải (rón rén) mạn phép nghĩ về cái chuyện này (cái) trong thời buổi cơm cao gạo kém cho nó lên (tinh thần). Có một vì vua bảo với cận thần: Này, đi ngâm cứu xem trong nước ta có bao nhiêu loài cỏ. Cận thần, đi khắp nước, năm phút sau quay lại báo cáo: Tâu bệ hạ, cỏ, đâu đâu cũng là cỏ; nước ta thật là nhiều cỏ vậy, nói xong đưa một danh sách dài các loài cỏ (dày 1500 trang, chữ khổ nhỏ, in trên giấy chuyên dùng cho từ điển, bìa đẹp, giá cả phải chăng) ghi chép được khi đi thị sát. Nhà vua không nói gì, chỉ “hứ” một tiếng rất đanh đá, quay sang bảo cận thần khác: Bây giờ đi khảo về hoa đi. Vị này cũng đi khắp hang (cùng), (ngõ) hẻm của quốc gia, chiều về tấu lên rằng: Tâu bệ hạ, quý vị và các bạn, đâu đâu cũng là hoa, hoa từ nóc nhà, hoa ra ngoài nội, hoa nở tòe loe, hoa e ấp nụ, trăm sắc muôn hương, nước ta quả thật là nhiều hoa vậy.

    Nghe đồn hai câu Do you see what I see? (Mẹ nó có thấy những gì tui thấy?) và You only see what you want to see! (Bà chỉ thấy những gì bà muốn thấy thôi à!) là những định đề triết học.

    Em không quan tâm đến triết, mà đến hoa. Thế là em bắt chước Đệ nhị cận thần, chuyên khảo về hoa, lang thang trên khắp các miền đất nước, và nghe nàng Phạm Quỳnh Anh trả lời phỏng vấn, ôi, sao mà dễ thương (em đang nói về cuộc đời đấy các bác), cái miệng cứ chu chu tròn trịa, một papa hai papa, lại tự tin nhưng khiêm cung chừng mực với “may mắn”, “tình cờ”, v.v… Rồi những khi rỗi hơi và rách việc như hôm nay, khí (trời) đang (oi) bức, em lại xớ rớ một mình trên mạng và được tạt vài gam màu lạnh vẽ hoa thế này, sung (sướng) làm sao. Khi hãy còn đang mát (mát), em chợt giật mình tỉnh ngộ, hoá ra đây là nguyên mẫu thật của một nhân vật trong truyện của bạn Vu Quan (các bác tự thêm dấu vào đi). Càng đọc em càng thấy thú (vị) trong mình, vì đúng như bạn Nờ Lờ (cũng là một thất vọng cho ai đó vì Amsterdam thương yêu) nói, có những huyền thoại phố phường thế này, ai lại đi đọc (trông thì nhất định là không rồi) về Đặng Thái Sơn bao giờ, nhạt nhẽo chết được. Đến khúc cuối có hậu, em lại thương cho bác Trương Mến (chứ nào phải em), thêm một phen ấm ức (ừng ực).

    Đời vui không mấy mà các bác, biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?

    Have a nice weekend!




    14.5.08

    Tình Yêu Và Bạo Chúa

    Vào cái thời xa vắng ấy mà, mình vớ được câu chuyện vầy:

    Một bà lão già khọm, chắc là U90, hàng ngày, bất kể thời tiết thế nào, đều ra bờ sông cầu nguyện. Mọi người lấy làm lạ.

    - Này bà, bà cầu cho cái gì mà chọp chẹp hoài vậy?
    - Ta cầu cho vua Danis sống lâu (lắc).
    - Kỳ vậy? Vua Danis là một bạo chúa tàn ác (và ngu dốt) nhất cho tới nay mà chúng ta từng hưởng trọn (ơn mưa móc)! _ Người kia ngạc nhiên.
    - Đúng, thời còn con gái (ngây thơ chớp chớp), ta vẫn thường cầu nguyện cho các bạo chúa chết đi, nhưng khốn thay, ông vua sau lên ngôi lại ác hơn ông trước (chút đỉnh). Khi đã già (quéo lại) ta mới nghiệm ra rằng phải cầu cho họ sống lâu, may ra còn được dễ thở hơn.

    Mình sinh bất phùng thời, bạo gì cũng có (làm) trừ bạo chúa nên đọc xong rồi quên phéng cái bà già lẩm cẩm này. Mãi cho đến khi học mẫu giáo nhỡ, biết yêu, rồi về sau và nhiều năm sau nữa mới thấy bà có lý (lắm).

    Tình yêu cũng như bạo chúa nhỉ? Cái đến sau có hơn cái trước bao giờ. Song le, nhiều khi cái sắp tới, hoặc đã đang tới với vài hứa hẹn ban đầu, nó mang bộ mặt trẻ, đẹp, năng động, hay ngọt ngào ve vuốt mình, bằng cấp Tây/Ta cài cắm rậm rạp trên người, lại biết nói tiếng “anh” bì bõm bên tai, ối, tha hồ mụ mị. Đấy là nói lúc cát lầm phung phí hết xuân xanh. Khi mình đang già đi và mỗi cái chết (của tình yêu) không còn là một niềm hy vọng (mới), mình cũng sẽ nghĩ như bà già (ở ga Hàng Cỏ) vậy:

    - Tình yêu, hãy ở lại!

    Nhưng đâu phải muốn níu kéo là được, lắm lúc mình cố rị nó lại như thời chăn con bò (nhà mình), mà nó cứ lôi mình phăng phăng vào ruộng (người ta) rồi chạy tuốt luôn. Vấn đề phức tạp thế vì phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh toàn cục (con bò tơ không? mình nhậu hồi hôm hay ngủ nghỉ dưỡng sức đầy đủ? dây thừng nhập cảng hay nội địa? ruộng người ta mạ non hay rạ? v.v.)

    Thật ra, cái có lý nằm ở chỗ khác. Các nhà tâm lý học đưa một bài toán nhỏ để thử mò mẫm khám phá chốn thâm sâu hun hút bí hiểm ấy của (tâm hồn) đồng loại : Hoặc tôi đưa cho bạn 100 đô la, hoặc bạn lấy tấm vé số này (có khả năng trúng 100 triệu), bạn chọn cái nào? Dĩ nhiên là chọn 100 đô la chứ. Ai cũng vậy. Và cứ hạ thấp dần xuống, đến một mức nào đó (1 đô la chẳng hạn) thì người ta chọn tấm vé số.


    Trăm đô la không thể so với một trăm triệu, nhưng là một trăm đô thật, nắn bóp sột soạt trong tay mình. Giả thử mình bị mất con bò con, bảo thôi đi, đừng khóc nhì nhằng nữa, để má tìm cho con khác. Mình có ngừng khóc không? Bớt thôi chứ sao ngừng được, con khác chưa thấy mà con của mình thằng nào nó chăn rồi. Không khéo nó còn xẻ thịt làm bê thui tái chanh ấy chứ.

    Sự thay đổi (change) nào cũng kéo theo nó biết bao là bất trắc (uncertainty) và rủi ro (risk). Bà lão không biết rằng mình đang sống với một bài toán kinh tế, một bài toán lý thuyết xã hội. Con người không muốn, ngại, hoặc sợ thay đổi. Khi định giá một cổ phiếu, một món cho vay, một tài sản, người ta đều phải bỏ vào đó một biến (variable) dành riêng cho yếu tố rủi ro gây ra bởi những thay đổi liên cận. Chính sự cân đo giữa cái mức độ của rủi ro và phần thưởng để chấp nhận nó là cái dẫn tới quyết định to do or not to do (nàm hay không nàm). Mình không thể mời chào khơi khơi: You can’t get wrong with me! (Không tình nào say đắm hơn anh đâu!), người ta đòi hỏi Show me the money! (Đưa coi thử!) là chính đáng.

    Vậy giải thích thế nào về một đô la?

    Một đô la không đáng so với một trăm triệu thật (đấy). Nghĩa là nó đáng hy sinh. Gần như là không còn gì để mất (nữa). Cái chỗ này là cái bất cân xứng mang nùi rơm con cúi cách mạng mà Will Durant, A. Toynbee và nhiều sử gia nhắc tới.

    Quá độ có lẽ là một thời điểm của nhận thức, chứ không phải một thời kỳ, cho dù nó có kéo dài bao lâu.

    Cái khó ở chỗ cuộc sống lúc nào cũng nhởn nhơ nằm ở mức 10 đô nhễ nhại. Bởi vậy nên Chế Lan Viên mới tự xỉ vả (hay mắng người khác nhỉ) sa sả:

    Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
    Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
    Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
    Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.

    Nói thì dễ [sic].

    Phận mình, chăn thuê tắm mướn vắt sữa nhờ, cứ kiên định với những gì đang có thôi:

    - Tình yêu, hãy ở lại (đêm nay càng tốt)!



    12.5.08

    Loá Mắt Vì Tự Do (Và Tự Huyễn)

    Liberty: One of Imagination's most precious possessions.
    Ambrose Bierce


    Những tưởng được hưởng một cái bachelor party hoành tráng với đầy đủ các nghi thức truyền thống tốt đẹp theo phong tục tập quán của chúng nó nhân dịp một đồng chí sắp từ bỏ tự do. Vậy là không còn hy vọng gì nữa. Vì chỉ có bữa Tiệc ly này là có thể đánh thức những đồng chí nào hăm he đi vào giấc mơ trên thập giá có tên Cám dỗ cuối cùng của Chúa.

    Nhưng không! Thế là các đồng chí phòng không ngày đêm vẫn canh cho vùng trời và lãnh hải được bình yên, vắng bóng quân thù tiu nghỉu kéo nhau về chỗ tập kết chờ đợi cái thời khắc đó. Trong khi các đồng chí kia đang lăn, lê, bò, toài, coi báo ảnh các loại để bù đắp lại những thiếu thốn về mặt tinh thần vừa bị tước đoạt thì đồng chí cu Sài lâu lâu mới lên tỉnh một lần, lân la làm quen với cái sô-pha, nghĩ về viễn cảnh kinh tế toàn cầu đen tối và êm đềm đi vào một giấc mơ ngắn ngủi đẹp. Đồng chí cu Sài thấy mình đang cúi đầu rưng rưng nhìn vào mấy tin nhắn hỏi thăm đẩy đưa: “Đang đâu đó?”, “Về ăn cơm” v.v. và v.v. Ú ớ cơn mê, thon thót giật mình, nồi cơm (điện) vẫn chưa chín. Sờ nắn tay chân thì hãy còn nguyên vẹn (tự do). Hãi!

    Tự do là gì mà các đồng chí người yêu thế? Lảm nhảm mãi thôi. Rồi biết bao đồng chí fan (cái quạt) đã ngã gục (vì nhiều lẽ). Những đồng chí này đôi khi đang ở vùng oanh kích xả láng (free-fire zone) lang thang vào vùng tạm chiếm (combat zone) may mắn thì trở ra, hoặc mất tích khi đang thi hành nhiệm vụ (MIA), tệ hơn, đi thẳng vào vùng phi quân sự (demilitarilized zone). Vậy tự do là một môi trường?

    Mở đầu Bàn Về Tự Do, Mill đặt tự do (liberty) song song với quyền lực (authority). Tự do trở thành kết quả của một tiến trình vật lộn (nhưng không chỉ rõ nơi chốn) mà ở đó (trên đó) không phải ai cũng như ai, có kẻ xứng đáng có kẻ không. Faulkner không chịu vậy, tự do theo ông chính là bản thân hành động: “Chúng ta tự do không phải vì chúng ta tuyên nhận tự do, nhưng vì chúng ta thực hành chúng” (We must be free not because we claim freedom, but because we practice it). Mồm nói tự do mà ngồi uống cà phê nhấp nhổm là không được. Không có tự do đích thực làm sao thấy Chân, Thiện, Mỹ, dù có ở sờ sờ trước mắt, thậm chí còn vờn qua vờn lại như mục tiêu di động. Vậy tự do là trạng thái phương tiện để tiếp cận một mục đích tối hậu cao cả nào đó?

    Đến Kant thì rắc rối hơn nữa, tự do vừa là một lựa chọn dựa trên những căn bản đạo đức nội tại, vừa là một điều kiện tất yếu cho sự xác lập (hay vượt thoát?) định mệnh (triết gia và phụ nữ, chả bao giờ hiểu họ nói gì.)

    Cũng xém liên quan đến tự do và định mệnh, Maugham cover (bao che) lại (nhưng không được giải Grammy) một chuyện cổ Ả Rập Hẹn Ở Samarra:

    Một thương gia bảo anh đầy tớ ra chợ mua ít đồ. Đi chưa lâu lại thấy về, mặt mày trắng bệch.

    - Chủ nhân, hãy cho tôi mượn con ngựa. Khi tôi đang ở chợ thì bị xô đẩy, tôi quay lại, hoá ra là thần Chết, đang phác một cử chỉ đe dọa. Tôi phải chạy thoát khỏi thành phố này, tôi sẽ tránh được định mệnh mình. Tôi sẽ đến Samarra, nơi đó thần Chết sẽ không tìm thấy tôi.

    Người thương gia cho anh đầy tớ mượn ngựa. Anh thắng yên và phi hết tốc lực. Người thương gia đi ra chợ, anh thấy thần Chết đứng giữa đám đông bèn lại gần bảo:

    - Tại sao ngươi đe dọa người đầy tớ của ta lúc ngươi gặp hắn sáng nay?
    - Tôi có đe dọa gì đâu? Đấy là cái vỗ vai ngạc nhiên. Tôi quá bất ngờ khi thấy anh ta ở Bagdad, vì tôi có hẹn với anh ta ở Samarra tối nay.

    Trungpa lại kể một chuyện vui khác, có thể là trong Huyền Thoại Về Tự Do (The Myth of Freedom) – các bác thông cảm, đồng chí cu Sài đang bận Tiên Sư Thằng Bảo Thái nên chả buồn tra (ống nhổ), cứ thế mà xắn quần ngoáy mông nghĩ vớ vẩn một mách. Một quý bà đi vào nhà hàng sang trọng, bà ăn uống thỏ thẻ thế nào lại bị mắc nghẹn, nhưng vì phép lịch sự tối thiểu ở nơi cộng cộng, bà khước từ sặc sụa. Đây đúng là Tự do hay là chết. Bà chết thật. Tự do ở đây trở thành một đối trọng với các định chế xã hội.

    Ailda Stevenson, một chính trị gia Mỹ, nói câu tương tự như trường hợp trên: “Định nghĩa của tôi về một xã hội tự do là một xã hội mà nơi đó dù không được ưa chuộng cũng không sao” (My definition of a free society is a society where it is safe to be unpopular). Tự do là một thước đo các định chế?

    Nhảm phờ râu (tơ) vẫn chưa tới giờ. Gái nhảy thời đã xa tầm tay rồi, chỉ còn đợi chuông reo là bắn. Đồng chí cu Sài đành phải tiếp tục công cuộc kháng chiến chống Mỹ tìm bến bờ tự do (dự).

    Trong kinh A Hàm có đoạn như vầy:

    Một hôm đức Phật đang ngồi chơi tổ tôm thì thấy một anh com-lê, cà vạt, quần sóc Ralph Lauren, vừa đi vừa nói vào điện thoại cầm tay:

    - Chưa thấy, chưa thấy.

    Đức Phật bèn hỏi:

    - S’up bro? (Gì mậy?)

    Anh ta mếu máo:

    - Chết tôi rồi ông ạ, nhà có hai con bò nung núc mà nó đi lạc đâu tìm không ra, năm nay mất mùa nữa. Thế này chắc vợ tôi nó (bóp) chết quá. Sáng giờ ông ngồi đây có thấy con nào ngon mắt đi ngang không?

    Đức Phật đưa mắt nhìn thầy A Nan:

    - Không phải em (Thầy A Nan im lặng nhướng mày trả lời).

    Đức Phật lại đưa mắt nhìn Tôn giả Ca Diếp:

    - Không phải tui à nha (Tôn giả Ca Diếp cũng im lặng nhìn lảng đi chỗ khác).

    Đức Phật rảo mắt nhìn khắp tăng đoàn, ai cũng đấm ngực nhìn nhau dò xét mặc dầu không quên tỏ vẻ oan ức “Thầy nghi cho tôi sao?”, đoạn Phật quay lại nói bằng tiếng Anh lưu loát nhưng accent (diễn cảm) hơi nặng:

    - See no evil, hear no evil, know no evil, have no fun. (Không thấy bò, không nghe bò, không biết bò, đừng có mà ham vui [có người dịch “thì hỏng vui” là sai].)

    Anh chàng nghe đến chủ trương ba không, bèn thất vọng bỏ đi. Đợi anh chàng đi xa, đức Phật quay lại nói:

    - Các đồng chí đã biết thế nào là sự khốn cùng của chủ nghĩa tư bản và chế độ tư hữu chưa? Phải nhớ thả bò, vì chúng ta là những người vô sản tự do. Lợi hoà đồng quân, sáng giờ ai xin được gì rồi, đem ra coi.

    Đọc đoạn này, nên cẩn thận, vì Phật nói rõ là thả bò, các đồng chí mà thả lộn con khác coi chừng không những không có tự do mà còn gặp rắc rối với pháp luật.

    Kinh Thánh lại kể chuyện, một thiếu gia (viết tắt tên nên không biết là trực thuộc đơn vị nào quản lý) đi ngang chỗ chúa Jesus và môn đệ đang đứng. Vì khoái vẻ ung dung, trầm tĩnh chói lói của Chúa nên bốc đồng:

    - Hey man, you look so cool. I want to be like you. (Chú nhìn ngầu quá ha, mình muốn giống vậy đó)

    Chúa Jesus nói:

    - Okie, give all your valuable possession to anyone who needs them, then come back here (Được thôi, về hiến trọn vẹn của quý giá của ngươi cho những ai cần nó rồi mình không quay lại đây).

    Thiếu gia sợ quá, lẳng lặng đi thẳng.

    Nghe ra muốn có tự do thì làm theo lời hai đồng chí nổi tiếng trên (xả ly và khó nghèo) là được chứ gì?

    Một vị vua ra ngoại thành chơi, theo truyền thống tôn trọng linh hướng Ấn Độ, nhà vua hạ giá đảnh lễ một vị đạo sư khả kính đang ngồi bên vệ đường. Vị đạo sư, cũng theo truyền thống, nói về các giá trị tâm linh cho nhà vua nghe (miễn phí). Càng nghe nhà vua càng ngưỡng mộ vị đạo sư, ông không vướng bận gì hết, ngược hẳn với đời sống đa mạng lượm thuộm của đồng chí. Đang đến đoạn cao trào, có người đến báo:

    - King the man, your castles and the nation’s treasure are burning like hell (Tâu bệ hạ, cung điện và quốc khố của ngài đang cháy như điên).

    Nhà vua bực tức gắt gỏng:

    - Bất như con [pháp lạc] tứ vạn.
    - Có Tiger Cup trong đó nữa á.
    - OK, lấy cái đó ra. Kêu bọn PCCC tới đi, tháng nào cũng đưa tiền cho nó mà. Real dogs (chó thật), long sàng của ta mà tụi nó còn dám bắt bẻ không đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Anyway (bất cứ đường nào), ta đang bận. Your Holiness, please continue your wonderful lecture. (Tiếp tục giảng đi chớ, làm ơn cái).

    Vị đạo sư giảng nhưng cứ nhấp nhổm nhìn về phía kinh thành. Nhà vua bèn hỏi:

    - What’s the problem now, dude? (Gì nữa đây, bé?)
    - Your Highness, I have only two SIDA’s robes indeed. One I am wearing, the other was washed this morning and laid out to dry on the fence near your castle (Tâu bệ hạ, ta có hai cái khố hàng SIDA viện trợ. Một cái đang mặc đây, một cái giặt hồi sáng phơi gần hàng rào cung điện.)

    Nhà vua tỏ vẻ thông cảm:

    - Sao không nói sớm.

    Biết tri túc cũng không có tự do, nên đồng chí tiên tri Muhammad đã chỉ ra rằng uyển chuyển mới đích thực là tự do. Muhammad loan báo với các tín lữ ngày mai tới chỗ kia để làm lễ dời núi. Mọi người tụ tập cách xa núi, Muhammad đăng đàn, sau khi thử dàn âm thanh cho vừa ý liền cầu nguyện:

    - Mountain honey, come here with me. (Núi cưng, hãy lại đây với anh).

    Coi mòi sắp mỏi miệng mà núi không hề xúc động (đậy) gì hết (Núi vẫn đôi mà anh mất linh). Muhammad nói:

    - Núi không đến với ta thì ta đến với núi vậy.

    Cả đám bèn kéo nhau đi.

    Vậy Khuất Nguyên không có tự do, vì ông không chịu uyển chuyển sông Tương nước chảy trong veo, thì ta đem giặt cái lèo mũ ta, sông Tương nước đục phù sa, thì ta lội xuống để mà rửa chân.

    Nhược bằng tự do là một lựa chọn, Khuất Nguyên nhất định có tự do vậy. Hề!

    Lâu lắm rồi, đồng chí cu Sài có đọc trên KTNN (Kiến Thức Ngày Nay, không phải Kệ Tao, Nhá, Nhá). Một đồng chí khác đọc Quy Khứ Lai Từ của Đào Tiềm, cảm quá nên tán lung tung về nghĩa vợ chồng, đồng cam cộng khổ, không vì chồng nổi hứng muốn tu tiên mà ghét bỏ hay lang chạ.

    Đoán rằng đại khái anh ra chốn đô thành, mơ thành cô Tấm ngày nay. Nhưng anh ở mãi từ đấy tới giờ mà không thành cô Tấm, lại vớ phải cô Cám. Đêm anh nằm nhích ra xa xa, nhớ cái Mây ở làng rồi khóc ư ử: Về đi thôi, vườn ruộng đó sao không về (mà cày, mà gieo giống thoả thích), đang tâm để hình hài sai khiến. Chẳng dè nàng Cám nghe được: Vợ dạ trở mình cho bớt lạnh, suốt đời em chỉ biết theo anh. Trời, có cần truy cùng giết tận vậy không em?

    Ông Đào có tự do không nhỉ?

    Tự do, không thể định nghĩa rõ ràng được. Nó giống như truyện khiêu dâm (erotic) và văn hoá phẩm đồi trụy (porn). Năm 1964, vụ kiện Jacobellis v. Ohio liên quan đến phim Người Tình (Les Amants) được đưa lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Nguyên cớ là tiểu bang Ohio cấm chiếu vì cho rằng nó thô tục (obscene), các nhà nhập phim bảo không. Tự do ngôn luận thì được Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ, nhưng hardcore (đồ thiệt) theo mức độ tiến hoá (interpretations) lúc đó thì không. Khi đụng trần hệ thống tư pháp Hoa Kỳ rồi, các thẩm phán tiếp tục gấu ó và vẫn không thể nào xác quyết được thế nào là obscene một dứt khoát. Rốt cuộc, thẩm phán Potter Stewart nói một câu trở thành kinh điển:
    “I know it when I see it”
    (Thấy thì biết chứ gì). Tự tin có khác. Đồng chí cu Sài vẫn cứ lẫn lộn giữa các loại hình văn nghệ luôn. Báo ảnh lại tưởng thơ-photo, truyện tả chân nhầm với văn chương hiện thực phê phán, phim kiếm hiệpdiễm tình ngỡ phim tài liệu v.v.

    Tự do còn giống nhiều thứ khác nữa, thơ chẳng hạn. Đỗ Quý Toàn trong Tìm Thơ Trong Tiếng Nói, trích tích xưa mà rằng: Năm ấy, Cao Bá Quát đang sắm sửa quần áo, cologne, gel, nhang muỗi các thứ để chuẩn bị đi nhậm chức giáo thụ ở Sơn Tây, Tùng Thiện Vương gửi tập thơ nhờ viết lời tựa. Cao Chu Thần đề mấy chữ: “Phù, thi chi, nan ngôn dã” (Ôi, cái chuyện thơ, nói thật là khó vậy).

    Khó thật. Hôm nọ, đồng chí cu Sài đang ngồi coi kẹt xe chợt nghe ai chửi bới vang vọng bên tai. Hoá ra NPR phỏng vấn một đồng chí giáo sư Boston University về cái Bush. Giả thuyết là từ ngày cái Bush lên nắm quyền thì các giá trị về tự do mà nhân loại chúng ta hằng trữ dưỡng theo đà đi xuống (cống). Nghĩa là bớt tự do đi. Đồng chí giáo sư nói khó lắm. Trước hết phải hiểu tự do là cái gì chớ? Nhưng làm sao hiểu được. Nhưng có thể cảm được. Ở một mức độ nhất định, có thể thấy ngay không cần bàn cãi (theo đồng chí cu Sài ba chớp ba nhoáng hiểu là không cần bối cảnh, vì tự thân điểm đứng đã là một hệ quy chiếu có dung sai lớn – xê dịch năm chục năm, ví dụ vậy). Để dẫn chứng, đồng chí nói trong một chuyện (không nhớ chuyện gì – là ông ấy không nhớ, chứ đồng chí cu Sài sức mấy) của Milan Kundera, một đồng chí gửi bưu thiếp cho đồng chí khác, nói giỡn vài câu nhảm nhí thôi mà vì cái bưu thiếp vô hại lại phải đi tù (thật). Vậy là không có tự do, chắc rồi.

    Tiệp Khắc không xa Ba Lan. Nhưng ở Ba Lan nếu anh muốn có tự do, xin mời hưởng dụng. Là vầy, once upon a time… (ngày xửa ngày xưa…), ở Ba Lan, mỗi khi màn (đêm) buông xuống, lúc các cô gái xinh đẹp đã tắm rửa sạch sẽ sau một ngày hiến dâng cho tổ quốc ở các nông trang tập thể, công xưởng hay cửa hàng mậu dịch. Và mọi người chuẩn bị quây quần xung quanh bàn ăn tối trong các căn hộ thì loa phát thanh công cộng gắn chặt ở mỗi cửa nhà đồng loạt cất cao tiếng mời chào: Đây là Đài tiếng nói Ba Lan, phát thanh từ thủ đô nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Ba Lan… Thế là mọi người lục tục đứng dậy, mặc áo khoác, đội mũ ấm và dắt chó (có gì dắt nấy) ra ngoài đi dạo. Ngày nào cũng vậy.

    Hungary cũng không xa Ba Lan. Mùa xuân năm 1956, khi những chiếc xe tăng Hồng quân Liên Xô anh em lừ đừ tiến vào thủ đô Budapest để giải phóng nhân dân Hung khỏi ách thống trị (của người Hung), cho Imre thành im re, các đồng chí khác cũng bị treo cổ và vứt ra bãi rác (làm ma bãi rác). Thanh Tâm Tuyền bèn viết thơ tình (hơ hớ):

    Hãy cho anh khóc bằng mắt em
    Những cuộc tình duyên Budapest
    Anh một trái tim em một trái tim
    Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác

    Bài thơ viết về Kách Mệnh mà không có lấy một dòng nào nhắc đến tự do, nên đồng chí cu Sài bèn thắc mắc: Trái tim là trái tim gì? Trái tim yêu tự do? Trái tim có tự do? Trái tim tự do yêu? Trái tim tự do có?

    Vẫn chưa tới giờ, đồng chí cu Sài đành miễn cưỡng săm soi nàng Kate Hudson (The People’s princess) bị bỏ quên trên quầy rượu. Rồi lại ưu tư về tự do. Nàng có tự do không nhỉ? Đấy, toàn nghĩ chuyện nghiêm chỉnh không thôi.

    Tắm biển là tự do cá nhân, phải không? Trừ khi biển là hàng quốc cấm. Nhưng một ngày nắng ấm chan hoà, nàng mặc một mảnh rưỡi tung tăng tung tẩy hồn nhiên đi nhúng nước (mặn). Ấy thế mà suýt làm chết hai đồng chí lính chì đang tập lái máy bay ngang qua chiếc lá cải. Máy bay đâm sầm xuống đất vì phi công mãi nhìn tự do của người khác.

    Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ dĩ nhiên phải đưa nàng Kate ra tòa vì tội “làm lộ bí mật quốc gia, lợi dụng các quyền tự do thân xác, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, xâm hại lợi ích nghe nhìn hợp pháp v. v.”

    Phái nữ chắc hiểu phái nữ hơn:

    Tự do nghĩa là [tự] chọn lấy cho mình gánh nặng. (Freedom means choosing your burden - Hephzibah Menuhin)