19.5.08

    Không Nói Ở…

    Nhớ có lần, đọc Bảo Ninh nhận xét về Nguyễn Nguyên Phước (và văn nhà ta) vầy:

    Thú thực xưa giờ tôi thấy một trong cái xoàng bộc lộ rõ nhất trong văn xuôi nhà mình là đối thoại. Thành thử toàn đối thoại mà đối thoại hay như truyện này hấp dẫn tôi quá. Không biết có phải là quá khen không?

    Mắc chi phải hỏi, cần gì (khen/chê) giống ai. Nhãn tiền Nabokov hạ bệ Dostoevsky; Sartre không ưa Camus; Nờ Lờ đánh giá thấp Lessing; Ahnlund từ chức vì Jelinek, Nguyễn Đăng Thường chống Đỗ Kh. (dân) vận; Đỗ Kh. nuốt cô Tư (Nguyễn Ngọc) hông nổi; Trần Hữu Dũng mê cô Tư; Đoàn Cầm Thi khoái (lột giải) Đỗ Kh.; Phan Nhiên Hạo (hay) buồn Mở Miệng; Đinh Linh thương hết (Đỗ Kh. + Phan Nhiên Hạo); Võ Phiến gật gù Hồ Trường An; Nguyễn Hưng Quốc đặt (Hồ Trường An) nằm chung với Nguyễn Ngọc Ngạn; Nguyễn Mộng Giác lắc (lắc) đầu Vi Thuỳ Linh; Nguyễn Thanh Sơn nhất quyết không để (cái bóng của) Đỗ Hoàng Diệu đè; Hồ Anh Thái mết Nguyễn Ngọc Thuần; Kiệt Tấn e thẹn trước Lê Thị Thấm Vân; Y Ban toan giật nước Lê Minh Hà; Đỗ Hoàng Diệu nghĩ Phạm Hải Anh (hiền lành), kém nồng nhiệt v.v. và v.v. (Định làm sơ đồ văng học, vẽ dọc ngang chéo chéo một hồi tờ giấy đen thui, dzụt rồi. Hehe)

    Ta nói, nông dân nước (đã) lên tới thắt lưng (quần tà lỏn) như mình, cứ ú a ú ớ, chưa biết đằng nào nhảy lo cơm gạo, chẳng may quơ (đại) trúng mảnh giấy gì (có chữ) lại phải thêm bận tâm phân vân chuyện nước lớn, nước ròng. Nhưng nghĩ cho cùng thấy đâu phải văng chươn mới mỗi người mỗi ý (chí). Giống mình đây nè, hay xem thi hoa hậu, một trong những chương trình dành cho tuổi mới lớn ít ỏi mà mình thật sự hiểu và thưởng thức được (ý nghĩa), cũng như thừa nhận tầm quan trọng của nó như là những vòng đo tiến bộ xã hội. Ngặt nỗi, mỗi khi đến lúc công bố Á hậu 9, 8, 7, 6, 5, …, rồi Hoa hậu nữa, mình thường muốn chui vô TV bóp cổ Ban giám khảo quá: “Thiiiiiiiệt không đây?!” May tía má cản kịp, không giờ này điện giật thác ngủm củ (tỏi) rồi còn đâu (quê mình chưa có TV màn hình phẳng, toàn ống dài đầu to đầu nhỏ, hun hút tối om om, tích điện cao thế không hà.)

    Chuyện văn chương nhận định ai (có mặt) mâm trên/dưới, thức giả còn ngần ngại bỏ (nhỏ) cửa hậu, huống hồ phê bình phê bình? Chưa nói hồi nào mới tới phiên nông dân i tờ mần (ruộng) người ta thuê như mình hó hé chớ? Nhưng không định bàn chuyện phê bình, mà là chuyện bắt mạch. Nhà văn An Nam xoàng về “đối thoại”, chắc ý Bảo Ninh là nói nghe không giống ai, gượng gạo, không hợp ngữ cảnh … Có không? Có nhiều á. Tuy nhiên, nhà văn đâu cần phải (luôn luôn) là cái máy cọp dê đời sống. Ngay như vậy, nghe không vô (tự nó) cũng không là một nhược điểm (sém nói yếu điểm, rest in peace GS. Cao Xuân Hạo), miễn có dụng ý (nghệ thuật), và hay, đắc, mới, đểu, whatever

    Vậy chuyện gì đây chú? Hehe, chuyện coi chừng Bảo Ninh bắt mạch lộn chỗ, thay vì cầm tay lại cầm chân.

    Không phải “nói”, mà “nghe”. Ai nói? Nói cái gì? Nói như thế nào? vs. Ai nghe? Nghe cái gì? Nghe như thế nào? Cái nào quyết định cái nào ta? Con gà có trước cái trứng hay cái trứng có trước con gà? Nhức đầu quá ha?

    Có khi nào mình nghe như vậy (không) thuận tai vì xung quanh mình (không phải) ai cũng nói như vậy nên mình (không) quen nghe như vậy rốt cuộc (không phải) ai nấy đều muốn nói như vậy?

    Nếu ta lấy chủ nghĩa kinh nghiệm làm hoa tiêu đời sống, vậy tùy theo kinh nghiệm ta “sờ” trúng chỗ nào, đời sống nhất định (nhất định đó nha) phải là vậy.

    Trong câu chuyện hàng ngày ở xứ ta, liên từ (dẫn luận) được kiềm chế tối đa, chừng nào kiềm hông nổi mình mới cho ra, các kiểu (câu phức) nên được giản lược sao cho không gây phản cảm mà vẫn đảm bảo nhu cầu chuyển tải, thể hiện tình cảm hiện đại. Nếu không, thiên hạ sẽ dẩu môi nhìn mình đắm đuối, tợ như mình mới trên trời rơi xuống vậy á, rồi phang cho mình cái tiếng lý sự (cùn). Ta đâu phải Tây mà duy lý chi cho mệt. Nhiều cái Tây nói (nghe) không sao mà Ta nói (nghe) có sao. Tình hình chung là cũng không nên hỏi “tại sao” lôi thôi trong các mối/vụ giao dịch (trên xuống, dưới lên, phải qua, trái lại):

    Đừng bao giờ em hỏi
    Vì sao ta yêu nhau?
    Vì sao môi anh nóng?
    Vì sao tay em lạnh?
    Vì sao chân anh run?
    Vì sao chân không vững?
    Vì sao và vì sao?

    Chịu hông chịu thôi, hỏi hỏi gì? Nhưng phần nhiều là chịu.

    Nhớ cái năm lớp 9, năm cuối cùng mình còn được đi học (PTCS, nay đã thành THCS, đó, nghe cũng lạ lẫm), phần đọc thêm môn Tiếng Việt kể chuyện ông thầy nọ làm gia sư. Nhà học trò có người qua đời nên được nhờ viết điếu văn. Ông này văn không hay, chữ không tốt, cộng thêm tánh lười biếng, lấy đại điếu văn của ai viết sẵn đọc trong đám táng. Người nhà bèn than phiền:

    - Ấy chết, thầy làm vậy không được. Nhà tôi chết người này, thầy lại đọc điếu văn cho
    ai đâu đâu (Ông kêu thành bà, thọ 82 thành 28, sinh thời thích uống nước giải khát có ga mà tán thành rượu nếp…)
    - Nhà ông chết lộn người thì có! – ông thầy nổi đoá.

    Có lý chớ, tại (đám) người nghe sai chớ nào tại ông thầy khóc lộn.

    Chuyện “nói” tưởng dễ mà khó, vì phụ thuộc vào chuyện “nghe” chăng? Nên xưa nay, đến cả bậc thánh cũng đều tránh (khéo):

    - Trời có nói gì đâu?

    - Confucius!

    - Chính ngươi nói đó.

    - Jesus!

    - 49 năm qua, ta chưa nói lời nào.

    - Buddha!

    Phật khôn
    g nói, Chúa không nói, Trời không nói. Vậy thì ai nói?




    Yesterday


    2 nhận xét:

    1. Đọc nhà pác này huyên thuyên từ chuyện nọ sọ chuyện kia mừa không dứt ra được. Thích vãi!

      Trả lờiXóa
    2. Cháu vừa mới tìm hiểu về vấn đề bam mi mat Han Quoc bao lau het sung xong, vô tình lướt qua trang blog của bác. Bài viết của bác chuyện nọ sang chuyện kia hay dễ sợ. :)

      Trả lờiXóa