9.4.08

    Lời Mẹ Dặn: Positive Thinking! (Tập 2)

    Phi lố: Entry này không dành cho các bậc phụ huynh (vì lời lẽ đôi chỗ không được lễ phép), cũng không dành cho các em thiếu nhi (vì có nhiều scene kích động bạo lực và đồi trụy). Chém cha cái mỏ! Chém cha cái mỏ! Khôn khéo mấy ai? Xấu xa một nó!

    -----

    Bất cứ bàn tay năm ngón nguyên vẹn hay táy máy có chút lương thức nào cũng biết viết lách là trò bịp. Trước hết, anh bịp chính mình, sau rốt mới tới người khác. Nhưng nhận thức của xã hội khoác vào nó khuôn mặt của một tiến trình lộn ngược.

    Nếu anh không thừa nhận mình bịp, ít nhất cũng biết mình đạo đức giả, nửa vời và bất lực. Khi mở tờ báo vào buổi sáng hoặc bật bản tin vào lúc cuối ngày, có một hình ảnh nào đó đi qua tâm hồn “mỏng manh” rẻ tiền thời thượng của anh, nó làm anh bứt rứt và tự nhủ: “Ơn trời, không phải mình”. Anh tự hỏi mình sẽ áy náy như vậy được bao lâu? Năm phút? Một ngày? Một tháng? Thậm chí một năm? Rồi anh cũng phải quay lại với những công việc chưa hoàn tất, những dự định cá nhân, một cuốn sách đang đọc dở, hay bữa cơm chiều của mình. Chỉ có cách đó anh mới tồn tại như một người bình thường, chính xác là có ích. Cho dù sau đó anh cố gầy dựng lại cái thực tại đứt đoạn ấy trong đầu hay trên trang viết, anh biết rõ anh không là nó. Một nhà báo đi thực tế; tài hoa, sâu sắc cách mấy anh vẫn là anh. Bài viết của anh, sự phân tích của anh, sự chia sẻ của anh là về họ. Ngay cả khi anh đang phiền muộn vì một chuyện vớ vẩn. Một nhúm cảm xúc đại khái, dễ dãi, đồng dạng, và không cần cố gắng. Anh viết nó ra tức thời. Anh đó, cảm nghĩ anh đó, ngôn từ anh đó, cách diễn đạt anh đó. Anh có đang tái hiện trung thành cảm xúc anh không?

    Nếu anh là một nạn nhân sống sót của lò thiêu, hoặc diệt chủng; đen tối hay không đen tối, anh chỉ được quyền phát ngôn cho chính mình mà thôi. Không nên cho cái cộng đồng của anh, nhân danh một thứ kinh nghiệm tập thể[1] mà anh tin là anh biết được. Và biết đâu chừng, ngay chính ký ức anh sẽ trở về như một nhân vật từ thời quá vãng, tát cho anh một tát vì sự cường điệu hoá, đơn giản hoá, khái quát hoá, v.v… trong những gì anh viết về nó. Tao chưa bao giờ cảm thấy như vậy! Cho dù ý niệm về một sự kiện hiển hiện nào đó trong vùng ý thức nóng hôi hổi của anh có bị độ lệch thời gian và không gian làm khúc xạ hay không, sự thật là anh chưa bao giờ đại diện nổi cho chính mình.

    Trong một lần phỏng vấn, người thủ chương trình hỏi nhà văn Dương Thu Hương: Bà nghĩ sao về mấy cô gái thanh niên xung phong ở Trường Sơn, tự xé quần xé áo, gào thét điên dại? Dương Thu Hương từ chối trả lời. Bà gắt gỏng (như thường lệ), tôi là ai mà dám tự cho mình cái quyền lớn vậy. Tôi cũng đốt những năm tháng tuổi trẻ của tôi ở những cung đường đó, nhưng tôi chưa từng là họ. Sao tôi dám chắc là mình hiểu cái cảm giác thực sự của họ. Nếu là vậy đi nữa, tôi cũng không nói thay họ được.

    Khi cuộc chiến Việt Nam sắp vào đoạn kết với những ngã rẽ khốc liệt, Sartre và nhóm bạn trí thức của ông tổ chức một cuộc hội thảo (có lẽ để phản chiến). Phan Huy Đường đến dự và hỏi: Người ta đang chém giết nhau ngoài kia, ở đây bàn tán có ích gì không? Sartre trả lời đại ý rằng ông chỉ làm cái phận sự của một con người. Sao đâu, tốt như có thể. Miễn đừng ảo tưởng về hoài nghi của mình, đừng nâng tầm biện bạch của mình. Anh không phải cá, chớ phán cá vui cá buồn. Và, đặc biệt, hãy khoan nhận xét về nước trong tư cách cá.

    Ở một phim nọ, một nhân vật nói với một nhân vật khác: “Mày biết gì về chuyện làm một thằng đen?” (What do you know about being black?).

    Nếu anh không là người da đen “tinh ròng”, đừng nói “gì” cả.

    Nếu anh là một nhà nhân chủng học, vô tình chứng kiến những nghi thức tế tự man rợ của một bộ tộc bán khai, một đám đông xuẩn động. Anh có thể ghi lại cái cảm giác rùng rợn đó, nhưng hãy dè dặt và đừng ra vẻ thấu đáo về nỗi thống khoái của bọn tư tế lẫn nỗi thống khổ của vật tế.

    Nếu anh là một nhà nữ quyền luận giống đực, tất nhiên là đồ bỏ. Nếu là vị nữ lưu ngồi chễm chệ trong phòng làm việc viết hăng say vài ba bài tham luận đăng trên các tạp chí chuyên ngành hàng đầu. Đợi ba năm đều đặn, hội đồng khoa ngồi lại thẩm định công trình và nâng ngạch. Nhưng đâu đó người ta còn bị ném đá vì là nạn nhân của một cuộc cưỡng hiếp, không được lái xe hoặc học chữ, đi ra đường phải có người kè kè bên cạnh, bị treo cổ để bảo vệ danh dự cho một gia đình thì những “suy tư” độc đáo, những “đóng góp” mới mẻ của cô trở thành một thứ kinh nghiệm hạng hai. Bản thân cô trở thành một thứ chuyên – gia – đau – đáu . Một cách khác, cô cũng là đồ bỏ.

    Nếu và nếu…

    Người ta thường trích câu Staline nói để chứng minh một điều: Mình khác nó. Mỗi người chết là một bi kịch, một triệu người chết là con số thống kê. Staline không màu mè điệu bộ, không mặc cảm phó sản của cơ chế. Ông vỗ ngực hàng hiệu chủ nghĩa, hết mình cho cái vai trò bạo chúa vĩ cuồng mà lịch sử dâng hiến. Còn anh? Một tay Stalinist chính thống nhưng chối chúa? Có thể. Vì lẽ cái chết đối với anh thậm chí không là một bi kịch, bất quá là một sự tiếc thương (có hạn), nếu chẳng may nó rớt trúng đầu một người thân, một người hàng xóm, một người anh từng gặp gỡ, hoặc chưa quen biết nhưng quý trọng tài năng, nhân cách, công hạnh… Tất cả cái chết khác là tin giật gân, có khi chỉ đơn thuần là tin choán chỗ.

    Kafka (một nhà văn), Foucault (một tay bợm) trong di chúc dặn dò người thân, hoặc trước đó tự tay, đem đốt hết di cảo. St. Thomas Aquinas (một triết gia) cũng nghi ngờ trước tác của mình về sau. Chẳng lẽ phải đợi đến khi đối diện với cái chết anh mới thấm những g
    ì anh viết là rác rưởi, là không gì cả, không đại diện cho cái gì cả. Nói như Nguyễn Bắc Sơn, dù máu chảy đầu tưa thật, chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi. Lẽ ra anh phải biết sớm hơn, biết ngay từ lúc anh mới dấn thân vào chốn chữ nghĩa, cùng lắm chuyện viết lách chỉ ngang được như vậy thôi. Trước khi người ta nhổ toẹt vào những gì anh viết, tự anh đã đái (lại đái) vào nó không biết bao lần. Kafka với một cuộc đời (được mô tả là) ảm đạm và tẻ nhạt, Foucault gây tranh cãi và ít nhiều được trọng vọng, St. Thomas Aquinas tràn ngập ân sủng. Sao lại muốn phủ định những lao tác của mình vào cuối cuộc hành trình? Vì sự bất xứng với ức chế nội tâm, thử thách số phận, mặc khải siêu nhiệm chăng? Có quan trọng gì đâu, chí ít họ đều là những kẻ thành tâm. Anh viết vì anh không thể không viết. Chấm hết ở đó. Không cứu chuộc, không lợi tha. Cũng như Staline ký lệnh cho một thằng bạn thống chế nối khố nào đó của mình bị đày biệt xứ Siberia hay đi gặp Karl Marx rồi thản nhiên sang phòng bên cạnh xem cuốn phim ưa thích. Một tên đồ tể thành thật: Một ngày trong đời của mày là của mày, không phải của tao. Chấm hết ở đó luôn.

    Ngoài hai loại thành tâm và thành thật, còn một loại khác xa xỉ hơn, cao cấp hơn. Loại giả ngây (thơ thờ thẫn). Chuyên nhại đi nhại lại những kịch bản dở trong vai diễn tồi của bọn phường tuồng bất tài và chưa kinh qua trường lớp đào tạo.Thỉnh thoảng mượn cái cửa (mình) của truyền thông đa phương tiện để giải toả ám ảnh chính danh. Họ tin những tuyên bố (nhận trách nhiệm) của mình[2] sự cứu rỗi/giải thoát cho những nỗi khốn khó/tai ách của người khác. Hoặc họ là những kẻ tâm thần phân liệt thể hoang tưởng, hoặc họ luôn thu xếp để phát biểu vào những lúc nồng độ liêm sỉ trong máu xuống ở mức thấp nhất trong ngày.

    Trần Dần nếu còn sống vào thời “tình yêu” đầy dẫy như dịch tả này ông cũng sẽ tiếp tục cách tân, làm mới mình:

    Cảm, cảm cái con …!

    Miền Tây Nam bộ, bàn chân ngày phẫn nộ.




    ------------------------------------------------------------------------------------------

    [1] Làm gì có!

    [2] Chứ của ai?

    8 nhận xét:

    1. Vầng, không phải bác đâu. ;)

      Trang Chu còn nhiều sao bác không thêm vào cho em sang tí:

      + Khôn chết, dại chết, "cảm" sống.

      + Không phải con Phượng Sồ tổ chảng bay ra biển lớn thì làm sao biết "biển mênh mông" dường nào, nước biển mặn uống không nổi, mỏi cánh thấy bà mà không có chỗ đậu...

      + À, còn cái đoạn gì ấy nhỉ, goá phụ gõ hòm khóc ti tỉ (khởi thuỷ của nữ quyền luận đông Phương?): Không phải bà thì đừng nói là biết lòng dạ bà đang đau khổ thế nào nhé!

      ;)

      Trả lờiXóa
    2. Dường như bạn Khuê Việt đã viết những dòng này trong tình trạng nồng độ phẫn phẫn nộ nộ trong máu tăng đỉnh điểm nhất trong ngày...

      Ta thử làm một cuộc mổ xẻ xem sao:

      "Bất cứ bàn tay năm ngón nguyên vẹn hay táy máy có chút lương thức nào cũng biết viết lách là trò bịp".-------> Đương nhiên! Bởi vì bàn tay nó có những 5 ngón lận, sự thành thật bảo ngón trỏ bấm "A" nhưng thằng ngón giữa nó lại thích bấm "B", thằng áp út nó lại bảo công chính thích "C" cơ....Vì thế đương nhiên là trò bịp bợm...

      "Anh không phải cá, chớ phán cá vui cá buồn. Và, đặc biệt, hãy khoan nhận xét về nước trong tư cách cá".------> Ố ồ, có cả Trang Tử ở đấy nữa nhá....

      "Chẳng lẽ phải đợi đến khi đối diện với cái chết anh mới thấm những gì anh viết là rác rưởi, là không gì cả, không đại diện cho cái gì cả ....."---------> Lại Trang Chu nữa rồi: Phải cũng là một lẽ vô cùng, trái cũng là một lẽ vô cùng...

      "Nếu là vị nữ lưu ngồi chễm chệ trong phòng làm việc viết hăng say vài ba bài tham luận đăng trên các tạp chí chuyên ngành hàng đầu".-------> Đoạn này xiên xéo rất có mục đích. Người viết những dòng này đọc thấy câu này dĩ nhiên là thấy đau tim. Nhưng rồi cũng cố gượng mà tự nhủ rằng: "Ơn trời, không phải là mình".....:D:D:D:D

      Kết luận lại, viết lách đúng là cái trò bịp bợm!

      Trả lờiXóa
    3. Vầng, cái đó thì đúng là Quách Hiền đấy ạ.

      ;D

      Trả lờiXóa
    4. Nhiều Trang Châu quá, tác giả là Trang hay Trang là tác giả ? (hì hì). Nói vậy chứ để là mình (một cách quyết liệt) khó phết.Tái hiện trung thành được cảm xúc của mình đâu có dễ dầu chẳng muốn bịp bợm, không phải lề thói người đời níu kéo thì cái gọi là vốn sống trong tiềm thức cũng đẩy đưa lạc tay lái ngòi bút như chơi (chưa kể trường hợp bất lực !!!)
      Bi thảm nhất là người ta vẫn cố "tái hiện" dù chuệch chọac, còn ngon hơn thì người ta hong cần tay lái làm gì, cứ bồng bềnh theo đẩy đưa là ăn trên ngồi trốc rồi (viết lách đúng là...)

      Kể ra đọc cái này độc gỉa thấy hơi rối (bối/ren), có vẻ như tác giả đã rồ ga mà vẫn còn lạng lạng, chưa phi thẳng !!!

      * quach cô nương: nhậy cảm quá, nhậy cảm hong ...kềm nổi :D

      Trả lờiXóa
    5. Đọc comment của bác mới giật mình hình như gõ tên Sartre sai (thành Satre). Nhiều khi uất khí đang dâng, tên người ta cũng viết không nổi chứ nói gì khác (Tai hại quá nhỉ? ;)). Đã sửa. Cảm ơn nhé.

      Còn chuyện đốt sách. Hà..hà...âm mưu ám sát cán bộ đây. Ai học đòi chuyện ấy bao vờ. Ở quê em "lắm bà già nhảy điệu lam-ba-đa" mà đốt sách thì cứ là thú vui chóng vánh. Hình như sau 75, Nguyễn Hiến Lê có viết 1 bài báo (duy nhất?): "Xây dựng dễ, hay phá bỏ dễ?" Bác nào có bài này thì cứ xin tự tiện gửi cho em đọc với. Hì...hì...

      Em chỉ nghĩ vẩn vơ (thực ra là vớ vẩn) về hiện thực, nhận thức, và cái con lắc đung đưa trong vết nứt giữa hai bờ vực đó, khi chạm bên này, khi chạm bên kia, khi lơ lửng. Trên đường đi về phía bên kia, tự nó đã tạo ra một thế năng (dự trữ) để trở lại bờ này. (Không phải kiểu "Đò cắm bờ này, thương bến kia, tan cuộc bình yên" nhé...hè hè)

      Không ai tắm một lần và mãi mãi, ăn một lần rồi thôi. Vẫn phải tắm lại, ăn lại, ấy lại v.v.. rất nhiệt thành. Nếu thế giới này không có tắm, ăn, ...thì nó sẽ như thế nào cho cả chủ thể nhận thức lẫn đối tượng nhận thức? Hôi, đói, ức chế...? |)

      "Tất cả các dòng sông đều chảy" và phải chảy. Cái tức thời thuộc về tức thời, nó có giá trị nhất định của nó, phải không ạ? Những vị đó có tâm thành mà không ảo tưởng, em thấy đáng quý và đáng phục chứ. Nhân vật của Kafka bảo "Bỏ cuộc đi", nhân vật của Hemingway nói : "Không có gì", v.v...nhưng họ có ngưng viết đâu?

      Có điều, lâu lâu em lại buồn 5 phút 13 giây 9 sao khi tán phải lời "ai điếu" của những kẻ chưa bao giờ "chân thành" nhưng lại luôn "tự tín".

      Dẫu là Bướm hay là Chim (Trang de Man) thì nhận thức vẫn là vùng ven của thực tại.

      ;)

      Trả lờiXóa
    6. Em thuộc loại anti (vừa vừa) bác Bướm Trang Sinh hiểu mộng thành ra nhớ được nhõn cái (chắc là) tệ hại nhất của bác ấy là món Cổ Bồn ca (Khúc Cổ Bồn ca gõ hát chơi).

      Theo như bác Phan Huy Đường (dẫn cái này first hand, nói rõ nhằm giảm bớt mặc cảm "me too") thì Sartre trả lời: "Thưa ông, tôi đang học làm người".

      Một nhân vật của Kafka chẳng đã dạy rồi còn gì: "Bỏ cuộc đi" hay "Đầu hàng đi" gì đó.

      Quay lại với bác Trang Chu tẹo kẻo bác tủi: nhiều bác sau lày thích học bài đốt sách đi của bác kia, nhưng chắc là không bao giờ nghĩ đến con đường dẫn đến đó như thế nào (nếu không thì khác gì Tần Thuỷ Hoàng, phỏng ạ).

      Trả lờiXóa
    7. Bài này hậu hiện đại, hậu cấu trúc quá: representation is all there is, the subject is dead, v.v. Không phải chỉ cái anh viết "về" người khác là một loại representation không hơn không kém, mà ngay cả khi viết autobiography, về bản thân anh, người ta vẫn còn hoài nghi cái anh là ai, anh ở đâu ra, cái voice kia anh nói rào rào là do cái gì tạo nên, v.v. cuối cùng anh nói về anh còn chẳng tin được, huống chi nói về mấy thằng khác. Nhưng vẫn phải nói thôi, và lại Derrida này, all philosophy is translation. Translation is impossible, but necessary. Nói là nói "xạo," viết là bịp bợm, nhưng cũng không thể tịt ngòi hết được. Phải viết tiếp thôi. The human condition là vậy.

      Trả lờiXóa
    8. Vậy đừng phẫn nộ nữa em ơi, viết tiếp đi, vì bên ngoài cái human condition là non-human. Nếu tin rằng cái mình viết và nói chính là truth thì em không còn là người nữa đó. "Bàn chân ngày phẫn nộ" giẫm phải cái chi chi mà nghe chừng mùi hủy diệt (nihilistic)?

      Trả lờiXóa