12.5.08

    Loá Mắt Vì Tự Do (Và Tự Huyễn)

    Liberty: One of Imagination's most precious possessions.
    Ambrose Bierce


    Những tưởng được hưởng một cái bachelor party hoành tráng với đầy đủ các nghi thức truyền thống tốt đẹp theo phong tục tập quán của chúng nó nhân dịp một đồng chí sắp từ bỏ tự do. Vậy là không còn hy vọng gì nữa. Vì chỉ có bữa Tiệc ly này là có thể đánh thức những đồng chí nào hăm he đi vào giấc mơ trên thập giá có tên Cám dỗ cuối cùng của Chúa.

    Nhưng không! Thế là các đồng chí phòng không ngày đêm vẫn canh cho vùng trời và lãnh hải được bình yên, vắng bóng quân thù tiu nghỉu kéo nhau về chỗ tập kết chờ đợi cái thời khắc đó. Trong khi các đồng chí kia đang lăn, lê, bò, toài, coi báo ảnh các loại để bù đắp lại những thiếu thốn về mặt tinh thần vừa bị tước đoạt thì đồng chí cu Sài lâu lâu mới lên tỉnh một lần, lân la làm quen với cái sô-pha, nghĩ về viễn cảnh kinh tế toàn cầu đen tối và êm đềm đi vào một giấc mơ ngắn ngủi đẹp. Đồng chí cu Sài thấy mình đang cúi đầu rưng rưng nhìn vào mấy tin nhắn hỏi thăm đẩy đưa: “Đang đâu đó?”, “Về ăn cơm” v.v. và v.v. Ú ớ cơn mê, thon thót giật mình, nồi cơm (điện) vẫn chưa chín. Sờ nắn tay chân thì hãy còn nguyên vẹn (tự do). Hãi!

    Tự do là gì mà các đồng chí người yêu thế? Lảm nhảm mãi thôi. Rồi biết bao đồng chí fan (cái quạt) đã ngã gục (vì nhiều lẽ). Những đồng chí này đôi khi đang ở vùng oanh kích xả láng (free-fire zone) lang thang vào vùng tạm chiếm (combat zone) may mắn thì trở ra, hoặc mất tích khi đang thi hành nhiệm vụ (MIA), tệ hơn, đi thẳng vào vùng phi quân sự (demilitarilized zone). Vậy tự do là một môi trường?

    Mở đầu Bàn Về Tự Do, Mill đặt tự do (liberty) song song với quyền lực (authority). Tự do trở thành kết quả của một tiến trình vật lộn (nhưng không chỉ rõ nơi chốn) mà ở đó (trên đó) không phải ai cũng như ai, có kẻ xứng đáng có kẻ không. Faulkner không chịu vậy, tự do theo ông chính là bản thân hành động: “Chúng ta tự do không phải vì chúng ta tuyên nhận tự do, nhưng vì chúng ta thực hành chúng” (We must be free not because we claim freedom, but because we practice it). Mồm nói tự do mà ngồi uống cà phê nhấp nhổm là không được. Không có tự do đích thực làm sao thấy Chân, Thiện, Mỹ, dù có ở sờ sờ trước mắt, thậm chí còn vờn qua vờn lại như mục tiêu di động. Vậy tự do là trạng thái phương tiện để tiếp cận một mục đích tối hậu cao cả nào đó?

    Đến Kant thì rắc rối hơn nữa, tự do vừa là một lựa chọn dựa trên những căn bản đạo đức nội tại, vừa là một điều kiện tất yếu cho sự xác lập (hay vượt thoát?) định mệnh (triết gia và phụ nữ, chả bao giờ hiểu họ nói gì.)

    Cũng xém liên quan đến tự do và định mệnh, Maugham cover (bao che) lại (nhưng không được giải Grammy) một chuyện cổ Ả Rập Hẹn Ở Samarra:

    Một thương gia bảo anh đầy tớ ra chợ mua ít đồ. Đi chưa lâu lại thấy về, mặt mày trắng bệch.

    - Chủ nhân, hãy cho tôi mượn con ngựa. Khi tôi đang ở chợ thì bị xô đẩy, tôi quay lại, hoá ra là thần Chết, đang phác một cử chỉ đe dọa. Tôi phải chạy thoát khỏi thành phố này, tôi sẽ tránh được định mệnh mình. Tôi sẽ đến Samarra, nơi đó thần Chết sẽ không tìm thấy tôi.

    Người thương gia cho anh đầy tớ mượn ngựa. Anh thắng yên và phi hết tốc lực. Người thương gia đi ra chợ, anh thấy thần Chết đứng giữa đám đông bèn lại gần bảo:

    - Tại sao ngươi đe dọa người đầy tớ của ta lúc ngươi gặp hắn sáng nay?
    - Tôi có đe dọa gì đâu? Đấy là cái vỗ vai ngạc nhiên. Tôi quá bất ngờ khi thấy anh ta ở Bagdad, vì tôi có hẹn với anh ta ở Samarra tối nay.

    Trungpa lại kể một chuyện vui khác, có thể là trong Huyền Thoại Về Tự Do (The Myth of Freedom) – các bác thông cảm, đồng chí cu Sài đang bận Tiên Sư Thằng Bảo Thái nên chả buồn tra (ống nhổ), cứ thế mà xắn quần ngoáy mông nghĩ vớ vẩn một mách. Một quý bà đi vào nhà hàng sang trọng, bà ăn uống thỏ thẻ thế nào lại bị mắc nghẹn, nhưng vì phép lịch sự tối thiểu ở nơi cộng cộng, bà khước từ sặc sụa. Đây đúng là Tự do hay là chết. Bà chết thật. Tự do ở đây trở thành một đối trọng với các định chế xã hội.

    Ailda Stevenson, một chính trị gia Mỹ, nói câu tương tự như trường hợp trên: “Định nghĩa của tôi về một xã hội tự do là một xã hội mà nơi đó dù không được ưa chuộng cũng không sao” (My definition of a free society is a society where it is safe to be unpopular). Tự do là một thước đo các định chế?

    Nhảm phờ râu (tơ) vẫn chưa tới giờ. Gái nhảy thời đã xa tầm tay rồi, chỉ còn đợi chuông reo là bắn. Đồng chí cu Sài đành phải tiếp tục công cuộc kháng chiến chống Mỹ tìm bến bờ tự do (dự).

    Trong kinh A Hàm có đoạn như vầy:

    Một hôm đức Phật đang ngồi chơi tổ tôm thì thấy một anh com-lê, cà vạt, quần sóc Ralph Lauren, vừa đi vừa nói vào điện thoại cầm tay:

    - Chưa thấy, chưa thấy.

    Đức Phật bèn hỏi:

    - S’up bro? (Gì mậy?)

    Anh ta mếu máo:

    - Chết tôi rồi ông ạ, nhà có hai con bò nung núc mà nó đi lạc đâu tìm không ra, năm nay mất mùa nữa. Thế này chắc vợ tôi nó (bóp) chết quá. Sáng giờ ông ngồi đây có thấy con nào ngon mắt đi ngang không?

    Đức Phật đưa mắt nhìn thầy A Nan:

    - Không phải em (Thầy A Nan im lặng nhướng mày trả lời).

    Đức Phật lại đưa mắt nhìn Tôn giả Ca Diếp:

    - Không phải tui à nha (Tôn giả Ca Diếp cũng im lặng nhìn lảng đi chỗ khác).

    Đức Phật rảo mắt nhìn khắp tăng đoàn, ai cũng đấm ngực nhìn nhau dò xét mặc dầu không quên tỏ vẻ oan ức “Thầy nghi cho tôi sao?”, đoạn Phật quay lại nói bằng tiếng Anh lưu loát nhưng accent (diễn cảm) hơi nặng:

    - See no evil, hear no evil, know no evil, have no fun. (Không thấy bò, không nghe bò, không biết bò, đừng có mà ham vui [có người dịch “thì hỏng vui” là sai].)

    Anh chàng nghe đến chủ trương ba không, bèn thất vọng bỏ đi. Đợi anh chàng đi xa, đức Phật quay lại nói:

    - Các đồng chí đã biết thế nào là sự khốn cùng của chủ nghĩa tư bản và chế độ tư hữu chưa? Phải nhớ thả bò, vì chúng ta là những người vô sản tự do. Lợi hoà đồng quân, sáng giờ ai xin được gì rồi, đem ra coi.

    Đọc đoạn này, nên cẩn thận, vì Phật nói rõ là thả bò, các đồng chí mà thả lộn con khác coi chừng không những không có tự do mà còn gặp rắc rối với pháp luật.

    Kinh Thánh lại kể chuyện, một thiếu gia (viết tắt tên nên không biết là trực thuộc đơn vị nào quản lý) đi ngang chỗ chúa Jesus và môn đệ đang đứng. Vì khoái vẻ ung dung, trầm tĩnh chói lói của Chúa nên bốc đồng:

    - Hey man, you look so cool. I want to be like you. (Chú nhìn ngầu quá ha, mình muốn giống vậy đó)

    Chúa Jesus nói:

    - Okie, give all your valuable possession to anyone who needs them, then come back here (Được thôi, về hiến trọn vẹn của quý giá của ngươi cho những ai cần nó rồi mình không quay lại đây).

    Thiếu gia sợ quá, lẳng lặng đi thẳng.

    Nghe ra muốn có tự do thì làm theo lời hai đồng chí nổi tiếng trên (xả ly và khó nghèo) là được chứ gì?

    Một vị vua ra ngoại thành chơi, theo truyền thống tôn trọng linh hướng Ấn Độ, nhà vua hạ giá đảnh lễ một vị đạo sư khả kính đang ngồi bên vệ đường. Vị đạo sư, cũng theo truyền thống, nói về các giá trị tâm linh cho nhà vua nghe (miễn phí). Càng nghe nhà vua càng ngưỡng mộ vị đạo sư, ông không vướng bận gì hết, ngược hẳn với đời sống đa mạng lượm thuộm của đồng chí. Đang đến đoạn cao trào, có người đến báo:

    - King the man, your castles and the nation’s treasure are burning like hell (Tâu bệ hạ, cung điện và quốc khố của ngài đang cháy như điên).

    Nhà vua bực tức gắt gỏng:

    - Bất như con [pháp lạc] tứ vạn.
    - Có Tiger Cup trong đó nữa á.
    - OK, lấy cái đó ra. Kêu bọn PCCC tới đi, tháng nào cũng đưa tiền cho nó mà. Real dogs (chó thật), long sàng của ta mà tụi nó còn dám bắt bẻ không đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Anyway (bất cứ đường nào), ta đang bận. Your Holiness, please continue your wonderful lecture. (Tiếp tục giảng đi chớ, làm ơn cái).

    Vị đạo sư giảng nhưng cứ nhấp nhổm nhìn về phía kinh thành. Nhà vua bèn hỏi:

    - What’s the problem now, dude? (Gì nữa đây, bé?)
    - Your Highness, I have only two SIDA’s robes indeed. One I am wearing, the other was washed this morning and laid out to dry on the fence near your castle (Tâu bệ hạ, ta có hai cái khố hàng SIDA viện trợ. Một cái đang mặc đây, một cái giặt hồi sáng phơi gần hàng rào cung điện.)

    Nhà vua tỏ vẻ thông cảm:

    - Sao không nói sớm.

    Biết tri túc cũng không có tự do, nên đồng chí tiên tri Muhammad đã chỉ ra rằng uyển chuyển mới đích thực là tự do. Muhammad loan báo với các tín lữ ngày mai tới chỗ kia để làm lễ dời núi. Mọi người tụ tập cách xa núi, Muhammad đăng đàn, sau khi thử dàn âm thanh cho vừa ý liền cầu nguyện:

    - Mountain honey, come here with me. (Núi cưng, hãy lại đây với anh).

    Coi mòi sắp mỏi miệng mà núi không hề xúc động (đậy) gì hết (Núi vẫn đôi mà anh mất linh). Muhammad nói:

    - Núi không đến với ta thì ta đến với núi vậy.

    Cả đám bèn kéo nhau đi.

    Vậy Khuất Nguyên không có tự do, vì ông không chịu uyển chuyển sông Tương nước chảy trong veo, thì ta đem giặt cái lèo mũ ta, sông Tương nước đục phù sa, thì ta lội xuống để mà rửa chân.

    Nhược bằng tự do là một lựa chọn, Khuất Nguyên nhất định có tự do vậy. Hề!

    Lâu lắm rồi, đồng chí cu Sài có đọc trên KTNN (Kiến Thức Ngày Nay, không phải Kệ Tao, Nhá, Nhá). Một đồng chí khác đọc Quy Khứ Lai Từ của Đào Tiềm, cảm quá nên tán lung tung về nghĩa vợ chồng, đồng cam cộng khổ, không vì chồng nổi hứng muốn tu tiên mà ghét bỏ hay lang chạ.

    Đoán rằng đại khái anh ra chốn đô thành, mơ thành cô Tấm ngày nay. Nhưng anh ở mãi từ đấy tới giờ mà không thành cô Tấm, lại vớ phải cô Cám. Đêm anh nằm nhích ra xa xa, nhớ cái Mây ở làng rồi khóc ư ử: Về đi thôi, vườn ruộng đó sao không về (mà cày, mà gieo giống thoả thích), đang tâm để hình hài sai khiến. Chẳng dè nàng Cám nghe được: Vợ dạ trở mình cho bớt lạnh, suốt đời em chỉ biết theo anh. Trời, có cần truy cùng giết tận vậy không em?

    Ông Đào có tự do không nhỉ?

    Tự do, không thể định nghĩa rõ ràng được. Nó giống như truyện khiêu dâm (erotic) và văn hoá phẩm đồi trụy (porn). Năm 1964, vụ kiện Jacobellis v. Ohio liên quan đến phim Người Tình (Les Amants) được đưa lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Nguyên cớ là tiểu bang Ohio cấm chiếu vì cho rằng nó thô tục (obscene), các nhà nhập phim bảo không. Tự do ngôn luận thì được Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ, nhưng hardcore (đồ thiệt) theo mức độ tiến hoá (interpretations) lúc đó thì không. Khi đụng trần hệ thống tư pháp Hoa Kỳ rồi, các thẩm phán tiếp tục gấu ó và vẫn không thể nào xác quyết được thế nào là obscene một dứt khoát. Rốt cuộc, thẩm phán Potter Stewart nói một câu trở thành kinh điển:
    “I know it when I see it”
    (Thấy thì biết chứ gì). Tự tin có khác. Đồng chí cu Sài vẫn cứ lẫn lộn giữa các loại hình văn nghệ luôn. Báo ảnh lại tưởng thơ-photo, truyện tả chân nhầm với văn chương hiện thực phê phán, phim kiếm hiệpdiễm tình ngỡ phim tài liệu v.v.

    Tự do còn giống nhiều thứ khác nữa, thơ chẳng hạn. Đỗ Quý Toàn trong Tìm Thơ Trong Tiếng Nói, trích tích xưa mà rằng: Năm ấy, Cao Bá Quát đang sắm sửa quần áo, cologne, gel, nhang muỗi các thứ để chuẩn bị đi nhậm chức giáo thụ ở Sơn Tây, Tùng Thiện Vương gửi tập thơ nhờ viết lời tựa. Cao Chu Thần đề mấy chữ: “Phù, thi chi, nan ngôn dã” (Ôi, cái chuyện thơ, nói thật là khó vậy).

    Khó thật. Hôm nọ, đồng chí cu Sài đang ngồi coi kẹt xe chợt nghe ai chửi bới vang vọng bên tai. Hoá ra NPR phỏng vấn một đồng chí giáo sư Boston University về cái Bush. Giả thuyết là từ ngày cái Bush lên nắm quyền thì các giá trị về tự do mà nhân loại chúng ta hằng trữ dưỡng theo đà đi xuống (cống). Nghĩa là bớt tự do đi. Đồng chí giáo sư nói khó lắm. Trước hết phải hiểu tự do là cái gì chớ? Nhưng làm sao hiểu được. Nhưng có thể cảm được. Ở một mức độ nhất định, có thể thấy ngay không cần bàn cãi (theo đồng chí cu Sài ba chớp ba nhoáng hiểu là không cần bối cảnh, vì tự thân điểm đứng đã là một hệ quy chiếu có dung sai lớn – xê dịch năm chục năm, ví dụ vậy). Để dẫn chứng, đồng chí nói trong một chuyện (không nhớ chuyện gì – là ông ấy không nhớ, chứ đồng chí cu Sài sức mấy) của Milan Kundera, một đồng chí gửi bưu thiếp cho đồng chí khác, nói giỡn vài câu nhảm nhí thôi mà vì cái bưu thiếp vô hại lại phải đi tù (thật). Vậy là không có tự do, chắc rồi.

    Tiệp Khắc không xa Ba Lan. Nhưng ở Ba Lan nếu anh muốn có tự do, xin mời hưởng dụng. Là vầy, once upon a time… (ngày xửa ngày xưa…), ở Ba Lan, mỗi khi màn (đêm) buông xuống, lúc các cô gái xinh đẹp đã tắm rửa sạch sẽ sau một ngày hiến dâng cho tổ quốc ở các nông trang tập thể, công xưởng hay cửa hàng mậu dịch. Và mọi người chuẩn bị quây quần xung quanh bàn ăn tối trong các căn hộ thì loa phát thanh công cộng gắn chặt ở mỗi cửa nhà đồng loạt cất cao tiếng mời chào: Đây là Đài tiếng nói Ba Lan, phát thanh từ thủ đô nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Ba Lan… Thế là mọi người lục tục đứng dậy, mặc áo khoác, đội mũ ấm và dắt chó (có gì dắt nấy) ra ngoài đi dạo. Ngày nào cũng vậy.

    Hungary cũng không xa Ba Lan. Mùa xuân năm 1956, khi những chiếc xe tăng Hồng quân Liên Xô anh em lừ đừ tiến vào thủ đô Budapest để giải phóng nhân dân Hung khỏi ách thống trị (của người Hung), cho Imre thành im re, các đồng chí khác cũng bị treo cổ và vứt ra bãi rác (làm ma bãi rác). Thanh Tâm Tuyền bèn viết thơ tình (hơ hớ):

    Hãy cho anh khóc bằng mắt em
    Những cuộc tình duyên Budapest
    Anh một trái tim em một trái tim
    Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác

    Bài thơ viết về Kách Mệnh mà không có lấy một dòng nào nhắc đến tự do, nên đồng chí cu Sài bèn thắc mắc: Trái tim là trái tim gì? Trái tim yêu tự do? Trái tim có tự do? Trái tim tự do yêu? Trái tim tự do có?

    Vẫn chưa tới giờ, đồng chí cu Sài đành miễn cưỡng săm soi nàng Kate Hudson (The People’s princess) bị bỏ quên trên quầy rượu. Rồi lại ưu tư về tự do. Nàng có tự do không nhỉ? Đấy, toàn nghĩ chuyện nghiêm chỉnh không thôi.

    Tắm biển là tự do cá nhân, phải không? Trừ khi biển là hàng quốc cấm. Nhưng một ngày nắng ấm chan hoà, nàng mặc một mảnh rưỡi tung tăng tung tẩy hồn nhiên đi nhúng nước (mặn). Ấy thế mà suýt làm chết hai đồng chí lính chì đang tập lái máy bay ngang qua chiếc lá cải. Máy bay đâm sầm xuống đất vì phi công mãi nhìn tự do của người khác.

    Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ dĩ nhiên phải đưa nàng Kate ra tòa vì tội “làm lộ bí mật quốc gia, lợi dụng các quyền tự do thân xác, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, xâm hại lợi ích nghe nhìn hợp pháp v. v.”

    Phái nữ chắc hiểu phái nữ hơn:

    Tự do nghĩa là [tự] chọn lấy cho mình gánh nặng. (Freedom means choosing your burden - Hephzibah Menuhin)



    7 nhận xét:


    1. Xuất sắc ! rút cục cũng biết đồng chí cu Sài đi đến đâu .
      Nhưng thật ra "triết gia và KV, chả bao giờ hiểu họ nói gì"

      Trả lờiXóa
    2. À quên, bạn KV chắc rất giỏi món xa-lát

      Trả lờiXóa
    3. Kính Thưa Năn Nỉ (KTNN): em thích nhất trong số các nhân vật của bác Kate Hudson của cái thời "Almost Famous" đấy ạ. Chắc đó cũng là một mảnh (dù rách bươm [bướm - thêm vào vì hình như bác thích cái này à nha]) của tự do phấp phới.

      Trả lờiXóa
    4. @sonota: EV không giỏi làm xa-lát nhưng thích xa-lát vì "mỗi người mỗi vẻ" rất ngon. ;D

      @Nhị Linh: Thắt lưng buộc bụng xuống còn một mảnh thôi à? Nhưng d'accord cả về "Almost Famous" bướm lẫn "Almost Famous" tự do

      Trả lờiXóa
    5. @quachhiennb: Chỉ có "Tâm tình tuổi mới nhớn" thôi ạ.

      ;D

      Trả lờiXóa
    6. Lóa mắt vì bài quá nhiều chữ.... Đọc xong bài này mệt y như mình vừa đọc xong toàn bộ trang VnExpress lướt từ Xã hội, chính trị, văn hóa, Chân dung nghệ sĩ cho đến trang Tâm tình tuổi mới nhớn...Đủ tất.....:D:D:D:D

      Cái vụ bình tán "Quy khứ lai từ" trên Kiến Tha Nhà [chúng] Nó (KTNN)hấp dẫn thế, nhưng tiếc là lâu lắm rồi không còn đọc báo í nữa nên không được thưởng thức....

      Trả lờiXóa