14.5.08

    Tình Yêu Và Bạo Chúa

    Vào cái thời xa vắng ấy mà, mình vớ được câu chuyện vầy:

    Một bà lão già khọm, chắc là U90, hàng ngày, bất kể thời tiết thế nào, đều ra bờ sông cầu nguyện. Mọi người lấy làm lạ.

    - Này bà, bà cầu cho cái gì mà chọp chẹp hoài vậy?
    - Ta cầu cho vua Danis sống lâu (lắc).
    - Kỳ vậy? Vua Danis là một bạo chúa tàn ác (và ngu dốt) nhất cho tới nay mà chúng ta từng hưởng trọn (ơn mưa móc)! _ Người kia ngạc nhiên.
    - Đúng, thời còn con gái (ngây thơ chớp chớp), ta vẫn thường cầu nguyện cho các bạo chúa chết đi, nhưng khốn thay, ông vua sau lên ngôi lại ác hơn ông trước (chút đỉnh). Khi đã già (quéo lại) ta mới nghiệm ra rằng phải cầu cho họ sống lâu, may ra còn được dễ thở hơn.

    Mình sinh bất phùng thời, bạo gì cũng có (làm) trừ bạo chúa nên đọc xong rồi quên phéng cái bà già lẩm cẩm này. Mãi cho đến khi học mẫu giáo nhỡ, biết yêu, rồi về sau và nhiều năm sau nữa mới thấy bà có lý (lắm).

    Tình yêu cũng như bạo chúa nhỉ? Cái đến sau có hơn cái trước bao giờ. Song le, nhiều khi cái sắp tới, hoặc đã đang tới với vài hứa hẹn ban đầu, nó mang bộ mặt trẻ, đẹp, năng động, hay ngọt ngào ve vuốt mình, bằng cấp Tây/Ta cài cắm rậm rạp trên người, lại biết nói tiếng “anh” bì bõm bên tai, ối, tha hồ mụ mị. Đấy là nói lúc cát lầm phung phí hết xuân xanh. Khi mình đang già đi và mỗi cái chết (của tình yêu) không còn là một niềm hy vọng (mới), mình cũng sẽ nghĩ như bà già (ở ga Hàng Cỏ) vậy:

    - Tình yêu, hãy ở lại!

    Nhưng đâu phải muốn níu kéo là được, lắm lúc mình cố rị nó lại như thời chăn con bò (nhà mình), mà nó cứ lôi mình phăng phăng vào ruộng (người ta) rồi chạy tuốt luôn. Vấn đề phức tạp thế vì phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh toàn cục (con bò tơ không? mình nhậu hồi hôm hay ngủ nghỉ dưỡng sức đầy đủ? dây thừng nhập cảng hay nội địa? ruộng người ta mạ non hay rạ? v.v.)

    Thật ra, cái có lý nằm ở chỗ khác. Các nhà tâm lý học đưa một bài toán nhỏ để thử mò mẫm khám phá chốn thâm sâu hun hút bí hiểm ấy của (tâm hồn) đồng loại : Hoặc tôi đưa cho bạn 100 đô la, hoặc bạn lấy tấm vé số này (có khả năng trúng 100 triệu), bạn chọn cái nào? Dĩ nhiên là chọn 100 đô la chứ. Ai cũng vậy. Và cứ hạ thấp dần xuống, đến một mức nào đó (1 đô la chẳng hạn) thì người ta chọn tấm vé số.


    Trăm đô la không thể so với một trăm triệu, nhưng là một trăm đô thật, nắn bóp sột soạt trong tay mình. Giả thử mình bị mất con bò con, bảo thôi đi, đừng khóc nhì nhằng nữa, để má tìm cho con khác. Mình có ngừng khóc không? Bớt thôi chứ sao ngừng được, con khác chưa thấy mà con của mình thằng nào nó chăn rồi. Không khéo nó còn xẻ thịt làm bê thui tái chanh ấy chứ.

    Sự thay đổi (change) nào cũng kéo theo nó biết bao là bất trắc (uncertainty) và rủi ro (risk). Bà lão không biết rằng mình đang sống với một bài toán kinh tế, một bài toán lý thuyết xã hội. Con người không muốn, ngại, hoặc sợ thay đổi. Khi định giá một cổ phiếu, một món cho vay, một tài sản, người ta đều phải bỏ vào đó một biến (variable) dành riêng cho yếu tố rủi ro gây ra bởi những thay đổi liên cận. Chính sự cân đo giữa cái mức độ của rủi ro và phần thưởng để chấp nhận nó là cái dẫn tới quyết định to do or not to do (nàm hay không nàm). Mình không thể mời chào khơi khơi: You can’t get wrong with me! (Không tình nào say đắm hơn anh đâu!), người ta đòi hỏi Show me the money! (Đưa coi thử!) là chính đáng.

    Vậy giải thích thế nào về một đô la?

    Một đô la không đáng so với một trăm triệu thật (đấy). Nghĩa là nó đáng hy sinh. Gần như là không còn gì để mất (nữa). Cái chỗ này là cái bất cân xứng mang nùi rơm con cúi cách mạng mà Will Durant, A. Toynbee và nhiều sử gia nhắc tới.

    Quá độ có lẽ là một thời điểm của nhận thức, chứ không phải một thời kỳ, cho dù nó có kéo dài bao lâu.

    Cái khó ở chỗ cuộc sống lúc nào cũng nhởn nhơ nằm ở mức 10 đô nhễ nhại. Bởi vậy nên Chế Lan Viên mới tự xỉ vả (hay mắng người khác nhỉ) sa sả:

    Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
    Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
    Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
    Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.

    Nói thì dễ [sic].

    Phận mình, chăn thuê tắm mướn vắt sữa nhờ, cứ kiên định với những gì đang có thôi:

    - Tình yêu, hãy ở lại (đêm nay càng tốt)!



    9 nhận xét:

    1. Thời trước có nhiều người đã bỏ một trăm(nhiều trăm)đô để lấy tấm vé số đấy, có lẽ Thời bây giờ Họ chỉ còn là huyền thoại.Mình biết Một trong những huyền thoại đó là Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch

      Trả lờiXóa
    2. Bốn mùa: Có lẽ vậy thật chị nhỉ, chỉ còn là những huyền thoại (đẹp).

      Trả lờiXóa
    3. Hì hì...Chị So từ tâm hay bắt giò em Việt nhỉ? ;))

      Khi nhắc đến "quá độ" là nói đến một khoảng đệm cho một bước thay đổi. Thật ra không có một thời kỳ quá độ với khởi đầu và kết thúc rõ rệt. Khi các sử gia nhìn lại một giai đoạn, họ thấy một số các sự kiện, hoặc chuỗi sự kiện mang yếu tố thúc đẩy, hoặc dự báo, cho một thay đổi trên bình diện rộng lớn, mà, ở đó sự khác biệt là không chối cãi. Những cột mốc như các cuộc cách mạng (bằng bạo lực hay văn hoá, từ hạ tầng hay thượng tầng), các trào lưu tư tưởng có ảnh hưởng đa chiều và sâu rộng v.v. Tùy theo cách tiếp cận và quan tâm của một bộ môn, có khi chỉ một học giả, mà sự xê xích trong cách chọn và chia các thời kỳ "quá độ" là dễ hiểu. Vì sự đồng thuận có xảy ra, nên dễ tạo cảm giác là các thời kỳ này rơi vào đúng các cột mốc bước ngoặc (đầu/cuối), và chính xác phải là vậy. Đây là trên phương diện nghiên cứu. Hiểu theo cách này, quá độ cũng thuộc về "nhận thức" khách quan. Vậy "quá độ" CÓ sau "nhận thức".

      Trên phương diện thực tiễn, ví dụ như không phải đợi đến phong trào Ánh Sáng rầm rộ thì Châu Âu mới bắt đầu thoát khỏi Đêm trường Trung Cổ. Các tiền đề trước nó về khoa học, xã hội, những sự kiện lẻ tẻ đây đó đã báo hiệu một thái độ phản kháng ngấm ngầm do không khí kinh viện u tối, ngột ngạt, và độc đoán tạo ra.
      + Về mặt tri thức, người ta lờ mờ "nhận thức" được rằng "nhận thức" hiện có của họ, về thế giới chẳng hạn, không được thỏa mãn. Đây là điểm của "quá". Vậy "quá độ" CÓ sau "nhận thức".
      + Vể mặt xã hội, khi các điều kiện đặt nền móng và thiết chế một xã hội theo một lề lối nào đó trong suốt chiều dài tồn tại của nó không còn tương thích với các biến chuyển (tất yếu) của các yếu tố khác, như ngôn ngữ, tập tục, quan hệ kinh tế, quan hệ chính trị, quan hệ gia đình, môi trường sống v.v. nó sẽ dấy lên những "nhận thức" về "quá độ", tạo ra những sự kiện rời rạc, khởi đầu cho những "nhận thức" khác sau đó, hoặc ở tầm cao hơn, hoặc rộng hơn, có khi cả hai. Dĩ nhiên, các đương sự khi tham gia vào tiến trình "đẩy" xã hội đi vào một thời kỳ quá độ, họ có thể không "nhận thức" được "nhận thức" về "quá độ" của họ, nhưng họ cảm được cái khác (sự lệch pha của đời sống). Đối với họ, có khi nó đơn giản chỉ là sự không hài lòng (về bất cứ điều gì, cách chia tô, cách giảng giải kinh thánh,...) "Quá độ", một lần nữa, lại CÓ sau "nhận thức".

      Tuy nhiên, có một số triết gia tiên tri, như Mác, đặt "quá độ" trước "nhận thức". Nghĩa là nhìn tới, chứ không phải nhìn lui (như các nhà nghiên cứu), cũng không phải nhìn ngay lúc này, xảy ra đồng thời với hành động (như các nhân vật lịch sử, hiểu theo nghĩa rộng và số nhiều). Nói Mác đặt "quá độ" trước "nhận thức", tất nhiên là nói chơi vì rõ ràng nó có sau "nhận thức" của Mác về đường đi của nhân loại, nghĩa là nó tất phải thế. Ở đây, "quá độ" trở thành một thời kỳ, và chỉ vậy thôi, dù anh có nhận thức nó (nên) như vậy hay không.

      Về "thời điểm" và "thời kỳ", là nói về "thời điểm" nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi bộ phận xã hội, cái này tạo nên "thời kỳ" quá độ như đã nói trên nếu nó cộng hưởng và xảy ra đồng bộ. Nhìn về một mặt khác, ví dụ như địa chất thiên văn hay vật lý lượng tử, cái "thời điểm" và "thời kỳ" là dựa theo khung nào mà nói? Một năm đối với con người là một năm (cũng tùy theo người), với dải thiên hà và electron thì nó là một gì nhỉ? Ai biết.

      Hìhì...

      Nói chung là em Việt ưa nói nhảm và nói tướng, vì mần ruộng thiệt tình không biết nổ cùng ai, chị So (và các bác) từ tâm nên đọc với tâm từ (từ).

      ;)

      Trả lờiXóa
    4. "Quá độ có lẽ là một thời điểm của nhận thức, chứ không phải một thời kỳ, cho dù nó có kéo dài bao lâu." thời điểm mà kéo dài bao lâu cũng được (bằng thời kỳ quá độ tiến lên CNXH ?) là sao ?

      Trả lờiXóa
    5. @quachhiennb: Em xin ghi nhận phê bình của bác. Sẽ cố gắng khắc phục trong những kỳ (động) kinh tới.

      ;))

      Trả lờiXóa
    6. Dạo này đọc blog của bạn Khuê Việt thấy rất hãi. Hãi thứ nhất: là nhiều chữ, trích dẫn Đông Tây kim cổ, Phật, Chúa, Mác, văn, triết, sử tất tần tật....Hãi thứ hai: vừa đọc lại cứ phải vừa cảnh giác....Thế mới chết chứ lị....

      Hôm rồi đọc được ở đâu đó, hình như là trên "Kệ Tao Nhá Nhá" có bài phân tích đoạn thơ trên của cụ Chế như sau:

      "Cho đến tận bi giờ những vần thơ của nhà thơ Chế vẫn còn nguyên xi giá trị. Đến đầu thế kỉ 21 mà em vẫn đang ngủ trên một cái giường hẹp trải chiếu cói và đêm nào em cũng bị giấc mơ lương tháng tăng gấp 10 lần nó đè cho bẹp dí. Hạnh phúc với em rất chi là giản dị, mỗi lần em dành dụm đủ tiền để mua một cái khăn quàng dăm chục đô hay một bộ quần áo vải cao cấp đắt tiền thì em cứ cất mãi vào tủ không dám mặc vì quá hạnh phúc. (Hàng hiệu đắt lắm í, em chỉ dám mua cho chồng con xài thôi còn mình em bình thường em chỉ xài đồ rẻ tiền không hà). Và tâm hồn em sẽ thanh thản biết bao nhiêu nếu như em có được một nếp nhà tranh nhỏ bé nằm trên mảnh đất rộng khoảng 200m2 ở ngoại thành nơi em có thể trồng rau sạch và nuôi vịt nuôi gà...."....

      Trả lờiXóa
    7. Chịu rồi, nếu quy về khung địa chất thiên văn hay vật lý lượng tử; quá độ thuộc (nằm trong miền) nhận thức cũng chịu luôn! EV diễn giải hay quá sá .
      Chỉ là chị So cứ vương vấn cái mốt 1968 (Cấm không được cấm (Il est interdit d’interdire) và Hãy thực tế, hãy đòi hỏi điều không thể (Soyez réalistes, demandez l’impossible)của bạn NL, xem ra bây giờ chưa lỗi (mốt, trong văn EV cũng như trong thời sự đang ì ầm trên các blog mấy bữa nay.

      Trả lờiXóa
    8. YenNhi05:03

      Úi trời! Thông tin bất cân xứng được KV diễn tả hay quá. Tình yêu ơi hãy ở lại... Giờ chưa đến 90 ta đang cố gào lên đây.

      Thanks tác giả.

      Trả lờiXóa
    9. vậy thời gian chờ đợi kết quả sổ xố có được gọi là "thời kì quá độ" không? Có thể phụ thuộc vào kết quả trúng hay không trúng :D. Mà có vẻ như là không trúng rồi.Mà nếu ta tiên đoán được nó thì có được xem là "nhận thức" không ?

      Trả lờiXóa