4.2.08

    Những Người Điên Năm Cũ

    Tưởng ta nhớ chú lắm sao
    Này cây bông giấy bên rào năm xưa
    Chẳng qua trời đổ cơn mưa
    Thì thương cành mọn đong đưa một mình

    Cao Tần


    1. Mới đây trên RFI Việt ngữ, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng có kể lại chút kỷ niệm cũ với kịch tác gia Lưu Quang Vũ. Sau năm 1975, người đi trên mây vẫn còn ở Sài Gòn bụi và rác. Một hôm đứng trong hiệu sách nhỏ nghe người bên cạnh hỏi chủ tiệm: “Quyển này bao nhiêu ông ạ?” “Tám chục.” “Tôi có sáu chục đồng thôi, được không?” “Không được ông.” Người kia bỏ sách xuống rồi lại cầm lên ra chiều tiếc rẻ. Hồi lâu chàng cũng bỏ đi. Đợi người kia đi khuất, Nguyễn Xuân Hoàng mua quyển sách rồi chạy theo: “Anh ơi, ông kia chịu bán giá sáu chục rồi đó.” Người kia cười: “Thôi, tôi biết ông muốn tặng tôi chứ gì.” Dĩ nhiên anh chàng cuốc bộ vừa mới ngoài Bắc vào hãy còn lơ ngơ hồn Trương Ba da Hàng Thịt không hề điều tra lý lịch Nguyễn Xuân Hoàng, người đã từng có một thời ngồi trên ghế bành ở toà soạn tạp chí Văn (Ngụy) mà tả xung hữu đột. Bằng không chàng đã nhân danh công lý bắt ngay tên biệt kích trên mặt trận văn hoá này. Đồng chí Lưu: cứ cho lấy, không lắm lời. Riêng Nguyễn Xuân Hoàng, ông chưa hân hạnh được làm quen với tôi và chúng ta. Sau này ông mới quen (thấm thía).

    2. Trong kỷ yếu về nhân vật của Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển, mọi người nhắc nhiều chi tiết nho nhỏ với vị thầy trường Bảo hộ (Bưởi). Chuyện thầy thường dựng xe đạp trước cửa lớp, tóc chải brillantine bóng mượt, Âu phục thẳng nếp giản dị chẳng hạn. Phần Nguyễn Hiến Lê, ông chọn kể chuyện cười (có chép lại vắn tắt trong hồi ký). Hồi đó chương trình Pháp thuộc ở ban Cao đẳng Tiểu học có môn Hán văn nhưng dạy sơ sài chiếu lệ. Vì vậy khi thi bằng Thành chung ông rất run. Hôm vấn đáp, Giáo sư Dương Quảng Hàm đang ngồi nói chuyện với cụ Phó bảng Bùi Kỷ thì thấy trò Lê thập thò ngoài cửa. Thầy Hàm ngoắc vô. Cụ Bùi Kỷ bảo trò Lê viết chữ phụng. Tưởng kêu trình bày đại cương triết học sử Trung quốc thì trò Lê điếc, chứ chữ phụng có gì khó. Trò Lê mừng húm nắn nón chơi một chữ rõ to trên bảng xong quay xuống lấm lét dò xét. Thầy Hàm cùng cụ Kỷ đều gật đầu cười rồi cho ra. Xưa cười một cái nát thành người ta. Nay cười một cái phải gò lưng hơn nửa đời người để trả.

    3. Năm bảy năm truớc trên Tạp chí Thơ (số mùa thu 2001), cây gậy làm mưa Đỗ Kh. quyết định không làm thơ cũng chẳng viết ký sự, mà chuyển hẳn sang hát nhạc sến: Chuyện chúng mình. Hồi đó cu còn nhỏ, khoảng 13 hay 14 tuổi gì đó. Đang đứng xớ rớ trước đường bỗng đâu sự thể bất ngờ, xuất hiện nơi góc phố lầy lội một ông mắt kiếng tay cầm trái cam lăm lăm đi tới. Đi ngang chỗ Đỗ Kh., chắc thấy mặt cu cậu tội nghiệp hay sao, ông đưa cho trái cam rồi (không nói không rằng) đi thẳng. Đỗ Kh. đâu biết đó chính là nhạc sĩ hay về lại trong những ngày, nhìn từng hôm nắng ngời, nhìn từng khi mưa bay. Ông nhạc sĩ cũng không ngờ thằng nhỏ sau này sẽ thành thi sĩ và nhất là hay đi chơi ngang ngửa khắp nơi, hết Pháp quốc, rồi Mã Lai, Thái Lan, Nhật Bản…và mới đây là Ma Cao. Đi tới đâu thằng nhỏ làm (thơ) tới đó. Cam Đỗ Kh. nắm trong tay, bóp hay không không nghe ông kể (tiếp).

    4. Nguyễn Đắc Xuân là người Huế, ông thích khơi gợi chuyện xưa. Lần nọ ông lan man chuyện trước khi về hưu có thăm lại những nơi từng sống và đi qua, gặp lại những người cũ của một thời. Ông đến cảm ơn thầy Nguyễn Tri Bật, người đã xin cho ông vào học ở trường Tiểu học Tuệ Quang mặc dù hồi nhỏ ông thất học, không có học bạ lớp Nhất, phải dùng chứng từ (thế vì?) khai sanh trụt đi sáu tuổi mới được i tờ. Thầy Bật nói: “Con cảm ơn thầy là đúng rồi. Nhưng còn thiếu.” “Dạ, thưa thầy, thiếu ai?” “Thầy Nhất Hạnh.” Nguyễn Đắc Xuân chắc đang nghĩ tới Nói Với Tuổi Hai Mươi. Răng mà về viết hồi ký cảm ơn như TS. Phạm Đỗ Chí tề? Chừ không phải. Hồi chiến tranh loạn lạc, con này còn không biết (chắc) con ai, nói chi tới cái học bạ nên thầy Nhất Hạnh, lúc đó làm hiệu trưởng trường Tiểu học Tuệ Quang, ký liếp. Nếu không chỉ vài học sinh đủ giấy tờ hợp lệ để được học lên nữa. Nguyễn Đắc Xuân khai thiệt ông thấy cái học bạ đó có một lần rồi đem nộp làm hồ sơ đi thi Tiểu học. Thiền sư làm ngơ cho một nhà nghiên cứu văn hóa tương lai được bằng giả, học thật. Thiện tai, thiện tai!

    5. Đang tính kể chuyện bà ngoại lại lên cơn làm biếng. Hehe…Kim nhật bất tri hà xứ khứ, ngoại? How’ve you been?

    Miền Tây Nam bộ, những ngày cuối năm.

    3 nhận xét:

    1. đọc cái này bất giác nhớ đến ca từ Trịnh Công Sơn, trước 75 nó mang mang diếu diếu, âm ư không cần có nghĩa không cần rõ ràng ... sau 75 thì nó thành ra rõ nghĩa: " em còn nhớ hay em đã quên...Hà nội mùa thu cây cơm nguôi vàng ...". thấy rằng nhung tuyết đã rơi rụng ít nhiều ...

      Trả lờiXóa
    2. Cái này đọc dễ thương hen. Đào hoa y cựu tiếu đông phong thôi mà, nhưng mà bất kiến khứ niên nhân, lệ thấp xuân sam tụ.

      Trả lờiXóa
    3. sonata: Thú vị nhỉ. Chị nói em mới thấy. Nhưng Ca Khúc Da Vàng cũng rất rõ ràng chứ?

      today20: Ngưỡng mộ âm thầm, tự nhủ "sẽ có một ngày, một ngày như thế". Nhưng rồi "qua đây" xổ Nho thiệt trong khi vốn liếng cáo mượn oai hùm [của mình] thì đã cho ra hết rồi. Đúng như bạn NL nói: "Trẻ không học, già hối hận". Thế là không còn hy vọng gì nữa: "cỏ dại lại mọc đầy."

      Trả lờiXóa