18.3.08

    Lượng Hoá Hạnh Phúc

    Đâu mươi năm trước trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, ông Dương Ngọc Dũng tâm sự chuyện ông đi chơi ở Chicago, mà ông gọi là Kiều nữ Chicago. Cũng phải, vì chữ Chicago trong tiếng Anh phát âm nghe từa tựa như Chick-car-go. Bỏ gà lên xe Mustang mui trần chạy lòng vòng khắp phố tắm nắng. Vì ở xa tới, ông phải ở trọ. Nhà trọ nuôi một (hay hai ba chục?) nàng mèo ông rất thích hoặc ghét quá (đi thôi) nên buổi sáng trước khi rời nơi ấy ông không quên âu yếm phát vào mông nàng, lúc đó đang nằm trên bàn, một phát. Có chỗ có nơi không nằm, lại nằm trên bàn. Kỳ cục vậy? Nhưng chi tiết đó không có gì thú vị. Cũng (bình) thường thôi. Thú vị ở chỗ khác. Tới Chicago, ông đi loanh quanh phố gió, ngó nghiêng nghiêng, ông chợt nghĩ về mấy câu hát trong bài Thiên Thai của Văn Cao:

    Thiên Tiên chúng em xin dâng hai chàng (hai) trái đào thơm
    Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn

    Có thế có người không vui, cho rằng ông đã thông tục hoá (vulgarize) một cái tích đẹp khi thêm lượng từ vào chỗ cắc cớ vậy. Nhưng nghĩ kỹ không phải, có lẽ do quán tính của thói quen. Thiên Thai là hình ảnh Hán hóa của đất hứa. Hạnh phúc, sung sướng là đặc tính quyến rũ trọn gói của đất hứa. Nhưng không ai thấy mặt ngang mũi dọc của hạnh phúc ra sao. Chỉ thấy bóng dáng của hạnh phúc kiểu sen vàng lãng đãng như gần như xa. Vậy phải cụ thể hóa hạnh phúc để nắm lấy nó. Không gì cụ thể hơn lượng từ.

    Nếu nói đào khơi khơi. Không được. Mỗi người mỗi khẩu vị. Đào có nhiều loại đào. Đào lông (peach), đào trắng (yellow nectarine), đào vàng (white nectarine), đào Nhật Tân (pink cherry)… Có loại ăn được, có loại muốn ăn cũng không được. Nếu nói thơm. Thơm cũng nhiều kiểu: thơm dịu dặt, thơm ngào ngạt, thơm lừng, thơm thoang thoảng, thơm Chanel Allure Sensuelle, thơm Lancôme Hypnôse, thơm Vera Wang, thơm Shiseido Azinomoto… Chỉ có lượng từ là cụ thể nhất, chính xác nhất. Không cãi được. Không thể thêm vô bớt ra mà không làm thay đổi nhận thức về đối tượng được. Giả thử nói:

    Chúng em xin dâng hai chàng (ba) trái đào thơm.

    Nghe dị hợm làm sao. Không chừng hai chàng Lưu Thần, Nguyễn Triệu co giò chạy về quê sớm, còn đâu tích với điển.

    Chuyện lượng hoá (measurement) là chuyện nan giải chứ không phải chơi. Trong đa số các ngành khoa học, lượng hoá thường đi đầu mắc kẹt. Vũ trụ dừng ở đâu? Độ cồn trong lông con chồn? v.v... Thuyết tương đối, gọi là tương đối, cũng phải liên quan tới lượng. Hóa học, tâm lý học, sinh trắc học, siêng học, lười học, v.v.. đều qua cửa lượng. Nghe đâu trong kinh tế học còn có nhánh kinh tế hạnh phúc (economics of happiness). Nhánh này chuyên tọc mạch, so đo về hạnh phúc người khác qua các tiêu chí kinh tế của mình. Ví dụ đưa ra bảng câu hỏi tìm hiểu xem có sex bao nhiêu lần trong tuần thì hạnh phúc ngang có 50 đô la trong ngân hàng. Những lựa chọn khó khăn quá, đôi khi bất khả tư nghì.

    Tầm quan trọng của lượng được thấy qua vai trò của số nguyên. Nhà toán học thế kỷ 19 Leopold Kronecker nói một câu rất nổi tiếng: “Thượng đế tạo ra số nguyên. Phần còn lại là tác phẩm của con người” (God created the integers. All the rest is the work of man.) Có số nguyên là có tất cả. Cho nên nói lượng phản ánh trung thực chất sống cũng không sai. Ví dụ mơ màng nhà mặt phố, bố làm to. Mới nghe như không có lượng, chỉ có tính. Nhưng lượng ẩn đi thôi. Nhà mặt phố hơn các nhà khác ở con $$/mét vuông. Bố làm to hơn thằng khác ở số quota/ngạch trật. Còn nói: “Anh yêu em rất nhiều.” Nhiều là bao nhiêu? Không mường tượng được. Dễ nói mấy carat thì biết ngay.

    Ông cha ta ngày xưa cũng lượng hoá nhiều thứ để rút kinh nghiệm cho con cháu về hạnh phúc và như thế nào là hạnh phúc:

    Trai năm thê bảy thiếp
    Gái chính chuyên một chồng.

    Đối với đàn ông, muốn hạnh phúc phải năm, bảy. Đàn bà chỉ nên một. Đó, từ xa xưa tới nay, loài người luôn quanh quẩn, loay hoay với lượng. Không trách Dương Ngọc Dũng. Chỉ đang nghĩ nên lượng cái gì trước, bây giờ?


    11 nhận xét:

    1. @quachhiennb: Bác nghi oan cho em quá. Em còn không phân biệt nổi Đông Á học nó khác Đông Nam Á học chỗ nào. Nói gì công trình. Em thấy bác ấy tếu táo trên báo thế em chép lại để bày tỏ sự đồng cảm (cũng là thiện cảm) sâu sát. Đề nghị bác Quách Hiền thay ba chữ DND bằng Gấu Bố cho nó lành (em) ạ. ;-)

      @today20: Người em thì không nhỏ cũng không lớn mấy. Nhưng em hay "lượng linh tinh" vì không thể kiếm ra cái gọi là thứ tự ưu tiên hay pecking order.

      @sonata: Em làm gì có "thiên kiến khẳng định" (confirmation bias) gì đấy. Nếu có em chỉ có "thiên kiến lựa chọn" (selective bias) thôi. Cứ "thấy hay tán". Ông bà mình nói sao sai được hả chị. "Chính chuyên" thì hạnh phúc chứ "chín chuyên" đèo bồng là không xong rồi. Hehe...

      Trả lờiXóa
    2. Cậu hình như không có thiện cảm với bác Dương Ngọc Dũng...??? Về đời tư thì mình hông bình luận, nhưng ở góc độ học thuật thì đồng chí này có một số công trình rất đáng đọc...

      Trả lờiXóa
    3. thế định lượng thế nào về chính chuyên nhì, ông cha ta cũng lượng hóa cả vấn đề này nữa đấy :)
      xem ra bạn KV cũng "thiên kiến định hướng" phết!

      Trả lờiXóa
    4. Cái gì dễ lượng thì lượng trước chứ gì nữa. Người nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình, đến khi sức lớn lớn, tha hồ lượng linh tinh ;))

      Trả lờiXóa
    5. Hihi...Bác Quách Hiền giận (oan) rồi. Mình hay đùa nhảm không đầu không đũa đôi khi dễ gây hiểu nhầm. Mea Culpa! Mea Culpa!

      Em cũng không có hân hạnh được biết bác Dương Ngọc Dũng trong đời thường cũng như trong học thuật. Chỉ biết bác qua báo chí. Bài được nhắc ở trên đúng là có đăng trên Tuổi Trẻ, có kể chuyện đi chơi kiểu du ký ở Chicago thật. Cũng như các bài khác của Dương Ngọc Dũng, nó tếu tếu mà không thiếu nét ý nhị.

      Nói thay "Gấu Bố" cho "Dương Ngọc Dũng" là thay vào trong bài viết của em, không phải comment của bác, cho nó "lành" cho em. Vì như vậy tránh được ai đó (không may) hiểu nhầm là em có ý gì không hay về bác Dương Ngọc Dũng.

      Bác là dân Hán học, chắc chắn biết "Mượn hoa cúng Phật" (chứ không phải "Mượn dao giết người") trong Tam Thập Lục Kế. Nhắc bác Dương Ngọc Dũng là cái cớ (nhưng có thật như vậy về hai câu trích) để vui thôi. Vậy thay "Gấu Bố" hay anh A, chị B vào chỗ đó cũng được. Nó không có chuyện cá nhân hay ẩn ý gì ở đây hết.

      Phần ở dưới đây chắc bác không thắc mắc, nhưng em cứ nói ra. Hehe...nhỡ chị So lại tưởng em cạnh khoé ai mà mắng oan nữa thì chết. Hehe...

      "Thiên kiến khẳng định" (confirmation bias) là một topic nghiên cứu phổ biến và đã cũ trong Tâm lý học. Ví dụ mình mới bỏ thuốc lá, coi ti-vi chỗ nào cũng thấy cái lợi của việc bỏ thuốc. Cũng là một dạng hữu lý hoá (rationalization). Dĩ nhiên Thiên kiến khẳng định đa dạng và phức tạp hơn ví dụ của em nhiều.

      "Thiên kiến lựa chọn" (selective bias) là một khái niệm trong Thống kê. Nó nói về cách chọn mẫu thiên lệch để chứng minh cho giả thuyết (hypothesis) của mình. Chuyện này xảy ra khá thường trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong các báo cáo của các công ty dược liệu. Mặc dầu về mặt số liệu và diễn dịch các kết quả phân tích từ số liệu thì hoàn toàn logic. Nhưng vì ngay từ đầu đã chọn mẫu sai, nên nó vô giá trị hoá (invalidate) toàn bộ nghiên cứu.

      Hehe...dài dòng vậy để nói rằng trong muôn vàn câu ca dao, tục ngữ đứng đắn về mặt chính trị (politically correct), em lại chọn câu trên để ủng hộ tinh thần cho cái hypothesis ngưỡng mộ chế độ đa thê của em. Nói thẳng là em chế giễu cái tính háo sắc của em, hễ cứ "thấy bé nào hay" là "em hát thật ngoan".

      Còn bác nào phiền lòng em gì nữa nói cho em tiện giải trình luôn.

      @quachhiennb: Em vẫn hay bảo bác nhạy cảm là gì. Nhưng phụ nữ không nhạy cảm thì còn gì là phụ nữ.

      ;))

      Trả lờiXóa
    6. Hehe...

      Sau khi được bạn Quách Hiền giải oan (bí mật) cho mình thì mình mới (hú vía) hiểu đầu cua tai nheo thế nào. Hoá ra có hai Quách Hiền, một Sài Gòn, một Hà Nội, một trường, một viện. Đều tài sắc vẹn toàn cả. Khổ cái (tâm), mình không hề biết có Quách Hiền thứ hai (ở Sài Gòn) và chuyện gì gì nữa. Mình chỉ biết Quách Hiền "Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hoà bình".

      @sonata: Trách nhiệm trọng đại quá. Lỡ bữa nào nhảm khê, nhảm khét thành "hề chèo giễu dở" thì sao đây.

      @Nhị Linh: Bác xuất/dịch lia lịa như vậy thì mới "xẩy chân có xiền xây nhà" chứ em cày thuê cuốc mướn, xẩy mạng thì có chứ làm gì xẩy chân được ạ.

      @today20: Biết nhược điểm của mình nên tra tấn đây chứ gì. Đang sống bình an thế này, tự dưng đọc comment xong lại ngẩn ngơ daydream "tóc vàng sợi nhỏ, chờ mong em chín đỏ trái sầu" rồi "nay da em nâu tươi màu suy nghĩ". ;-(

      Trả lờiXóa
    7. vầng, thế nên bác sonata xem thế nào nhé, bác Quách Hiền bác Khuê Việt với em nhỡ ra lúc nào xảy chân có xiền xây nhà thì bác... một tí nhá

      Trả lờiXóa
    8. Bác Khuê Việt thế này phải xây dăm bảy cái nhà cơ, mà nếu không có pecking order thì e rằng mấy cái nhà (cũng như mấy người trong nhà) sẽ được selected theo random walk order ;))

      Thời buổi thóc cao gạo kém này mà cứ fooled by randomness như vậy sẽ rất lãng phí vì nguy cơ cao là trong khi đang xây nhà ở Minnesota cho em tóc vàng lại phải xây thêm 1 cái ở Florida cho em da nâu, rất là tốn tiền đi lại :-D

      Trả lờiXóa
    9. Xin lỗi bạn Khuê Việt, không biết câu này bạn có ý gì "Đề nghị bác Quách Hiền thay ba chữ DND bằng Gấu Bố cho nó lành (em) ạ...". Xin lỗi, đó là một người làm nghiên cứu mà tôi không quen mới chỉ đọc sách và gặp 1 lần duy nhất trong hội thảo quốc tế về Nho giáo. Như tôi đã nói, tôi không biết gì về đời tư của họ, dưới góc độ nghiên cứu thì tôi thấy họ đáng trọng, đơn giản tôi chỉ nói những gì mà tôi nghĩ như thế....

      Hình như bạn đã nhầm một Quách Hiền khác rồi...

      Trả lờiXóa
    10. sorry, "thiên kiến khẳng định" (là chữ trong blog bác Đông A)!!!

      Trả lờiXóa
    11. Hì hì, vào blog Nhị linh thì nhớn nhác tìm từ điển với google; vào blog em quach thì bám chắc lấy "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt; vào blog Khuê Việt thì chụm chân nhảy cóc ... thế mới thú chứ em quach ơi, cùng cười nhá, các em là nguồn vui hằng bữa của chị so đấy !!!

      Trả lờiXóa