28.3.08

    Nhất Linh – Bâng Khuâng Về Cái Ác Hay Là Tiếc Nuối Sự Ngu Xuẩn

    Tôi phải thú nhận là tôi có đọc bài của ông Nguyễn Văn Lục. Một bài viết thú vị. Nó làm tôi nghĩ vẩn vơ về Nhất Linh, người mà lâu nay tôi không có dịp nghĩ tới. Đơn giản là vì không phải tầm của mình. Dù chỉ là để bàn, để phán xét, để chỉ trích hay thậm chí ngưỡng mộ.

    Như những người bình thường khác, tôi sống cuộc đời của mình, kiếm cơm và tán nhảm với bè bạn những lúc thời gian và túi tiền cho phép. Nhưng cũng như những người bình thường khác, đôi khi, chỉ đôi khi thôi, tôi có những bực bội khác thường (một chút). Tôi nghĩ là mình được quyền như vậy.

    Ông Nguyễn Văn Lục cho rằng Nhất Linh điên. Tôi đồng ý quá đi mất. Vậy Nhất Linh, ông là ai?

    Tôi nghĩ Nhất Linh là con người của những dang dở (như chính ông tự nhận định).

    Ai cũng biết Nhất Linh trong nhóm Tự lực Văn đoàn, là cây bút chính. Ông chủ trương nhóm này, được ngầm thừa nhận là chủ soái không ngai của nhóm này. Nhưng Nhất Linh có phải là thủ lĩnh văn nghệ của Tự lực Văn đoàn không? Tôi không biết. Nếu chỉ dựa vào những gì ông viết, có lẽ không. Ông không thể là đại diện xuất sắc nhất cho thành tựu của Tự lực Văn đoàn trên bình diện văn chương thuần tuý. Theo một nghĩa nào đó, ông là một nhà văn dang dở. Không tới với nghệ thuật. Văn chương có thế chỉ là cái cớ do những thôi thúc khác, nhưng vì vô tình là một trong những đam mê sẵn có. Ông dùng nó. Vậy thôi.

    Mỗi lần nghĩ tới Nhất Linh, tôi lại nghĩ về Hồ Thích. Khi Hồ Thích trở về Trung Hoa từ Mỹ với tấm bằng tiến sĩ Triết học, ông hô hào đổi mới, ông chống báng, ông muốn giật phăng những rèm trướng, đèn hoa màu mè ngụy trang, che đậy cái xanh xao ủ dột của nước nhà. Trung quốc bấy giờ vẫn còn là chàng “Đông Á bệnh phu” ngơ ngác và ngày nay, tôi ngờ rằng, nó vẫn vậy. Nhất Linh về nước sau khi học xong Cử nhân Hóa Lý ở Pháp. Y khoa, Mỹ thuật, ông không xài đã đành vì bỏ học. Kiến thức khoa học mà ông bỏ công thi cử, giật được tấm bằng, ông cũng không xài. Lại một thứ dang dở khác.

    Không phải vì thực dân cai trị, mà vì sự cai trị của thực dân buộc người ta phải xét lại nhiều thứ, những rường cột, rui mè của dân tộc. Nhất là với những người từng một lần bước chân ra khỏi xó nhà như Cao Bá Quát, Phan Thanh Giản, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nhất Linh v.v… Nền đô hộ tàn bạo, nhưng không kém phần mới mẻ đó khác xa bọn Tàu gươm to người đông, khác xa bọn Chiêm hung hãn quấy rối vặt vãnh, khác một cách căn bản. Nó là một cuộc cưỡng hiếp tập thể về mặt chính trị, quân sự (đã hẳn), văn hoá. Cưỡng hiếp, xâm thực ngay ở những nơi mà tính bản địa có khả năng kháng cự cao nhất: ngôn ngữ và ẩm thực. Nó xô người ta vào một xó nhìn mới. Ở cái xó nhìn hạn hẹp đó, mỗi cá nhân phải nhìn nhận lại nhiều thứ. Nguyễn Khuyến nghĩ về cái đai, cái mũ, cái vốn liếng thực và hư trong đời làm quan và không làm quan của mình. Tú Xương nghĩ về chữ Nho; và đứng ở bên này hay bên kia thay đổi, ông đều thấy không phải là mình. Nhất Linh nghĩ về quan hệ gia đình, quan hệ họ tộc, quan hệ xã hội mà có lẽ ông cho là mấu chốt. Ông là một nhà cách mạng văn hóa? Có thể chỉ là một người ưa suy tư. Lừng khừng. Luận đề mãi là luận đề, nó chưa bao giờ trở thành thuyết cả. Mà chắc gì ông định lập thuyết.

    Nhất Linh làm báo và viết báo. Sao tôi không nghe ai nói về nhà báo Nhất Linh. Mà nếu có nghe, chắc tôi sẽ lấy làm lạ tai lắm. Ngộ không? Vậy Tiếng Cười, Phong Hoá, Văn Hóa Ngày Nay, … là cái gì? Đâu chỉ có vậy, ông còn bút chiến liên miên trên nhiều báo khác nữa. Ông đến rồi đi với làng báo, với nghiệp báo (hiểu kiểu nào cũng được), không hề vướng bận hay chú tâm vào tự thân nó. Ông chú tâm vào cái ông muốn nói, muốn chia sẻ, hoặc chỉ đơn giản là đang trăn trở thành lời. Báo chí với ông không là nghề, cũng không là nghệ. Người ta ít nhắc là phải.

    Nhất Linh cả tin. Một người cả tin có thể nào là chính trị gia được không? Trước hết, ông tin vào những điều tốt đẹp, gần như là lý tưởng. Ông lập đảng này, tham gia đảng nọ, liên kết, đoàn kết lung tung. Ông đứng vô nội các lơ láo. Vì đại cuộc hay vì niềm tin mà ông phải miễn cưỡng vậy? Rồi ông bôn ba hải ngoại, tù tội, được tha, về nước, lại đào thoát, mắc sai lầm, tuyên bố gác kiếm,v.v… Bao nhiêu đó cũng không đủ tiêu chuẩn đưa ông vào hạng chính trị gia sao? Tôi nghĩ không. Ông như một đứa trẻ hăng hái xung phong đi tốp đầu trong một đám nhóc muốn băng qua cánh đồng vào đêm khuya để bắt dế. Khi bọn trẻ đã trở nên dạn dĩ và ít nhiều bị lưu manh hóa, ông vẫn còn mải mê với hình ảnh con dế nỉ non ban đầu, những cuộc đấu dế trong tưởng tượng, những ngôi nhà dế hoành tráng. Và khi ông giật mình thì thấy đứa nào cũng thủ cho riêng mình một vài con, hoặc dế to, hoặc dế lửa, hoặc dế hổ mai gầm. Ông chản nản và bỏ cuộc. Nói thẳng là ông chịu thua. Một chính trị gia không lì lợm. Sao được?!

    Ông vào miền Nam ở ẩn. Vui với bầy lan của mình. Nhưng rồi cũng không yên. Không phải vì người này đến, người kia đến, nhắn tiếng, bắn tin để mua chuộc cáo mượn oai hùm. Mà vì ông là ông, như thuở còn thanh niên. Ông ngứa mắt, ngứa tai nhiều thứ, nên ông thôi không mắc võng trùm chăn nữa. Ông làm báo trở lại. Ông khuyến khích cây bút mới, dìu dắt lớp đàn em, mời cộng tác, v.v... Ông xuất bản sách. Sách của ông ít người đọc, ông là một thứ khủng long còn sót lại. Để chơi thôi, kính nhi viễn chi như Võ Phiến nhận xét. Vậy mà ông không hết nhiệt huyết, bỏ công âm thầm khảo về Viết Và Đọc Tiểu Thuyết. Không cần biết người ta, nhất là lớp thanh niên trước hoặc sau Hiệp định một chút, có thèm nghe mình không, nhưng vẫn cứ viết ra để trình bày với người khác cái “Tôi nghĩ như vầy…” Cũng theo Võ Phiến, những khuôn mặt ông phát hiện không đi theo hẳn con đường của ông. Ông làm thầy người ta cũng dang dở vậy.

    Ông tự tử. Một cái kết dang dở cho một cuộc đời dang dở. Gần nửa t
    hế kỷ sau, nó vẫn còn dang dở vì không hoàn thành sứ mạng lay động/cảnh tỉnh của mình. Khi tự tử, Nhất Linh ắt hẳn đồng cảm với tâm trạng của những người khác trong cùng hoàn cảnh. Có thể ông coi đó là một sự hy sinh, vì tình yêu chẳng hạn, nghĩa là một cái gì đó đáng lắm, cao cả lắm, giống Khi Người Ta Trẻ của Phan Thị Vàng Anh.

    Như đã nói trên, tôi đồng ý với ông Nguyễn Văn Lục là Nhất Linh điên. Chỉ có người điên mới sống, chơi (và chết) hết mình cho những dang dở của cuộc đời mình, những biến động và hệ lụy của thời đại dân tộc mình. Bây giờ ai cũng tỉnh. Toàn làm chuyện đáng làm, nói những chuyện nên nói. Đây là thời của phải đạo, không cho phép sai lầm.

    Tôi biết về Nhất Linh có bấy nhiêu. Tôi chỉ có thể nghĩ về Nhất Linh có bấy nhiêu. Ngoài ra thì tôi vẫn thường uống bia “33”, xem phim Hàn quốc, mơ mộng về những chân trời xa xôi vời vợi. Thỉnh thoảng, bâng khuâng về cái ác đẹp và buồn cười cho một cái chết ngu xuẩn nào đó.

    Miền Tây Nam bộ, rảnh không biết làm gì.




    Xem thêm ở đây:

    http://hoiluan.vanhocvietnam.org/?p=138

    http://www.phamthihoai.org/talawas/talaDB/showFile.php?res=12686&rb=0102


    17 nhận xét:

    1. Bài viết hay :) Tui nghĩ cụ Nhất Linh ở dưới suối vàng nếu đọc được chắc sẽ... mỉm cười.

      Không nhiều như bác Khuê Việt, tui mới đọc một tiểu thuyết của Nhất Linh là Đoạn Tuyệt. Sẽ cố gắng đọc thêm, nhất là cuốn "Giòng sông Thanh Thủy" để hiểu thêm về cuộc đời nhà văn.

      Trả lờiXóa
    2. Bài viết hay!

      Trả lờiXóa
    3. Bạn Quách Hiền không nên kỳ thị nhé. Hồ Dzếnh vẫn là nhà thơ, nhà văn Việt Nam chính hiệu, cho dù bị Hoài Thanh, Hoài Chân và Vũ Ngọc Phan cho chầu rìa.

      Đúng là "tâm thức" Cao Bá Quát có khác, nhưng "tâm cảm" ngỡ ngàng, ngạc nhiên của ông vẫn (giống các cụ khác) vậy, hơn nữa chữ "xó nhà" là của ông. Lần đầu ra nước ngoài, ở đây là Singapore, ông viết mấy câu thơ sau:

      Tân Gia từ vượt con tàu
      Mới hay vũ trụ một màu bao la
      Giật mình khi ở xó nhà...
      (Trúc Khê dịch)

      Dẫn theo Nguyễn Hưng Quốc, "Mấy vấn đề phê bình và lý thuyết văn học".

      Trả lờiXóa
    4. Bác Nhị Linh, chắc tại em không đọc nhiều bằng bác và các bác khác ở đây (dĩ nhiên hehe...), nên em không nghe ai gọi ông là nhà báo Nhất Linh. Chỉ nghe nhắc về nhà văn Nhất Linh làm báo, viết báo. Thiếu sót!

      Em nghĩ về mảng văn xuôi Tự lực Văn đoàn hơi yếu hơn thơ một tí (nếu rộng rãi kể thêm Huy Cận, Đoàn Phú Tứ và một vài "vệ tinh" nữa). Đó là lý do em không cho ông là "xuất sắc nhất".

      Bác không điên cũng nên lo trước đi bác ạ "vì mấy ai điên mà lại biết mình điên". Đấy, lâu lâu gắng gượng em mới "không được là mình" một phát thế này, bác lại phá. Em đành lòng phải lộ chân tướng "miệt vườn" hí hí Lý con ngựa Ô.

      Trả lờiXóa
    5. Bác Nhị Linh này chơi ăn gian quá. Vô trả lời chị So vụ Bướm... đi. Hìhì

      Thứ nhất, phải tính tới năm 1945. Không thể chọn mốc có lợi về phe ta thế được.

      Thứ hai, Nam Cao không máu cãi lắm nhưng văn xuôi vẫn hơn (ngay cả ở tiểu thuyết Chết/Sống Mòn). Hehe...

      Thứ ba, không thể tính lúc xuất bản tập truyện thì mới cho người ta có ảnh hưởng, hoặc là có hiện diện trên văn đàn được. Nam Cao đăng lai rai trên Tiểu thuyết Thứ Bảy trước đó rồi. Hơn nũa, văn học thời đó được "tiêu thụ" trên báo là chính. Đây mới là lượng độc giả quan trọng, cũng lớp khán giả hứng thú xem các cụ cãi nhau. Nếu tính như bác Nhị Linh thì Tô Thùy Yên không thể coi là nhà thơ miền Nam thành danh vì mãi cho đến năm 1995 ra hải ngoại ông mới in tập thơ riêng. Trước năm 1975 ở Sài Gòn, đa số các bài thơ của ông đăng trên Sáng Tạo và vài chỗ khác.

      Thứ tư, về Tô Hoài cũng vậy, ông đăng truyện ngắn rải rác khắp nơi trước 1945. Mà chính truyện ngắn là cái đáng nói chứ không phải "Dế mèn phiêu lưu ký".

      Trả lờiXóa
    6. Bác nói vậy em cũng phải chịu... là bác yêu quý cụ Nhất Linh. ;)

      Em có cho nó ý nghĩa lớn đâu. Em chỉ nghĩ nó nhỉnh hơn thôi. (Hì hì...Nhận định cá nhân nhé, không liên can gì tới ý định của tập thể). Câu "TLVĐ khó cạnh tranh nổi với các thi phái nhỏ lẻ khác và với Thơ Mới nói chung" cũng đúng nếu thay bằng mảng "văn xuôi". Nam Cao, Tô Hoài, và Nguyễn Công Hoan không thể coi là kém được. Có thể kể thêm Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng, nhưng không vững.

      Natsume Soseki thì em chưa đọc tác phẩm nào, cũng như biết về thân thế và sự nghiệp trước tác. Nghe nói ông cũng bị gán/nghi cho tội điên khi chúi mũi đọc sách ở Luân Đôn. Ông có "I am a cat" rất nổi tiếng thì phải. Bác xem cái tên tiểu thuyết "I am a hoarse" có ăn được không?

      ;)

      Trả lờiXóa
    7. Bác hí nghe... điêu luyện đấy.

      Nhót thêm phần thơ vào TLVĐ và cho nó một ý nghĩa lớn em nghĩ là không nên bác ạ. Thứ nhất là vì TLVĐ khó cạnh tranh nổi với các thi phái nhỏ lẻ khác và với Thơ Mới nói chung. Thứ hai là vì mục đích lớn của họ là dùng văn chương theo lối Âu Tây (nghĩa là văn xuôi and not biền ngẫu) để cải hóa cái dân ngu muội An Nam. Trong TLVĐ có ba nhà thơ, nhưng hai đồng chí rất nổi tiếng thì lại chả có mấy vai trò với "văn phái" là Xuân Diệu và Thế Lữ. Người còn lại có ý nghĩa thì lại là... Tú Mỡ.

      Nghĩ đến Nhất Linh (yêu quý hẹ hẹ) em lại thường hay nghĩ đến cái bác Natsume Sôseki hơn.

      Trả lờiXóa
    8. Óai, một Khuê Việt mới toe với luận anh hùng này, rất khúc triết với một độc giả chưa có một khái niệm nào về Nhất Linh.
      Cũng cần cám ơn Nhị Linh :)

      Trả lờiXóa
    9. Mình còn tệ hơn, mình chỉ biết mỗi... tên bác Nhất Linh. Nhưng cái này hay, công nhận lúc rảnh rảnh ở miền Tây Nam bộ cũng được việc chứ bộ ;))

      Trả lờiXóa
    10. Nên xếp riêng Cao Bá Quát ra khỏi những người đã từng ra khỏi "xó nhà" vì "tâm thức" Cao Bá Quát khác với những người còn lại. Hơn nữa, Cao Bá Quát vốn là "người Việt gốc Hoa", bạn Khuê Việt ơi...

      Trả lờiXóa
    11. Em vẫn thấy vụ thơ vs văn xuôi là ngược lại hoàn toàn. Văn xuôi ngoài Nhất Linh Khái Hưng chưa nói đến thì ba ông còn lại, Hoàng Đạo Thạch Lam và Trần Tiêu đều có số có má. Trận địa của TLVĐ cũng chủ yếu liên quan đến văn xuôi: cãi nhau vụ dâm uế, chửi các loại như Tân Dân etc. Thơ thì tuy có trao giải cho ba cái tác phẩm thì đều nhạt hoét, à đấy là nói Tế Hanh và Anh Thơ, còn Xuân Diệu thì tuy không nhạt nhưng hoét thì cũng có.

      Mặt bằng văn xuôi thời TLVĐ xuất hiện cũng không phong phú đến như thế đâu. Tô Hoài còn chưa viết dế mèn, tập đầu tiên của Nam Cao mãi 1941 mới in, trong khi thơ thì làm sao đọ lại nổi các loại anh tài dạng Vũ Hoàng Chương hồi đó.

      Yeah, "I am a cat", nhìn xã hội từ dưới tầm đầu gối. 4 năm London cắm đầu đọc văn chương Victoria. Miền Tây dậy sóng của bác thiếu gì cái hay mà phải đâm đầu vào I am này nọ ạ. Bác mà viết Cánh đồng không bất tận là có cái ăn dài dài zồi :))

      Trả lờiXóa
    12. Hị hị tớ lại thấy người ta thường xuyên nhắc Nhất Linh nhà báo và Nhất Linh nhà văn đấy chứ. Cái vụ chính trị thì là trò hâm đơ của biết bao nhiêu đời nhà văn tự nghĩ ra một thứ lý tưởng rồi lao theo. Nhất Linh về mặt chính trị này vẫn còn may chán, vì ít nhất còn tự quyết được đời mình, không như Phạm Quỳnh.

      Nhất Linh có phải là thủ lĩnh Tự Lực Văn đoàn không? Chắc chắn là có. Một thủ lĩnh văn chương chưa hẳn đã nhất thiết phải là người tài năng nhất về văn chương. Chắc bác muốn nói người tài năng nhất là Thạch Lam? Nhưng Thạch Lam làm sao thủ lĩnh nổi với mấy cái xó 36 phố phường (còn kém là dân miệt vườn như bác đến 10 lần hẹ hẹ).

      Với cả, dở dang thì có điên đâu ạ. Tớ đang có 101 dự án dở dang, các bạn khác cũng có một lô xích xông. Tớ cũng chơi hết mình phết, mà chưa thấy điên lắm :))

      Trả lờiXóa
    13. Sướng quá, vào đây tớ được đọc cả bài hay lẫn comment hay! Thanks all!

      Trả lờiXóa
    14. Hì hì ý em là 1945 thì xuất hiện hết anh tài zồi, nhưng 1933-1934 khi TLVĐ bắt đầu tự lực thì văn xuôi vẫn chủ yếu mấy bác Vũ Bằng Vũ Trọng Phụng, mấy bác kia còn khí bé.

      Trả lờiXóa
    15. hì hì, mới toe là vì lần đầu tiên thấy bạn KV có luận về một sự trên mặt đất, trước nay tòan thấy những sự trên trời hoăc là sương khói đâu đó lưng chừng trời ...dù rất ư là chi tiết (ví dụ như đi đái !)
      mình cứ ngỡ TLVD chỉ có mục đích cổ súy cho văn chương Tây (viết theo kiểu tây)thôi chứ nhỉ, thế thì TLVD đúng là dở dang rồi vì ngay cả Bướm Trắng vẫn còn biền ngẫu chán, ko thể so với Nam Cao (dù là 2 năm sau NC mới in)

      Trả lờiXóa
    16. Tôi biết về Nhất Linh có bấy nhiêu. ĐÚNG DZẬY !!!

      Tôi chỉ có thể nghĩ về Nhất Linh có bấy nhiêu. Ngoài ra thì

      tôi vẫn thường uống bia “33” ở BIA ÔM

      xem phim Hàn quốc,CHÁN PHÈO ....

      mơ mộng về những chân trời xa xôi vời vợi. ỐI GIỜI ƠI chân giời bác ngắn chưa bằng cái chân giò con lợn ỉ ...


      Thỉnh thoảng, bâng khuâng về cái ác đẹp và buồn cười cho một cái chết ngu xuẩn nào đó.

      Miền Tây Nam bộ, rảnh không biết làm gì. NÊN tôi vẫn thường uống bia “33” ở BIA ÔM

      ha ha ha !!!

      Trả lờiXóa
    17. Trung Kiên15:37

      Trời đất!

      Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là như thế sao?
      Tôi cứ tưởng ông là một trí thức, một nhà cách mạng vì dân vì nước...Nhưng nay biết được con người của ông thì...oải!

      Trả lờiXóa